Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Iran : Biểu tình đầu 2018 phơi bày ''các rạn nứt'' của chế độ

Teheran - Iran

Biểu tình ủng hộ chính quyền tại Teheran, Iran, ngày 03/01/2018.
Ảnh : Tasnim News Agency/Handout via REUTERS

Đợt biểu tình chống chính quyền bất ngờ bùng phát tại nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran tạm lắng hôm thứ Ba, 02/01/2018.
Tuần hành ủng hộ chế độ diễn ra trên khắp cả nước ngày hôm sau.

 Sau khi giáo chủ Iran lên tiếng lần đầu tiên, giới cầm quyền đồng loạt lên án tổng thống Mỹ can thiệp.
Tuy nhiên, đằng sau phản ứng có vẻ thống nhất nói trên là « các mâu thuẫn », « phân hóa » sâu sắc của chế độ Hồi Giáo Iran, lộ ra dưới ánh mặt trời, sau các biến động vừa qua.

Bài « Sự chia rẽ trong nội bộ Nhà nước Iran lộ rõ » của báo Le Monde số ra hôm nay, 04/01/2018, nhấn mạnh trước hết đến các phản ứng khác nhau từ phía chính quyền Iran về cách xử lý những người bị bắt.

« Trong khi chánh án tòa án cách mạng Teheran tuyên bố những kẻ kích động biểu tình có thể bị phạt đến án tử hình…
Về phía chính phủ ôn hòa Rohani, bộ trưởng Đại Học khẳng định sẽ tiến hành các thủ tục để các sinh viên đang bị câu lưu – mà không bị các cáo buộc nghiêm trọng – được trả tự do, để họ có thể tham dự các kỳ thi cuối năm, sắp diễn ra trong vài ngày tới ».

Trên thực tế, hai phe « cải cách » và « bảo thủ » đối đầu ngày càng quyết liệt hơn từ nhiều tháng nay.
Ít ngày trước biểu tình đầu tiên tại thành phố miền đông Machhad, trong phát biểu về ngân sách cho năm mới 2018, trước Quốc Hội Iran, tổng thống Rohani đã « khẩn thiết » yêu cầu các nghị sĩ giúp ông « làm minh bạch » và « cắt giảm » chi tiêu của nhiều định chế Nhà nước, tôn giáo.

Phe « bảo thủ » và một bộ phận giới giáo sĩ không chấp nhận được việc tổng thống Iran « trực tiếp cáo buộc họ ăn cướp tiền công quỹ ».

Biểu tình bùng lên từ căn cứ địa của phe « bảo thủ »

Cuộc biểu tình « chống chính phủ » đầu tiên ngày 28/12/2017 bùng lên chính tại Machhad, thành phố được coi là một căn cứ địa của phe bảo thủ.

Một lãnh đạo tôn giáo của thành phố - người thân của cựu ứng cử viên tổng thống Ebrahim Raisi, đối thủ của tổng thống cải cách Rohani trong cuộc bầu cử tháng 5/2017 – bị Hội Đồng An Ninh Quốc Gia triệu tập để giải trình về vai trò của mình trong các cuộc xuống đường.

Nhân vật này đã công khai cổ vũ biểu tình, thông qua các phương tiện truyền thông siêu bảo thủ, trước khi phong trào lan ra khắp cả nước, vượt khỏi tầm kiểm soát của một phe phái (1).

Vai trò của một lãnh đạo bảo thủ quan trọng khác trong cuộc đối đầu hiện nay cũng Le Monde nhắc đến, cho dù nhân vật này không trực tiếp lên tiếng kể từ khi bùng phát biểu tình.
Đó là cựu tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, từng nắm quyền trong 9 năm (2005-2013).

Bị các đồng minh cũ thuộc thành phần « siêu bảo thủ » bỏ rơi, bị nằm trong tầm ngắm của tư pháp, trong những tháng gần đây cựu tổng thống Ahmadinejad liên tục tấn công vào « giới tinh hoa », trước hết là gia tộc Larijani, một trong các gia tộc hùng mạnh nhất Iran, mà một thành viên của gia tộc này – đồng minh của tổng thống Rohani – là chủ tịch Quốc Hội, một người khác được giáo chủ Iran bổ nhiệm đứng đầu cơ quan tư pháp.

« Giải pháp Rohani » bất thành

Cũng Le Monde hôm nay giới thiệu phân tích của chuyên gia về Trung Đông Clément Therme, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc Tế (IISS). Bài « Chế độ Iran đối diện với các mâu thuẫn của chính mình » trước hết chỉ ra « các nguyên do trực tiếp » dẫn đến biểu tình, như giá cả tăng vọt, chế độ trợ giá hàng tháng cho người nghèo sẽ chấm dứt.

Về lý do trực tiếp thúc đẩy hàng nghìn người dân nghèo và một bộ phận giới trung lưu Iran xuống đường trong những ngày qua, nhà nghiên cứu IISS lưu ý : Người dân không còn tin tưởng là đời sống sẽ được cải thiện, một viễn cảnh từng mở ra sau khi Teheran đạt được thỏa thuận hạt nhân với phương Tây năm 2015.

Những người biểu tình lên án việc chính quyền Iran đã chi rất nhiều tiền cho các đồng minh khu vực tại Irak và đặc biệt là ở Syria, để duy trì ảnh hưởng, thay vì đầu tư trong nước, để cải thiện đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, bài phân tích còn đi xa hơn khi chỉ ra các nguyên nhân sâu xa của các cuộc phản kháng, mà ông gọi là « các nguyên do mang tính cấu trúc ».
Chuyên gia IISS nhận xét : có một sự phẫn nộ trước « thực trạng bất công vô cùng lớn » tại Iran.

Chính quyền mang danh là « cách mạng » nhưng trên thực tế chỉ là một « tầng lớp đặc quyền, đặc lợi » (khodi), sống dựa vào các nguồn dầu mỏ, và không làm gì để phân phối lại một phần nguồn lợi này cho những người nghèo khó, sống bên lề xã hội (gheyr-e-khodi).

Giải pháp một chính phủ được gọi là « cải cách » cho Iran hiện nay – mà tác giả gọi là « giải pháp Rohani » - đã không vận hành.
Bằng chứng rõ ràng là sự đối đầu giữa các phe phái, với các cuộc tuần hành phản đối chính phủ, và các cuộc phản biểu tình để ủng hộ chế độ sau đó.

Mâu thuẫn sâu xa của chế độ

Theo nhà nghiên cứu Clément Therme, mâu thuẫn bắt rễ sâu xa trong phương thức vận hành của chế độ Hồi Giáo Iran.
Các nhà sáng lập chế độ này đã xây dựng nên cả một hệ thống chính trị, được đánh là « rất tinh vi », có thể gọi tên là « chế độ độc tài dựa trên bầu cử » (régime autoritaire électif).

Cụ thể là chế độ Hồi Giáo Iran chủ trương chấp nhận một nguyên tắc đa nguyên có giới hạn, trong nội bộ (gọi là nezâm), thông qua các cuộc bầu cử nằm trong vòng kiểm soát, nơi các ứng cử viên « cải cách » hay « ôn hòa » có thể tranh cử, hứa hẹn cải thiện các quyền dân sự.

Tuy nhiên, để mô hình này vận hành, Iran phải có được một tỉ lệ tăng trưởng cao, để đời sống tầng lớp trung lưu được cải thiện, bên cạnh đó, tầng lớp dân nghèo, và xã hội dân sự Iran nói chung phải chấp nhận « tính chất độc đoán của hệ thống chính trị hiện hành ».
Trên thực tế dự án này đã không thể thành công, bởi Iran từng có một truyền thống « tự do » (libéralisme) lâu đời, bắt nguồn từ cuộc cánh mạng Hiến pháp 1906.

Bên cạnh đó, « chính sách kinh tế khắc khổ tân tự do », mà chính quyền Iran thực thi, theo khuyến cáo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế lại mâu thuẫn hoàn toàn với các hứa hẹn của cách mạng, vốn đặt lợi ích của tầng lớp dân chúng nghèo khó lên hàng đầu.
 « Các cải cách cấu trúc » đối với nền kinh tế Iran chỉ thực hiện được, khi các lý tưởng cách mạng theo quan điểm công lý Hồi Giáo bị hy sinh.

Theo chuyên gia IISS, chế độ Iran hiện tại đang bị giằng xé giữa hai thế lực, một bên muốn cải cách theo hướng hiện đại hóa (với những mâu thuẫn như nói ở trên) với bên kia chủ trương phân phối các nguồn lợi dầu mỏ, theo chủ trương cách mạng trước đây.
Nếu thế lực này thắng thế, cái giá phải trả cũng sẽ rất lớn, « các nền tảng vĩ mô » của kinh tế Iran chắc chắn sẽ lâm nguy, đồng thời với nạn lạm phát phi mã.

Tổng thống « cải cách » Rohani liệu có thể làm gì trước tình thế bế tắc hiện nay ?

 Nhà nghiên cứu ghi nhận, trong bối cảnh phân cực xã hội gia tăng, để xoa dịu tình hình chỉ còn cách đưa Hoa Kỳ làm « vật tế thần » để bào chữa cho « sự phá sản các chính sách kinh tế » của một chế độ, vốn luôn tỏ ra khinh miệt các vấn đề kinh tế.
Giáo chủ Iran Khomeyni trước đây chẳng từng nói : « kinh tế chỉ là chuyện của những con lừa ».

(1) Trong các cuộc biểu tình tiếp theo, người tuần hành không những lên án chính phủ, mà còn đả đảo cả chế độ.

Switch mode views: