Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Xã hội dân sự Rumani không khoan dung tham nhũng

rumani railly
Cuộc tuần hành ngày 18/01/2017 tại Bucarest.
Ảnh : Inquam Photos/Octav Ganea via REUTERS

Trong dòng thác lũ thông tin thường nhật, một số sự kiện tuy có ý nghĩa, nhưng vì nhỏ nên dễ bị bỏ qua, bị che khuất, đặc biệt vào lúc thế giới đang trong những chuyển biến lớn, phức tạp, khó lường.

 Phong trào xã hội chống chủ trương ân xá tù tham nhũng tại Rumani, tình trạng luật sư nhân quyền bị bức hại đến mức bị tâm thần tại Trung Quốc hay quyết định của nhóm khoa học gia Hoa Kỳ, gồm hơn 10 giải Nobel, cho nhích thêm nửa phút chiếc kim đồng hồ báo hiệu « giờ Tận thế » là những sự kiện như vậy.

 Tạp chí Thế Giới Đó Đây của RFI tuần này xin giới thiệu.

Tình trạng nhà tù quá tải tại nhiều nước trên thế giới khiến chính quyền phải tìm cách giảm bớt số lượng tù nhân là chuyện khá phổ biến, nhưng hiếm có nơi nào chủ trương ân xá lại bị phản đối dữ dội như tại Rumani, một quốc gia cộng sản Đông Âu cũ (1).

Trước hết, xin mời quí vị nghe thông tín viên RFI Benjamin Ribout tóm lược sự kiện :

« Chủ nhật vừa qua biểu tình trên tất cả các thành phố lớn của đất nước, với số lượng người tham gia đông đảo.
Hơn 20.000 người tại thủ đô, trong giá lạnh, 5.000 người tại Cluj, hàng nghìn người tại Iasi, và tại Timisoara cũng vậy.

Tân chính phủ Rumani vừa mới nhậm chức, ngay lập tức đã phải đối mặt với sự phẫn nộ của dân chúng.
‘‘Dân chủ, không phải là ân xá’’, ‘‘Luật pháp bình đẳng với tất cả, nhưng không với kẻ cắp’’, hay ‘‘Dragnea (lãnh đạo đảng dân chủ cầm quyền) – đất nước không phải của riêng ông’’.

Trong quá trình tranh cử Quốc Hội, đảng Dân Chủ (PSD) đã không nêu lên vấn đề sửa đổi luật Hình Sự.
Tuy vậy, khi nắm được quyền, họ bắt tay ngay vào hồ sơ nhậy cảm này.
 Bộ trưởng Tư Pháp đã cố thông qua hai sắc lệnh khẩn cấp một cách kín đáo, không đưa ra bàn thảo trước công luận.

Chính tổng thống cánh trung hữu Klaus Iohannis đã can thiệp hôm thứ Tư tuần trước, tại Hội Đồng Bộ Trưởng, để ngăn chặn việc thông qua hai văn bản luật, đã không hề được đưa ra thảo luận trước Hội đồng tư pháp cấp cao, theo yêu cầu của luật pháp ».

Các cuộc biểu tình ôn hòa chống tham nhũng tại Rumani từ nhiều năm nay đã trở thành chuyện thường ngày.
 Năm 2015, một thủ tướng cánh tả - nổi tiếng với chủ trương bám ghế đến cùng - rút cục đã phải ra đi, trước áp lực của các cuộc biểu tình chống tham nhũng đông đảo.

Trong cuộc bầu cử tháng 12 vừa qua, đảng Dân Chủ cánh tả PSD một lần nữa lại chiến thắng, và giành được quyền thành lập chính phủ.
Tuy nhiên, do nôn nóng đưa ra các chính sách bị lên án là quá nương nhẹ với những kẻ tham nhũng, đảng cầm quyền một lần nữa lại phải đối mặt với một làn sóng phản kháng mới.

 Tham gia hàng ngũ biểu tình lần này của dân chúng có cả tổng thống. Thông tín viên Benjamin Ribout nhận xét :
« Cuộc chiến giữa các thủ lĩnh đã bắt đầu, cả nước chờ đợi. Lãnh đạo đảng cầm quyền Liviu Dragnea, trở về từ Mỹ, sau chuyến công du ăn mừng lễ nhậm chức của Donald Trump, đã cáo buộc tổng thống Iohannis âm mưu đảo chính, và lợi dụng các cuộc biểu tình trên đường phố.

Ông Liviu Dragnea, với thế thượng phong của đảng Dân Chủ, được hơn 45% cử tri ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu tháng trước, đã lên án các cuộc biểu tình là bất hợp pháp và nguy hiểm đối với nền dân chủ.

Để đáp lại, tổng thống Rumani đã đề nghị tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Luật hình sự và quy định ân xá, để cho các công dân có thể bày tỏ quan điểm về ‘‘các vấn đề thuộc về lợi ích quốc gia’’ ».

Đối với các nền dân chủ non trẻ như Rumani, biểu tình bày tỏ chính kiến ôn hòa dường như là con đường duy nhất hiệu quả để tiếng nói của xã hội dân sự trực tiếp đến với chính giới, để chính giới đối diện với các công dân, đối diện với sự thật, với các tệ nạn và khuyết tật của bộ máy chính quyền, để sửa đổi, để cải thiện.

 Con đường xây dựng một xã hội văn minh có lẽ sẽ suôn sẻ hơn nhiều, nếu người cầm quyền biết lắng nghe.

Từ hơn 10 năm nay, Rumani đang vững tiến trên con đường như vậy, thái độ không khoan dung với tham nhũng của hàng chục nghìn người biểu tình mới đây là hiện thân cho một xã hội dân sự đang quyết tâm làm chủ vận mệnh của mình.

 « Liên Minh Hãy Cứu Rumani », một phong trào không tả - không hữu, của xã hội dân sự, vừa giành được 9% số ghế tại Quốc Hội trong cuộc bầu cử tháng trước.
Dám đối diện với chính mình, tiến bộ của quốc gia cựu cộng sản Đông Âu đang ngày càng được cộng đồng châu Âu thừa nhận (2).

Trung Quốc : Tàn phế vì chính quyền sợ sự thật

Trong những ngày cuối năm theo lịch cổ truyền, chính quyền Trung Quốc thả một số nhà hoạt động. Những người bảo vệ nhân quyền đau đớn khi biết luật sư Lý Xuân Phú(Li Chunfu), một người bị bắt trong vụ đàn áp ngày 7/9/2015, cùng với hàng trăm luật sư và nhà hoạt động đã trở về, nhưng trong tình trạng thân tàn ma dại.

Thông tín viên Heike Schmidt cho biết cụ thể :

« Nhà hoạt động nhân quyền Lý Xuân Phú được trả tự do có điều kiện, sau 500 ngày bị giam giữ bí mật, không một lần được tiếp xúc với luật sư hay gia đình.
Vợ ông đã rất khó khăn mới có thể nhận ra được chồng mình, luật sư trẻ tuổi xuất sắc và năng động hồi nào giờ đây đã trở thành một con người gầy yếu, sợ hãi.

Bà Maya Wang, thuộc tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW, cho rằng ông Lý đã bị tra tấn, bị treo ngược và bị không cho phép ngủ trong một thời gian dài.
Các hành hạ tàn bạo về thể chất và tinh thần sẽ còn để lại những sang chấn lâu dài.

Đại diện tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW nhấn mạnh là cộng đồng quốc tế cần phải gây áp lực đối với chính quyền Trung Quốc, và đòi hỏi họ phải trả lời, thay vì để mặc cho họ chà đạp quyền của các nghi can, vốn không được luật pháp Trung Quốc bảo vệ''».

Trang mạng China Change, chuyên về các tin tức liên quan đến nhân quyền, có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết rõ hơn là ông Lý Xuân Phúc được bác sĩ chẩn đoán có nhiều dấu hiệu bị mắc chứng tâm thần phân liệt, sau một thời gian dài bị đày ải, tra tấn, cô lập.

Báo South China Morning Post, được coi là ngả theo Bắc Kinh mới đây, cũng xác nhận tình trạng bệnh nghiêm trọng này.
 Nhiều luật sư bị bắt trong đợt này, khi được tiếp xúc với bên ngoài trong thời gian gần đây, mô tả nhiều cực hình mà họ phải chịu, chỉ vì muốn nói sự thật với chính quyền.

Có người đặt câu hỏi : Phải chăng nỗi lo sợ phải đối diện với sự thật, với các tệ nạn do chính chế độ gây ra, chính quyền Trung Quốc tìm mọi cách để bóp nghẹt những tiếng nói dũng cảm nhất ?
Nhưng cái giá phải trả không chỉ là sự tàn phế của những người dám lên tiếng, mà còn là tình cảm sợ hãi và sự mù quáng trở nên phổ biến, đến lượt mình đe dọa chính những kẻ cầm quyền.

Đồng hồ Tận thế nhích thêm nửa phút

Với những người quan tâm đến lịch sử, cuộc họp của các nhà khoa học đại học Chicago, thuộc nhóm Bulletin of Atomic Scientists, để bàn về vị trí chiếc kim Đồng hồ Tận thế (“Doomsday Clock”) hôm thứ Năm 26 tháng Giêng vừa qua, nhắc lại không khí vô cùng căng thẳng của thế giới cách nay 63 năm, khi Liên Xô thử bom nhiệt hạch đầu tiên. Thế giới bước vào cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.

Vào lúc đó, các nhà khoa học Chicago – đồng tác giả của « chiếc Đồng hồ dự báo thời khắc Tận thế », được lập ra vào năm 1947, đã quyết định đặt chiếc kim vào phút thứ 57’30, có nghĩa là cách thời điểm tận thế 2’30 giây.
Chiếc kim đã có lúc rời xa đến phút thứ 43 vào năm 1991, với sự sụp đổ của Liên Xô, chấm dứt kỷ nguyên chiến tranh lạnh.

horloge apocalypse

Ảnh minh họa

Năm nay, nhóm phụ trách Đồng hồ Tận thế lại quyết định đưa kim nhích thêm nửa phút, trở về đúng cái mốc năm 1953, với lý do đơn giản Donal Trump trở thành tổng thống Hoa Kỳ.

 Trả lời các nhà báo, chủ tịch hội các nhà khoa học nguyên tử, phụ trách chiếc Đồng hồ Tận thế, bày tỏ lo ngại chính quyền của ông Trump có thể đe dọa sự tồn vong của nền dân chủ Mỹ.

 Những phát biểu đầy ngẫu hứng của ông Trump về vũ khí hạt nhân, về quan hệ với các đồng minh lâu năm, tuyên bố đầy ác cảm với thỏa thuận khí hậu, là những điều để lại các ấn tượng tệ hại nhất.

Đồng hồ Tận thế của các nhà khoa học Chicago lưu ý với công chúng về tính chất vô cùng mong manh của thế giới chúng ta hiện nay, một vài khủng hoảng vượt quá tầm kiểm soát, có thể dẫn đến những thảm họa không thể cứu vãn.

Nhưng nếu quá bị thu hút vào tính khí thất thường và bất thường của Donald Trump, có thể nhiều người đã nản sẽ lại càng thêm nản, và công chúng cũng có thể bị lạc hướng khỏi nhiều vấn đề hệ trọng khác.

"Đêm Ý Tưởng" : Sáng kiến giúp con người vượt qua những cách ngăn

Nếu như chiếc Đồng hồ Tận thế đánh thức ý thức cảnh giác của người dân Trái đất trước các hiểm họa sống còn đe dọa tương lai của hành tinh, thì nhiều sáng kiến văn hóa khác nhau khơi dậy sự cởi mở của tinh thần, để ta có thể nhận ra bao điều gần gũi và thiết thực. « Nuit des Idées » (tạm dịch là Đêm Ý Tưởng) là một hoạt động như vậy.

Sáng kiến của Pháp hồi tháng Giêng năm ngoái, trong lần thứ hai năm nay, đã được tổ chức tại 40 quốc gia khắp các châu lục được khoảng 200.000 lượt người tham gia. Riêng tại châu Á, Đêm Ý Tưởng diễn ra tại Việt Nam, Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ, Singapore, Srilanka, Nepal, Kazakhstan.

Đêm Ý Tưởng đơn giản là một cuộc hẹn để chia sẻ các hiểu biết, tâm tình, suy nghĩ về những vấn đề chung của nhân loại.

Mọi cơ sở hay thành phố tổ chức tự chọn đề tài, mời chuyên gia, nhà khoa học, nhà triết học, các nghệ sĩ, nhà văn, nhà tôn giáo… Đêm Ý Tưởng mang lại những cây cầu để con người đến với nhau, vượt qua các biên giới, « các bức tường » đủ loại, mà nhiều phong trào cực đoan, bảo thủ đang cố sức dựng lên để chia rẽ lòng người.

Đề tài của Tokyo nước Nhật trong Đêm Ý Tưởng năm nay là « đại dương » (xem thêm : Quốc tế đàm phán về đại dương và Trung Quốc phá hủy môi trường Biển Đông).

 Sau đây mời quý vị theo dõi một phóng sự ngắn của thông tín viên Frédéric Charles về Đêm Ý Tưởng Tokyo.
« Còn gì tự nhiên hơn, nếu Tokyo chọn đề tài là ‘‘đại dương’’, bởi vì chính đại dương đã nối liền Nhật Bản với phần còn lại của thế giới.

Tôi nói điều này với Sarah Vandy, người phụ trách mục ‘‘Thảo luận củQuốc tế đàm phán về quản lý đại dươnga chương trình Đêm Ý Tưởng''.
Tuy nhiên, không hẳn đã như vậy.

Sarah Vandy : ''Điều rất lạ lùng là, rõ ràng là người dân Tokyo sống trên đảo, nhưng đôi khi không có ấn tượng là họ sống gần biển, bởi họ sống trong một thành phố rất lớn''.

Người dân Nhật sống tại chuỗi đô thị, gọi là Tokyo, tưởng tượng về biển, nhiều hơn là sống thực sự với biển. Tuy nhiên, họ không thể không thấy các thách thức môi trường biển, cũng giống như toàn thế giới.

Việc các giống loài sinh vật trên biển đang bị tuyệt chủng nhanh chóng là một thực tế.
Sarah Vandy : ''Chúng ta có cảm nhận là với các công nghệ mới, chúng ta sẽ xây dựng được một thế giới hoàn hảo hơn. Nhưng rõ ràng là các công nghệ đó không thể làm các loài đã diệt vong sống trở lại''.

Như vậy, cần phải bảo vệ chúng trước các nguy cơ tuyệt diệt. Làm thế nào để làm được chuyện này ?

Hãy tái tạo lại các quan hệ giữa chúng ta và biển !
Cho dù người dân Tokyo – trong một cuộc sống đô thị hóa cao độ - cùng một lúc cảm thấy vừa rất gần, vừa rất xa biển Thái Bình Dương ».

nuit-des-idees-web-photo

  Ảnh giới thiệu Đêm Ý Tưởng, tại Hà Nội, tổ chức sớm một tuần, ngày 18/01/2017, tại Viện Pháp, l'Espace

----

(1) Chính phủ dự định ân xá đồng loạt khoảng 2.500 tù nhân, chủ yếu là các quan chức tham nhưng, bị án tối đa là năm năm, với lý do nhà tù quá tải.

(2) Trong thông cáo mới nhất ngày 25/01/2017, Ủy Ban Châu Âu ghi nhận các « tiến bộ đáng kể và tính chất không thể đảo ngược của các cải cách được tiến hành », nhân dịp 10 năm thực thi « Cơ chế hợp tác và thẩm định » (cooperation and verification mechanism), do Ủy Ban Châu Âu thiết kế nhằm hỗ trợ Rumani cải cách tư pháp và gia tăng chống tham nhũng.

Khác hẳn tình hình cách nay 5 năm. Theo Ủy Ban Châu Âu, nếu Rumani tiếp tục nỗ lực, Cơ chế hợp tác và thẩm định có thể hoàn thành sứ mạng trong vòng hai năm nữa.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Rumani sẽ có điều kiện hội nhập sâu hơn vào Liên Hiệp Châu Âu, chẳng hạn như có thể tham gia không gian tự do đi lại Schengen.


Switch mode views: