Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Việt Nam đẩy nhanh cổ phần hóa các tập đoàn Nhà nước

sabeco-listing

Một dây chuyền sản xuất tại một nhà máy của Sabeco. Việc thoái vốn Nhà nước của tập đoàn này trong năm 2017 đã được xem là một thành công.REUTERS/Kham

Xu hướng rõ rệt nhất về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2018 có lẽ là tiến trình thoái vốn các tập đoàn Nhà nước sẽ được đẩy nhanh, trong nỗ lực của chính phủ nhằm mở cửa hơn nữa nền kinh tế và bù đắp ngân sách Nhà nước do nợ công đang tăng cao một cách đáng ngại.

Năm 2017 đã kết thúc với vụ thoái vốn đáng chú ý tại tập đoàn Sabeco ( Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn ), tập đoàn nổi tiếng với 2 thương hiệu bia 333 và bia Saigon.
Bộ Công Thương đã thoái 53,59% vốn Nhà nước tại Sabeco, thu về cho Nhà nước 4,8 tỷ đôla. Đây là vụ thoái vốn lớn nhất từ trước đến nay trên thị trường Việt Nam.

Theo nhận định của trang mạng The Diplomat ngày 21/12/2017, việc bán cổ phần ở Sabeco là bước lớn đầu tiên trong kế hoạch thoái vốn Nhà nước từ các tập đoàn nhằm đẩy nhanh tiến trình tự do hóa nền kinh tế Việt Nam.
Đây được coi như là chính sách « Đổi Mới tập hai ».

Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ qua điện thoại từ Sài Gòn, chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, nếu thành công, kế hoạch thoái vốn Nhà nước từ các tập đoàn sẽ có tác động tích cực lên nền kinh tế Việt Nam.

Chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn : Trước đây, chính phủ nào cũng đều có kế hoạch đẩy mạnh cổ phần hóa.

 Tuy nhiên, trong nhiều năm, tiến trình cổ phần hóa này hơi chậm. Nguyên nhân đầu tiên là phần lớn chương trình cổ phần hóa đầu tiên là muốn đưa những doanh nghiệp Nhà nước không hiệu quả vào cổ phần hóa.
Việc cổ phần hóa những doanh nghiệp không hiệu quả như vậy dĩ nhiên là không được sự hoan nghênh của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư trong nước. Do đó nó bị chậm.

 Còn những công ty Nhà nước làm ăn có lời thì người ta lại không đặt vấn đề cổ phần hóa. Ngay cả ban giám đốc những công ty đó cũng viện lý do đây là công ty đang làm ăn hiệu quả của Nhà nước thì tại sao lại cổ phần hóa.
Cho đến gần đây, khi có chính phủ mới, chính phủ của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc đẩy mạnh cổ phần hóa mới rõ nét.

Nguyên nhân thứ hai là trong thời gian trước đây, khi chúng ta phát triển những tập đoàn Nhà nước có những vị trí rất quan trọng, thì song song với việc phát triển những tập đoàn đó theo chiều dọc cũng như chiều ngang, các tập đoàn đó cũng đã phải vay một số nợ rất lớn từ nước ngoài, góp phần làm tăng nợ công.

Nay tình hình đã trở nên cấp bách, cần phải giải quyết bài toán đó. Do vậy, việc cổ phần hóa những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả như Vinamilk và gần đây là Sabeco.
Tôi cho rằng việc bán các cổ phiếu của Sabeco là một thành công rất lớn, được giá rất tốt và được một số tiền rất cao, hơn 4 tỷ đôla.
 Tôi nghĩ nó cũng sẽ là một khởi đầu để chính phủ tiếp tục cổ phần hóa những tập đoàn Nhà nước có những vị trí then chốt hơn trong nền kinh tế, mà không phải là trong những vị trí có tính chất an ninh quốc gia.

Tôi nghĩ là trong lĩnh vực thương mại hay dịch vụ, cũng nên đẩy mạnh cổ phần hóa, để một mặt thu về ngân sách một số tiền rất lớn, hỗ trợ cho việc trả nợ nước ngoài, giảm bớt số nợ công của quốc gia.

RFI : Những tập đoàn được thoái vốn trong năm 2018 này liệu có sẽ gặp thành công như Sabeco ?

Huỳnh Bửu Sơn :Thành công của việc thoái vốn thì tùy thuộc vào việc chọn lựa tập đoàn : hoạt động trong lĩnh vực nào, hiệu quả đến mức nào, cách đánh giá tập đoàn đó như thế nào, chọn người nào để đi thương thảo cho việc thoái vốn đó.

Tôi cho rằng đây là một kế hoạc phải được nghiên cứu cẩn thận và phải có những người chuyên môn trong lĩnh vực này để hỗ trợ bán được cho đúng đối tượng và với giá phù hợp cũng như là tốt cho chính phủ Việt Nam.

Đặc biệt là chọn lựa những tập đoàn nào làm ăn hiệu quả cũng như là tính toán tỷ lệ nào để bán ra và các nhà đầu tư chiến lược nào có thể tham gia. Đây là những vấn đề phải nghiên cứu kỹ để bảo đảm thành công cho việc thoái vốn Nhà nước.

RFI : Khi muốn mua cổ phần của một tập đoàn nào, các nhà đầu tư phải xem tập đoàn đó có làm ăn hiệu quả không, cũng như định giá được trị giá tài sản của tập đoàn đó. Việt Nam vẫn thiếu minh bạch thông tin về vấn đề này. Liệu đó có phải là một cản lực cho tiến trình thoái vốn Nhà nước?

Huỳnh Bửu Sơn:Về thiếu minh bạch thông tin thì đúng là trước đây một số tập đoàn lớn khi chưa chuẩn bị để bán cổ phiếu ra thị trường thì đương nhiên là họ không có nhu cầu để công bố thông tin.

Nhưng một khi đã có quyết định bán cổ phiếu ra thị trường rồi thì tôi nghĩ rằng việc công bố những thông tin về những hoạt động, ít nhất trong 3 năm, của tập đoàn là một việc hết sức cần thiết để cho các nhà đầu tư có đủ thông tin để họ quyết định.

Tôi cho rằng đây cũng là một cơ hội. Việc công khai hóa những thông tin chính xác, không chỉ của các tập đoàn lớn, mà của các doanh nghiệp quốc doanh trong chương trình cổ phần hóa, cũng như của các doanh nghiệp tư nhân, để làm cho nền kinh tế Việt Nam dưới con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài trở nên rõ ràng hơn, minh bạch hơn là một điều tốt không những cho doanh nghiệp Việt Nam, mà cả nền kinh tế Việt Nam.

RFI :Việc thoái vốn Nhà nước theo ông sẽ có tác động như thế nào đến tiến trình cải tổ kinh tế nói chung ở Việt Nam ?

Huỳnh Bửu Sơn :Nó sẽ có tác động rất tích cực. Như kinh nghiệm trước đây của Trung Quốc, đối với doanh nghiệp, họ chú trọng đến cái « sở tại » hơn là « sở hữu », vì doanh nghiệp đặt ở đâu, ở nước nào, sử dụng lao động, nguồn nguyên liệu ở đâu mang tính chất quyết định cho nền kinh tế của nước đó hơn là ai, chính phủ nước đó hay tư nhân nước đó, làm chủ.

Nếu các doanh nghiệp ở Việt Nam mở rộng được cánh cửa để cho các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, để có thể tiếp nhận không chỉ nguồn vốn, mà cả những kỹ năng quản trị, tiếp thị, công nghệ, thì tôi cho rằng đây là một điều tốt, làm tăng hiệu quả của các doanh nghiệp Việt Nam.

 Nếu các doanh nghiệp đó làm ăn hiệu quả thì có nghĩa là sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng lên, góp phần lớn vào phát triển kinh tế và tăng GDP của Việt Nam.

Switch mode views: