Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Vì sao liên quân chống Daech chưa vào giải phóng Raqqa ở Syria ?

russia-militants

 


Một thành viên tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo trên đường phố Raqq, ngày 29/06/2014.
Reuters

Vào lúc chiến dịch giải phóng Mossoul, thủ phủ của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo - Daech tại Irak đang diễn ra, nhiều tiếng nói gần đây đã nêu lên khả năng tấn công vào thủ phủ thứ hai của Daech tại Syria là Raqqa.

Thế nhưng, theo các nhà quan sát, đánh Mossoul đã là một công việc không dễ, nhưng đụng vào Raqqa sẽ là một việc gian nan gấp bội, vì tình hình Syria phức tạp hơn Irak rất nhiều.

Mới cách đây hai hôm, ngày 26/10/2016, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter và đồng nhiệm Anh Michael Fallon đã lên tiếng khẳng định rằng chiến dịch tái chiếm Raqqa sẽ bắt đầu « trong vài tuần » sắp tới đây, và Mỹ cũng như Anh Quốc, có đủ khả năng cùng lúc đánh trên cả hai mặt trận.

Nói thì như thế, nhưng theo nhận định của hãng tin Pháp AFP, các quan chức lãnh đạo liên minh quốc tế chống Daech vẫn tránh đưa ra lịch trình cụ thể của chiến dịch đánh vào Raqqa, và khi phát biểu riêng, đều không dám khẳng định bất cứ điều gì.
Một nguồn tin Pháp giải thích : « Rõ ràng là chưa có gì sẵn sàng cho việc sớm đánh chiếm Raqqa . Vấn đề Syria phức tạp hơn nhiều ».

Để mở chiến dịch tái chiếm Mossoul, bị Daech chiếm cứ từ tháng 06/2014, liên quân quốc tế đã phải chuẩn bị trước cả năm, và thảo luận kỹ lưỡng giữa ba bên : Liên quân quốc tế, Bagdad và chính quyền người Kurdistan ở Irak.

Chiến dịch do các lực lượng Iraq và chiến binh peshmerga của người Kurdistan tiến hành, và được liên minh yểm trợ.

Vấn đề đầu tiên là nếu đánh vào Raqqa, tức là tại Syria, nơi có vô số các nhóm võ trang khác nhau, lại được các cường quốc khác nhau ủng hộ trực tiếp hay gián tiếp, thì rất khó chọn phe nào làm lực lượng chủ đạo.

Nguồn tin Pháp giải thích : « Có một sự khác biệt căn bản giữa Irak và Syria. Tại Irak, liên quân đã can thiệp theo lời mời của chính quyền Irak.
Còn tại Syria, thì các nước trong liên quân lại chống chính quyền Al-Assad, và không muốn mở những chiến dịch có lợi cho Damas ».

Câu hỏi then chốt là ai sẽ chỉ huy chiến dịch Raqqa, và sẽ huy động các lực lượng nào.

Theo một quan chức quân đội Mỹ, việc tái chiếm Raqqa phải do một lực lượng Ả Rập tiến hành.
Nhiều nguồn tin khác khẳng định là không thể để lực lượng Kurdistan ở Syria đi vào một thành phố 200.000 dân mà đa số là người Hồi Giáo hệ phái Sunni.

Trên chiến trường Syria hiện nay, vấn đề là chỉ có hai lực lượng ở Syria chiến đấu chống Daech : Lực Lượng Dân chủ Syria - một liên minh người Kurdistan và Ả Rập do Mỹ hỗ trợ - và phiến quân Syria thuộc tổ chức Quân Đội Syria Tự Do được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Họ có đủ người để tấn công hay không ?
 Giới chức quân sự khẳng định là có đủ, nhưng sự đối nghịch giữa các lực lượng dân quân người Kurdistan và Thổ Nhĩ Kỳ khiến hai lực lượng này không thể nào hợp tác được với nhau.

Washington gần đây đã có dấu hiệu thiên về Ankara. Sau cuộc gặp với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ tại Bruxelles hôm 26/10, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ cho biết đã làm việc chặt chẽ với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, và điều đó mang lại kết quả đáng khích lệ với việc chiếm lại Dabiq (trong tháng Mười).

Ông Carter nói tiếp : « Chúng tôi đang tìm kiếm những cơ hội khác để làm việc tại Syria, kể cả trên vấn đề Raqqa ».

Câu hỏi cuối cùng : Thái độ của Nga, đồng minh của Damas như thế nào ?
Theo nguồn tin Pháp, mục tiêu của Nga rất khác. Họ bận giúp Assad tiêu diệt đối lập ở Aleppo, và Raqqa không phải là một chủ đề quan tâm của MAtxcơva.


Switch mode views: