Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

HRW tố cáo Miến Điện "thanh lọc chủng tộc" đối với người Rohingya

Miendien Rohingyas



Cộng đồng Rohingyas buộc phải rời nguyên quán lánh nạn về Sittwe 11/10/2012 (AFP)


 

Hôm nay, 22/04/2013, tổ chức Human Rights Watch tố cáo chính quyền Miến Điện thực hiện một chiến dịch « thanh lọc chủng tộc » đối với sắc tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya và đưa ra các bằng chứng về những hố chôn tập thể và các vụ cưỡng bức di dân.

Lời tố cáo này được đưa ra trong bối cảnh các Ngoại trưởng châu Âu họp tại Luxembourg, xem xét khả năng bãi bỏ hoàn toàn các trừng phạt, ngoại trừ vũ khí, nhắm vào Miến Điện.

Báo cáo của Human Rights Watch (HRW) mang tựa đề : « Tất cả những gì mà bạn có thể làm là cầu nguyện », tố cáo :
Người Rohingya là nạn nhân của các « tội ác chống Nhân loại », họ bị giết hại và đày đọa.

Theo Liên Hiệp Quốc, người Hồi giáo Rohingya là một trong những sắc tộc thiểu số bị trấn áp nhiều nhất trên thế giới.

 Khoảng 800 000 người, đã bị chính quyền quân sự độc tại ở Miến Điện trước đây tước bỏ quốc tịch, hiện sống cô lập ở bang Rakhine, phía tây nước này.

Trong năm 2012, hai làn sóng bạo lực giữa người theo Phật giáo và Hồi giáo đã làm ít nhất 180 người thiệt mạng.

Tổ chức HRW cho rằng, « các quan chức Miến Điện, các lãnh đạo cộng đồng và sư sãi Phật giáo đã tổ chức và khuyến khích » các vụ tấn công tại bang Rakhine, nhắm vào các khu dân cư của người Hồi giáo, hồi tháng 10/2012, với « sự hỗ trợ của lực lượng an ninh ».

Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á của HRW, nhấn mạnh :
 « Chính phủ Miến Điện đã tiến hành một chiến dịch thanh lọc chủng tộc chống lại người Rohingya và chiến dịch này tiếp tục cho đến nay, qua việc không cho nhận viện trợ và hạn chế di chuyển ».

HRW giải thích, nếu như cụm từ « thanh lọc chủng tộc » không có định nghĩa chính thức về mặt pháp lý, hành động này thông thường miêu tả chính sách của một nhóm sắc tộc hoặc tôn giáo có mục đích xóa sạch sự hiện diện của một nhóm cư dân khác, trên một vùng lãnh thổ, qua các phương pháp bạo lực và khủng bố.

Năm ngoái, các vụ bạo động đã khiến hơn 125 000 người, đa số là sắc tộc Rohingya, phải chạy lánh nạn và hiện vẫn đang sống trong các trại tỵ nạn tạm thời.

Họ không được nhận viện trợ nhân đạo và không được phép hồi hương.

Báo cáo của HRW, dựa trên hơn một trăm cuộc phỏng vấn, cũng nêu ra các bằng chứng liên quan đến khoảng 4 hố chôn tập thể mà lực lượng an ninh Miến Điện muốn xóa bỏ các dấu vết phạm tội ác.

Ví dụ, hồi tháng Sáu năm ngoái, một xe tải của chính phủ Miến Điện chở 18 xác người đổ xuống hố chôn tập thể gần một khu trại tỵ nạn của người Rohingya, với mục đích làm cho họ sợ hãi, phải rời bỏ nơi đây.

HRW lên tiếng tố cáo trách nhiệm của chính quyền Miến Điện trong các vụ bạo động, xung đột sắc tộc và tôn giáo, vào lúc tại Luxembourg, Ngoại trưởng các nước châu Âu thảo luận về việc bãi bỏ hoàn toàn các trừng phạt, nhưng vẫn duy trì cấm vận vũ khí, đối với nước này.

Tháng trước, trong chuyến công du Bruxelles, tổng thống Miến Điện Thein Sein đã kêu gọi quốc tế bãi bỏ cấm vận đối với nước này.

Để hỗ trợ tiến trình cải cách ở Miến Điện, châu Âu đã tăng gấp đôi khoản viện trợ cho phát triển, lên tới 200 triệu euro trong năm 2012-2013.

Mặt khác, châu Âu đang tính tới việc ký kết một hiệp định hợp tác song phương nhằm thúc đẩy đầu tư vào Miến Điện.


Switch mode views: