Bồ Đào Nha : Lisboa gia nhập hội ''100'' thành phố đắt nhất
- Thứ Bảy, 07 tháng Bảy năm 2018 17:05
- Tác Giả: Minh Anh
Bồ Đào Nha : Lisboa gia nhập hội ''100'' thành phố đắt nhất
Một góc khu phố Baixa, trung tâm thủ đô Lisboa, Bồ Đào Nha.Wikimedia Commons
Thủ đô Lisboa của Bồ Đào Nha được đưa vào danh sách 100 thành phố đắt nhất ;
Du lịch Hy Lạp hồi sinh, dân vui mừng nhưng giáo viên khốn khổ vì khó thuê nhà ;
UNESCO công nhận dãy núi Puy của Pháp là Di sản Thế giới và cuối cùng, tại World Cup 2018, phóng viên nữ phàn nàn bị quấy nhiễu khi tác nghiệp.
Trên đây là những chủ đề chính Tạp Chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Thủ đô Bồ Đào Nha đã có một bước nhảy ngoạn mục, tăng 44 bậc để được xếp hạng thứ 93 trong số 100 thành phố đắt nhất thế giới.
Bảng xếp hạng này do công ty tư vấn Mercer thực hiện và nghiên cứu này chủ yếu dành cho các đối tượng là những kiều dân mong muốn tìm kiếm một thành phố để sống.
Tiêu chí đánh giá chủ yếu dựa trên mức tăng giá đồng euro so với đô la. Nhưng trong trường hợp của Lisboa, các tiêu chí mức tăng giá nhiên liệu, bất động sản hay hàng quán còn là những yếu tố góp phần làm gia tăng tính chất đắt đỏ.
Thủ đô Lisboa và cả nước Bồ Đào Nha đang là điểm đầu tư ưa chuộng, bất kể trong lĩnh vực du lịch hay kinh doanh.
Lấy ví dụ như trong bất động sản, giá nhà cửa ở đây đã tăng 12% chỉ trong vòng quý I/2018.
Theo tường thuật của thông tín viên Marie-Line Darcy tại Lisboa, nhiều khu phố cổ đã bị rao bán cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trường hợp mới đây nhất là khu phố cổ ngay giữa lòng trung tâm lịch sử và vụ việc dường như có liên quan đến tay vợt Rafael Nadal.
« Cả một khu phố nhìn ra quảng trường Rossio, một trong những khu phố đẹp nhất của trung tâm thủ đô Lisboa đã bị bán cho một quỹ đầu tư Tây Ban Nha.
Cả khối lâu đài tiêu biểu này cho khu phố Baixa, phần hạ của thủ đô bao gồm cả một phòng trà Suiça.
Cơ sở này, đúng hơn là tiệm bánh ngọt này, đã được 100 năm tuổi. Chúng là một phần linh hồn của người dân Lisboa.
Tiệm bánh đã từ chối quy chế cửa hiệu lịch sử do tòa thị chính cấp, một quy chế lẽ ra có thể bảo vệ được tiệm bánh khỏi bị đóng cửa.
Nhiều người dân đã chạnh lòng. Họ viết thư gởi đến tay vợt Tây Ban Nha Rafael Nadal mà nhiều tin đồn cho là anh có cổ phần trong quỹ đầu tư.
Người dân Lisboa đề nghị anh cứu lấy phòng trà nhưng bất thành. Nadal đã phủ nhận là thành viên của quỹ đầu tư.
Thế là phòng trà Suiça sẽ biến mất vào cuối tháng 8, dự án cho khu phố cũng không được biết rõ ràng, nhưng ai cũng nói về khách sạn và các căn hộ hạng sang ».
Hy Lạp : Người dân ưu tiên du lịch hơn là giáo dục
Tại Hy Lạp, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính kéo dài từ nhiều năm qua có hy vọng chấm dứt. Không những vào tháng 8 này Hy Lạp không còn nằm dưới sự bảo trợ của châu Âu, mà kinh tế đang hồi sinh trở lại với mức tăng trưởng của quý I năm nay là 2,4%. Mức tăng này có được là nhờ vào ngành du lịch.
Năm nay, Hy Lạp hy vọng đón đến 32 triệu du khách, đông gấp ba lần dân số Hy Lạp.
Theo ước tính, hoạt động kinh doanh của lĩnh vực du lịch có thể chiếm từ 23 – 27% tổng thu nhập quốc nội. Mức tăng trưởng này không ngừng tăng lên từ mấy năm gần đây.
Một trong số các lý do giải thích cho sự hồi sinh của ngành du lịch Hy Lạp là du khách thường hay chọn Thổ Nhĩ Kỳ hay Ai Cập làm điểm đến, nay đã bắt đầu quay trở về Hy Lạp, được cho là ổn định hơn.
Đương nhiên sự hồi sinh này cũng đã tạo ra được nhiều công ăn việc làm cho người dân trong các vùng du lịch.
Theo thống kê của bộ Du Lịch, cứ 10 việc làm được tạo ra trong năm qua có đến 8 là trong ngành du lịch.
Nếu như chính phủ vui mừng khi thấy nền du lịch khởi sắc, kinh tế có khả năng hồi phục thì giới giáo chức lại không mấy hài lòng.
Họ than phiền không thuê được nhà ở tại những thành phố du lịch nổi tiếng. Thông tín viên Charlotte Stiévenard tại Athens cho biết vì sao :
« Tại một số đảo trở nên nổi tiếng toàn cầu, như Santorini chẳng hạn, được cả thế giới biết đến là có nền đất núi lửa mầu sẫm và những cảnh mặt trời lặn tuyệt vời, thu hút du khách trên khắp thế giới.
Nhưng niềm hạnh phúc của khách du lịch lại không là niềm vui của tất cả, nhất là đối với những giáo viên trẻ Hy Lạp được điều đến dạy tại đảo này.
Họ đã báo động công luận về việc họ không thể nào tìm được một chỗ ở với giá thuê ở khoảng 750 euro/tháng trong khi mức lương chỉ có 800 euro.
Tại thủ đô Athens, bùng nổ dịch vụ Airbnb, trang mạng cho thuê căn hộ giữa các cá nhân với nhau, đã làm cho việc tìm kiếm một căn hộ tại trung tâm thành phố trở nên khó khăn hơn.
Nhiều chủ nhà thích đón du khách với mức giá 40euro/đêm hơn là cho thuê căn hộ với giá 350euro/tháng.
Đương nhiên là cũng có nhiều mối lo liên quan đến vấn đề môi sinh trước dòng du khách như thế, nếu như chúng không được quản lý đúng cách. »
Trước tình cảnh này, thông tín viên Charlotte Stievenard cho biết thị trưởng thành phố Santorini đã đề xuất một số giải pháp.
Một mặt, ông hạn chế số lượng du khách đến đảo từ 12.000 người/ngày xuống còn 8.000 người.
Mặt khác, ông kêu gọi người dân ủng hộ chiến dịch « nhận một giáo viên ». Đồng thời chính quyền cho xây dựng thêm nơi ở dành cho giáo viên.
Liên quan đến các dịch vụ của Airbnb, chính quyền Santorini đã quyết định đánh thuế thu nhập từ việc cho thuê nhà, với mức có thể lên đến 45%.
Một biện pháp có thể hạn chế bớt phần nào hiện tượng ưu tiên cho thuê nhà du lịch, dù rằng trên thực tế chính quyền khó có thể kiểm soát, nếu như mạng Airbnb không cung cấp danh sách các thành viên của mình.
Pháp : Dãy núi lửa Puy được ghi vào Di sản Thế giới
Dãy núi Puy vùng Auvergne, ở miền trung, một địa danh thiên nhiên đầu tiên của nước Pháp lục địa vừa được UNESCO công nhận là Di sản Thế Giới.
Trước đó, Pháp đã từng có 4 địa danh thiên nhiên khác cũng được ghi vào di sản thế giới nhưng nằm rải rác trên các đảo thuộc Pháp như Corse, Reunion và New Caledonia.
Nếu tính gộp cả các công trình kiến trúc lịch sử, dãy núi Puy là địa danh thứ 44 của Pháp được ghi vào danh sách Di sản Thế Giới của UNESCO.
Với sự kiện này, Pháp trở thành đại diện thứ 4, đứng sau Tây Ban Nha, Trung Quốc và Ý.
Dãy núi lửa Puy vùng Auvergne, miền trung nước Pháp.
Ảnh chụp màn hình báo mạng Tout Lyon Affiches.
Câu hỏi đặt ra : Vì sao Pháp muốn đưa dãy núi Puy vào Di sản Thế giới ?
Dãy núi này có gì đặc biệt ?
Nhà nghiên cứu Jean-Marie Badintzeff giải thích :
« Đó là một chuỗi khoảng một trăm núi lửa nhỏ, trải dài từ 30 đến 40 km.
Các núi lửa này có hình dạng khác nhau, như hình nón bên trên là miệng núi lửa hoặc một số khác có hình vòm và nổi tiếng là Puy de Dôme (tạm dịch Núi Vòm).
Các núi lửa này đã xuất hiện từ lâu. Lâu nhất là từ khoảng 100 ngàn năm và mới nhất là khoảng 8 ngàn năm, tức là rất mới.
Đây là quần thể độc đáo duy nhất tại Pháp, thậm chí trên thế giới. Không một nơi nào trên thế giới có một quần thể các núi lửa liên tiếp và trải dài đến như vậy.
Hồ sơ về quần thể này đã được lập ra từ vài năm nay. Chúng tôi muốn chứng minh rằng đây là một sản phẩm thiên nhiên và địa chất.
Đây là khu vực núi lửa tự nhiên vùng Auvergne. Cần phải bảo vệ và làm cho thấy được giá trị của khu vực này.
Cần cho thấy được lịch sử địa chất, những gì đã xẩy ra cách nay hơn 100 ngàn năm.
Các núi lửa này đã phun nham thạch. Sau đó, vùng Puy de Dôme được xây dựng.
Rồi có ngôi đền Mercure. Các quan tài được làm bằng đá ở khu vực này. Tóm lại, đó là một quần thể có giá trị nhân bản. »
Tổng thống Pháp hy vọng dự án này sẽ mang lại Pháp nói chung và vùng Puy de Dôme nói riêng tính hấp dẫn kinh tế, thu hút thêm nhiều du khách tham quan.
Mondial 2018 : Nữ phóng viên phàn nàn bị « quấy nhiễu »
Bóng đá giờ không chỉ dành cho nam giới. Ngày càng có nhiều phụ nữ quan tâm đến quả bóng tròn, lúc với tư cách là những cổ động viên, khi là phóng viên đưa tin. Thế nhưng, trong kỳ World Cup này tại Nga, nhiều phóng viên nữ bắt đầu lên tiếng báo động về điều kiện làm việc đôi khi khó khăn trong việc đưa tin.
Nhiều người trong số họ lên án tình trạng quấy nhiễu và hành hung mà họ là nạn nhân, nhất là vào những lúc đang thực hiện một chương trình trực tiếp.
Theo giải thích của cô Kerjevane Gorjestani, phóng viên kênh truyền hình France 24 với thông tín viên Daniel Vallot đài RFI, có hai hình thức sách nhiễu mà các phóng viên nữ thường phải đối mặt : Hoặc bị ôm hôn không được hỏi ý trước, hoặc bị sờ soạng trong lúc đưa tin trực tiếp.
Hiện tượng này thật ra không có gì mới mẻ, nhưng điều đáng nói là giờ có nhiều người mới lên tiếng phản đối những thái độ này, đôi khi gây khó xử cho các nhà báo nữ trong quá trình tác nghiệp.
Bên cạnh những hành vi thiếu văn hóa đó, thông tín viên Daniel Vallot ghi nhận các phóng viên nữ đưa tin thể thao còn phải hứng chịu nhiều hình thức bạo lực khác, như những lời bình mang đầy tính kỳ thị giới tính chẳng hạn.
« Cần phải hiểu một điều là phần đông phóng viên nữ đi đưa tin Cúp Thế Giới chỉ lo những tin bên lề chẳng hạn như tất cả những chủ đề về các cổ động viên, về các lễ hội sau mỗi trận thắng hay như những chủ đề minh họa cho nước chủ nhà…
Các phóng viên thể thao, những người phụ trách khía cạnh thuần bóng đá đại đa số vẫn là nam giới.
Chỉ cần nhìn lên khán đài dành cho giới truyền thông có thể nhận ra ngay là hầu như không có một bóng hồng nào.
Nói một cách công bằng, năm nay có một điểm mới, đó là tại một vài quốc gia, trên một số kênh truyền hình, phụ nữ đã bắt đầu cầm micro bình luận các trận đấu.
Đó là trường hợp các nước như Đức, Thụy Điển, Anh hay Hoa Kỳ. Kết quả là một tràng bình phẩm phân biệt giới tính trên các mạng xã hội, và điều này cũng xảy ra ngay ở những nước đi đầu trong cuộc đấu tranh bình quyền nam – nữ.
Phụ nữ ngày càng quan tâm đến quả bóng tròn, điều đó thể hiện rất rõ trong kỳ World Cup này thu hút đông đảo cổ động viên nữ.
Nhưng con đường phải đi qua sao cho phóng viên nữ có thể tác nghiệp một cách bình thường, dù là bên trong hay bên ngoài khán đài, vẫn còn dài. »
Related news items:
Tin mới
- Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng ở vùng Thái Bình Dương - 10/07/2018 19:22
- Tối Cao Pháp Viện Mỹ : Trump bổ nhiệm thẩm phán bảo thủ Kavanaugh - 10/07/2018 15:15
- Trí thức Pháp : Bóng đá không hẳn là « tha hóa » - 10/07/2018 14:03
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-07-2018 - 10/07/2018 13:52
- Liệu Donald Trump có khả năng nhớ bài học thượng đỉnh Reykjavik ? - 09/07/2018 20:16
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-07-2018 - 09/07/2018 19:21
- Sạt lở đồng bằng Cửu Long: Kịch bản không hồi kết - 09/07/2018 19:07
- Ngoại trưởng Mỹ nêu trường hợp Will Nguyen với Việt Nam - 09/07/2018 12:44
- Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố duy trì cấm vận Bình Nhưỡng - 08/07/2018 18:51
- Triều Tiên tuyên bố đàm phán với Ngoại trưởng Mỹ là 'vô cùng đáng tiếc' - 07/07/2018 23:58
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-07-2018 - 07/07/2018 14:52
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-07-2018 - 06/07/2018 21:28
- Việt Nam tham gia RIMPAC: Ý nghĩa chiến lược lớn hơn tập trận - 06/07/2018 16:15
- Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu - 06/07/2018 16:03
- Sihanoukville, thuộc địa Trung Quốc ? - 05/07/2018 22:51
- Cam Bốt : Giấc mộng vương triều của thủ tướng Hun Sen - 05/07/2018 21:47
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-07-2018 - 05/07/2018 14:55
- Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tới Bắc Triều Tiên bàn cụ thể giải trừ hạt nhân. - 05/07/2018 14:42
- Tướng Lương Xuân Việt làm tư lệnh Lục Quân Mỹ tại Nhật - 04/07/2018 18:01
- Nước Nga, người Nga mùa World Cup 2018 - 04/07/2018 17:15