Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

S-400 trở thành vũ khí ngoại giao của Putin như thế nào?

usa-russia-sanctions

Tên lửa phòng không S-400 của Nga trong lễ diễu binh mừng chiến thắng phát xít Đức ngày 09/05/2018 tại Quảng Trường Đỏ.
REUTERS/Sergei Karpukhin/Ảnh tư liệu

Tên lửa S-400 được giới thiệu như là một trong những vũ khí phòng không hiện đại nhất thế giới, giờ trở thành tinh hoa trong xuất khẩu vũ khí Nga và còn là đòn bẩy ngoại giao của Kremlin đang được Hoa Kỳ theo dõi rất sát.

Tác giả Pierre Avril có bài viết trên nhật báo le Figaro số ra ngày 15/10/2018 xung quanh hệ thống tên lửa hiện đại của Nga gần đây đang được nói tới nhiều.

RFI Tiếng Việt tóm lược nội dung chính của bài viết:

S-400 có phải là loại vũ khí bất khả chiến bại?

Trong cuộc tập trận lớn gần đây “ Vostok 2018” trong vùng Siberi, Nga đã cho trình diễn trên thực địa tên lửa S-400.
Loại vũ khí siêu nặng này đã hoàn thành nhiệm vụ, tiêu diệt mọi mục tiêu như dự kiến.

Giữa tháng 9, Matxcơva đã cho phô diễn sức mạnh của thứ vũ khí phòng không được coi như lá bùa hộ mệnh của quân đội Nga, do tổ hợp quốc phòng Nhà nước Almaz Antey chế tạo
 Ba tuần sau, trong chuyến thăm New Delhi của tổng thống Vladimir Putin, Ấn Độ ký với Nga hợp đồng trị giá 5,2 tỷ đô la mua giàn vũ khí hiện đại này.

Luôn ám ảnh phải cạnh tranh với Washington, chính quyền Nga không ngừng so sánh S-400 của họ với tên lửa Patriot, nhằm khẳng định sự vượt trội của vũ khí Nga so với Mỹ.
Họ không đếm xỉa đến Israel, các nước châu Âu hay Trung Quốc là những quốc gia cũng đang phát triển hệ thống phòng không cho riêng mình.

Hãng tin Spunik của Kremlin giải thích rằng các tên lửa Nga sẽ nhanh gấp 2 lần so với Patriot, bán kính hoạt động rộng gấp 3 lần và nhất là việc triển khai nhanh gấp 5 lần.
Một khả năng khác là cùng lúc, người ta có thể điều khiển 13 dàn S-400. Điểm mấu chốt, theo Spunik, S-400 chỉ có giá 80 triệu euro trong khi hệ thống Patriot của Mỹ phải lên tới gần 1 tỷ euro.
Vassili Kachin, nhà phân tích quân sự độc lập Nga đã ca ngợi S-400 “là một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất thế giới và có thể là mạnh nhất hiện nay”.

Theo chuyên gia này, S-400 có thể bắn được các tên lửa có trang bị radar dẫn đường và có khả năng ở chế độ tự động nhận các thông tin liên quan đến mục tiêu không nhìn thấy do các máy bay radar dò tìm từ xa cung cấp.

Nhưng những chỉ số như thế chỉ là trên lý thuyết.
Chuyên gia của Sipri (Viện nghiên cứu Hòa Bình Stockholm) Siemon Wezeman cho rằng “chất lượng của toàn bộ hệ thống nói trên được ấn định bởi phần mềm đi kèm liên quan đến khả năng hòa nhập hệ thống, phân tích dữ liệu, phá nhiễu ….
Phần lớn các thông tin như vậy thì không bao giờ được công khai”.

Quân đội Nga sử dụng S-400 như thế nào?

Hệ thống S-400 đã được triển khai trên khắp lãnh thổ Nga từ năm 2007.
Từ biển Nhật Bản đến Biển Đen, Biển Berent qua đến miền Trung Nga và Siberi.
Đó là một chiếc ô chống tên lửa khổng lồ bao phủ toàn bộ không phận Nga, có chỗ vượt ra ngoài hàng trăm cây số. Đến năm 2020, Nga sẽ có 56 đơn vị S-400.

Dàn S-400 gần nhất được triển khai ngày 21/09 vừa qua tại Yevpatoria, Crimée.
Đây là đơn vị S-400 thứ 3 được đặt tại Crimée từ khi bị sáp nhập vào Nga năm 2014.

Sắp tới một dàn S-400 sẽ còn được triển khai tại Djankoi, sát biên giới với Ukraina.

Ông Alexandre Taranov, chỉ huy tiểu đoàn S-400 tại Crimée cho biết :
 “Chúng tôi giám sát bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, Rumani, Bulgari, Ukraina, từ phía bắc cho tới phương Tây”.
Các giàn tên lửa này có thể chuyển qua chiến đấu trong vòng dưới 5 phút.
Cuối cùng Nga đã cho đặt hai giàn S-400 tại Syria, để bảo vệ căn cứ Hmeimim của họ, trong khi chế độ Damas vẫn hài lòng với hệ thống phòng thủ S-300 có từ thời Liên Xô.

Hệ thống S-400 chủ yếu để Nga xuất khẩu?

Quân đội Nga chuyển dần hướng sang các khách hàng nước ngoài.

Năm 2016, Nga đã xây 2 nhà máy chuyên để xuất khẩu vũ khí. Theo tính toán của Viện Sipri, riêng ba hợp đồng đã ký với Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đem lại nguồn thu tiềm năng 2 tỷ đô la mỗi năm, tức khoảng 15% tổng doanh số xuất khẩu vũ khí hàng năm của Nga.

Trung Quốc muốn dựa vào vũ khí Nga để khống chế khu vực Biển Đông.
 Ấn Độ có hệ thống phòng không cũ kỹ lỗi thời, đang tìm cách đối phó với đe dọa của Trung Quốc cũng như của láng giềng Pakistan.

Cuối cùng, nếu như Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy cần phải tự bảo vệ trước các tên lửa Israel, thì đây sẽ là khách hàng mang tính cơ hội nhất.
 Qua việc mua S-400 của cái gọi là “người bạn Nga”, chế độ Erdogan muốn xỏ mũi NATO mà họ là một thanh viên, đồng thời cũng để giỡn mặt Washington.

Giới quan sát cho rằng “quyết định của Ankara chỉ nhằm mục đích tỏ ra chống Mỹ. Trên thực tế, họ đâu cần đến S-400”.
Chính quyền Nga cũng thăm dò bằng cách tung tin khả năng giao S-400 cho Qatar và Ả Rập Xê Út.

Kịch bản này đã được lặp lại với Irak. Tháng Hai năm nay, đại sứ Nga tại Bagdad đã đánh tiếng về sự quan tâm của Irak đến S-400.
Tuy nhiên những cuộc thương lượng như vậy chắc sẽ không bao giờ tới đích.

Trở ngại chính nào cho xuất khẩu S-400?

Chuyên gia Siemon Wezeman của Sipri lưu ý “Hoa Kỳ đe dọa bất kỳ ai mua vũ khí Nga” và các biện pháp đáp trả được ưu tiên áp dụng đối với S-400.
 Hoa kỳ có cả một chương trình mà tên gọi tắt CAATSA nhằm trừng phạt các cơ quan tổ chức và cá nhân liên hệ với quân đội và tình báo Nga.

Các trừng phạt mới nhất được thông báo hôm 20/09 nhằm vào Trung Quốc.
Cơ quan chịu trách nhiệm mua bán vũ khí của nước này sẽ không được tham dự vào hệ thống tài chính Mỹ, một hoạt động không thể thiếu vắng trong các giao dịch mua bán vũ khí.
Trái lại, sau nhiều lần cảnh cáo, Washington vẫn ngần ngại trừng phạt đồng minh Ấn Độ.

 Những đe dọa của Mỹ đối với Qatar, Ả rập Xê Út và Irak cũng đủ để răn đe 3 quốc gia vùng Vịnh này mua S-400.
Là khách hàng quen mua Patriot của Mỹ, Doha, Riyad dường như chỉ muốn sử dụng đe dọa mua vũ khí Nga như là đòn bẩy trong các cuộc đàm phán song phương với Washington.

Nga có thực sự nắm thế thượng phong công nghiệp quốc phòng?

Vừa mới tích lũy được chút thành công, Nga đã giới thiệu thế hệ kế tục S-400.

Mẫu S-500, được đặt tên “Prométhée” đã được thử lần đầu tại Kazakhstan và sẽ được giao hàng vào năm 2020.
Đến năm 2027, S-500 sẽ được trang bị đồng loạt cho quân đội Nga, theo nhật báo Rossiyskaya Gazeta.

Trong một cuộc họp với các nhà công nghiệp Nga hồi tháng 5, tổng thống Vladimir Putin đã nhắc đến đến tham vọng này.
 Quân đội Nga đã bắt đầu đào tạo khóa đầu tiên 11 sĩ quan để khai thác thiết bị mới nói trên.

Tính năng chính của hệ thống S-500 là tầm bắn thẳng đứng trong phạm vi hơn 100 km, có thể bắn tới các mục tiêu tầm cao nơi đặt vệ tinh quân sự của nhiều nước.
Để đối phó, Nhà Trắng đã thông báo sẵn sàng khởi động lại chương trình chiến tranh các vì sao của cựu tổng thống Ronald Reagan.

Bộ Quốc Phòng Mỹ đã thông báo từ nay đến năm 2020 thành lập binh chủng không gian mới.
Hồi tháng 8 vừa rồi, tổng thống Donald Trump đã tuyên bố: “ Đối thủ của chúng ta đã biến không gian thành lĩnh vực chiến tranh, Hoa Kỳ sẽ không lùi bước trước thách thức này”.

(Theo Le Figaro)

Switch mode views: