Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04- 09-2017

 Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Ổn định của châu Á bị đe dọa

korea stability

Một màn hình trên đường phố Tokyo, thông tin về vụ thử hạt nhân Bắc Triều Tiên, ngày 03/09/2017.
REUTERS/Toru Hanai

Bất chấp quốc tế liên tiếp gia tăng trừng phạt và Mỹ răn đe, Bắc Triều Tiên lại thêm một lần nữa làm cho cả thể giới náo động với thông báo, hôm Chủ nhật (03/09), thử bom hạt nhân lần thứ 6.

Đó là một quả bom H có sức công phá lớn nhất từ trước tới nay, mạnh gấp 6 lần quả bom hạt nhân đã hủy diệt thành phố Hiroshima của Nhật Bản .

 Các báo Pháp ra hôm nay đều bị sốc mạnh với hành động khiêu khích nguy hiểm của đất nước bị cô lập nhất thế giới.

Trước hết đến với bài bình luận trên nhật báo Les Echos của tác giả Dominique Moisi, giáo sư đại học Anh King’s College.
Bài viết mang tựa đề : « Sự ổn định của châu Á bị đe dọa ».

Bài viết khẳng định trong vòng hơn ba chục năm qua, châu Á là một lục địa sống trong hòa bình. Nhưng điều đó giờ đây không còn nữa bởi hành động khiêu khích của Kim Jong Un và tính khó lường của Donald Trump.
Trước thực tế đó, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc bị bắt buộc phải đồng thuận với nhau.

« Vụ nổ thử quả bom H của Bắc Triều Triều Tiên hôm 03/09 không chỉ làm đất nước này rung chuyển mà còn làm sự ổn định của châu Á, xa hơn là sự ổn định của cả hệ thống quốc tế trở nên bất ổn ».

Thực ra theo tác giả, trong vòng hơn ba chục năm, châu Á đã là lục địa của hy vọng, vì châu Á là vùng đất của tăng trưởng, của hòa bình.
« Một trong những lý do chính cho sự ổn định của châu Á trong giai đoạn vừa rồi đó chính là sự hiện diện mang tính ổn định của Hoa Kỳ.

Có thể bằng các cuộc phiêu lưu quân sự, Mỹ đã góp phần tạo ra sự hỗn loạn ở Trung Đông.
Nhưng ở châu Á thì ngược lại, với vai trò của một nhân tố cân bằng, Mỹ vẫn thường thực hiện vai trò đối trọng một cách khôn khéo ».

Bài viết đặt vấn đề : « Cuộc leo thang của Bình Nhưỡng, phần nào trùng hợp với thời điểm Donald Trump lên nắm quyền ở Washington, liệu có phá vỡ sự ổn định vốn có của châu Á hay không ? ».

Đi vào phân tích những tác nhân chính của sự ổn định châu Á, tác giả nhận thấy, dù vẫn luôn là đồng minh được Mỹ bảo vệ, nhưng Nhật Bản giờ đây thấy lo ngại về tính khó lường của tổng thống Mỹ.

Nếu như Nhật Bản bất an vì Donald Trump, Trung Quốc ngược lại đang đắc lợi bởi một tổng thống Mỹ « thiếu kinh nghiệm ».
Bắc Kinh thấy trước mặt họ bây giờ chỉ là một người có duy nhất một trò cân não, nắn gân người khác.

Theo tác giả, mối ngờ vực ngày càng tăng về khả năng của Washington có thể sẽ dẫn đến việc ba tác nhân chủ chốt khu vực, trong khủng hoảng Bắc Triều Tiên là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ xích lại lập trường gần nhau hơn.

 Để họ có thể trực tiếp giải quyết khủng hoảng mà không sợ những hậu quả có thể từ những phát biểu quá trớn của chủ nhân Nhà Trắng và không cần tính đến những giải pháp được thương lượng hay áp đặt từ bên ngoài châu lục.

Tuy nhiên vẫn theo tác giả bài viết, đến lúc này thì trường hợp này chưa xảy ra. Vì không một nước nào, có thể ngoại trừ Nhật, chấp nhận ưu tiên tuyệt đối giải quyết khủng hoảng Bắc Triều Tiên.

Bài viết kết luận : Châu Á sẽ vẫn là lục địa hòa bình và tăng trưởng nếu Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đồng thuận.
Nếu không, Bắc Triều Tiên ở châu Á thế kỷ 21 có nguy cơ trở thành lò lửa chiến tranh như trường hợp Serbia của châu Âu trong thế kỷ 20.

Vụ thử hạt nhân « điên rồ »

Tiếp tục với sự kiện Bắc Triều Tiên thử bom hạt nhân.
Không khí lo ngại có thể cảm nhận thấy trên các trang báo Pháp, với các bài nhận định, bình luận, mổ xẻ hành động của Bình Nhưỡng.

Trang nhất nhật báo Le Figaro chạy hàng tựa nhận định « Sóng sốc toàn thế giới sau vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên ».
Trang nhất Libération đăng kín tấm ảnh lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đang duyệt binh với hàng tựa : « Kim Jong Un, quả bom nổ chậm ».
Les Echos chạy tựa « Bắc Triều Tiên : cuộc leo thang hạt nhân điên rồ ».

Sau những hàng tựa đầy lo ngại như vậy là rất nhiều câu hỏi được đặt ra là quốc tế làm gì sau vụ thử hạt nhân hôm qua của Bắc Triều Tiên ?
Thế giới sẽ ra khi chế độ Bình Nhưỡng có trong tay bom H cực mạnh ?

Xã luận của Le Figaro nhận định : « Vấn đề là với Bắc Triều Tiên người ta không biết phải làm gì. Việc đất nước này bị cô lập gần như hoàn toàn khiến chúng ta không biết nhiều điều...
Câu hỏi lớn là liệu Kim Jong Un có phải là một kẻ điên. »

Không chỉ có một mình Kim Jong Un điên khùng, Libération nhận xét, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đang « chơi trò khùng ».
Đối mặt với ông ta có một đối tác xứng tầm đó là tổng thống Hoa Kỳ Danald Trump.

Thế giới đang lo ngại không biết ông Trump sẽ phản ứng ra sao. Tổng thống Mỹ, bất tài đến thô thiển luôn có những phán xét cay độc, giờ đang ở cùng vị thế với Kim.
Libération nhận thấy tổng thống Mỹ cũng là một kẻ khùng không ai có thể an tâm được và tờ báo đặt câu hỏi « điều gì sẽ xảy ra khi có hai kẻ điên trong một phòng ? hay đó là hai kẻ giả điên ?»

Chỉ còn lại đối thoại với Bình Nhưỡng

Vẫn trong bối cảnh thời sự Bắc Triều Tiên, nhật báo Libération có bài phỏng vấn Joel S. Wit, chuyên gia Bắc Triều Tiên, là người sáng trang web địa chính trị 38 North.org ( Bắc vĩ tuyến 38) chuyên theo dõi các vấn đề về bán đảo Triều Tiên.

Theo chuyên gia Joel S. Wit, chính sách của Mỹ cũng như của cộng đồng quốc tế đối với Bắc Triều Tiên đến giờ là bế tắc.
Washington phải khai mở các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng, đó là cách để thoát ra khỏi ngõ cụt hiện nay.

Trả lời câu hỏi vậy liệu Bắc Triều Tiên có sẵn sàng đàm phán ?

Chuyên gia Wit cho rằng, Bắc Triều Tiên muốn nói chuyện từ nhiều tháng nay, nhưng Mỹ đã không đánh giá mong muốn đó một cách nghiêm túc, mất nhiều thời gian đặt ra rào cản bằng những điều kiện tiên quyết.

Trong một câu hỏi khác : Điều gì có thể ngăn Kim trong cuộc chạy đua bom hạt nhân ?
Chuyên gia về Bắc Triều Tiên nhận định, « vấn đề đặt ra là người ta không biết liệu Kim Jong Un sẽ dừng lại không và điều có thể ngăn ông ta lại.

Cách duy nhất để biết là trực tiếp nói chuyện với ông ta. Có điều là chúng ta vẫn cứ vờ như đã biết rồi.
Ở Washington cần phải có phẩm chất của thủ lĩnh, từ tổng thống cũng như từ ê-kíp của ông, để xử lý hồ sơ nóng bỏng này. Đáng tiếc là trường hợp hiện nay không phải như vậy ».

Kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng không cần đến tổng thống Trump

Nhìn qua nước Mỹ dưới chính quyền Donald Trump. Le Figaro nhận định về kinh tế Mỹ hiện nay : « Nước Mỹ vẫn khỏe mà không cần Trump ».

Theo tờ báo, từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền, chưa có một cải cách lớn nào về kinh tế được khởi động, nhưng kinh tế Mỹ vẫn phục hồi và tiếp tục vững chắc.
Hơn một triệu việc làm đã được tạo thêm từ tháng Giêng năm nay kéo tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp chưa từng có (4,4%), tiêu thụ tăng đều đặn 3,3%, đầu tư tăng tới 8,8% so với cùng kỳ năm trước…. Đó là bức tranh đang rất sáng của kinh tế Mỹ từ đầu năm.

Trong một số những phát biểu trên twitter cũng như những bài diễn văn gần đấy, ông Dnald Trump đã tự nhận mình là tác giả của tăng tốc kinh tế Mỹ.

 Le Figaro cho rằng, nếu rơi vào những người tiền nhiệm của ông Trump, thì họ cũng làm như vậy.
Tuy nhiên rõ ràng là ông Doanald Trump chẳng làm gì nhiều cho kinh tế Mỹ từ khi lên nắm quyền đến giờ.
Theo le Figaro, tin vui của nền kinh tế Mỹ này chủ yếu do các biện pháp chỉ đạo của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed).

Trong khi đó nhật báo kinh tế Les Echos khẳng định « chính sách kinh tế của Donald Trump đang ở điểm chết ».
Theo tờ báo, Donald Trump chẳng những không có vai trò gì lớn trong sự phục hồi kinh tế Mỹ hiện nay, mà còn có thể chặn lại đà tăng trưởng này với việc chậm trễ ra cải cách thuế hay việc thắt chặt chính sách nhập cư.

Phần Lan đối mặt với chiến tranh tuyên truyền của Nga

Trở lại với châu Âu, trang Địa Chính Trị của nhật báo Le Monde có bài viết mang tựa đề : Phần Lan, ở nơi tiền đồn đối mặt với Nga.
Le Monde cho thấy, Phần Lan có 1.340 km đường biên giới chung với nước Nga. Đất nước Bắc Âu nhỏ bé này đang phải đối phó với chiến dịch tuyên truyền, bóp méo thông tin nhằm làm mất ổn định, đến từ người láng giềng bên sườn đông.

Năm nay Phần Lan kỷ niệm 100 năm giành độc lập, một nền độc lập được đánh dấu bằng hai cuộc chiến tranh với nước Nga trong lịch sử.
Đã từ lâu Phần Lan vẫn cảnh giác với nước Nga, cũng như những thông tin đến từ người láng giềng không đáng tin cậy này.

Switch mode views: