Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tấn công tin học : Mức độ lợi hại của tình báo quân đội Nga

Ha lan -Quocphong

Bộ Quốc Phòng Hà Lan phát tán hình ảnh 4 điệp viên Nga bị bắt qủa tang. Ảnh chụp tại phi trường Schiphol tháng 4/2018.
DUTCH DEFENSE MINISTRY / AFP

Từ Canada đến Úc, từ NATO đến Liên Hiệp Châu Âu trong tuần đều quy trách nhiệm cho cơ quan tình báo quân đội Nga GRU đứng đằng sau các vụ tấn công quy mô nhắm vào nhiều cơ quan quốc tế, "đe dọa các nền dân chủ phương Tây".

Mỹ khởi tố 7 nhân viên tình báo Nga với tội danh "âm mưu tấn công tin học".
Hà Lan trục xuất 4 nhân viên tình báo Nga bị bắt quả tang tại La Haye đang đột nhập vào hệ thống tin học của Tổ Chức Chống Vũ Khí Hóa Học.

Phương Tây căn cứ vào những bằng chứng nào để cáo buộc cơ quan tình báo quân đội Nga, được coi là cánh tay nối dài của điện Kremlin ?
Tại sao tất cả những thông tin nhậy cảm nói trên được tung ra ở thời điểm này ? GRU là một cơ quan như thế nào, quyền hạn đến đâu ?

Về câu hỏi thứ nhất, tư pháp Mỹ ngày 04/10/2018 thông báo khởi tố 7 nhân viên tình báo Nga, tất cả đều trực thuộc GRU và hiện đang sống tại Nga.
Những người này bị cáo buộc âm mưu tấn công hệ thống tin học, đánh cắp dữ liệu của Cơ Quan Phòng Chống Doping Thế Giới (WADA), trụ sở đặt tại thành phố Montréal, Canada.

Mục tiêu đề ra nhằm làm phương hại đến cơ quan đã tố cáo Nhà nước Nga khuyến khích các vận động viên sử dụng thuốc kích thích tăng cường thể lực, nâng cao thành tích.

Bộ Ngoại Giao Canada trong thông cáo ngày 04/10/2018 ghi nhận "có nhiều khả năng GRU có liên quan" đến đợt tấn công nhắm vào WADA và trung tâm đặc trách chống doping của Canada, CCES.

Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ nói rõ : trong thời gian từ tháng 12/2014 đến tháng 5/2018, tức là cho tới rất gần đây, máy tính của WADA đã nhiều lần bị thâm nhập.
Chính quyền Ottawa nhắc lại : năm 2016, Cơ Quan Phòng Chống Doping Thế Giới, một tổ chức quốc tế độc lập, tiết lộ bị một nhóm tin tặc mang tên Fancy Bear/APT28 đột nhập, đánh cắp và phát tán "nhiều thông tin mật liên quan đến các vận động viên".
Những thông tin này bị đánh cắp từ trang mạng của WADA.

Nhiều chi tiết như trong truyện trinh thám

Hoa Kỳ gắn liền vụ tấn công nhắm vào Cơ Quan Phòng Chống Doping Thế Giới với vụ Tổ Chức Chống Vũ Khí Hóa Học (OPCW), trụ sở tại La Haye, Hà Lan đã bị tin tặc tấn công hồi tháng 4/2018.
Amsterdam vừa quyết định trục xuất bốn nghi can đã bị bắt quả tang trong một chiếc xe, đậu gần trụ sở của OPCW.
Trong xe có trang bị máy móc để nghe lén và đột nhập vào hệ thống tin học của Tổ Chức Chống Vũ Khí Hóa Học.

Tháng 4/2018 là thời điểm tổ chức OPCW điều tra hai hồ sơ quan trọng, một liên quan tới vụ cựu điệp viên Nga, Sergueï Skripal và con gái bị đầu độc tại Salisbury, miền tây nam Anh Quốc, và một liên hệ tới nghi ngờ về trách nhiệm của chính quyền Matxcơva trong một vụ tấn công hóa học tại Douma, Syria.

Họp báo tại Amsterdam hôm 04/10/2018 bộ trưởng Quốc Phòng Hà Lan, bà Ank Bijleved cho biết thêm trong hoàn cảnh nào đã lột mặt nạ được nhân viên tình báo Nga, nhưng dường như không kết nối giữa hai vụ tấn công nhắm vào Cơ Quan Phòng Chống Doping ở Montréal với vụ nhắm vào Tổ Chức Chống Vũ Khí Hóa Học ở La Haye.

Bộ trưởng Quốc Phòng Hà Lan lưu ý về mức độ nghiêm trọng và đáng lo ngại của vụ việc, vì thông thường, chính quyền không mấy khi thông báo ầm ĩ với báo giới về các hoạt động phản gián.
Nhưng lần này, các nhà điều tra Hà Lan hợp tác với các đối tác Anh, đã phát hiện nhiều chi tiết như trong một bộ phim trinh thám.

Người ta đã tìm thấy trong chiếc xe có nhiệm vụ thâm nhập tổ chức OPCW một máy tính cá nhân, nhiều điện thoại di động, một hóa đơn thanh toán tiền taxi mà điểm xuất phát là từ trụ sở của cơ quan tình báo quân đội Nga, gần phi trường Matxcơva.

Các nhân viên tình báo Nga, mang hộ chiếu ngoại giao, đã đáp máy bay tới phi trường Schiphol – Amsterdam ngày 10/04/2018.
Ngày hôm sau, bốn người này đã thuê một chiếc xe Citroën C3 và họ đã đến quan sát tình hình gần trụ sở Tổ Chức Chống Vũ Khí Hóa Học ở thành phố La Haye.

Đến ngày 13/04/2018 họ đỗ xe tại một khách sạn sát cạnh trụ sở của OPCW và đã chụp nhiều ảnh. Trong hộp xe có nhiều trang thiết bị điện tử và máy móc cho phép thâm nhập vào mạng wifi của Tổ Chức Chống Vũ Khí Hóa Học.
Thậm chí nhóm này có luôn cả mật mã để truy cập vào wifi của OPCW.

Khám xét máy tính được phát hiện, các nhà điều tra tìm thấy là máy được kết nối với nhiều đường dây ở Brazil, Thụy Sĩ và Malaysia.
Bốn người bị phát hiện trong chiếc xe gần trụ sở OPCW dự trù sau La Haye sẽ tiếp tục sang Thụy Sĩ, đến viện bào chế tại Spiez, nơi OPCW phân tích mẫu các vũ khí hóa học.

Còn đối với Malaysia thì các tài liệu trong máy tính bị tịch thu cho thấy, có nhiều cuộc trao đổi dính líu trực tiếp đến chuyến bay MH17 bị bắn rơi tại miền đông Ukraina ngày 17/07/2014. 298 hành khách và phi hành đoàn tử vong.

 Nhiều nạn nhân mang quốc tịch Hà Lan.
Chiếc MH17 nối liền Amsterdam với Kuala Lumpur. Điều tra về tai họa này cho thấy chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines mang số MH17 bị trúng tên lửa của Nga.

Thực hư về GRU

Vậy phải chăng đây là lần đầu tiên tình báo quân đội Nga, mà đứng đằng sau là điện Kremlin, bị bắt quả tang như vậy ?
Ở đây đặt ra thêm một nghi vấn bởi vì GRU nổi tiếng là làm việc có hiệu quả, hoạt động trong vòng bí mật và không bao giờ để lại dấu vết khi ra tay.

Ngay sau vụ hai cha con cựu điệp viên người Nga, Sergueï và Ioulia Skripal bị mưu sát bằng độc tố novitchok trên lãnh thổ Anh hôm 04/03/2018, Luân Đôn đã lập tức quy trách nhiệm cho Matxcơva.
Căn cứ vào giải thích của Amsterdam, chính từ vụ ám sát hụt này, mẫu độc tố novitchok được chuyển tới Tổ Chức Chống Vũ Khí Hóa Học.
Từ đó, lộ ra vụ trụ sở OPCW bị theo dõi vào tháng 4/2018.

Cần nhắc lại GRU là một cơ quan tình báo của bên quân đội. Được thành lập từ năm 1918, dưới chế độ Liên Xô, cơ quan này luôn được coi là một đối thủ của mật vụ KGB, một thời được đặt trong tay Vladimir Putin.
Lãnh đạo GRU từ năm 2016 là tướng Igor Korobov. Nhân vật này nằm trong danh sách những cá nhân bị Hoa Kỳ trừng phạt.

GRU nổi tiếng là có một mạng lưới nhân viên tình báo ở hải ngoại rất rộng rãi và có cả nhiều đơn vị lính tinh nhuệ.
Kể từ khi KGB bị "giải tán", có một sự cạnh tranh giữa các cơ quan mật vụ Nga và từ đó GRU mới được nhắc tới nhiều hơn.

Hiện tại GRU đang bị cáo buộc ít nhất trong gần một chục vụ gồm : âm mưu sát hại hai cha con cựu điệp viên Skripal ( Sergueï Skripal từng phục vụ GRU ); vụ tấn công tin học Cơ Quan Phòng Chống Doping Thế Giới, trụ sở OPCW và các đợt tấn công nhắm vào phi trường Odessa, Ukraina hay vụ tấn công nhắm vào đảng Dân Chủ Mỹ trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 2016... .

 Hồi tháng 6/2017 khi hàng trăm ngàn máy vi tính của các tập đoàn lớn trên thế giới bị tê liệt vì một vụ cyberattack, phương Tây cũng nghi ngờ có bàn tay của tình báo quân sự Nga.
Tại Syria, nhiều nhà quan sát đã phát hiện một số các "cố vấn" quân đội Nga bên cạnh các lực lượng của Damas. Cũng tình báo quân đội Nga được cho là đã đóng một vai trò "trọng yếu" trong vụ Matxcơva thôn tính Crimée hồi tháng 3/2014.

Lùi xa hơn về quá khứ, thì từ các cuộc xung đột ở Tchetchenia 1994/1996 và 1999/2009, đến Gruzia (2008) hay Afghanistan (1979/1989) đều có bóng dáng của GRU.

Cuối cùng, tại sao tình báo quân đội Nga lại bị tố cáo vào thời điểm này ?

Nhiều tiếng nói cho rằng, đây là một hình thức để phương Tây cảnh cáo Nga của Vladimir Putin vài tuần trước bầu cử giữa kỳ tại Mỹ.
Có điều như chính Vladimir Putin từng ghi nhận, có hai nghề xưa như trái đất : một là nghề bán trôn nuôi miệng, hai là tình báo.

Các hoạt động dọ thám không là độc quyền của bất kỳ một chế độ nào. Báo chí thường phơi bày ra ánh sáng những vụ tấn công tin học khi thì được cho là do Nga giật dây, lúc thì hướng về phía Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên ...

Nhưng trong quá khứ, đã nhiều lần quan hệ giữa các đồng minh thân thiết nhất bị sứt mẻ vì các vụ nghe trộm điện thoại, như là Hoa Kỳ từng nghe lén điện thoại của thủ tướng Đức.
 Bên cạnh việc phát hiện tác giả các đợt tấn công mạng, có lẽ là tăng cường khả năng phòng thủ là thượng sách.

Switch mode views: