Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thái Lan: Đất lành thứ hai cho người tị nạn Bắc Triều Tiên

Thailand-northkorea-refugees

Sông Mê Kông, đoạn Tam Giác Vàng - biên giới 3 nước Thái - Lào - Miến Điện, đông đảo người Bắc Triều Tiên vào Thái Lan qua ngã này.
Reuters

Đối với người Bắc Triều Tiên bỏ xứ ra đi, đất lành để họ lánh nạn dĩ nhiên là Hàn Quốc.

 Thế nhưng, cũng có một vùng đất dung thân thứ hai cho người tị nạn Triều Tiên : đó là Thái Lan, nơi họ có thể yên tâm tạm thời lánh nạn, chờ ngày được đưa về Hàn Quốc, chứ không sợ bị bắt và bị trục xuất trở lại Bắc Triều Tiên như trong trường hợp Trung Quốc.

Trong một bản tin ngày 01/08/2017, hãng tin Anh Reuters đã ghi nhận hiện tượng số người Bắc Triều Tiên chạy đến Thái Lan lánh nạn đã tăng vọt trong những tháng gần đây, theo số liệu của cơ quan nhập cư Thái Lan, trong bối cảnh tình hình căng thẳng hẳn lên ở bán đảo Triều Tiên vì chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Vào năm ngoái 2016, có 535 người Bắc Triều Tiên đến Thái Lan, nhưng riêng trong 6 tháng đầu năm nay đã có 385 người đến đây, và số lượng người đến hàng tuần đang gia tăng.
Theo một viên chức đặc trách nhập cư xin giấu tên, chỉ riêng tại miền bắc Thái Lan, số người Bắc Triều Tiên đến đấy trung bình mỗi tuần là từ 20 đến 30.

Thái Lan đã trở nên trạm dừng « quen thuộc, an toàn » đối với những người tìm cách trốn khỏi đất nước ngày càng nghèo và không an toàn của họ.
Mỗi năm đều có hàng trăm người chạy sang Trung Quốc rồi từ đó bắt đầu một hành trình gian nan bằng đường bộ Thái Lan, để rồi sau cùng đến Hàn Quốc.
 Số lượng người vượt biên vẫn gia tăng cho dù biên giới Bắc Triều Tiên – Trung Quốc bị kiểm soát ngày càng chặt chẽ thêm.

Viên chức Thái Lan được Reuters phỏng vấn cho biết là phần đông người Bắc Triều Tiên « nhập cảnh » Thái Lan từ vùng cực bắc gần khu Tam Giác Vàng, và đến từ phía Lào.
Tuy nhiên, một số con đường mới cũng xuất hiện xa hơn về phía nam.

Theo đại úy Chonlathai Rattanaruang, chỉ huy đội tuần tra trên sông Mêkông, trong những năm gần đây, nhiều người Bắc Triều Tiên đã vào Thái Lan qua ngã các tỉnh miền đông bắc ở ven sông.

Tin này cũng được một sĩ quan khác xác nhận : Nhiều nhóm người Bắc Triều Tiên vào các tỉnh phía đông bắc, giáp giới với Lào như Nong Khai và Nakhon Phanom, nơi mà sông Mêkông là biên giới quốc tế.

Thỏa thuận ngầm Seoul-Bangkok: Để người Bắc Triều Tiên đến Hàn Quốc

Về mặt chính thức, Bangkok xem những người Bắc Triều Tiên vào Thái Lan là những người nhập cư bất hợp pháp tìm sinh kế, hơn là người tị nạn.

Theo Reuters, Thái Lan đã không ký Công ước Genève năm 1951 về người tị nạn và không có quy chế riêng về tị nạn, vì thế, một cách bán chính thức, để giải quyết vấn đề người Bắc Triều Tiên, họ thường áp dụng giải pháp thương lượng « ba bên », giữa chính quyền Thái Lan, Hàn Quốc và người « nhập cư bất hợp pháp » tại chỗ.

Roongroj Tannawut, một viên chức ở Chiang Khong, gần khu Tam Giác Vàng giải thích là « người Bắc Triều Tiên cố tình đến Thái Lan để bị bắt và như thế họ có thể được cho tị nạn ở Hàn Quốc ».

Trên thực tế, những người Bắc Triều Tiên vào đất Thái đều bị bắt và xét xử về tội danh nhập cư bất hợp pháp.
Họ bị chuyển đến một trung tâm tạm giam người nhập cư ở trung tâm Bangkok trước khi bị trục xuất và thông thường là sang Hàn Quốc.

Phil Robertson, phó giám đốc đặc trách Châu Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch giải thích với Reuters là « Do việc Hiến Pháp Hàn Quốc công nhận tất cả người Triều Tiên là công dân của mình, cho nên chính quyền Thái Lan đã có thể xem Hàn Quốc là nơi chính đáng để trục xuất người Bắc Triều Tiên sang đấy ».

Cơ quan Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan hiếm khi phải giải quyết vấn đề người Bắc Triều Tiên chạy vào đất Thái, chính là nhờ có thỏa thuận giữa hai chính quyền Seoul và Bangkok.

Bà Vivian Tan phát ngôn viên của UNHCR Châu Á cho Reuters biết là « người chạy khỏi Bắc Triều Tiên thường không nhờ đến cơ quan Liên Hiệp Quốc vì họ đã có cách khác để tìm sự an toàn ».

Riêng đại sứ quán Hàn Quốc tại Bangkok đã không trả lời Reuters khi được hỏi về vai trò của họ trong vấn đề này.

Switch mode views: