Vai trò hạn chế của Bắc Kinh trong cuộc đấu Washington - Bình Nhưỡng
- Thứ Năm, 14 tháng Mười Hai năm 2017 20:46
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, trong lễ kỷ niệm 85 năm thành lập Quân Đội Nhân Dân Triều Tiên, ảnh hãng tin nhà nước KCNA đăng tải ngày 27/04/2017.KCNA/Handout via REUTERS/File Photo
Ngày 16/08/2017, trong một tin nhắn Twitter, tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un về quyết định ngừng kế hoạch bắn tên lửa qua đảo Guam của Mỹ.
Trước đó một hôm, Kim Jong Un đã loan báo tạm thời đình chỉ kế hoạch trên và đề nghị Mỹ có những quyết định "đúng đắn" để giảm căng thẳng.
Những tuyên bố hòa hoãn hơn giữa hai ông Donald Trump và Kim Jong Un đã giúp cho tình hình bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt sau hơn một tuần lễ nóng bỏng, với cuộc đấu khẩu dữ dội giữa Washington và Bình Nhưỡng, gây lo ngại không ít về khả năng chiến sự bùng lên.
Điểm đáng chú ý là trong suốt thời điểm đấu khẩu gay gắt đó, Trung Quốc đóng một vai trò rất mờ nhạt.
Về mặt chính thức, chỉ thấy Bắc Kinh lên tiếng khuyên giải các bên là nên có giọng điệu từ tốn, đừng làm cho tình hình vốn đã căng thẳng thêm nghiêm trọng.
Ngày 15/08, sau khi cả Mỹ và Bắc Triều Tiên đã xuống giọng, Trung Quốc mới lên tiếng cho rằng cuộc khủng hoảng đã rẽ qua một khúc quanh mới, và giờ đến lúc các bên trở lại bàn đàm phán hòa bình.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã hoan nghênh một bản tuyên bố chung được cả hai bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ công bố trên báo Mỹ The Wall Street Journal, xác nhận là Washington không hề có ý định lật đổ chế độ Bình Nhưỡng.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đồng thời kêu gọi Mỹ biến lời nói thành hành động cụ thể, và yêu cầu đồng minh Bắc Triều Tiên là nên có cử chỉ đáp trả tương ứng.
Từ khi Bắc Triều Tiên bắt đầu khuấy động tình hình trên bán đảo Triều Tiên, hầu như tất cả mọi quốc gia, đi đầu là Hoa Kỳ, đều yêu cầu Trung Quốc nỗ lực nhiều hơn trong việc gây áp lực để Bình Nhưỡng bớt gây căng thẳng bằng những vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa.
Trung Quốc đã hứa can thiệp nhưng hiệu quả không thấy rõ.
Khi bùng lên cuộc khẩu chiến cực kỳ căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng, vai trò mờ nhạt của Bắc Kinh đã khiến nhiều nhà phân tích tự hỏi một lần nữa về ảnh hưởng thực thụ của Trung Quốc trên Bắc Triều Tiên.
Trả lời phỏng vấn của ban Pháp Ngữ RFI, nhà báo chuyên trách các vấn đề quan hệ quốc tế Daniel Vernet, đồng tác giả tập khảo luận "Trung Quốc chống Mỹ: Cuộc đọ sức tay đôi của thế kỷ" (La Chine contre l’Amérique, le duel du siècle) đã cho rằng các diễn biến mới đây trên bán đảo Triều Tiên cho thấy Trung Quốc đã lâm vào tình thế không còn có thể tự do hành động theo ý muốn như trước đây.
Các hành động của Bắc Kinh trên hồ sơ Bắc Triều Tiên, theo Daniel Vernet, luôn phải cân nhắc giữa việc không thể để cho đồng minh bị sụp đổ, nhưng cũng phải tìm cách ngăn không cho đồng minh ở ngay cạnh mình sở hữu loại vũ khí có thể hủy diệt Trung Quốc.
Daniel Vernet :
Đúng là khả năng hành động của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên có giới hạn, có lẽ vì Trung Quốc là đồng minh của Bắc Triều Tiên, có thể nói là đồng minh duy nhất - cùng với Nga, nhưng Nga mờ nhạt hơn một chút, nhưng một mặt khác thì Trung Quốc lại không mấy hứng thú với triển vọng nước ngay trước ngưỡng cửa nhà mình là Bắc Triều Tiên đạt được những tiến bộ về vũ khí hạt nhân.
Điều khiến Bắc Kinh lo ngại nhất là việc chế độ Kim Jong Un sụp đổ trong trường hợp chiến tranh, đẩy về phía Trung Quốc hàng triệu người tị nạn Bắc Triều Tiên.
Nỗi quan ngại khác của Bắc Kinh là nếu chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ, hai miền Nam-Bắc Triều Tiên thống nhất, lính Mỹ sẽ đến tận biên giới Trung Quốc trên sông Áp Lục (Yalu).
Tóm lại, Trung Quốc là đồng minh của Bắc Triều Tiên nhưng đồng thời cũng là một đồng minh phải lo lắng, bận tâm trước những hành vi khiêu khích mà Kim Jong Un có thể tiến hành.
Với việc chế độ Kim Jong Un có vẻ như phớt lờ các lời can gián của Trung Quốc, khả năng chiến sự bùng lên - dù rất nhỏ - nhưng không thể loại trừ.
Câu hỏi đặt ra là Bắc Kinh sẽ có lập trường như thế nào có thể làm gì nếu chẳng may chiến tranh nổ ra giữa một bên là Bắc Triều Tiên, và bên kia là Hàn Quốc được Hoa Kỳ hỗ trợ?
Trên vấn đề này, Daniel Vernet nhắc lại quan điểm đã được tờ Global Times, tức Hoàn Cầu Thời Báo, nêu bật.
Daniel Vernet:
Đây là một điều rất khó nói. Nhưng trên tờ báo Anh ngữ Global Time, thường phản ánh quan điểm của bộ phận dân tộc chủ nghĩa nhất trong đảng Cộng Sản Trung Quốc, người ta đã nói là nếu Bắc Triều Tiên có hành động khiêu khích như bắn hỏa tiễn về phía đảo Guam như đã đe dọa, nếu Bình Nhưỡng tấn công trước, thì Trung Quốc sẽ giữ thái độ trung lập.
Nếu ngược lại, Mỹ và Hàn Quốc tấn công Bắc Triều Tiên, thì Trung Quốc cố can thiệp để ngăn chặn họ.
Chỉ có điều, người ta không biết Trung Quốc sẽ can thiệp bằng cách nào. Trung Quốc không nói sẽ làm gì, liệu có khai chiến với Mỹ và Hàn Quốc hay không, dù đây là một khả năng rất khó xẩy ra.
Tuy nhiên, thái độ rất mập mờ của Trung Quốc bao hàm một cái gì đấy rất nguy hiểm.
Theo ghi nhận của Daniel Vernet, Trung Quốc đã biết khai thác khía cạnh mình là đồng minh lớn duy nhất của Bắc Triều Tiên, và dùng mối đe dọa đến từ Bình Nhưỡng để làm món hàng đổi chác với Mỹ.
Daniel Vernet:
Tôi không nghĩ là Trung Quốc chỉ ngồi quan sát mà thôi. Người ta có thể nghĩ là ở hậu trường, các nhà ngoại giao Trung Quốc, và cả Mỹ nữa, đã hoạt động ráo riết.
Không thể nói là đã có sự mặc cả giữa Mỹ và Trung Quốc trên hồ sơ Bắc Triều Tiên, nhưng dẫu sao thì phía Trung Quốc đã cố tìm cách đổi chác, đòi Mỹ đền bù, nếu họ dấn thân nhiều hơn nữa vào cuộc khủng hoảng hiện nay, chẳng hạn như gây sức ép thêm lên Bắc Triều Tiên.
Chẳng hạn, Trung Quốc đã bỏ phiếu tán đồng nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, tăng cường trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên.
Cho dù không hề được thừa nhân công khai, nhưng qua mặc cả, Trung Quốc đã thành công trong việc yêu cầu tổng thống Mỹ Donald Trump dịu giọng trên những lời đe dọa tăng thuế đánh trên thép, nhôm, nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đối với Daniel Vernet, vai trò thụ động của Trung Quốc trong lúc nổ ra khẩu chiến căng thẳng giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên rất có thể chỉ là bề ngoài.
Bên trong hậu trường, chắc chắn là Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã có trao đổi với nhau, dù nội dung cụ thể không được rõ.
Daniel Vernet :
Rất khó mà biết được. Nhưng chắc chắn là họ có nói chuyện với nhâu. Nhân các cuộc họp của ASEAN ở Manila vừa qua, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ đã nói chuyện với nhau một cách ít nhiều chính thức.
Rất có thể là Trung Quốc đã gây sức ép lên chế độ Bắc Triều Tiên để Bình Nhưỡng có lời lẽ ôn hòa hơn.
Nhưng Trung Quốc cũng biết là biện pháp gây sức ép của họ có giới hạn. Bắc Triều Tiên dư biết là Trung Quốc không thể để cửa mở cho Mỹ tiến vào sâu trong vùng, cho nên Bắc Kinh cần vùng trái độn như Bắc Triều Tiên, nằm giữa Hàn Quốc, đồng minh của Mỹ, và Trung Quốc.
Giờ đây, khi khẩu chiến Mỹ-Bắc Triều Tiên tạm thời giảm cường độ, các bên có thể nghĩ đến khả năng thương thảo.
Đây cũng là đề nghị của Trung Quốc, cũng như Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Theo Daniel Vernet, các láng giềng của Bắc Triều Tiên đều muốn duy trì nguyên trạng, nhưng vấn đề đặt ra là nguyên trạng này đã có thêm một nhân tố mới, đó là một Bắc Triều Tiên có bom hạt nhân, có khả năng đe dọa các láng giềng.
Điều đó có nguy cơ thúc đẩy các đối thủ của Bình Nhưỡng là Seoul hay Tokyo cũng trang bị vũ khí nguyên tử, một triển vọng mà không ai muốn.
Daniel Vernet:
Tôi nghĩ là họ muốn duy trì nguyên trạng, nhưng một nguyên trạng rất khó định nghĩa hơn là nguyên trạng hiện nay, có nghĩa là Bắc Triều Tiên được chấp nhận như một cường quốc hạt nhân, có khả năng tấn công các láng giềng, có khả năng một ngày nào đó đánh tới lãnh thổ Mỹ với đầu đạn hạt nhân.
Tóm lại một nguyên trạng vô cùng nguy hiểm, và như vậy thì người ta đi vào một cuộc đàm phán có diện rộng hơn nhiều, và có khả năng thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong vùng.
Tại Hàn Quốc, người ta đang đòi trang bị vũ khí hạt nhân.
Nhật Bản thì được coi là một cường quốc đang ở ngưỡng sở hữu vũ khí nguyên tử, tức là có thể có được vũ khí hạt nhân một cách rất nhanh chóng nếu họ muốn.
Thế giới như vậy sẽ đi vào một vòng xoáy vô cùng nguy hiểm.
Nói gì thì nói, tôi cho rằng ngoại giao sẽ thắng.
Mặc dù các bên đang lớn tiếng dọa nhau, Mỹ cũng như Bắc Triều Tiên, nhưng cho dù thế, đàm phán vẫn sẽ thắng, trước khi có một hành động đáng tiếc xẩy ra, từ phía bên này hay bên kia.
Dẫu sao thì tình hình căng thẳng xuống thang trên Bán Đảo Triều Tiên rất có thể là chỉ tạm thời, nhất là khi cả hai bên Mỹ và Bắc Triều Tiên, về mặt chính thức, vẫn duy trì các quan điểm cứng rắn.
Quân đội Mỹ-Hàn đang chuẩn bị các cuộc tập trận thường niên, điều mà cả Bình Nhưỡng lẫn Bắc Kinh đều yêu cầu hủy bỏ.
Về phần Bắc Triều Tiên, lãnh đạo Kim Jong Un nổi tiếng với tính khí được cho là thất thường. Do vậy, không thể loại trừ khả năng Bình Nhưỡng có hành động nào đó làm cho tình hình căng thẳng trở lại.
Related news items:
Tin mới
- Mỹ triển khai lực lượng dày đặc quanh Triều Tiên - 17/12/2017 23:59
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-12-2017 - 17/12/2017 00:36
- Nhật Bản : Kỷ lục tăng ngân sách quốc phòng - 16/12/2017 21:55
- Trung Quốc lập hệ thống vệ tinh giám sát Biển Đông ngày đêm - 16/12/2017 15:53
- Trung Quốc tăng tốc xen vào nội tình nước khác, kể cả Mỹ - 16/12/2017 00:04
- Nhiều đại học Úc bị tố "chia sẻ" công nghệ quân sự với Trung Quốc - 15/12/2017 23:53
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-12-2017 - 15/12/2017 18:05
- Biển Đông vẫn là mục tiêu chính của Trung Quốc - 15/12/2017 16:55
- Quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc tan băng - 14/12/2017 21:53
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-12-2017 - 14/12/2017 21:42
Các tin khác
- Hội nghị WTO lần thứ 11 thất bại hoàn toàn - 14/12/2017 15:26
- Trung Quốc chính thức cảnh cáo Mỹ về việc cho chiến hạm ghé cảng Đài Loan - 14/12/2017 14:45
- Nga chấp nhận tham gia Olympic Pyeongchang 2018 không quốc kỳ - 13/12/2017 23:03
- Biến đổi khí hậu : Nước Mỹ không đầu hàng dù Trump đã rút lui - 13/12/2017 20:10
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-12-2017 - 13/12/2017 18:00
- Thượng đỉnh khí hậu Paris : 12 cam kết vì hành tinh xanh - 13/12/2017 17:14
- Mười địa điểm gần Los Angeles để vui chơi dịp lễ - 12/12/2017 23:47
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-12-2017 - 12/12/2017 23:32
- Trung Quốc xây trại tị nạn đề phòng chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ - 12/12/2017 22:22
- Thượng đỉnh One Planet Summit tìm nguồn tài chính cho khí hậu - 12/12/2017 15:06