Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-01-2018

Nhàm chán như bầu cử tổng thống Nga 2018

russia-election-putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin vận động tranh cử ở Matxcơva ngày 10/01/2018.
Sputnik/Alexei Druzhinin/Kremlin via REUTERS

Sự kiện chính của nhật báo Libération hôm nay là kỳ bầu cử tổng thống Nga ngày 18/03 tới đây.
 Tờ báo dành tới 5 trang bài để cho thấy khung cảnh chính trị Nga bị Kremlin khóa chặt, chỉ có vài ứng viên đối lập « được phép ».

Ông Vladimir Putin thì không cần đến chương trình hành động thực sự nào cho tranh cử mà vẫn cứ thẳng tiến đến đích tái đắc cử nhiệm kỳ mới, dù cử tri không hứng khởi gì với cuộc bầu cử.

Bài phân tích của Libération trước tiên nhận xét :
 « Ông Vladimir Putin lên làm tổng thống từ năm 2000.
Đứng về « tuổi thọ cầm quyền » ở Nga hay cả ở Liên Xô cũ, ông Putin được xếp trên cả ông Leonid Brejnev (nguyên tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô) và chỉ xếp sau có Staline, lãnh đạo Liên bang Xô Viết trong 30 năm ».

Cuộc bầu cử sắp tới diễn ra vào ngày 18/03, đúng dịp kỷ niệm ngày sáp nhập Crimée (2014). Việc ông Putin đắc cử là điều chắc chắn.
Cũng như các kỳ bầu cử tổng thống Nga trước, việc tham gia của các ứng viên khác chỉ mang tính hình thức « mô phỏng dân chủ ».
Người duy nhất có thể quấy phá ngày hội của chủ nhân điện Kremlin là Alexei Navalny thì đã bị loại khỏi cuộc đua một cách không thương tiếc.

Hôm Chủ nhật vừa qua, nhà đối lập này đã kêu gọi cử tri biểu tình tẩy chay cuộc bầu cử ngày 18/3.
Tuy nhiên, theo Libération, « đó chỉ là cách để Navalny tiếp tục chứng tỏ sự tồn tại về mặt chính trị và nhất là về mặt truyền thông ».

Còn lại những ứng cử viên khác gọi là đại diện cho đối lập « trong hệ thống », tức phe ngoan ngoãn, bị kiểm soát để đổi lại quyền được ngồi trong Quốc Hội.
 Đó là trường hợp của đảng Cộng Sản hay đảng Tự Do-Dân Chủ Nga. Chiến dịch tranh cử của họ chỉ như là một show diễn.
Tuy nhiên, theo nhật báo Pháp, thách thức lớn nhất của cuộc tuyển cử sắp tới là tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu, đang có nguy cơ xuống mức thấp chưa từng có.

Có điều là sự vắng mặt sẽ không chỉ ở những người thờ ơ với thời cuộc chính trị Nga mà còn cả ở những người ủng hộ tổng thống mãn nhiệm, những người vẫn tin chắc ông Putin sẽ tái đắc cử.
Ngoài ra, một lực lượng cử tri tiềm tàng của Putin cũng có thể sẽ vắng mặt không đi bầu vì vỡ mộng.

Về bối cảnh chính trị xã hội Nga, Libération nhận thấy, những năm qua, đa phần người Nga cảm nhận được khó khăn trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước.
Sau những năm 2000 sung túc dư thừa do dầu mỏ bán được giá, kinh tế Nga giờ đang kiệt sức, đặc biệt do tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây sau vụ Matxcơva sáp nhập Crimée và cuộc nội chiến dai dẳng ở miền Đông Ukraina.
Cuộc đối đầu với phương Tây dường như sẽ còn kéo dài dài.

Trong hoàn cảnh như vậy, theo Libération, bộ phận cử tri thất vọng vẫn không đoái hoài hay quay sang bầu cho các ứng cử viên khác.
 « Đó chính là một trong những thành công không thể chối cãi của chế độ trong việc duy trì sự ổn định đến bất biến ».
Trong bối cảnh kỳ bầu cử lần này, ngay cả ông Putin phần nào cũng mất hứng, khó mà đưa ra hứa hẹn tranh cử.

Bài phân tích của Libération trích dẫn nhà nghiên cứu chính trị Tatiana Stanovaya nhận định :
 « Chính quyền bị mắc kẹt trong hiện tại. Ông Putin không có chương trình cho tương lai, mọi nỗ lực của chế độ hiện nay đều quay về hướng nâng niu hiện tại và khôi phục lại giá trị quá khứ ».

Brazil :  Lula gần nhà tù hơn dinh tổng thống

Cũng là chuyện tranh cử tổng thống, các báo Pháp hôm nay chú ý đến đất nước Nam Mỹ, Brazil với sự kiện cựu tổng thống Lula không được gia ứng cử vì bị tư pháp kết án.

Libération chạy tựa : « tại Brazil, Lula bị kết án nhưng vẫn là ứng cử viên biểu tượng ».
Tòa án nước này vừa kết án nặng nề cựu tổng thống Lula 12 năm tù.
Mặc dù vậy, được sự ủng hộ của đảng, ông Lula, 72 tuổi vẫn còn quyền kháng án.
Ngay sau khi bị tòa kết án hôm thứ Tư vừa qua vì tội « tham nhũng thụ động và rửa tiền », ông Lula cho biết vẫn ra ứng cử tổng thống.

Libération nhắc lại : « Trong 40 năm hành trình phi thường, từ một chàng trai nghèo, cựu lãnh đạo công đoàn, ông Lula đã trở thành vị tổng thống trong suốt 2 nhiệm kỳ từ 2003 đến 2010 có sức thu phục dân chúng ở một trong nhưng nền dân chủ rộng lớn nhất hành tinh.

Chưa bao giờ ông bị thất thế như lần này. Giờ đây ông Lula đang ở gần nhà tù hơn dinh tổng thống Planalto ».
Tuy nhiên theo các cuộc thăm dò dư luận ông Lula vẫn có thể giành được 34 đến 37% phiếu ở vòng đầu. Một tỷ lệ không hề nhỏ.

Pháp-Nhật : Đối thoại Quốc Phòng- Ngoại Giao 2018

Liên quan châu Á, nhật báo Le Figaro quan tâm đến cuộc đối thoại Quốc Phòng-Ngoại Giao của Pháp với Nhật Bản diễn ra trong hôm nay (26/01) và ngày mai tại Tokyo. Cuộc gặp thường niên vẫn được gọi là đối thoại « 2+2 » giữa hai nước được bắt đầu mở ra từ năm 2014.

 Le Figaro ghi nhận chủ đề chính của cuộc đối thoại năm nay giữa Paris và Tokyo là để đồng lòng đối phó với mối đe dọa của chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên.
Mối quan ngại hàng đầu về an ninh này của Nhật Bản sẽ có được sự chia sẻ của Pháp.

Ngoài ra, theo le Figaro, một chủ đề khác cũng được hai bên chia sẻ đó là nguyên tắc tự do lưu thông hàng hải.
 Đà gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông có nguy cơ làm cản trở con đường hàng hải sống còn đối với Nhật Bản cũng được Pháp quan tâm cao độ.
Tokyo nhấn mạnh « Pháp là một cường quốc Thái Bình Dương » đồng thời nhắc đến việc bảo vệ lợi ích chung vì bản thân Pháp cũng có phần lãnh thổ trên vùng biển này. Trong lĩnh vực Quốc Phòng, hai nước sẽ mở rộng mạnh hơn nữa các hợp tác quân sự và công nghiệp Quốc phòng.

Donald Trump lại một mình đối mặt với thế giới

Donald Trump, vị tổng thống Mỹ hầu như không mấy khi vắng bóng trên các trang báo Pháp suốt thời gian dài vừa qua.
Ông Doland Trump lại càng được chú ý nhiều hơn khi hôm nay, ông đang có mặt tại Thụy Sĩ dự Diễn Đàn Kinh tế Thế giới Davos và chiều nay ông sẽ có bài phát biểu trước diễn đàn.

Trang kinh tế của báo la Croix chạy tựa : Tại Davos, Donald Trump đối mặt với phần còn lại của thế giới.
Quả thực, tổng thống Mỹ là nhân vật thu hút sự chú ý chủ yếu của Diễn đàn Davos lần thứ 48 này với chủ trương « Nước Mỹ trước tiên ».

 Đây là điều đi ngược lại hoàn toàn với việc tạo dựng một thế giới rộng mở, hợp tác đang được các nhà tổ chức và những người tham dự diễn đàn bảo vệ.
Giới quan sát dự báo, bài diễn văn của ông Trump hôm nay hứa hẹn sẽ lại gây bão dư luận bởi ông vẫn luôn là một người khó lường.

Chung Hyeon : Ngôi sao châu Á mới trong làng quần vợt Thế giới

Ở những chặng cuối cùng của giải quần vợt Úc Mở rộng (Australia Open) đang diễn ra sôi động tại Melburn, làng banh nỉ thế giới vừa phát hiện ra một ngôi sao mới nổi đến từ đất nước Hàn Quốc.
Theo Le Figaro, Chung Hyeon, tay vợt trẻ châu Á đã làm rúng động làng quần vợt đỉnh cao tại Melburn, khi anh lần đầu tiên vào được bán kết hôm nay đối mặt với huyền thoại Roger Federer.

Trước giải đấu Úc Mở rộng năm nay, tên Chung Hyeon, 21 tuổi xếp hạng 58 thế giới vẫn còn rất xa lạ với các giải đấu Grand Chelem.
Ở giải đấu này tay vợt Chung Hyeon đã có một hành trình thi đấu thăng hoa, gây bất ngờ lớn cho người hâm mộ và giới chuyên môn.

Tay vợt kỳ cựu hàng đầu thế giới của Mỹ, John McEnroe đã thốt lên rằng « Xin chào mừng đến với thế giới tennis ».
 Tờ Telegraph tại Úc thì chạy tựa : « Mội ngôi sao ra đời ». Tay vợt Hàn Quốc đã trở thành hiện tượng của giải Úc Mở rộng 2018.

Switch mode views: