Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thương mại : JEFTA, mặt trận chung Nhật Bản – Châu Âu đối phó với Mỹ ?

japan eu trade 2


Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, giữa, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, trái, và Hội đồng châu Âu Tổng thống Donald Tusk, phải , mỉm cười sau khi cuộc họp báo chung của họ về hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-EU tại dinh thự chính thức của Abe ở Tokyo 170718Reuters
 

 

Chủ trương America First của Mỹ đẩy Nhật Bản vào vòng tay Liên Hiệp Châu Âu trên vế thương mại.

Sau sáu năm đàm phán, hiệp định tự do mậu dịch JEFTA đi vào hoạt động. Đôi bên đều chấp nhận nhiều nhượng bộ quan trọng để một khu vực tự do mậu dịch Liên Hiệp Châu Âu – Nhật Bản ra đời.

 Đây là một thị trường với 630 triệu dân, bảo đảm gần 40 % tổng sản lượng toàn cầu.
Kể từ ngày 01/02/2019 hiệp định tự do mậu dịch giữa Nhật Bản và Liên Hiệp Châu Âu JEFTA chính thức có hiệu lực.

Báo chí thường ví von đây là một thỏa thuận "đổi nông phẩm lấy hàng công nghiệp", do với hiệp định này, 90 % nông phẩm của châu Âu bán sang Nhật Bản được miễn thuế nhập khẩu, 10 % còn lại sẽ từng bước được miễn thuế trong thời hạn tối đa là 20 năm.
Đổi lại xe hơi Nhật và nhất là phụ tùng xe hơi made in Japan không còn trở ngại nào để chinh phục thị trường chung châu Âu.

 

Thỏa thuận JEFTA bao gồm những gì ? Đâu là lợi ích kinh tế, thương mại và chiến lược của đôi bên ?

Không ồn ào như hiệp định tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu với Canada - CETA, hay thỏa thuận bị chết yểu với Hoa Kỳ, JEFTA là một trong những thỏa thuận thương mại quan trọng nhất đối với Liên Hiệp Châu Âu.

Sau 18 vòng đàm phán với nhiều thăng trầm, ngày 08/12/2017 Tokyo và Bruxelles san bằng được những bất đồng để thành lập "thị trường lớn nhất thế giới".
Văn bản chính thức được thông qua vào tháng 07/2018 nhân thượng đỉnh Nhật-Âu và vừa có hiệu lực kể từ đầu tháng 02/2019.

Bruxelles và Tokyo dự báo với hiệp đỉnh JEFTA, xuất khẩu hai chiều tăng mạnh ngay từ năm nay.
Là một nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu, Tokyo kỳ vọng GDP của Nhật tăng thêm được 1 % nhờ xóa bỏ các hàng rào quan thuế và phi quan thuế với châu Âu.

Thỏa thuận quan trọng nhất của Liên Hiệp Châu Âu

Nhật Bản hiện là đối tác thương mại quan trọng thứ ba của toàn châu Âu, sau Mỹ và Trung Quốc.
Châu Âu là đối tác thứ nhì của Nhật trên thế giới. Đầu tư của Nhật tạo việc làm cho nửa triệu công dân châu Âu.

Tổng kim ngạch xuất khẩu sang Nhật lên tới 85 tỷ euro, bảo đảm việc làm cho 600.000 người lao động của Liên Âu ; 75.000 doanh nghiệp châu Âu mà 80 % trong số này là các doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ.

Trả lời đài RFI Pháp ngữ, Frédéric Sanchez, chủ tịch nghiệp đoàn giới chủ Pháp, đặc trách về quốc tế, hài lòng với hiệp định JEFTA :
"Hiện tại, trước khi hiệp định tự do mậu dịch với Nhật Bản có hiệu lực, 80 % các công ty xuất khẩu sang Nhật là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi vì người Nhật rất ưa chuộng hàng có chất lượng cao.
Có nhiều công ty Pháp sản xuất những mặt hàng đặc biệt đáp ứng đúng nhu cầu về chất lượng, về an toàn của Nhật Bản".

Thêm 10 tỷ euro cho nông gia châu Âu

Ngành nông nghiệp châu Âu được coi là có lợi hơn cả với hiệp định JEFTA.
Thứ nhất kể từ khi có hiệu lực, 85 % nông phẩm của châu Âu bán sang Nhật được miễn thuế nhập khẩu.

Điển hình là rượu vang Pháp trước JEFTA rượu vang và champagne của Pháp bán sang xứ hoa anh đào bị đánh thuế 15 %.
Kể từ đầu tháng 02/2019, rào cản quan thuế đó không còn tồn tại.

Thứ hai, đôi bên đề ra một giai đoạn chuyển tiếp 15 năm để từng bước mở cửa thị trường Nhật cho các nông gia châu Âu.
 Thuế nhập khẩu sẽ từng bước được giảm đối với một số mặt hàng nhu yếu phẩm nhậy cảm như phó mát, thịt bò.
 
Tokyo và Bruxelles đồng ý thịt bò của châu Âu xuất khẩu sang Nhật cũng sẽ được giảm thuế nhập khẩu, đang từ 38,8 % xuống còn 9 % vào năm 2034.
Châu Âu dự phóng xuất khẩu nông phẩm sang Nhật tăng gấp đôi, thậm chí là gấp ba nhờ các biện pháp xóa bỏ hàng rào quan thuế.

Nhưng cần lưu ý rằng, gạo là một ngoại lệ, đứng ngoài thỏa thuận giữa Tokyo và Bruxelles.
Nhật Bản là một trong số những quốc gia có chính sách bảo hộ nông nghiệp chặt chẽ nhất trên thế giới, thị trường nông phẩm được coi là "khép kín" nhất.

Đất canh tác chỉ bằng 12,6 % diện tích chung của cả nước ; ngành nông nghiệp Nhật Bản chiếm 1,4 % so với GDP ; thành phần nông dân tương đương với 7,4 % dân số .

Dù vậy từ sau Thế Chiến Thứ Hai, các chính phủ liên tiếp đã coi mục tiêu "tự lập" về lương thực là một ưu tiên hàng đầu.
Từ đó, Nhà nước đã dốc lực hỗ trợ cho nông dân. Bằng chứng rõ rệt nhất là dù tạo ra 1,4 % tổng sản phẩm nội địa nhưng ngân sách hỗ trợ nông gia Nhật Bản của Tokyo bằng 1,3 % GDP của nền kinh tế lớn thứ nhì châu Á này.

Nói cách khác, để nông dân Nhật tạo ra được 1 yen thực phẩm thì lại được chính phủ trợ cấp gần 1 yen.
Để tài trợ cho chương trình tốn kém này, Tokyo luôn mạnh tay đánh thuế lương thực, thực phẩm nhập từ bên ngoài.
Một số sản phẩm chế biến từ sữa của Âu, Mỹ muốn bán sang Nhật Bản có thể bị đánh thuế đến mức tối đa là 67 %.

Chủ trương bảo hộ đó khiến các nông gia Nhật Bản có lá phiếu quyết định. Chính vì thế mà không đảng nào dám mạnh dạn mở cửa thị trường nông phẩm của Nhật.

Ngành công nghiệp, lợi thế nghiêng về Nhật Bản

Về phía Nhật Bản, hiệp định JEFTA mở đường cho hàng công nghiệp của Nhật dễ thâm nhập châu Âu hơn. Phòng Thương Mại Nhật Bản dự phóng nhờ xóa bỏ được các hàng rào quan thuế, GDP của Nhật sẽ tăng thêm được 1 %.

Trên xứ hoa anh đào, công nghiệp chiếm hơn ¼ GDP và từ thập niên 1980 đến nay, Nhật Bản được coi là một nền công nghiệp tân tiến nhất, đa dạng nhất thế giới.

Các tập đoàn Nhật hiện diện từ lĩnh vực điện tử đến công nghệ cao, từ cơ khí, ngành luyện kim hay sản xuất xe hơi.
Dù đi sau châu Âu và Mỹ nhưng hiện tại, cứ trên 100 chiếc xe hơi được ra lò trên thế giới, 21 chiếc mang nhãn nhiệu của Nhật.

Toyota và Nissan là 2 trong 5 nhà sản xuất hàng đầu của thế giới. Cho đến nay, để bảo vệ nền công nghiệp của 28 nước thành viên, Liên Hiệp Châu Âu đánh thuế 10 % vào xe Nhật và nhất là đánh thuế phụ tùng xe hơi Nhật.

Nhưng với JEFTA các hàng rào thuế quan này sẽ hoàn toàn được bãi bỏ trễ nhất là vào năm 2027.
Đại diện Nhật Bản, ông Yoichi Suzuki đặc trách hồ sơ công nghiệp xe hơi trong các vòng đàm phán với châu Âu, cho biết:

 "Trong vòng 7 năm, toàn bộ thuế 10 % đánh vào xe Nhật bán sang châu Âu sẽ được xóa bỏ, nhưng quan trọng hơn nữa là thuế nhập khẩu đánh vào phụ tùng xe hơi hiện giao động từ 4 đến 8 %, không còn tồn tại từ khi hiệp định có hiệu lực".

Nhưng trên hồ sơ công nghiệp thì đến lượt châu Âu lúng túng và cần có thời gian đến từng bước giảm thuế nhập khẩu cho hàng của Nhật, như phân tích trên đài RFI chuyên gia kinh tế, Sébastien Jean, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Triển Vọng Kinh Tế và Thông Tin Quốc Tế CEPII :

"Châu Âu và Nhật chủ yếu mua bán với nhau trong lĩnh vực công nghiệp?
Câu hỏi đặt ra là hiệp định mới này sẽ đem lại những thay đổi nào trong quan hệ kinh tế và thương mại cho cả đôi bên ?

Tôi thiển nghĩ, thay đổi chủ yếu liên quan đến những chuẩn mực của cả phía Nhật và Liên Âu.
Nhiều người nói đùa thỏa thuận mậu dịch với Nhật Bản là một văn bản "bán ô tô đổi lấy phó mát", bởi vì Nhật thì xuất khẩu xe hơi mà xe Nhật bán sang châu Âu tới nay bị đánh thuế đến 10 % .

Với hiệp ước thương mại Nhật – Âu, xe hơi của Nhật sẽ được miễn thuế nhập khẩu.
 Còn các nước châu Âu, mà đứng đầu là Pháp thì nổi tiếng là có phó-mát ngon, nhưng khi bán sang thị trường Nhật thì lại vấp phải nhiều hàng rào y tế, vệ sinh ...

Tất cả những trở ngại này đều được xóa bỏ kể từ hôm 01/02/2019, tức là kể từ khi thỏa thuận mậu dịch song phương có hiệu lực.
Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng, châu Âu cũng là một nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới, và châu Âu cũng muốn xuất khẩu nhiều xe hơn sang Nhật".

Mặt trận chung chống chính sách bảo hộ của Mỹ

Giám đốc trung tâm CEPII nhắc lại đàm phán giữa Tokyo và Bruxelles đã trải qua nhiều thăng trầm và có lúc tưởng chừng không đạt đến đích, nhưng chính các quyết định từ Washington của tổng thống Donald Trump đã thúc đẩy Nhật Bản và Liên Âu nhanh chóng cho hiệp định JEFTA ra đời :
"Từ tháng 11/2012, các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đã ủy quyền cho Ủy Ban Châu Âu để đàm phán với Nhật Bản về một hiệp định thương mại.

 

Tiến trình đàm phán đã kéo dài và rất phức tạp với khá nhiều chông gai. Trớ trêu thay, tổng thống Mỹ, Donald Trump lại là nguyên nhân thúc đẩy Tokyo và Bruxelles xích lại gần nhau.

Chính sách bảo hộ mậu dịch của Washington đã giúp châu Âu và Nhật Bản nhanh chóng đúc kết thỏa thuận để cùng đối phó với đường chủ trương một chiều của Mỹ".
Nhân danh chính sách America First, Nhà Trắng dọa luôn cả những đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ là Nhật Bản và Liên Hiệp Châu Âu.

Washington vẫn để ngỏ đe dọa đánh thuế 25 % vào thép, áp thuế 10 % bán sang Hoa Kỳ và nhất là vẫn chưa từ bỏ ý định đánh thuế xe hơi của Liên Âu đã khiến Bruxelles và Tokyo "thành lập một mặt trận chung".

Giám đốc trung tâm CEPII không hoàn toàn chia sẻ quan điểm này :
 "Tôi không nghĩ là Liên Hiệp Châu Âu quay lưng lại với Mỹ, nhưng đúng là từ một vài năm trở lại đây, Bruxelles đề ra một chính sách thương mại đầy tham vọng và có khuynh hướng mở rộng các mối đối tác.

Châu Âu đã liên tục mở các cuộc đàm phán về thương mại, và đôi khi thái độ năng động đó cũng gây nhiều tranh cãi và làm lộ rõ nhiều vấn đề hơn là để giải quyết những vấn đề về mậu dịch.
Tuy nhiên thỏa thuận vừa có hiệu lực với Nhật Bản khá đặc biệt. Đúng như vừa nói, Nhật là một đối tác thương mại rất quan trọng đối với Liên Hiệp Châu Âu.

Hai khối Liên Âu và Nhật Bản cộng lại chiếm 30 % tổng sản lượng toàn cầu.
Nhưng Nhật nằm ở rất xa châu Âu và xét cho cùng tổng trao đổi mậu dịch hai chiều giữa Tokyo và 28 thành viên trong Liên Âu tương đương với chưa đầy 1 % giao thương toàn cầu.

Thành thử ra, tôi nghĩ rằng hiệp định tự do mậu dịch với Nhật Bản quan trọng ở chỗ, văn bản này mở đường cho đôi bên hợp tác trong những lĩnh vực mà cả Nhật lẫn châu Âu cùng đang chiếm thế thượng phong.
Tôi muốn nói đến những lĩnh vực như là ngành sản xuất xe hơi, công nghiệp hóa chất hay cơ khí ...

Ngoài vế xóa bỏ các hàng rào quan thuế giữa đôi bên, JEFTA còn cho phép Nhật Bản và Liên Hiệp Châu Âu xóa bỏ những hàng rào phi quan thuế liên quan đến những chuẩn mực chung về chất lượng, về an toàn ...

Nhưng quan trọng hơn nữa là văn bản mới có hiệu lực từ đầu tháng 2/2019 cho phép Bruxelles và Tokyo đẩy mạnh hợp tác trong những lĩnh vực từ chống tội phạm cyber đến phỏng thủ hay chống biến đổi khí hậu.

Với Liên Âu, hiệp định tự do mậu dịch với Nhật quan trọng ở chỗ, Bruxelles vừa thắt chặt thêm quan hệ với một trong những đồng minh thân thiết nhất của Washington ở châu Á là Tokyo.

Nhìn từ phía thủ tướng Abe, lá bài châu Âu cho phép Nhật Bản đa dạng hóa các nguồn tiên thụ, giảm bớt mức độ lệ thuộc vào Hoa Kỳ và xuất khẩu của Nhật không bỏ tất cả trứng vào một giỏ.


Switch mode views: