Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hy vọng cải tổ kinh tế Cuba thời hậu Fidel Castro

cuba-after castro


Một du thuyền ở ngoài khơi Cuba. Kể từ khi hai nước xích lại gần nhau, số du khách từ Mỹ đến Cuba đã tăng mạnh.Reuters

Tuy đã giao quyền cho người em Raul Castro từ năm 2006, nhưng Fidel Castro vẫn duy trì một ảnh hưởng nhất định lên các chính sách của chính quyền La Habana, kể cả về mặt kinh tế.

Nay Fidel Castro không còn nữa, các chuyên gia hy vọng là kinh tế Cuba sẽ hoàn toàn thoát khỏi sự kềm tỏa của giáo điều Cộng Sản để dứt khoát đi theo con đường cải tổ.

Trước hết, phải công nhận rằng tuy Cuba là một quốc gia với nguồn tài nguyên thiên nhiên rất hạn chế, nhưng Fidel Castro đã thiết lập được một hệ thống y tế rất hiệu quả, không chỉ chăm sóc sức khỏe đầy đủ cho người dân không thua gì các nước giàu, mà đội ngũ bác sĩ, y tá của Cuba đã được cử đi giúp đỡ một cách hào phóng các nước nghèo trong nhiều năm.

Nay hoạt động của đội ngũ y tế này không còn hoàn toàn là miễn phí và đã trở thành nguồn thu nhập ngoại tệ chính của Cuba (hơn 6 tỷ đôla mỗi năm).

Nhưng sau hơn 50 năm theo chủ nghĩa Castro, đặc biệt là kể từ khi khối Liên Xô sụp đổ, nền kinh tế Cuba nay đã gần như kiệt quệ và những biện pháp cải tổ dè dặt được thực hiện những năm gần đây chưa đủ để cứu nền kinh tế đảo quốc này khỏi nguy cơ phá sản.

Giáo điều Cộng Sản

Trái với Việt Nam, cũng là quốc gia Cộng Sản đã không ngần ngại cải tổ kinh tế theo hướng thị trường, tuy là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” , Cuba cho tới nay vẫn không chính thức công nhận sự phá sản của nền kinh tế chỉ huy.

Chính quyền Raul Castro chỉ đề ra một chính sách gọi là “cập nhật hóa” một mô hình kinh tế Nhà nước mà họ nhìn nhận là đã lỗi thời.

Đối với đa số dân thường, những cải tổ kinh tế trong 10 năm qua chưa thật sự cải thiện điều kiện sống của họ, như nhận định của Marie-Laure Geoffray, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu châu Mỹ Latinh, Pháp:

« Thật khó mà đánh giá về tác động của các cải tổ. Qua lời kể của đa số những người dân Cuba trên báo chí thì không thấy có cải thiện gì đáng kể về điều kiện sống của họ.
Cần phải biết rằng những khó khăn về điều kiện sống của người dân Cuba hiện nay vẫn là mang tính cơ cấu, đó là những khó khăn về phương tiện giao thông và nhà ở, mà việc mở cửa kinh tế, cho phép tư nhân làm ăn, vẫn chưa giải quyết được.

Mặt khác, ở Cuba, hiện vẫn còn tồn tại một cấu trúc kinh tế kép, với một bên là các công ty Nhà nước, quản lý ngày càng nhiều đầu tư từ các công ty Brazil, Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha và nay có thêm công ty của Mỹ.
Các công ty Nhà nước này phải quản lý hàng triệu, thậm chí hàng tỷ đôla, trong khi các tư thương còn bị kiểm soát rất chặt chẽ với biết bao quy định nghiêm ngặt.

Nền kinh tế kép này được thể hiện qua hai đơn vị tiền tệ : các doanh nghiệp Nhà nước thì dùng đồng peso có thể hoán đổi, có giá trị tương đương với đôla, trong khi người dân Cuba vẫn xài đồng peso nội tệ, hiện vẫn có tỷ giá 24 peso nội tệ đổi một peso/đôla.

Như vậy, có một sự cách biệt rất lớn giữa hai nền kinh tế đó, khiến cho đời sống người dân Cuba vẫn rất khó khăn, với sự tồn tại của một thị trường chợ đen hiện vẫn còn rất quan trọng ở Cuba. Rất nhiều hàng hóa chỉ có ở thị trường này. »

Vào tháng 06/2014, trong khuôn khổ kế hoạch «cập nhật hóa» , chính phủ Raul Castro đã thông qua một đạo luật mở cửa đón nhận vốn đầu tư nước ngoài vào Cuba.
Ông Raul Castro cũng đã tư nhân hóa đất nông nghiệp để thúc đẩy sản xuất lương thực trong nước. Cho tới nay 80% thực phẩm ở Cuba là phải nhập từ nước ngoài.

Trong 10 năm trở lại đây, tức là kể từ khi ông Raul Castro lên nắm quyền, nền kinh tế Cuba đã tăng trưởng bình quân 4,9%, thế nhưng từ sau khủng hoảng năm 2008, mức tăng trưởng này đã sụt giảm nhiều và năm nay thậm chí có thể sẽ không đạt được chỉ tiêu 1%, theo dự báo của chính phủ La Habana.

Có hai lý do khiến tăng trưởng kinh tế Cuba bị chựng lại như vậy.
Thứ nhất là tác động của khủng hoảng tại Venezuela, đối tác thương mại chủ chốt của Cuba và là nguồn cung cấp dầu hỏa chính.
Về điểm này, chuyên gia Marie-Laure Geoffray cho biết :
« Quan hệ giữa Cuba và Venezuela rất quan trọng.

Cuba hiện vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn dầu hỏa nhập khẩu với giá trợ cấp.
Đây là một vấn đề lớn vì tổng thống Nicolas Maduro đang trong tình thế khó khăn ở Venezuela. Chính vì lý do đó, mà trong những năm gần đây, ông Raul Castro đã đa dạng hóa rất nhiều thương mại quốc tế và cũng chính vì thế mà Cuba đang trông chờ rất nhiều vào đầu tư của Mỹ, cho dù Hoa Kỳ hiện chỉ là đối tác nhỏ, so với những đối tác lớn như Brazil, Trung Quốc, và Tây Ban Nha. »

Lý do thứ hai là tình trạng giá các nguyên liệu sụt giảm trên thị thường thế giới, nhất là nickel, trong khi lĩnh vực khai thác mỏ đã đóng góp rất nhiều cho tăng trưởng kinh tế của Cuba năm 2015 ( 4% ).

Cấm vận của Mỹ

Theo tính toán của chính phủ, mỗi năm Cuba cần phải có hơn 2 tỷ đôla đầu tư ngoại quốc để hỗ trợ cải tổ và tăng trưởng kinh tế.
 Thế nhưng, trong 2 năm qua, tổng số vốn các dự án đã ký kết chỉ mới đạt 1,5 tỷ đôla và một phần các dự án đó vẫn chưa được thực hiện.

Một trong những lý do mà chính phủ La Habana vẫn thường nêu lên để giải thích cho tốc độ đầu tư chậm, đó là lệnh cấm vận của Mỹ.
Những công ty nào có liên hệ với Hoa Kỳ mà làm ăn với Cuba đều sẽ bị trừng phạt. Nhưng họ cũng nhìn nhận một lý do chính yếu khác đó là sự thiếu chuẩn bị của các nhân viên cơ quan Nhà nước.

Một nghiên cứu gần đây, do trang thông tin độc lập Cuba Standard thực hiện, xác nhận rằng các doanh nghiệp ngoại quốc còn ngại đầu tư vào Cuba một phần vì sợ vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ, và một phần cũng do các cơ quan Nhà nước ở Cuba còn thiếu hiệu quả và quá quan liêu, bao cấp, khiến cho các cuộc đàm phán diễn ra rất chậm.

 Bộ trưởng Ngoại Thương Cuba Rodrigo Malmierca gần đây thừa nhận rằng các doanh nghiệp Nhà nước Cuba thường rất hay do dự lúc phải lấy các quyết định, một phần là do thiếu chuẩn bị.

Nhân Hội chợ quốc tế La Habana trong tháng 11 vừa qua, chính phủ La Habana đã công bố một kế hoạch nhằm thu hút đầu tư ngoại quốc, với 395 dự án, với số vốn tổng cộng 9,5 tỷ đôla, nhưng không dự án nào có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, khiến các nhà đầu tư và giới chuyên gia thất vọng.

Khi ông Raul Castro lên cầm quyền cách đây 10 năm, chính quyền Cuba đã cho phép tư nhân làm ăn, nhưng chỉ mới là làm ăn cá thể, chứ họ vẫn chưa chấp nhận các doanh nghiệp tư nhân cỡ nhỏ và cỡ vừa.
Họ vẫn duy trì mô hình các hợp tác xã, phù hợp hơn với chủ thuyết của Cách mạng Cuba.

Các nhà lãnh đạo chế độ La Habana vẫn chống lại chiến lược của chính quyền Barack Obama, muốn hỗ trợ sáng kiến cá nhân trong quốc gia Cộng sản này, để qua đó thúc đẩy thay đổi chính trị.

Chuyên gia về Cuba thuộc Đại học Texas Arturo Lopez-Levy tỏ ý lấy làm tiếc rằng «cái lôgích an ninh quốc gia» khiến cho tăng trưởng kinh tế Cuba bị hạn chế bởi tính thiếu nhất quán của các cải tổ kinh tế.

Ông Carlos Alzugaray, nguyên là một nhà ngoại giao, cho rằng chính quyền La Habana nay phải từ bỏ «tâm lý thủ cựu», nhất quyết đi theo con đường «phi tập trung hóa và chấp nhận cho khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng hơn».
Nhất là vì theo nhận định của nhà kinh tế Cuba Pavel Vidal, Cuba có một tiềm năng rất lớn chưa được khai thác, đặc biệt là nhân công ở quốc gia này vừa rẻ, vừa có trình độ.

Theo dự báo của ông Jorge Duany, giám đốc Viện nghiên cứu Cuba, Đại học quốc tế Florida, cái chết của Fidel Castro chắc chắn sẽ thúc đẩy các cải tổ kinh tế do người em Raul khởi xướng.
Tuy nhiên, ông Duany cho rằng phải đợi đến khi ông Raul Castro rời khỏi chính quyền vào năm 2018, mới có thể biết rõ hơn về những cải cách sâu rộng, nếu có.

Đối với chuyên gia Arturo Lopez-Levy, Cuba nay đã hội nhập hơn bao giờ vào khu vực, có quan hệ tốt với hai đồng minh của Mỹ ( Nhật và châu Âu ), và với cả hai đối thủ của Hoa Kỳ ( Trung Quốc và Nga ).
Đây sẽ là một trong những yếu tố thuận lợi để ông Raul Castro tiếp tục chính sách «cập nhật hóa» mô hình kinh tế.
Chuyên gia Marie-Laure Geoffray cũng cho rằng tình hình hiện nay thuận lợi hơn cho kinh tế Cuba:

« Kinh tế Cuba nay được chuẩn bị tốt hơn, vì vào thời đó, kinh tế của nước này hầu như không đa dạng hóa, chỉ buôn bán với các đồng minh của khối Liên Xô trong khuôn khổ COMECON ( Hội đồng Tương trợ Kinh tế ) và phụ thuộc rất nhiều vào nguồn dầu hỏa của Liên Xô.

Lúc đó Cuba chỉ chuyên xuất khẩu đường sang Liên Xô, đổi lấy dầu hỏa, máy móc, công cụ, thực phẩm… Khi Liên Xô sụp đổ, có đến 85% ngoại thương Cuba sụp đổ theo.

Tình hình hiện nay không giống như trước, bởi vì Cuba đã đa dạng hóa đối tác thương mại. Hiện đang có những dự án rất quan trọng, như công trình cảng Mariel, nằm cách La Habana 45 km về phía tây, với đầu tư của một công ty Brazil.

Chính quyền Cuba đang có tham vọng biến Mariel thành cảng nước sâu lớn nhất vùng Caribê và đang gần thành công thực hiện dự án này.
 Chung quanh cảng này có một khu miễn thuế rất lớn, sẽ thu hút nhiều đầu tư, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế Cuba trong trung hạn. »

Tuy lệnh cấm vận còn đó, nhưng do hai nước đã xích lại gần nhau từ 2 năm nay, sự thông thương giữa Cuba và Mỹ đang ngày càng được mở rộng, với các chuyến bay thương mại thường kỳ đầu tiên giữa các sân bay Mỹ và La Habana đã bắt đầu từ ngày 28/12.

 Thật ra thì kể từ ngày 31/08 vừa qua, giữa hai nước đã có chuyến bay thương mại thường kỳ đầu tiên, nhưng cho tới nay, chưa có chuyến bay nào đến thủ đô Cuba.

Chuyên gia Marie-Laure Geoffray thì đặc biệt ghi nhận mức tăng mạnh của du khách Mỹ đến Cuba :
« Kể từ tuyên bố của tổng thống Barack Obama và chủ tịch Raul Castro ngày 17/12/2014 về việc hai nước xích lại gần nhau, dân Mỹ quan tâm ngày càng nhiều đến Cuba.
Đa số ủng hộ việc bãi bỏ các hạn chế. Nhiều người đã đến du lịch ở Cuba.
Số du khách Mỹ đến Cuba đã tăng 50%. Nhiều khách sạn, nhà hàng nay được các công ty lữ hành đặt chỗ cho các đoàn từ rất lâu, thậm chí từ một năm trước.
Thiếu phòng khách sạn là một vấn đề lớn hiện nay ở Cuba.

Nhưng du lịch không phải là nguồn thu nhập chính của Cuba, mà nguồn thu nhập chính của nước này chính là xuất khẩu các dịch vụ y tế.

Cuba cũng xuất khẩu rất nhiều nông phẩm như rượu rhum, xì gà, cà phê.
Mặt khác, do lệnh cấm vận và cũng do khó khăn kinh tế nên Cuba vẫn sử dụng rất ít thuốc trừ sâu, vì vậy sản xuất mật ong bio là một trong những lĩnh vực mũi nhọn của Cuba. Cuba là một trong số hiếm hoi các quốc gia là loài ong không có nguy cơ bị tận diệt. »

Vấn đề là hiện nay người ta chưa biết rõ là tổng thống tương lai Donald Trump của Mỹ sẽ có chính sách như thế nào đối với Cuba.

Vào đầu tuần qua, ông Trump lần đầu tiên đã dọa chấm dứt tiến trình xích lại gần nhau giữa Washington với La Habana, nếu chính quyền Cuba không có những đáp ứng về nhân quyền và mở cửa kinh tế.

Switch mode views: