Ấn Độ : Bao giờ mới có bình quyền nam – nữ ?
- Thứ Bảy, 05 tháng Giêng năm 2019 15:41
- Tác Giả: Minh Anh
Bindu Ammini và Kanaka Durgan được cảnh sát hộ tống sau mưu toan xâm nhập đền thờ Sabarimala, bang Kerala, lần đầu tiên ngày 24/12/2018.REUTERS/Stringer TPX IMAGES OF THE DAY
Truyền thông Ấn Độ ủng hộ cuộc xâm nhập ngoạn mục của hai phụ nữ vào đền thờ thiêng Ayyappa cấm nữ giới ;
Du khách thăm thành cổ Venise sẽ phải trả thêm một khoản thuế mới năm 2019 ;
Tầu thăm dò New Horizon bay vòng quanh thành công thiên thể xa nhất trong Thái Dương Hệ và Trung Quốc ngày càng khẳng định thế siêu cường không gian.
Trên đây là những chủ đề chính mục Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Tại Ấn Độ, nhiều người biết rằng công cuộc đấu tranh đòi bình quyền nam – nữ vẫn sẽ là một cuộc chiến dài hơi.
Nhưng không vì thế mà làm nản lòng nhiều nhà tranh đấu.
Ngày thứ Tư 02/01/2019, hai phụ nữ đã xâm nhập thành công đền thờ Ấn giáo Ayyappa, ở Sabarimala thuộc bang Kerala.
Đền Ayyappa nằm ở giữa một ngọn đồi là một trong những đền thờ Ấn Độ giáo linh thiêng nhất ở Ấn Độ.
Mỗi năm, ngôi đền này thu hút đến hơn 100 triệu khách hành hương, nhưng cho đến giờ vẫn « cấm cửa » phụ nữ.
Vì vậy, hành động can đảm của hai người phụ nữ trên được xem như là đặt dấu chấm hết cho nhiều thế kỷ phân biệt nam – nữ và đã khích lệ tinh thần một nữ tín đồ thứ ba bước chân vào đền Ayyappa hôm thứ Sáu 04/01.
Từ New Dehli, thông tín viên Sébastien Farcis cho biết thêm phản ứng của giới truyền thông Ấn Độ về vụ việc này :
« ʺGiấc mơ có của chúng tôi đã thành hiện thựcʺ. Bindu Ammini, một trong hai người phụ nữ vào đến Sabarimala đã thốt lên như thế và thuật lại cử chỉ mang tính lịch sử này trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Hindustan Times.
Nhà đấu tranh theo xu hướng cực tả này, tốt nghiệp ngành luật, đã mô tả chi tiết cách bà và cô bạn phải ẩn náu ra sao trong nhiều ngày và không cho ai biết kế hoạch của họ, ngoại trừ vị cảnh sát trưởng địa phương, người đã giúp họ vào đền.
Khi hay việc, các vị chức sắc trong đền đã tiến hành một nghi lễ tẩy uế.
Một hành động đã bị một số nhà trí thức ở Kerala lên án theo như tường thuật của tờ Indian Express. Họ viết :
ʺNghi thức đó đã vi phạm quyền bình đẳng giới tính và đi ngược với phán quyết của tòa án tối cao cho phép phụ nữ được vào các đền đài.ʺ
Trang mạng thông tin Scroll cũng ủng hộ quan điểm này cho rằng nghi lễ tẩy uế có thể được xem như là một hành động vi phạm Hiến Pháp, nghiêm cấm tiến hành mọi hình thức gợi nhắc lại tình trạng kỳ thị nhắm vào những tiện dân xưa kia ».
Dân số già, quân đội Đức tuyển quân người nước ngoài
Nước Đức có dân số ngày càng già nên quân đội nước này ngày càng khó tuyển quân.
Để đối phó với tình trạng thiếu binh sĩ, quân đội nước này mới đây phải thông báo tuyển thêm binh sĩ ở các nước khác nằm trong khối Liên Hiệp Châu Âu.
Hiện có số quân là 180.000 người, quân đội Đức có tham vọng trong vòng 5 năm tăng số binh sĩ lên thành 203.000 người.
Thế nhưng, từ cuối đợt tuyển quân năm 2011, trong một xã hội có dân số ngày càng già cỗi, việc tuyển quân nhân trẻ ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Thậm chí, điều này còn trở thành một thách thức lớn cho đất nước mà ở đó quân đội vẫn phải gánh một hình ảnh tiêu cực, trong vòng 75 năm qua kể từ khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc.
Theo nhận định của thông tín viên đài RFI, Julien Mechaussie tại Berlin, nếu như một số quốc gia trong Liên Âu như Cộng hòa Séc, Thụy Điển, Bỉ hay Đan Mạch dường như không phản đối ý tưởng này, thì nước Pháp có vẻ như rất thận trọng.
Nhất là tại các nước Đông Âu, dự án này của quân đội Đức đang làm dấy lên nhiều quan ngại như Bulgari chẳng hạn, một trong những thành viên trụ cột của khối NATO, hiện cũng đang hứng chịu tình trạng khan hiếm nhân sự triền miên ngay trong quân đội.
Theo ước tính, Bulgari hiện đang thiếu hụt đến 20% quân số.
Do vậy những nước này quan ngại một sự cạnh tranh không lành mạnh, do quân đội Đức đề xuất trả lương cao hơn :
Lương tối thiểu trong quân đội Bulgari là 190 euro/tháng, trong khi tại Đức, mức lương trung bình cơ bản của một binh sĩ là 2.350 euro/tháng.
Một mức lương đủ để cám dỗ bao thanh niên các nước khác tham gia quân đội Đức.
Quá tải, Venise sẽ đánh thêm thuế vào du khách
Nhìn sang nước Ý, những ai muốn vào thăm thành cổ Venise trong năm 2019 có nguy cơ phải trả tiền vé tham quan đắt.
Một khoản phụ thu vừa được chính phủ Ý đưa vào luật tài chính năm nay. Mục tiêu : Một mặt hỗ trợ cho việc bảo trì các di tích thành cổ Venise, và mặt khác là nhằm hạn chế bớt tình trạng du lịch đại trà.
Từ Roma, thông tín viên đài RFI, Anne Le Nir cho biết rõ mức phụ thu và quy định mới này bắt đầu có hiệu lực vào lúc nào :
« Loại thuế mới này sẽ phải được các công ty vận chuyển hành khách thu trực tiếp kể từ tháng 7/2019.
Một cách cụ thể, một khoản phụ thu dao động trong khoảng từ 2,5 đến 10 euro, tùy theo từng mùa, sẽ được thêm vào trong giá vé.
Tiền do các công ty này thu được sẽ được chuyển thẳng vào kho bạc chính quyền thành phố Venise.
Giờ còn phải đợi xem từ đây đến cuối tháng Hai, Hội đồng thành phố sẽ quyết định chi tiết cách thức áp dụng.
Bởi vì những ai chủ sở hữu căn nhà thứ hai ở Venise, những người không sống tại khu thành cổ, nhưng cũng có lui tới vì những lý do như học hành hay làm việc, có lẽ sẽ được miễn trừ loại phí vào cổng này ».
Trong trước mắt, mức thuế này sẽ nhắm vào tất cả các du khách đi tour một ngày.
Tuy nhiên, trong dài hạn, quy định mới này cũng có thể sẽ áp dụng cho cả những ai lưu lại nhiều đêm ở thành Venise.
Vẫn theo thông tín viên Anne Le Nir, việc thu thêm thuế du khách còn giúp giảm nhẹ áp lực thuế địa phương cho người dân trong thành.
« Như lưu ý của thị trưởng thành Venise, Luigi Brugnaro, người dân Venise hoàn toàn ngộp thở. Hơn nữa, thành phố trước có đến 175.000 dân nay chỉ còn có 53.000 người.
Nguyên nhân chủ yếu là do giá nhà cao, cái giá phải trả cho sự thành công của Venise.
Bởi vì, chính các cư dân thành Venise phải gánh lấy chi phí bảo trì thành phố và những gì dùng để bảo đảm an ninh của thành.
Do vậy, theo những thẩm định đầu tiên, tiền thu thuế này rất có thể mang về cho thành phố khoảng từ 40-50 triệu euro mỗi năm.
Và tiền thu thuế này có thể cho phép cư dân ở đây sống trong những điều kiện dễ chịu hơn và giảm nhẹ gánh nặng thuế địa phương.
Tuy nhiên, đây cũng chưa phải là một giải pháp mầu nhiệm. »
NASA khởi động năm mới với tiểu hành tinh Ultima Thulé
Cơ quan Hàng không và Không gian NASA của Hoa Kỳ mừng năm mới với chuyến bay thành công vòng quanh thiên thể Ultima Thule của tầu thăm dò New Horizon.
Một thành công lịch sử, bởi vì Ultima Thule, nằm cách Trái Đất khoảng 6,4 tỷ km, là một thiên thể xa nhất trong Thái Dương hệ chưa từng được nghiên cứu
Trả lời phỏng vấn đài RFI, ông Francis Rocard, nhà vật lý thiên văn học, phụ trách chương trình khám phá Thái Dương Hệ, cho biết mục tiêu nhiệm vụ thăm dò này của NASA.
« Trước hết Ultima Thule là tên một hòn đảo trong huyền thoại mà người ta hiện chưa biết rõ đó có phải là đảo Feroé hay Lofoten của Groenland hay Iceland hay không.
Ở đây, chúng tôi muốn nói đến đây là một đối tượng quan sát xa nhất chưa có một con tầu thăm dò nào của con người bay ngang qua.
Chúng tôi rất muốn biết là vành đai thiên thạch của sao Hải Vương được hình thành như thế nào, từ những vật liệu nào.
Dường như hành tinh này đã trải qua một thời kỳ băng giá trong vòng 4,5 tỷ năm.
Vì vậy, người ta muốn ngược dòng thời gian để tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra ngay ngày đầu hình thành Thái Dương Hệ. Đó là mục tiêu chính của công trình nghiên cứu này. »
Trung Quốc : Siêu cường tương lai về không gian ?
Ngành không gian đầu năm quả thật « bội thu ». Sau NASA đến lượt Trung Quốc hôm thứ Năm 03/01/2019, thông báo chiếc phi thuyền Thường Nga 4, vào lúc 10g26, giờ Bắc Kinh đã dễ dàng đáp xuống phần tối nhất của Mặt Trăng.
Như vậy, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đưa được phi thuyền lên phần khuất nhất của Mặt Trăng. Thành công này một lần nữa khẳng định tham vọng trở thành siêu cường về công nghệ không gian của Bắc Kinh, theo như nhận định của ông Olivier Sanguy, trưởng ban biên tập tờ Cité de l’Espace với đài RFI.
« Trung Quốc không chỉ đầu tư nghiên cứu Mặt Trăng mà cả trong không gian.
Cũng nên biết rằng Trung Quốc đã thực hiện nhiều chuyến bay có người ở.
Nước này đã có một trạm không gian nhỏ và đang chuẩn bị lắp thêm một trạm mô-đun khác lớn hơn và sẽ đưa người lên đấy.
Không những thế, Trung Quốc còn đưa vào quỹ đạo một vệ tinh định vị riêng của mình, hệ thống Baidu.
Trên thực tế, Trung Quốc muốn trở thành một siêu cường ʺngang vai phải lứaʺ với Hoa Kỳ, trong đó có cả không gian.
Đó còn là một công cụ phát triển nội lực. Để chứng tỏ khả năng về mặt thiết kế tổng hợp và khoa học, Trung Quốc phải phát triển cả một mạng lưới các nhà khoa học và mong muốn ngành công nghiệp cũng đi theo.
Trung Quốc không còn muốn là một quốc gia chỉ cung cấp hàng giá rẻ, mà họ muốn trở thành một quốc gia có nền công nghệ cao. »
Và tham vọng này của Trung Quốc gần như đã được khẳng định.
Báo Les Echos số ra ngày 02/01/2019 cho biết « Trong cuộc đua các vì sao, Trung Quốc đang vượt qua Mỹ ».
Nhật báo đưa ra con số thống kê trong năm 2018, Trung Quốc đã thực hiện 39 đợt phóng phi thuyền so với con số 31 của Hoa Kỳ, trong khi châu Âu ngày càng bị bỏ xa trong cuộc đua không gian.
Related news items:
Tin mới
- Năm 2019 : Brexit, điểm nóng đe dọa tăng trưởng châu Âu - 08/01/2019 20:09
- Kim Jong Un thăm Trung Quốc trước thượng đỉnh với Trump - 08/01/2019 16:55
- Chiến hạm Mỹ đi qua Hoàng Sa lúc đàm phán thương mại Mỹ-Trung bắt đầu - 08/01/2019 01:09
- Cam Bốt kỷ niệm 40 năm Khmer Đỏ bị đánh đuổi - 07/01/2019 23:34
- Golden Globe 2019 : "Roma" thắng lớn, "Bohemian Rhapsody" gây bất ngờ - 07/01/2019 18:06
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-01-2019 - 07/01/2019 17:52
- Tổng thống Đài Loan ủng hộ việc Anh Quốc lập căn cứ ở Biển Đông - 07/01/2019 01:09
- Pháp: Gần 50.000 người hưởng ứng Hồi VIII phong trào Áo Vàng - 06/01/2019 22:57
- Venezuela: Nhóm Lima đòi tổng thống Maduro rời bỏ quyền hành - 06/01/2019 00:57
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-01-2019 - 06/01/2019 00:15
Các tin khác
- Pháp: Áo Vàng xuống đường trở lại tiếp tục thách thức chính phủ Macron - 05/01/2019 15:13
- Ottawa tố Trung Quốc bắt 13 công dân Canada từ đầu tháng 12 - 04/01/2019 21:19
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-01-2019 - 04/01/2019 21:10
- Brazil : Tân chính phủ « thanh lọc » ý thức hệ cộng sản - 04/01/2019 19:11
- Quân đội Đài Loan bày trận chờ Trung Quốc - 04/01/2019 18:37
- Tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ: Trung Quốc là trọng tâm của Lầu năm góc - 04/01/2019 03:18
- Biển Đông: Một trong những hồ sơ nóng tại Châu Á năm 2019 - 04/01/2019 00:08
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-01-2019 - 03/01/2019 16:46
- Quyền đại sứ Bắc Triều Tiên tại Ý đào thoát - 03/01/2019 15:21
- Tập Cận Bình dọa thống nhất Đài Loan bằng vũ lực - 02/01/2019 20:00