Algeri hậu Bouteflika: ‘‘Phi chính trị hóa’’ quân đội đòi hỏi thời gian
- Thứ Bảy, 06 tháng Tư năm 2019 00:59
- Tác Giả: Trọng Thành
Quân đội và cảnh sát Algeri được đánh giá là "rất chuyên nghiệp", trong thời gian phong trào phản kháng đòi tổng thống Bouteflika từ chức. Trong ảnh, biểu tình tại Alger ngày 29/03/2019.
REUTERS/Tarek Amara
Việc tổng thống Algeri Bouteflika từ chức ngày 02/04/2019, gần một tháng trước khi hết nhiệm kỳ, dưới áp lực của đường phố và sự thúc ép mang tính quyết định của phía quân đội, mở ra một viễn cảnh chưa từng có cho chính trường Algeri.
Câu hỏi lớn đặt ra là quân đội Algeri có vai trò gì trong cuộc chuyển tiếp chính trị hiện nay ?
Quân đội sẽ đóng vai trò hạt nhân trong một chính quyền mới, mà thành phần cơ bản vẫn là những người thân cận với tổng thống Bouteflika ?
Hay sẽ hậu thuẫn cho một cuộc bầu cử dân chủ thực sự, tạo điều kiện cho dân chúng lựa chọn các đại diện của mình.
Sau đây là phần lược dịch cuộc phỏng vấn của Le Monde với bà Louisa Dris-Aït-Hamadouche, giảng viên ngành Khoa học Chính trị và quan hệ quốc tế Đại học Alger-III.
Chuyên gia chính trị học Algeri nhấn mạnh đến hai kịch bản trong những tuần tới : hoặc bầu cử tổng thống mới diễn ra trong khuôn khổ Hiến Pháp hiện hành, hoặc cải tổ Hiến Pháp để tạo thuận lợi cho người dân lên tiếng (1).
Nếu kịch bản thứ hai diễn ra, tiến trình này dự kiến những người nắm quyền hiện nay sẽ từ từ rút khỏi hệ thống quyền lực hiện tại, đổi lại là quân đội rốt cục cũng sẽ thực sự phi chính trị hóa.
Giáo sư nghĩ gì về vai trò của quân đội trong một giai đoạn mới đang mở ra tại Algeri ?
Trước tiên cần phải nhắc lại là quân đội trên thực tế chưa bao giờ thoát ly khỏi hệ thống chính trị Algeri.
Các thắng lợi trong các lần đắc cử và tái đắc cử của tổng thống Bouteflika chủ yếu là do sự hậu thuẫn của một thế lực này hay một thế lực khác trong quân đội.
Việc tổng thống Bouteflika từ chức hôm 2/4 vừa qua (do áp lực của quân đội) không phải là một ngoại lệ.
Nếu quý vị xem lại cách thức mà các đời tổng thống Algeri từ bỏ quyền lực kể từ năm 1962, ngoài trường hợp những người qua đời trước khi kết thúc nhiệm kỳ, thì tất cả đều kết thúc với sự can thiệp trực tiếp của tổng tham mưu trưởng quân đội.
Điểm khác biệt quan trọng hiện nay là vai trò của phong trào phản kháng của nhân dân.
Đây là lần đầu tiên quyết định của tổng tham mưu trưởng quân đội chống lại tổng thống xuất phát từ đòi hỏi của dân chúng.
Vai trò của quân đội trong việc loại trừ Bouteflika phải chăng là « một món quà tẩm thuốc độc » đối với phong trào phản kháng ?
Trong hiện tại, tôi không có ấn tượng là dân chúng coi đây là « một món quà ».
Có một tâm trạng hài lòng, thậm chí là tự hào, sau khi đạt được một kết quả chưa từng có.
Nhưng cũng phải thừa nhận là ông Bouteflika đã không từ chức, nếu mối quan hệ với lãnh đạo quân đội không bị rạn nứt. Quân đội rõ ràng đã có vai trò quan trọng.
Trong những tháng tới vai trò của quân đội sẽ biến chuyển ra sao ?
Có hai kịch bản. Kịch bản thứ nhất là thực thi các thủ tục đã được dự kiến trong điều 102 Hiến Pháp (liên quan đến việc phế truất tổng thống hoặc tổng thống từ nhiệm).
Trong trường hợp này, chủ tịch Thượng Viện sẽ đảm nhiệm vai trò quyền tổng thống trong vòng ba tháng, thời gian để tổ chức cuộc bầu cử mới.
Đây là một phương án dễ dàng thực hiện, hoàn toàn nằm trong khuôn khổ Hiến Pháp hiện hành.
Tuy nhiên, tôi sợ rằng phương án này không đáp ứng được khát vọng của dân chúng, bởi đây là một phương thức tốt nhất để bảo đảm là sẽ không có một thay đổi sâu sắc trong hệ thống chính trị.
Trong trường hợp này, quân đội sẽ tiếp tục là một tác nhân căn bản trong đời sống chính trị, cho dù có thể chỉ là trong hậu trường.
Chúng ta có thể hình dung ra kịch bản là tổng tham mưu trưởng rút lui, nhưng không vì thế mà ảnh hưởng của ông ta giảm bớt.
Kịch bản thứ hai hoàn toàn có thể là phong trào phản kháng và các đảng phái chính trị kêu gọi thiết lập một lộ trình chuyển tiếp, đòi hỏi xem xét lại các thủ tục được điều 102 Hiến Pháp dự kiến.
Đây sẽ là một lô-gic hoàn toàn khác. Trong trường hợp này, một nhóm các nhân vật uy tín, được đông đảo xã hội thừa nhận, sẽ đảm nhiệm sứ mạng của tổng thống lâm thời.
Bên cạnh đó là một chính phủ thực sự « mang tính chuyên môn » trong đó không có ai là thành viên trong các chính phủ, được Bouteflika chỉ định trước đây, được quyền tham gia.
Người ta nói đến việc rất nhiều khả năng là sẽ có cải tổ Hiến Pháp, bởi theo Hiến Pháp hiện hành, được cải cách năm 2016, nguyên tắc tập trung nhiều quyền hành cho tổng thống bị phản đối nhiều.
Có một đòi hỏi mạnh mẽ trong xã hội xem xét lại cơ chế cân bằng quyền lực.
Nhiều thẩm phán, luật sư đã tham gia phong trào phản kháng, để đòi hỏi cải cách luật pháp.
Có những đòi hỏi rất cụ thể và cần phải có thời gian để đáp ứng. Đây là kịch bản cho một tiến trình quá độ, được thương lượng, thỏa thuận.
Tiến trình này dự kiến những người nắm quyền hiện nay sẽ từ từ rút khỏi hệ thống quyền lực hiện tại, đổi lại là quân đội rốt cục cũng sẽ thực sự phi chính trị hóa.
Quân đội được người dân nhìn nhận ra sao ?
Nhìn chung, ứng xử của toàn bộ lực lượng an ninh – từ quân đội đến hiến binh, cảnh sát – được đánh giá là chuyên nghiệp, trong suốt phong trào phản kháng vừa qua.
Trong số toàn bộ các định chế hiện tại, thì các lực lượng bảo vệ an ninh, và đặc biệt là quân đội, được người dân Algeri tin cậy nhất.
Thậm chí họ còn tin tưởng vào Quân Đội Nhân Dân (ANP) còn hơn cả Quốc Hội, các đảng phái chính trị hay tư pháp.
Cũng có vấn đề là ANP là quân đội của lính nghĩa vụ, vốn gần gũi với dân chúng.
Trong nhiều cuộc biểu tình ngày thứ Sáu hàng tuần, nhiều khẩu hiệu biểu thị « tình huynh đệ » của dân chúng với quân đội.
Ngược lại, chính tổng tham mưu trưởng Ahmed Gaid Salah lại thường xuyên bị phê phán.
Trong ý thức tập thể của người dân Algeri, có sự khác biệt thực sự giữa quân đội với tư cách một định chế với tầng lớp lãnh đạo quân đội bị coi là thuộc giới nắm quyền.
Quân đội có thể đáp ứng các đòi hỏi của dân chúng tới mức nào, trong việc thay đổi một chế độ mà giới lãnh đạo quân đội vốn là một bộ phận cấu thành ?
Chính ở đây mà tôi nói đến một tiến trình quá độ được thương lượng.
Sẽ là ảo tưởng khi hình dung là quân đội sẽ rút lui ngay lập tức và triệt để khỏi toàn bộ hệ thống chính trị, tầng lớp lãnh đạo quân đội ngay lập tức phi chính trị hóa.
Tôi cho rằng tiến trình phi chính trị hóa này có thể sẽ diễn ra từ từ, thông qua các thương lượng để không khiến các thế lực này hay thế lực khác phải lo ngại.
Dù gì đi nữa, những gì mà Algeri vừa trải qua trong những tuần vừa qua không thể không để lại dấu vết.
Không có áp lực của dân chúng, tổng tham mưu trưởng đã không bao giờ dám phá vỡ liên minh gắn chặt quân đội với tổng thống.
Ông ta không còn một lựa chọn nào khác. Cho dù tiến trình quá độ rõ ràng là khó khăn, nhưng bước ngoặt đã xảy vào ngày mùng 2 tháng Tư (khi tổng thống Bouteflika chấp nhận buông bỏ quyền lực) (2).
Ghi chú
1. Cũng trong bài phỏng vấn nói trên, nhà chính trị học Đại học Alger-III lưu ý đến một số lo ngại phổ biến hiện nay, đó là các phong trào đối lập non trẻ tại Algeri « không đủ vững vàng », trước áp lực và các nỗ lực thao túng từ phía tập đoàn cầm quyền.
Nỗi lo ngại dựa trên một thực tế là trong khoảng hai thập niên trở lại đây, giai tầng nắm quyền đã nhiều lần khéo léo đưa được nhiều lãnh đạo của các phong trào phản kháng khác nhau tham gia vào bộ máy chính quyền.
2. Nhà chính trị học Louisa Dris-Aït-Hamadouche cũng thuật lại việc nhiều người trong số hàng triệu người dân Algeri tham gia phong trào phản kháng đầu năm 2019 đã so sánh biến động chính trị quan trọng nhất trong vòng 20 năm qua này với phong trào rộng lớn năm 1962, dẫn đến nền độc lập cho Algeri.
Tin mới
- Mỹ đưa « Vệ binh cách mạng » Iran vào danh sách khủng bố - 09/04/2019 13:18
- Chiến sự tại Libya : Nga, Mỹ kêu gọi các bên kiềm chế - 08/04/2019 17:01
- Biển Đông: Philippines đang trả giá cho chiến lược “hảo hảo” với Trung Quốc - 08/04/2019 16:26
- Hoa Kỳ : Tranh luận về việc khai quốc tịch trong điều tra dân số - 08/04/2019 02:19
- e-Sport : Từ được công nhận là môn thể thao đến ngành công nghiệp tương lai - 07/04/2019 22:02
- Thái Lan : Lãnh đạo đảng đối lập Tương Lai Mới bị buộc tội "tạo phản" - 07/04/2019 21:52
- Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc bất đồng về thương mại và nhân quyền - 06/04/2019 19:07
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06- 4-2019 - 06/04/2019 18:29
- Tại sao công nghệ sẽ là cuộc chiến của thế kỷ XXI ? - 06/04/2019 17:28
- Ukraina : Tranh cử lố bịch trong vòng 2 bầu cử tổng thống - 06/04/2019 01:09
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05- 4-2019 - 06/04/2019 00:24
- Toutankhamon và kho báu Pharaon Ai Cập cổ đại « tái xuất » Paris - 05/04/2019 18:15
- Mỹ tìm ra bằng chứng Hoa Vi vi phạm cấm vận - 05/04/2019 16:24
- Thương mại : Donald Trump lạc quan, Tập Cận Bình kêu gọi sớm ký kết thỏa thuận - 05/04/2019 16:00
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04- 4-2019 - 04/04/2019 21:33
- NATO mừng sinh nhật thứ 70 - 04/04/2019 14:20
- Putin sẽ trị vì suốt đời như các nhà độc tài Liên Xô cũ? - 04/04/2019 13:57
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03- 4-2019 - 04/04/2019 01:27
- Mỹ đã nghĩ đến việc đưa pháo tới Philippines răn đe Trung Quốc - 04/04/2019 00:47
- Mỹ tẩy chay thượng đỉnh về Con Đường Tơ Lụa Mới ở Bắc Kinh - 04/04/2019 00:23