Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-03-2017

Mỹ : Chính quyền Trump bỏ rơi ngoại giao, tập trung vào quốc phòng

donald trump mark milley

Tân tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay tổng tham mưu trưởng lục quân Mark Milley, duyệt binh ngày đăng quang, Washington, 20/01/2017.
Wikipedia

Sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hôm 27/02 dự định tăng ngân sách quốc phòng ngay trong năm tới lên gần 10% sau nhiều năm bị cắt giảm dưới chính quyền Obama đã thu hút nhiều sự quan tâm của báo Pháp.

Vẫn mới chỉ là ở trong dự kiến, nhưng ý định « làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại » của ông D. Trump bằng việc tăng cường tiềm lực quân sự có thể gây hệ lụy tới hoạt động đối ngoại của Hoa Kỳ.
Nhật báo Libération có bài : « Ngoại giao của Trump, sự lựa chọn vũ khí ».

Mục tiêu của việc tăng mạnh ngân sách quốc phòng là gửi một thông điệp về sức mạnh và quyết tâm của nước Mỹ đến thế giới, mà theo tân tổng thống Hoa Kỳ là « đang trong thời điểm nguy hiểm ».

Theo Libération, đúng là ngân sách quân sự của của Mỹ đã giảm dưới chính quyền Obama. Nhưng việc cắt giảm đó là hoàn toàn có logic, theo các chuyên gia, trong bối cảnh Mỹ quyết định rút quân khỏi Irak và Afghanistan.
 Chính hai cuộc chiến đó đã khiến ngân sách quốc phòng dưới thời G.W. Bush bùng nổ.

Libération lưu ý : Cho dù ở thời kỳ cắt giảm thì chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ vẫn là một con số khổng lồ. Chiếm 3,3% GDP tức là gần 600 tỷ đô la, vẫn dẫn đầu thế giới.

Theo số liệu của Viện Sipri của Thụy Điển, ngân sách quốc phòng của Mỹ vẫn lớn gấp ba lần Trung Quốc và gấp 9 lần so với Nga. Chi tiêu quân sự của Mỹ vẫn bằng của 7 nước đứng sau gộp lại.

Với ông Trump thì quân đội Mỹ ngày nay đang suy yếu, vì thế mà « nước Mỹ giờ đây không bao giờ thắng được trong các cuộc chiến ». Và để nước Mỹ tìm được hương vị chiến thắng trở lại thì chỉ có cách là tăng chi tiêu quân sự.

Một chỉ dấu khác cho thấy Donald Trump chú trọng giới quân sự nhiều hơn dân sự đó là việc bổ nhiệm 3 vị tướng vào các chức vụ chủ chốt nhất của chính quyền : James Mattis, bộ trưởng Quốc Phòng, McMaster, cố vấn An Ninh Quốc Gia và John Kelly, bộ trưởng An Ninh Nội Địa.

Theo Libération, bộ Ngoại Giao là cơ quan đầu tiên phải trả giá cho việc nâng cao sức mạnh quân đối với mức cắt giảm ngân sách có thể lên tới 30%.
 Đồng thời các đóng góp tài chính cho các cơ quan Liên Hiệp Quốc, viện trợ phát triển vẫn do bên ngoại giao quản lý cũng sẽ bị ảnh hưởng mạnh.

Lo ngại khả năng lĩnh vực ngoại giao bị bỏ rơi, hơn 12 tướng và đô đốc về hưu đầu tuần này đã ký một bức thư kêu gọi chính quyền Trump không cắt giảm ngân sách của Bộ Ngoại Giao.
 Trong thư, các tướng lĩnh Mỹ nhấn mạnh là các cơ quan phát triển của Hoa Kỳ là tối quan trọng để « ngăn ngừa các xung đột và làm giảm thiểu các nguy hiểm cho những người mặc sắc phục lính » của nước Mỹ.

Đài Loan tính sổ với quá khứ

Nhật báo Le Monde chú ý đến Đài Loan với bài phóng sự dài mang tiêu đề : « Tại Đài Loan, thời điểm của các cuộc thanh toán ».
Ngày 28/02 năm nay, đảo Đài Loan kỷ niệm 70 năm cuộc thảm sát 1947, sự kiện đánh dấu việc mở ra một giai đoạn được gọi là « Khủng bố trắng » .
Đây là dịp để chính quyền Đài Bắc hiện nay tính sổ với thời độc tài của Tưởng Giới Thạch.

Le Monde ngược lại lịch sử. Năm 1945, sau 50 năm nằm dưới ách thực dân Nhật, Đài Loan là hòn đảo của nước Cộng Hòa Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch.
Khi đó chính quyền Quốc Dân Đảng cùng lúc phải lo đối phó với cuộc nổi dậy của Cộng sản ở đại lục, thì tại Đài Loan đã dấy nên một phong trào nổi dậy chống chính phủ, sau khi cảnh sát bắn chết một người qua đường và bắt một người bán thuốc lá dạo.

Ngày 28/2/1947, chính quyền ra lệnh đưa quân đội từ Hoa Lục về đàn áp người biểu tình làm hàng nghìn người chết.
Chưa hết, sau khi để mất chính quyền vào tay cộng sản của Mao Trạch Đông, Tưởng Giới Thạch phải rút về Đài Loan năm 1949.
Đó cũng là thời điểm bắt đầu một thời kỳ 38 năm (1949-1987) người dân hòn đảo sống dưới sự kìm kẹp của thiết quân luật triền miên dưới chính quyền Quốc Dân Đảng và những nạn nhân mới của các cuộc đàn áp dưới chế độ độc tài Tưởng Giới Thạch lại dài thêm.

Giờ đây, nhân dịp kỷ niệm sự kiện này, chính quyền Đài Bắc muốn tính sổ với quá khứ, với Quốc Dân Đảng, mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng, chính Tưởng Giới Thạch là người có công đã ngăn chặn được làn sóng đỏ của Mao Trạch Đông để hòn đảo có được chế độ dân chủ như ngày nay.

Le Monde cho biết, giữa năm ngoái, chính phủ Đài Loan của bà Thái Anh Văn thuộc đảng Dân Tiến đã thành lập hẳn một ủy ban lo việc xác định và quốc hữu hóa các tài sản bất minh của Quốc Dân Đảng từ thời Tưởng Giới Thạch.
 Bên cạnh đó, nhiều hoạt động nhằm lật lại quá khứ độc tài cũng nở rộ.

« Thách thức với Đài Loan không phải chỉ có tấn công vào quá khứ độc tài mà là làm sao để phân biệt rõ hơn với Hoa Lục hiện nay », tác giả bài phóng sự kết luận.

Bắc Kinh – Bình Nhưỡng khẩu chiến

Tiếp tục với nhật báo le Monde, vẫn là chủ đề châu Á, tờ báo quan tâm đến quan hệ Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, vốn là đồng minh truyền thống của nhau, qua bài viết « Trung Quốc rắn giọng đối với bắc Triều Tiên ».

Những sự kiện gần đây liên quan đến chế độ Bình Nhưỡng như bắn tên lửa thách thức cộng đồng quốc tế, vụ ám sát Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong-un, đã khiến Bắc Kinh phải thay đổi thái độ với Bình Nhưỡng.

Hành động cụ thể đầu tiên là ngưng nhập than đá từ Bắc Triều Tiên, một nguồn thu đáng kể cho Bình Nhưỡng trong hoàn cảnh bị cô lập triền miên bởi lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc.

Theo Le Monde, động thái của Bắc Kinh khiến Bình Nhưỡng phẫn nộ.
Qua bản tin của hãng thông tấn chính thức KCNA ngày 23/02, Bắc Triều Tiên gần xa chỉ trích Trung Quốc là « một cường quốc, nhưng lại đi nhảy múa theo chân Hoa Kỳ ».

Cũng qua báo chí, Bắc Kinh tuyên bố lập trường của họ « không lay chuyển trước các chỉ trích của Bắc Triều Tiên », đồng thời nhắc lại là họ sẽ kiên quyết áp dụng chặt chẽ các lệnh trừng phạt của quốc tế nhằm vào chế độ Bình Nhưỡng.

Le Monde cho biết thêm, không chỉ rắn giọng với Bình Nhưỡng, quan hệ Bắc Kinh-Seoul cũng không kém căng thẳng vì hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ đang được triển khai trên đất Hàn Quốc.

Trung Quốc đã có những động thái tẩy chay, nhập khẩu sản phẩm văn hóa của Hàn Quốc, đe dọa đuổi ra khỏi thị trường Trung Quốc tập đoàn khổng lồ Hàn Quốc trong lĩnh vực bán lẻ Lotte, vì tập đoàn này nhượng đất cho quân đội để làm cơ sở lắp đặt hệ thống THAAD.

Pháp ngày càng bị Trung Quốc lấn sân ở châu Phi

Liên quan đến Trung Quốc, nhật báo les Echos có bài phóng sự điều tra về sự bành trướng của Trung Quốc tại Châu Phi có tựa đề « Tương lai của Djibouti đang được viết cùng Trung Quốc ».

Điều được nhật báo kinh tế quan tâm đó là Trung Quốc đang lấn át dần ảnh hưởng của Pháp ở lục địa đen.

Theo tờ báo, « từng hiện diện từ năm 1862 ở Djibouti, nước Pháp vẫn tiếp tục coi mẩu đất trên lục địa Phi này như là một trại lính đồn trú lớn của mình.
Trong khi đó, Trung Quốc đang đầu tư ồ ạt vào vùng đất ở cửa ngõ Đông Phi này ».
Tờ báo nhận xét , « với 14 tỷ đô la, Trung Quốc đang xây dựng một đế chế mới ở vùng Sừng Châu Phi ».

Tuy nhiên, theo les Echos, Pháp đang cố gắng giữ lại ảnh hưởng của mình ở vùng đất này trước sức xâm lấn của người Trung Quốc.
 « Văn hóa, đào tạo, tính chuyên nghiệp của quân đội, Pháp vẫn còn một vài thế mạnh để cứu vớt chút ảnh hưởng còn lại ở đất nước trong cộng đồng Pháp ngữ này ».
Cuối cùng tờ báo đặt câu hỏi : Liệu có quá muộn chăng ? Chắc chắn là sẽ muộn nếu nước Pháp không thay đổi cái nhìn xa hơn cái thành phố đồn trú, đó là toàn vùng Đông Phi.

Bầu cử tổng thống Pháp : Sự đổi ngôi ngoạn mục trong đảng Xã Hội

Trở lại với thời sự của nước Pháp. Chủ đề nổi bật vẫn là chiến dịch vận động tranh cử tổng thống 2017 vẫn tiếp tục với nhiều diễn biến hỗn loạn.

Tâm điểm lúc này là sự rã đám trong đảng Xã Hội ( PS) và có sự đảo ngược hoàn cảnh. Benoit Hamon, cách đây vài tháng từng là một nhân vật thuộc phe phản kháng chính phủ, giờ đây ông lên ngôi ứng viên tổng thống của PS, trong khi đó cánh của cựu thủ tướng Valls gồm nhiều bộ trưởng tại chức, giờ đang tỏ rõ thái độ không ủng hộ ứng viên của đảng và họ có thể ngả theo ứng viên tự do Macron.

Nhật báo les Echos viết : « chỉ còn hơn năm chục ngày nữa đến vòng 1 cuộc bầu cử, căng thẳng trong đa số cầm quyền lên thêm một mức.
Các nghị sĩ thuộc phái hữu trong đảng PS bắt đầu tỏ thái độ khó chịu với chương trình quá tả của ông Benoit Hamon ». Nhũng người từng bị chống đối giờ đang tập hợp lại phản pháo phe trước đây từng chống họ.
Quả thực là một sự hoán vị kỳ quặc trong một kỳ bầu cử chưa từng có ở Pháp.

Pháp với nạn trẻ vị thành niên khủng bố

Một vấn đề khác đang khiến chính quyền Pháp đau đầu được Libération đưa lên trang nhất đó là « khủng bố và trẻ vị thành niên ».
Đây là hồ sơ lớn của Libération hôm nay.

 Theo tờ báo, có 53 thanh niên dưới 18 tuổi bị truy tố tại Pháp vì những hành vi liên quan đến khủng bố, đó là hình ảnh của một trong số phiên tòa mở ra hôm nay tại Paris.
Libération đặt một loạt câu hỏi : Những đứa trẻ đó đã làm gì ? Xét xử chúng như thế nào ?
Làm sao tái lập lại cho chúng tương lai ?
Đó là những vấn đề nhức nhối của xã hội Pháp hiện nay.

Switch mode views: