Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-10-2016

Trung Quốc : Thực hư về quyền lực của Tập Cận Bình

xi jinping flick


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh minh họa.
Flickr.com

Đảng Cộng Sản Trung Quốc chuẩn bị họp Hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương cuối tháng 10/2016, họp Đại Hội Đảng vào năm 2017, The Economist đưa ra một quan điểm khá thú vị : Tập Cận Bình tuy đã tập trung đầy quyền lực trong tay nhưng điều đó không có nghĩa là chủ tịch Trung Quốc ''muốn làm gì thì làm ''.

Chưa chính thức chỉ định người thừa kế một khi ông kết thúc nhiệm kỳ 2 vào năm 2022, vì muốn bám víu vào quyền lực hay đây là dấu hiệu cho thấy, Tập Cận Bình đang bị cô lập cả ở trung ương lẫn địa phương ?
Bởi như tạp chí kinh tế Anh ghi nhận, chính sách cải tổ do ông đề xuất đang vấp phải sự chống đối từ phía các lãnh đạo ở cấp địa phương.

Trong gần bốn năm cầm quyền, ông Tập thường được xem là lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất từ nhiều thập niên qua, chỉ thua Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Đương kim chủ tịch Trung Quốc từng bước thâu tóm quyền lực, chỉnh đốn hàng ngũ đảng.
 Có tin đồn Tập Cận Bình đang chuẩn bị để tiếp tục điều hành đất nước sau hai nhiệm kỳ 5 năm trên đỉnh cao quyền lực.

Chính sách bài trừ tham nhũng do ông đề xướng đã không khỏi làm những nhân vật tai to mặt lớn, từ trong hàng ngũ quân đội, đến lãnh đạo các tập đoàn Nhà Nước phải run sợ.
Nhưng tại một đất nước rộng lớn, có quá nhiều những khác biệt và xung đột về quyền lợi như Trung Quốc, thì ông Tập Cận Bình có thể đang không kiểm soát được gì hết.

Theo nhận xét của The Economist, để chuẩn bị cho Đại Hội Đảng vào năm tới, ông Tập cùng lúc đương đầu với hai mặt trận : Một bên là những đối thủ chính trị đang chờ thời cơ để gài những người thân tín vào những chức vụ then chốt.

Ở mặt trận bên kia là các quan chức ở cấp địa phương. Số này không hài lòng với chính sách của Tập Cận Bình muốn kiểm soát một cách có hệ thống hơn các hoạt động kinh tế, từ công nghiệp, đến phát triển cơ sở hạ tầng hay giới hạn khí thải CO2 ở các vùng, các tỉnh...

Hàng loạt các biện pháp cải tổ, chẳng những đã không được thi hành đến nơi đến chốn, mà còn bị giới lãnh đạo cấp địa phương coi là những mối đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của họ, đến đà tăng trưởng ở cấp tỉnh thành, và đây là mầm mống dẫn tới bất ổn trong xã hội.

Đó là điều mà tạp chí kinh tế Anh gọi là « nhược điểm của Tập Cận Bình trước các chính quyền địa phương ».

Philippine xa Mỹ để ngả vào vòng tay Trung Quốc ?

Cũng The Economist chú trọng đến sự kiện Philippines đang ngả vào vòng tay Trung Quốc : Từ đồng minh thân thiết nhất của Hoa Kỳ tại khu vực Đông Nam Á, Philippines, dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte, « như một quả xoài chín » rụng vào giỏ của Trung Quốc.

Ve vãn Bắc Kinh và tuyên bố « nghỉ chơi với Mỹ », tổng thống Philippines đã bắt công luận quốc tế chú ý đến quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé này.
Nhưng liệu ông Duterte còn muốn « đi tới đâu » ?

Theo tạp chí kinh tế Anh, dưới thời tổng thống Benigno Aquino, Philippines từng can đảm đọ sức với ông khổng lồ Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông nhưng đã phải trả giá đắt.
 Giờ đây, ông Duterte nhận thấy rằng đất nước ông cần phát triển cơ sở hạ tầng, cần có vốn đầu tư Trung Quốc để mở mang, cần xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Có lẽ với chính sách xoay trục của ông Duterte, Hoa Kỳ nhận thấy rằng họ đã trông đợi quá nhiều vào đồng minh châu Á này.
 Washington trông thấy rõ cái giá mà Manila phải trả khi dám cưỡng lại tham vọng của Bắc Kinh muốn làm bá chủ Biển Đông.

Cũng có thể là với ông Duterte, Washington ý thức được là các chính khách Philippines không hẳn thần phục Mỹ như mong đợi.
 Đành là người dân Philippines ủng hộ Hoa Kỳ, nhưng họ chưa quên thời kỳ bị Mỹ đô hộ.

Nhìn từ phía Trung Quốc, The Economist cho rằng, tới nay, Bắc Kinh chưa quân sự hóa bãi đá Scarborough vì muốn lôi kéo Manila vào quỹ đạo của mình.
Nhưng để Philippines thực sự ngả vào vòng tay Trung Quốc thì đấy lại là chuyện khác, vì công luận Philippines sẽ không dễ dàng chấp nhận để Bắc Kinh khẳng định chủ quyền đối với gần hết Biển Đông mà Manila gọi là Biển Tây Philippines.

The Economist kết luận, Mỹ nên kiên nhẫn chờ đợi, sớm muộn gì Manila cũng sẽ lại « trở về với quan điểm cũ », và khi đó, thì đôi bên lại tiếp tục hợp tác như không có gì xảy ra.

Ẩn số Duterte

Tuần báo Le Courrier International trích một bài báo Úc trên tờ The Sydney Morning Herald theo đó trong một 100 ngày đầu tiên lãnh đạo đất nước, Rodrigo Duterte đã thách thức mối quan hệ trải dài trong 65 năm giữa Philippines và Hoa Kỳ.
Từ Canberra đến Washington hay Tokyo, mọi người đang cố gắng giải mã hiện tượng Duterte, để xem ông này là một dạng « thùng rỗng kêu to » hay thực sự là một mối đe dọa đối với ổn định của châu Á.

Kịch bản nào cho Mossoul ?

Irak được lực lượng liên quân quốc tế yểm trợ để chiếm lại Mossoul từ tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, Le Courrier International tin chắc là khi được trên dưới 60 quốc gia hậu thuẫn để tiêu diệt khoảng 3.000 đến 4.500 chiến binh Hồi Giáo Daech tại Mossoul, quân đội Irak sớm hay muộn cũng sẽ nắm lấy phần thắng trong tay.
 Có điều, chưa ai biết tương lai Mossoul đi về đâu, và qua đó là sự toàn vẹn lãnh thổ của Irak, là tương quan lực lượng trong cả khu vực Trung Đông.

Tuần báo L’Obs tóm tắt tình hình qua hai câu hỏi : Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đương nhiên sẽ bị đuổi khỏi thành phố Mossoul, nhưng đâu là cái giá phải trả và hòa bình theo kiểu gì cho Irak ?

Trả lời câu hỏi thứ nhì, tác giả bài viết Sara Daniel e rằng một khi đuổi Daech khỏi Mossoul, các lực lượng vũ trang trong vùng sẽ lao vào một cuộc tranh giành quyền lực, không ai chịu thuần phục chính quyền Bagdad thuộc hệ phái Shia.

Hậu quả là cộng đồng người Ả Rập theo hệ phái Sunni sẽ lâm vào cảnh tuyệt vọng, từ đó lại nẩy sinh một dạng Daech mới, còn tàn bạo hơn, cực đoan hơn so với những nhóm đang tự xưng là tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo hiện nay.

10 điều cần biết về Bob Dylan

Vẫn chưa ai biết, ca sĩ người Mỹ Bob Dylan có nhận giải Nobel Văn Học 2016 hay không, nhưng tranh cãi là ông có xứng đáng để được Viện Hàn Lâm Thụy Điển vinh danh vẫn chưa tới hồi kết.
Le Courrier International dành trọn một trang lớn để trả lời câu hỏi : « Bob Dylan có xứng đáng với Nobel Văn Học ? »

Nếu như tờ báo tài chính The Wall Street Journal trả lời là có, thì ngược lại báo Anh The Daily Telegraph xem việc trao tặng Nobel Văn Học cho một nhạc sĩ « là quá đáng ».

Riêng tờ báo của New York thì cho rằng Bob Dylan xứng đáng để được đứng ngang hàng với những T. S. Eliot, Rudyard Kipling, Pablo Neruda, W. B. Yeats khi ông đã chứng minh được rằng, lời ca trong những tác phẩm của Dylan tự nó đã là nhạc, là những giai điệu, những nhịp điệu với những sắc thái riêng biệt.

Tạp chí L’Obs tiết lộ với độc giả 10 điều cần biết về Bob Dylan. Chẳng hạn như ông đọc sách rất nhiều, yêu thích những tác giả từ Lord Byron, đến Balzac, từ Shakespeare đến nhà thơ Rimbaud hay Kerouac.

Năm 1965, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Bob Dylan không tự xem mình là một nhà thơ, bởi theo ông hai từ « thi sĩ » không chính xác và nó rỗng tuếch. Dylan thích nhận mình là một « lãng tử ».

20 nhà khổng lồ trong thế giới sách

Nhân đang nói chuyện văn chương, hội chợ sách quốc tế Frankfurt, Đức, mở ra từ ngày 19 đến 23/10.
 L’Obs điểm lại 20 gương mặt tiêu biểu của làng văn học thế giới. Trong số này phải kể đến nhà văn nữ người Mỹ, Toni Morrison, giải Nobel Văn Học năm 1993.

Tờ báo mệnh danh bà là « tiếng nói của tự do » bởi vì uy tín của nhà văn nữ này đã vượt ra ngoài lĩnh vực văn học, Toni Morrison còn là biểu tượng của công cuộc đấu tranh vì tự do, đòi quyền bình đẳng cho những cộng đồng da màu.

Một nhân vật nặng ký khác trong thế giới sách là J. K. Rowling, mẹ đẻ chàng phủ thủy Harry Potter.
Sức mạnh của J. K. Rowling là bà đã bán 500 triệu ấn bản và biến Harry Potter thành một thương hiệu nổi tiếng.

Nhờ các bộ phim Harry Potter mà J. K. Rowling và các nhà sản xuất đã thu về 8 tỷ đô la, một khoản tiền tương đương với tổng sản phẩm nội địa của nước Nigeria.
Tài sản của nhà văn nữ này « khiêm tốn » ở mức 600 triệu bảng Anh. Điều không cấm cản J. K. Rowling là một trong số 200 người giầu có nhất trong số thần dân của nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị.

Trong số những nhà cầm bút của Á châu được chú ý nhiều, L’Obs nêu lên trường hợp của văn sĩ Nhật Bản, Haruki Murakami : Cùng với J. K. Rowling, ông là một trong số những tác giả hiếm hoi mà độc giả chịu khó xếp hàng dài để mua sách khi ông trình làng một tác phẩm mới.

Không là nhà văn, nhưng tại Hồng Kông, Bào Phác (Bao Pu), 49 tuổi, đứng đầu nhà xuất bản New Century Press.
 Chưa chắc đã giàu, nhưng doanh nhân này là người dám cho phát hành những cuốn sách bị Bắc Kinh kiểm duyệt.

Trong số những cuốn « sách cấm » mà New Century Press cho phát hành, phải kể tới một cuốn nhận ký của cố lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc Triệu Tử Dương hay một cuốn tiểu luận chứng minh rằng cố thủ tướng Chu Ân Lai là người đồng tính.

Nga-Pháp, khi nghệ thuật đóng vai trò hàn gắn

Trang văn hóa trên tờ L’Express dành cho sự kiện lần đầu tiên gần 130 tác phẩm hội họa hiện đại của Pháp thuộc về gia đình Chtchoukine, một nhà mạnh thường quân Nga, lần đầu tiên được cho ra mắt công chúng Paris tại trung tâm văn hóa Fondation Louis Vuitton.

127 bức tranh của những Picasso, Matisse, Gauguin... nằm trong bộ sưu tập của một đại gia Nga hồi đầu thế kỷ XX, Serguei Chtchoukine.
 Trong ngôi biệt thự nguy nga ở Matxcơva của gia đình này, đã có tới 275 bức họa mang dấu ấn của những Braque, Degas Sisley hay Renoir.

Gia đình Chtchoukine thường xuyên có mặt ở kinh đô ánh sáng, tại đây họ đã gần gũi với các họa sĩ Pháp thời đầu thế kỷ XX.
Nhờ có Chtchoukine mà Gauguin thoát khỏi bần cùng, và tranh của Monet chinh phục những khán giả khó tính của thủ đô Matxcơva thời đó.

Phải mất hai năm, bảo tàng Ermitage-Saint-Petersbourg mới đưa được những tác phẩm độc đáo ấy tới Paris.

Về số phận của bộ sưu tập này, L'Express nhắc lại, sau cuộc Cách Mạng Tháng 10 Nga, Lênin từng « quốc hữu hóa » những bức tranh quý giá của gia đình Chtchoukine. Sau này, Stalin ra lệnh tẩu tán bộ sưu tập đồ sộ đó.

Nhiều bức tranh được đưa về bảo tàng Saint-Petersbourg, một số khác được giữ ở bảo tàng Chtchoukine, nhưng cấm mọi dự án trưng bày, triển lãm.
Cũng dưới những năm tháng Stalin, một vài tác phẩm lớn của gia đình Chtchoukine đã bị bán với giá rẻ như bèo. Chủ nhân của chúng không hề hay biết.

Điều đáng nói là nhẽ ra tổng thống Putin đến Pháp trong dịp khánh thành triển lãm tại trung tâm văn hóa Fondation Louis Vuitton, nhưng căng thẳng giữa Nga với phương Tây về Syria đã buộc ông phải hủy bỏ chương trình.

Cuộc triển lãm trên cho thấy, bang giao giữa Pháp và Nga đang lạnh nhạt vì hồ sơ Syria hay Ukraina, nhưng Paris và Matxcơva lại rất gần gũi về mặt văn hóa và nghệ thuật.

Switch mode views: