Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-12-2017

Nợ toàn cầu : Báo động « cấp tối đa »

G7-SUMMIT-baodong
Lãnh đạo các nước G7 trong một thượng đỉnh tại Đức, năm 2015.
Reuters

Làn sóng cực hữu dâng cao khắp nơi ở Trung Âu, Pháp bị chỉ trích trong vấn đề đón tiếp người tị nạn là các chủ đề lớn của nhiều báo Pháp hôm nay.

Nhưng trước hết xin giới thiệu vấn đề đang thách thức giới kinh tế thế giới hiện nay : « Báo động về nợ toàn cầu ở mức tối đa ».

Les Echos cảnh báo chính sách của khối G7 đang dẫn thế giới đến một cuộc « khủng hoảng tài chính toàn cầu mới ».

Báo kinh tế Les Echos nhận định « chưa bao giờ mức nợ công, nợ doanh nghiệp, nợ gia đình lại đạt đến mức cao như vậy trong thời bình ».

Quỹ Tiền Tệ Thế Giới và Cơ Quan Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OCDE), cảnh báo nếu các nước G7, tức các cường quốc, « không xét lại triệt để chính sách kinh tế của mình, một khủng hoảng lớn rất có thể sẽ bùng phát ».
Cụ thể là trong khoảng một thập niên, từ 2006 đến 2016, tổng số nợ đã tăng từ 234% đến 275% GDP.

Chỉ riêng nợ của các gia đình những quốc gia giàu tăng từ 52% năm 2008 lên 63% vào năm ngoái, có nghĩa là mấp mé với mức 65%.
Đây là mức mà theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế khả năng bùng phát khủng hoảng là rất cao.

Trong một phân tích gần đây, chuyên gia Patrick Artus của hãng Netixis điểm mặt thủ phạm trực tiếp của tình trạng này là do giá cổ phiếu, bất động sản, tỉ số nợ trên tổng tài sản của doanh nghiệp… leo thang không ngừng.

Mà đứng sau tình trạng này là ngân hàng trung ương và lãnh đạo của các quốc gia khối G7.
Hàng núi tiền mặt đã được rót vào hệ thống tài chính toàn cầu, chủ yếu thông qua việc bán công trái (Chính sách nói trên bị lên án là « vô trách nhiệm, kể cả trong lĩnh vực tiền tệ, kinh tế vĩ mô, cũng như về khí hậu hay quốc phòng »).

Les Echos nhấn mạnh là « các nhà lãnh đạo đã không tiến hành các cải cách cấu trúc cần thiết để khôi phục tăng trưởng, hỗ trợ tạo việc làm và giảm bớt bình đẳng, mà chủ trương dùng chính sách tiền tệ làm công cụ chủ yếu ».

Cựu trợ lý thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Pháp, ông Hervé Hannoun, trong một xuất bản mới đây, khẳng định đây là « một hành động tự sát ».
Tác giả mô tả hiện nay, đông đảo dân chúng tại các nước phát triển dường như đều có cảm tưởng đang sống trong « thế giới kỳ diệu của nàng Alice », mà không hiểu rằng họ đang ngự trên một bong bóng nợ khổng lồ đang ngày một phồng lên, một ngày không xa đe dọa sẽ nổ tung.

Nhà kinh tế của Netixis nêu ra hai ví dụ cụ thể của tình trạng tài chính phi lý hiện nay. Thứ nhất là tình trạng lãi suất âm, « nhiều chính phủ các nước châu Âu được trả tiền để vay thêm các khoản tiền mới ».

 Đây là nguồn gốc của tình trạng nợ công tăng vọt tại một số nước (năm 2008 đến 2016, nợ công Pháp tăng từ 68 % lên 96% GDP; Đức 65% - 68%).
Ví dụ thứ hai là, về phía các doanh nghiệp, lãi suất tiền vay quá thấp, khiến nhiều doanh nghiệp vay tiền để mua lại cổ phiếu, thay vì đầu tư cho sản xuất.

Khủng hoảng sẽ xảy ra khi lạm phát trở lại, các ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất trở lại (như điều mà ngân hàng trung ương Mỹ đang rụt rè tiến hành, Liên Âu và Nhật Bản thì chưa), với hệ quả là các nhà đầu tư sẽ thiệt hại lớn về tài chính.

Chuyên gia kinh tế dự báo, cuộc khủng hoảng mới sẽ dẫn đến việc xem xét lại mô hình tăng trưởng của khối G7, cho đến nay « chủ yếu dựa trên nợ nần chồng chất, năng lượng hóa thạch và chạy đua vũ trang ».

Nga : Bất bình đẳng ở hàng cao nhất thế giới

Vẫn trong lĩnh vực kinh tế, phụ trương Le Monde hôm nay dành chủ đề chính cho Nga và Brazil, hai nền kinh tế đang trỗi dậy đối mặt với nguy cơ nạn đói nghèo tăng vọt.
Hơn 14% dân Nga (tức hơn 21 triệu dân) sống dưới mức 146 euro/tháng (mức thu nhập tối thiểu), tăng hơn 1%, trong quý đầu năm nay, so với năm trước.

Phóng sự của Le Monde đưa độc giả với tầng lớp những người sống bên lề xã hội tại Nga, thông qua một nhân viên thuộc một hiệp hội tình nguyện Pháp, làm nhiệm vụ tại các trung tâm tiến đón khẩn cấp ở thủ đô nước Nga.

Người nhân viên nhận xét : trong khoảng 10 năm gần đây, tình trạng trẻ em lang thang trên đường phố không còn nữa, nhưng đã xuất hiện nhiều loại người bị đẩy ra lề khác, như người độc thân, thường là 50 tuổi hoặc hơn, những người lao động nghèo và kể cả thanh niên.

Theo thị trưởng Matxcơva, tại thành phố này, có 13.315 người vô gia cư. Con số này được đánh giá là không nhiều so với tổng số 12 triệu dân cư thành phố, và gần 70% dân vô gia cư đến từ nơi khác.
Tình trạng nhìn chung là tội tệ hơn ở các địa phương.

Theo một nghiên cứu của ngân hàng Credit Thụy Sĩ, mức độ bất bình đẳng tại Nga gia tăng nhanh hơn so với nhiều nơi khác.
Số liệu được công bố cuối 2016 cho thấy 1% dân Nga giàu nhất tập trung gần 75% tài sản.
Tình trạng người nghèo càng trở nên khó khăn hơn với việc giá dầu mỏ sụt giảm và các trừng phạt của phương Tây, do Nga can thiệp vào Ukraina.

Tị nạn : « Danh dự nước Pháp » bị thách thức

Trở lại nước Pháp, chính sách với người xin tị nạn của chính phủ tiếp tục bị lên án, vào đúng Ngày Quốc Tế Người Di Cư. Báo Libération chạy trang nhất hàng tựa « Di cư : Những đỉnh cao của ô nhục », trên nền hình ảnh người di cư vượt qua Alpes trong tuyết trắng.

Libération nhận xét : « Vào lúc hàng đoàn người nước ngoài liều mình đi bộ vượt núi Alpes, chính phủ chọn giải pháp trấn áp… », với việc xiết chặt các điều kiện nhập cư, « quê hương của nhân quyền giờ đây chỉ nghĩ đến chuyện đóng cửa biên giới và trục xuất hàng loạt ».

Le Monde có bài xã luận « Nhập cư : Danh dự nước Pháp bị thách thức », so sánh các hành xử của chính phủ hiện nay với những hứa hẹn của ứng cử viên tổng thống Macron, trong thời gian tranh cử, sẽ hành động một cách « nhân văn và thực tế ».

Vào lúc đó, ông Macron khẳng định nước Pháp « có vinh dự được tiếp đón người tị nạn », tiếp theo những gì nước Đức đã làm.
 Tuy nhiên, cho đến nay, Le Monde ghi nhận Paris thiên về trục xuất hơn là đón tiếp, và điều này làm xấu đi hình ảnh của nước Pháp.

Dẫn lại quan điểm của cố thủ tướng Michel Rocard, được được đương kim tổng thống nhắc lại nhiều lần, đó là « Nước Pháp không thể đón nhận toàn bộ những nỗi đau của thế giới », Le Monde lưu ý là tổng thống Macron đã không chú ý đến một vế khác trong quan điểm của ông Rocard, đó là cho dù có lập trường cứng rắn về vấn đề này, Rocard cũng đòi hỏi nước Pháp phải bảo đảm phần trách nhiệm của mình, đối xử với những người xin tị nạn một cách tử tế nhất, mà đây không phải là điều chúng ta đang thấy hiện nay.

Le Monde cũng cho biết Ngày Quốc Tế Người Di Cư hôm nay sẽ là dịp mà 470 phong trào bảo vệ người tị nạn ở cấp địa phương và quốc gia tại Pháp đồng loạt lên tiếng.

Phỏng vấn tổng thống Pháp : Khí hậu chủ đề trọng tâm

Vấn đề người tị nạn nổi bật dường như ít nhiều che khuất cuộc trả lời phỏng vấn dài hiếm hoi của người đứng đầu nước Pháp sau 7 tháng cầm quyền đầu tiên, gần 2 tuần trước dịp Năm Mới.

Le Figaro trong bài « Emmanuel Macron : ‘‘Tôi làm những điều tôi đã nói’’ » cho biết trên kênh truyền hình France 2, tổng thống Macron đã bảo vệ thành quả trong các hồ sơ quốc tế, cũng như khẳng định các nỗ lực đặc biệt của ông trong lĩnh vực khí hậu, cũng như phong cách lãnh đạo riêng của ông.
Tổng thống dự báo, với các nỗ lực quốc tế chung, cuộc chiến chống Daech đang gần đạt đích, chiến thắng hoàn toàn tại Syria có thể sẽ là vào cuối tháng 2/2018.

Về cuộc chiến chống thất nghiệp, theo tổng thống Pháp, cuộc cải cách quan trọng bộ luật Lao động, rất khó khăn, và bị tránh né từ 20 năm nay, đã được ông ưu tiên tiến hành ngay từ đầu, và các kết quả đầu tiên dự kiến sẽ thấy trong hai năm tới.

Chủ đề mà Le Figaro đặc biệt chú ý trong cuộc phỏng vấn tổng thống Pháp là khí hậu. Emmanuel Macron thừa nhận là ông đã « chậm trễ » trong việc chuyển sang lập trường bảo vệ môi trường, sinh thái.
 Tuy nhiên, trong cuộc chiến vì môi sinh hiện nay, ông hứa hẹn sẽ gia tăng nỗ lực, đặc biệt cho các năng lượng tái tạo ở Pháp.

Cùng lúc đó, nguyên thủ Pháp khẳng định quyết định rút khỏi thỏa thuận Paris của tổng thống Mỹ là sai lầm, nhưng ông cũng hy vọng nỗ lực của các địa phương, khu vực tư nhân tại Mỹ sẽ bù đắp được thiếu hụt về tài chính do quyết định của ông Trump.

Cực hữu : Liên Âu xem xét phản công

Về thời sự châu Âu, sau biến cố cuối tuần qua, cánh cực hữu lọt vào chính phủ Áo, chiếm vị trí lãnh đạo ba bộ chủ chốt, Le Monde dành nhiều trang đầu mô tả xu hướng cực hữu đang dâng cao tại Áo và Cộng Hòa Séc.

Bên cạnh trường hợp của Áo, đáng chú ý là bài mô tả chân dung một lãnh đạo cực hữu đang nổi lên tại Séc, một nhà kinh doanh gốc Nhật, một người chỉ mới gia nhập chính trường từ hơn hai năm nay.

Doanh nhân Tomio Okamura, lãnh đạo đảng cực hữu SPD, hiện đứng thứ 4 trong số các đảng phái ở Séc, kêu gọi cấm Hồi Giáo và ủng hộ một bản sắc văn minh châu Âu dựa trên « các giá trị Do Thái và Thiên Chúa Giáo cổ xưa ».

Về Ba Lan, Le Monde cho biết, Ủy Ban Châu Âu đang xem xét có các biện pháp cứng rắn hơn, nhằm cảnh báo việc chính quyền Ba Lan, do cực hữu chi phối, xâm phạm nghiêm trọng các định chế dân chủ, pháp quyền, tấn công vào thẩm quyền độc lập của tư pháp.

Cụ thể là, Ủy Ban Châu Âu có thể kích hoạt một điều khoản, theo đó khối 27 nước sẽ ra quyết định ghi nhận tình trạng xâm phạm định chế nhà nước pháp quyền « ở mức nghiêm trọng », Ba Lan có thể bị tước quyền bỏ phiếu. Vấn đề này sẽ được bàn thảo trong cuộc họp tới của Ủy Ban ngày 20/12.

Pháp : 70% bệnh nhân « đau mãn tính » bị chăm sóc kém

Trong lĩnh vực y tế, tình trạng đau đớn do các bệnh mãn tính là một vấn đề lớn đối với hơn 10 triệu người Pháp, tức khoảng 20% dân số.
Theo Le Figaro, hơn 70% trong số họ « không nhận được điều trị tương ứng ».

Các bệnh mãn tính phổ biến gây đau đớn dài là ung thư, viêm khớp, đau nửa đầu, cúm gây viêm, hội chứng bệnh đường ruột bị kích thích, lạc mạc nội tử cung hay hội chứng đau xơ cơ…
Tình trạng đau đớn kéo dài gây những hệ quả gây gớm, cụ thể là có đến khoảng 30% người mắc có ý định tự sát, theo một bác sĩ tâm thần Đại học Montpellier.

Riêng về ung thư, theo một chuyên gia khác, có khoảng 40% người bệnh cần nhưng không có morphine (giảm đau), trong lúc đơn kê morphine tăng hơn 70% trong thập niên 2005-2015.

Theo Le Figaro, để giải quyết vấn đề này, cần phải tìm nhiều biện pháp khác nhau đặc biệt không được quên phần đóng góp quan trọng của các phương pháp không dùng thuốc, như ám thị, châm cứu, luyện tập thể chất…
Đây là các biện pháp hiệu quả, nhưng đáng tiếc là hiện tại không được bảo hiểm y tế chi trả.

« Y học cổ truyền » là tương lai ?

Cũng Le Figaro, có bài « Phải chăng chính các bộ môn y học truyền thống sẽ là tương lai của y học đương đại ? ».

Ngành y tế nước Pháp hiện tại đã thừa nhận bốn môn học cổ truyền và (vốn được coi là) « không chính thống », bao gồm châm cứu, liệu pháp chỉnh cốt (ostéopathie), điều trị bằng chất vi lượng (homéopathie) và endométrie (điều trị bằng liệu pháp tiêm thuốc dưới da).
Viện hàn lâm y học Pháp công nhận châm cứu, liệu pháp chỉnh cốt, ám thị và thái cực quyền (tai-chi).

Năm 2015, khoảng 6.000 bác sĩ Pháp cho biết đã tốt nghiệp một chuyên ngành y học cổ truyền hay « phi chính thống ».

Switch mode views: