Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-03-2013

Thế giới sẽ có một tỷ người nói tiếng Pháp năm 2050

Phapngu quocte
Áp phích ngày Pháp ngữ quốc tế, 20/03/2013.

 

Trong bầu không khí của ngày hội Pháp ngữ hôm nay, thứ tư 20/03/2013, các nhà thống kê của World Population Prospects (WPP) và Cơ quan quan sát Dân số và thống kê cộng đồng Pháp ngữ (ODSEF) vừa đem lại tia hy vọng cho những ai cảm thấy bi quan cho số phận tiếng Pháp.

 Theo thống kê của hai cơ quan này, từ đây cho đến năm 2060, số lượng người sử dụng tiếng Pháp có thể sẽ tăng lên gấp ba lần (từ 300 triệu lên 1 tỷ người).

Tờ báo dí dỏm cho biết, trong tương lai, đấng cứu tinh của ngôn ngữ Pháp sẽ đến từ châu Phi.
Hiện tại, tiếng Pháp được sử dụng bởi nhiều dân tộc tại châu lục này như Gabon, Congo, Mali, Bờ biển Ngà, Togo hay Tchad, các nước cựu thuộc địa của Pháp.

Theo phân tích của WPP, sự kết hợp giữa dân số tănh nhanh cùng với việc đầu tư nhiều trong giáo dục trong tương lai sẽ biến châu Phi thành một đối trọng đáng kể.
Tổ chức này dự đoán rằng từ đây đến 2050, số người sử dụng tiếng Pháp có thể tăng lên đến 85%.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng, triển vọng đó chỉ có thể đạt được với các điều kiện :
- Thứ nhất, phải có các biện pháp mạnh và hiệu quả trong lãnh vực giảng dạy nhằm nâng cao trình độ giáo dục.
- Thứ hai, Cộng đồng Pháp ngữ Phi châu phải chấp thuận cho tiếng Pháp một vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục.

Một nghiên cứu khác của ODSEF do một tác giả người Canada, ở vùng Quebec thực hiện, đã phân chia một cách cụ thể và theo từng hoàn cảnh, sự phát triển của Pháp ngữ qua 4 kịch bản, nôm na được mệnh danh là A1, A2, B1 và B2. Trong đó, hai kịch bản đầu tiên là đáng chú ý nhất.

Theo đó, kịch bản thứ nhất hay còn được gọi là « cộng đồng Pháp ngữ chính thức », tức bao gồm 29 quốc gia, thành viên xem tiếng Pháp là « một trong những ngôn ngữ chính thức ».
Đây cũng chính là những quốc gia cựu thuộc địa của Pháp. Như vậy, việc gia tăng gấp ba số người nói tiếng Pháp có thể xuất phát từ các quốc gia đó.

Kịch bản thứ hai – A2, sẽ bao gồm các quốc gia, tại đó tiếng Pháp là một trong những ngôn ngữ được sử dụng đến.
Nhóm này bao gồm 21 quốc gia nằm rải rác từ Á sang Âu và cả Phi châu, trong đó có Việt Nam. Nhóm này còn được gọi là « cộng đồng Pháp ngữ năng động ».

Nhìn chung, nghiên cứu của hai tổ chức WPP và ODSEF có vẻ rất lạc quan khi cho rằng dù chính sách phát triển ngôn ngữ thế nào đi chăng nữa, trong vòng 50 năm tới, số người sử dụng tiếng Pháp cũng sẽ tăng gấp 3 lần.
Ấy nhưng, các nhà khoa học lại quên một chi tiết rất nhỏ Trung Quốc bắt đầu tấn công mạnh vào châu lục đen.

Tân Giáo hoàng Phanxicô : « Chúng ta không nên sợ lòng tốt »

Lễ đăng quang của vị Giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ châu Mỹ - La tinh hôm qua thứ ba, 19/3/2013 đã được hai tờ báo Le Figaro và nhật báo Công giáo La Croix quan tâm đến.

Lời kêu gọi « Chúng ta không nên sợ làm điều tốt » trong bài diễn văn của Giáo hoàng lần lượt được La Croix và Le Figaro trích dẫn làm tít lớn trên trang nhất hay tựa đề bài viết nhận định.
« Phong thái giản dị và không hoa mỹ » là nhận định chung của hai tờ báo.

Theo Le Figaro, sự giản dị của Ngài được thể hiện rõ nét qua trang phục. Giáo hoàng Phanxicô đã chọn cho mình « chiếc áo choàng màu trắng », thay cho cho « chiếc áo bào nhung đỏ ».
 Trên cổ Ngài vẫn là chiếc thánh giá bằng sắt mà Ngài vẫn thường đeo khi còn là Tổng Giám mục ở Buenos Aires, thủ đô Arhentina.

La Croix cùng chia sẻ nhận định trên khi thấy rằng « buổi lễ đăng quang thật là giản dị, không phô trương nghi lễ tráng lệ đặc biệt, đúng như những tín hiệu đã được đặt ra từ một tuần nay nhằm biểu thị ‘một Giáo hội nghèo vì người nghèo' ».

Đặc biệt, Ngài đã gởi gắm đến các vị quan khách đến dự lễ đăng quang, gồm các quan chức chính phủ và chủ doanh nghiệp lời đề nghị rằng đừng bao giờ để cho « các tín hiệu tàn phá và chết chóc đi cùng bước với thế giới chúng ta ».

 Cuối cùng, tờ báo kết luận rằng « những lời lẽ đó vừa gióng lên hồi chuông cảnh báo, nhưng cũng vừa nói lên nỗi kỳ vọng chọn làm điều tốt đẹp trong khả năng của mỗi con con tim nhân loại ».

Hoa Kỳ và Cận Đông : mối quan hệ không bao giờ lặng sóng

Chuyến công du Cận Đông của tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cũng là tâm điểm thời sự trên các trang báo Pháp.

Theo nhật báo Công giáo La Croix, « tham vọng của ông Obama tại Cận Đông sẽ rất hạn chế» và « thế giới Ả Rập không trông đợi được gì nhiều ở tổng thống ». Bởi vì, trong chuyến đi Cận Đông lần này, ông Obama sẽ không đưa tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestin vào trong chương trình nghị sự.
 Mục tiêu của chuyến đi là chỉ để « nghe và tham vấn ».

Đối với nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng ông Obama đang tiến hành « chiến dịch mua chuộc tại Israel ». Bởi vì, theo phân tích của một số chuyên gia về Israel, « ông Obama đã phạm một sai lầm khi đã không đến thăm Israel trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên.
 Bài diễn văn tại Cairo năm 2009 đã làm cho bầu không khí tin cậy xuống cấp ». Dù vậy, trong lãnh vực hợp tác quân sự, « mối quan hệ vẫn rất bền chắc ».

Tờ báo nhìn nhận rằng mọi nỗ lực cho tiến trình hòa bình tại Cận Đông hầu như không đạt được kết quả gì, kể từ tháng 9/2010.
 Ông Obama đã thất bại trong việc cản trở Israel xây dựng các khu định cư. « Chính vì vậy, tổng thống Mỹ đã thay đổi biện pháp, bằng cách tung ra chiến dịch mua chuộc công luận Israel ».
Nghĩa là thay vì đọc diễn văn trước Nghị viện Israel, tổng thống Obama đã chọn nói chuyện với giới trẻ Israel tại Trung tâm Hội nghị Jerusalem.

Le Figaro dành nguyên trang 6 trên mục Quốc tế để phân tích và đánh giá sự kiện. Tờ báo ví chuyến đi của ông Obama như là việc ông « đang đi vào trong kho đạn của Cận Đông ». Bởi vì, trong lịch trình đi tham quan, ông sẽ đến thăm hệ thống chống tên lửa « Vòm sắt », do Israel chế tạo nhưng với sự hỗ trợ tài chính của Hoa Kỳ.

Theo nhận định của tờ báo, chuyến công du Cận Đông lần đầu tiên của ông Obama kể từ khi ông bước vào Nhà Trắng năm 2008 cho thấy « Hoa Kỳ đang chọn một cách tiếp cận thực tiễn hơn trong xung đột Israel – Palestin ».

Cũng giống như nhận định của báo La Croix , tờ báo cho biết mục tiêu đề ra của chuyến đi rất là hạn chế.
Theo phân tích của một vị quan chức Israel, tổng thống Obama nhận thức được khả năng ông gây áp lực lên các bên là rất hạn hẹp, cho dù là với tư cách là cường quốc số một.
 Do đó rất có thể ông sẽ có một cách tiếp cận kín đáo hơn.

Nhìn từ phía Israel, Le Figaro nhận thấy rằng « mối quan hệ giữa Benyamin Netanyahou với đồng minh Hoa Kỳ không mấy hữu hảo ».

Ngay từ đầu mối quan hệ đó đã « nổi sóng ba đào ». Tờ báo lần lượt nhắc lại các vụ việc xảy ra trước đó.
Vào năm 2010, ông Obama đã để mặc người đồng nhiệm Israel của mình tại Nhà Trắng để « suy nghĩ », trong khi ông đi dùng bữa trưa với gia đình.
Tiếp đến là chuyện ông Obama phàn nàn về thủ tướng Israel với cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, mà quên tắt micro trong một hội nghị.

Về phần ông Netanyahou, Le Figaro nhắc lại là thủ tướng Israel đã từng công khai ủng hộ Mitt Romney, đối thủ của tổng thống Obama trong đợt bầu cử tổng thống vừa qua.

Tờ báo kết luận rằng căng thẳng trong quan hệ giữa tổng thống hay ngoại trưởng Mỹ với các vị thủ tướng Israel không có gì là mới mẻ.
Lịch sử đã từng minh chứng các vụ căng thẳng từ thời Nixon (giữa cựu ngoại trưởng Kissinger và Golda Meir), cho đến thời G. Bush (James Baker và Yitzhak Shamir).
 Gần đây nhất là giữa cựu tổng thống Dân chủ Bill Clinton với Netanyahou vào năm 1996.

« Mystery » của đạo diễn Trung Quốc Lâu Diệp ra mắt công chúng Pháp

Cuối cùng, đến với lãnh vực điện ảnh, phụ san văn hóa của báo Liberation và báo phát miễn phí "20 minutes" có bài giới thiệu về một bộ phim Trung Quốc sắp được công chiếu tại Pháp. Bộ phim « Mystery » do đạo diễn Lâu Diệp sản xuất, bị cơ quan kiểm duyệt trong nước gây không ít phiền hà, đã được chọn chiếu mở màn cho mục tranh giải "Một góc nhìn khác" tại Liên hoan phim Cannes năm 2012.

Bối cảnh cho bộ phim « Mystery » của đạo diễn Lâu Diệp sản xuất diễn ra trong khung cảnh mùa hè đầy mưa gió tại thành phố Vũ Hán.

Liberation cho biết, với việc chọn sự « dồn dập » làm yếu tố chủ đạo trong phim, « Mystery », thông qua câu chuyện ngoại tình của một viên công chức thành phố, đã phản ảnh một cách trung thực về thực trạng sâu thẳm của xã hội Trung Quốc hiện đại : sự bạo hành của giới thành thị mới, có lối sống cực kỳ theo chủ nghĩa tư bản, những kẻ chỉ thích tiêu thụ và cũng là những kẻ sát nhân « máu lạnh ».

Thế nhưng, theo tờ báo « 20 minutes », « Lâu Diệp đã thắng lợi trong cuộc chiến chống kiểm duyệt ». Đối với tờ báo, « Mystery » mang đậm màu sắc, hương vị và mùi vị của một tiểu thuyết trinh thám.

Đằng sau những thước phim chậm rãi đó, lại là cả một quá trình thương thuyết lâu dài bền bỉ của đạo diễn Lâu Diệp với Cơ quan kiểm duyệt : từ khâu kịch bản cho đến cảnh quay. Cuối cùng, là phải vật vả đấu tranh để được trình làng cho công chúng trong nước.

Sau nhiều tháng đấu tranh, nhờ vào sự ủng hộ của các đồng nghiệp, cuối cùng ông phải chấp nhận cắt mất 3 giây cảnh quay. Ngược lại, ông đã không để tên mình trên phần giới thiệu, một hình thức bày tỏ thái độ phản kháng.

Nếu như « Mystery » chỉ được quảng bá một tuần trong nước, thì bộ phim lại được giới hâm mộ phim quốc tế đón tiếp nồng nhiệt.

Hôm nay, bộ phim chính thức ra mắt công chúng Pháp. « 20 minutes » khuyên độc giả nên đến xem bộ phim kỳ lạ này.



Switch mode views: