Châu Âu mong chờ gì từ hai ứng viên tổng thống Mỹ ?
- Thứ Hai, 19 tháng Chín năm 2016 22:07
- Tác Giả: Thùy Dương
Hai ứng viên tổng thống Hillary Clinton và Donald Trump.
RFI/ REUTERS/Mike Segar/Whitney Curtis
Trong khi Mêhicô và Trung Quốc đã nắm tương đối rõ đường lối của Donald Trump trong tương lai với các nước này nếu ông đắc cử, thì các nhà lãnh đạo của Liên Hiệp Châu Âu hầu như chưa thể đoán định được tương lai mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu.
Vậy, đâu là « Điều Châu Âu trông chờ từ hai ứng viên Nhà Trắng » ?
Nhật báo Le Monde ngày 19/09/2016 nhận định trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, chưa bao giờ hoặc hầu như chưa bao giờ hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump đề cập tới châu Âu.
Mùa hè năm nay, Donald Trump đã dọa là Mỹ sẽ không trợ giúp cho các nước châu Âu không tôn trọng cam kết tài chính liên quan tới NATO.
Điều này khiến các nước Đông Âu lo ngại cho an ninh quốc gia của họ, vì các nước này lệ thuộc vào NATO, trong khi sự đe dọa từ Nga ngày càng tăng.
Ba Lan được coi là một nước thân Mỹ, đề xuất của Donald Trump làm cho Ba Lan đặc biệt lo sợ và họ cảm thấy bị Mỹ phản bội.
Tuy nhiên, ông Rahsaan Maxwell, giáo sư chính trị học ở Đại học Bắc Carolina, trấn an châu Âu là Donald Trump không theo một hệ tư tưởng nhất định nào, ông ấy có thể thay đổi ý kiến về bất cứ chủ đề nào. « Ông ấy không ngu ngốc và rất thực dụng ».
Nhìn một cách tổng quát, Donald Trump muốn sang trang mọi chính sách đối ngoại của Mỹ và xem xét lại các định chế đa phương đang thống trị thế giới (NATO, Liên Hiệp Quốc, Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế).
Ông Patrick Chamorel, giáo sư quan hệ xuyên Đại Tây Dương của Đại học Stanford nhận xét là ông Donald Trump « đi ngược lại đường lối quốc quốc tế hóa và đa phương hóa » của đảng Cộng Hòa.
Việc ông ngưỡng mộ Vladimir Putin và nước Nga cũng không phù hợp với truyền thống của đảng Cộng Hòa.
Giáo sự Chamorel cho biết thêm :
« Ông ấy khiến người ta lo ngại về việc ký kết các thỏa thuận trực tiếp với Nga, đẩy châu Âu ra khỏi các hồ sơ quan trọng về Trung Đông ».
Ngược lại, bà Clinton luôn tỏ ra khó chịu trong quan hệ với Vladimir Putin. Bị coi là theo chủ trương quân sự hung hăng hơn tổng thống Barack Obama, cách đây hai năm, bà Clinton đã cố gắng siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga.
Tuy nhiên, đó cũng không phải là tin vui đối với Tây Âu, đặc biệt là Đức. Chính quyền của bà Angela Merkel đánh giá là đã có quá nhiều biện pháp trừng phạt và sợ là Châu Âu phải trả giá đắt về kinh tế, chẳng hạn như giảm sút xuất khẩu từ châu Âu sang Nga hay giảm sút nguồn cung ứng năng lượng từ Nga sang châu Âu.
Hơn nữa, đa số các cường quốc Châu Âu đều cho rằng việc mềm mỏng hơn trong quan hệ với Nga sẽ có thể phát huy một lợi thế khác, đó là tạo ra một mặt trận thống nhất để chống Hồi Giáo cực đoan.
Giáo sư Patrick Chamorel kết luận là « Nếu bà Hillary Clinton muốn cứng rắn hơn trong quan hệ Mỹ - Nga, điều đó sẽ bất lợi cho Đông Âu ».
Thử thách cho Hillary Clinton, mối lợi bất ngờ cho Donald Trump?
Nước Mỹ hôm qua lại rúng động sau hàng loạt vụ nổ khiến 29 người bị thương tại New York.
Nhật báo Le Figaro đặt câu hỏi liệu các vụ nổ bom này có phải là “một thử thách cho bà Hillary Clinton nhưng lại là mối lợi bất ngờ cho Donald Trump?” .
Các vụ nổ diễn ra chỉ một ngày trước cuộc họp của Liên Hiệp Quốc quy tụ các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới.
Le Figaro nhận định đây không chỉ là thách thức cho lực lượng an ninh Mỹ, mà còn là sự kiện lớn có thể tác động mạnh mẽ tới kết quả cuộc bầu cử thổng thống tới đây.
Không cần chờ đợi chính quyền New York khẳng định tính chất “cố ý” của các vụ nổ ở thành phố này, chỉ 40 phút sau vụ nổ ở khu Chelsea, ông Donald Trump đã kết luận đây là vụ khủng bố.
Ông nói: “Một quả bom đã phát nổ ở New York và không ai biết điều gì đang xảy ra. Chúng ta phải cương quyết, rất cương quyết. Những gì đang xảy ra trên thế giới và tại đất nước của chúng ta thật là kinh khủng. Chúng ta sẽ phải cứng rắn, khôn ngoan và rất cảnh giác”.
Trong khi đó, bà Hillary tỏ ra thận trọng hơn. Ba giờ sau vụ nổ, khi cảnh sát vừa tuyên bố chưa xác định đươc chắc chắn nguyên nhân vụ nổ, bà Hillary Clinton phát biểu: “Tôi nghĩ điều quan trọng là phải nắm rõ sự việc, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cứu hộ và các nhà điều tra hiện đang cố xác định rõ điều gì đã thực sự xảy ra.
Tôi cũng tin rằng nên chờ đợi để có thêm thông tin trước khi kết luận”.
Theo Le Figaro, phản ứng trái ngược của hai ứng viên tổng thống cũng thể hiện sự đối lập trong chương trình tranh cử của họ.
Ứng viên đảng Cộng hòa “chơi lá bài uy lực và quyết tâm”, còn ứng viên đảng Dân Chủ “chơi lá bài năng lực và sự khôn ngoan”.
Ông Donald Trump sẽ nỗ lực để khai thác yếu tố có thể sẽ mang lại thất bại cho chính quyền Dân Chủ sau khi đảng này cầm quyền liên tục tám năm, trong đó bà Hillary giữ chức ngoại trưởng.
Tuy nhiên, ông Donald Trump cũng cần có thêm nhiều thông tin, chẳng hạn như tác giả hay các tác giả của vụ tấn công này là người Mỹ hay người nước ngoài?
Đây là các vụ tấn công kiểu sói đơn độc hay do các thành viên của một mạng lưới khủng bố gây ra?
Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo có đứng ra nhận trách nhiệm vụ nổ bom này cũng như vụ tấn công bằng dao nhắm vào 8 người ở Minnesota tối thứ Bảy vừa rồi?
Để đối phó với các kịch bản khác nhau, nhiều phương án đã sẵn sàng để ông Donald Trump lựa chọn: đóng cửa biên giới đối với người nhập cư trái phép, không cho phép di dân người Hồi Giáo đặt chân đến Mỹ, quay trở lại cương lĩnh “luật pháp và trật tự”, hợp pháp hóa các biện pháp tra tấn, hứa hẹn hợp tác với Vladimir Poutine để tiêu diệt Daech, tăng cường sức mạnh quân đội …
Các biện pháp mà bà Hillary chuẩn bị đề xuất sẽ đáng tin cậy hơn nhưng chắc chắn sẽ ít đanh thép hơn.
Để tấn công ông Donald Trump, hôm qua, ông Tim Kaine, người mà bà Clinton chọn làm phó tổng thống nếu bà đắc cử, đã nhấn mạnh là muốn cuộc chiến chống khủng bố có kết quả tốt thì phải dựa vào cơ quan tình báo: “Nếu không phối hợp chặt chẽ, chúng ta sẽ yếu đi chứ không thể mạnh lên”.
Le Figaro lưu ý là sự đáng tin cậy của các phản ứng của các ứng viên sau vụ tấn công xảy ra ngày hôm qua cũng quan trọng không kém gì sức mạnh của họ.
Trên thực tế, trước đây, do quá phô trương các biện pháp có sử dụng vũ lực, ông Donald Trump đã nhiều lần đi chệch đường.
Nguyên nhân béo phì của trẻ ở độ tuổi dậy thì
Trên lĩnh vực sức khỏe, nhật báo Le Figaro quan tâm tới vấn đề béo phì ở trẻ đang ở tuổi dậy thì.
Theo một nghiên cứu được tiến hành trên một nhóm trẻ trong vòng 10 năm, các nhà khoa học của đại học Exeter tại Anh Quốc đã phát hiện ra rằng quá trình chuyển hóa cơ bản trong cơ thể trẻ giảm xuống mức rất thấp khi trẻ đến độ tuổi 10-15 tuổi.
Nghiên cứu này đã giải đáp thắc mắc của các bác sĩ nhi khoa và các chuyên gia dinh dưỡng: “Tại sao rất nhiều trẻ em tăng cân vùn vụt khi đến tuổi dậy thì?” ngay cả khi các em có xu hướng ăn ít đi một chút vì sợ béo.
Trên thực tế, mức tiêu thụ năng lượng phụ thuộc chủ yếu vào quá trình chuyển hóa cơ bản của cơ thể.
Đây là yếu tố mang tính khách quan, ngoài sự kiểm soát của các em. 24/24h, ngay cả khi nghỉ ngơi, cơ thể con người vẫn không ngừng đốt cháy năng lượng, chẳng hạn như để tim, gan, thận hoạt động.
Ở người trưởng thành, quá trình chuyển hóa cơ bản chiếm 70% tiêu thụ năng lượng của cơ thể.
Theo kết quả nghiên cứu, mức tiêu thụ năng lượng cơ bản ở trẻ em tăng tỉ lệ thuận với trọng lượng cơ thể cho tới khi trẻ lên 10 tuổi.
Nhưng điều bất ngờ là, ở độ tuổi 10-15 tuổi, mức tiêu thụ năng lượng cơ bản giảm 25% so với khi trẻ 10 tuổi.
Điều này khiến các em dễ tăng cân nhanh chóng vào tuổi dậy thì. Và giải pháp là các em phải tăng cường vận động thể chất.
Trang nhất các báo Pháp
Hôm nay, chú ý tới thời sự nước Pháp, tờ báo Le Figaro chạy tựa trang nhất: “Cắt giảm chi tiêu công: các đề xuất của phe cánh hữu”.
Trong khi đó, tựa trang nhất của nhật báo công giáo La Croix lại liên quan tới việc “Người dân thành phố Belfort muốn công ty Alstom duy trì hoạt động tại thành phố này”.
Liên quan tới thời sự quốc tế, nhật báo Libération quan tâm tới chiến dịch bầu cử tổng thống ở Mỹ với tựa trang nhất “Cuộc chiến cuối cùng”, còn nhật báo Le Monde đặt câu hỏi: “Liệu điểm yếu của bà Clinton có thể khiến ông Trump đắc cử tổng thống?”.
Nhật báo kinh tế Les Echos thì trở lại vụ tai tiếng của hãng xe hơi Wolkswagen và chạy tít: “Một năm sau, vụ bê bối diesel khiến Wolkswagen phải trả giá đắt”.
Tin mới
- Mỹ lại biểu dương lực lượng trên báo đảo Triều Tiên - 21/09/2016 18:37
- Indonesia muốn Mỹ giúp nâng cấp căn cứ Hải Quân ở Biển Đông - 21/09/2016 13:21
- Massachusetts: Trụ sở giáo hội thờ quỉ lặng lẽ mở cửa ở Salem - 21/09/2016 01:53
- Đêm Thắp Nến Cầu nguyễn cho Vẹn Toàn Lãnh Thổ VN - 20/09/2016 21:50
- Vụ nổ bom tại Hoa Kỳ : Nghi can bị bắt là ai ? - 20/09/2016 18:01
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-09-2016 - 20/09/2016 15:52
- Công ty Trung Quốc hỗ trợ chương trình hạt nhân Bình Nhưỡng? - 20/09/2016 15:38
- Human Rights Watch kêu gọi trả tự do cho hai blogger Việt Nam - 20/09/2016 15:15
- Đại tá Danielle J. Ngô, nhậm chức Lữ đoàn trưởng, lữ đoàn 130 công binh lục quân Hoa Kỳ - 19/09/2016 22:56
- Nghi can đánh bom New York có thể liên hệ khủng bố quốc tế - 19/09/2016 22:19
Các tin khác
- Cảnh sát Mỹ phát hiện thêm bom tự tạo gần New York - 19/09/2016 20:14
- Tập trận Biển Đông: Nga Trung muốn phá thế thượng phong của Mỹ - 19/09/2016 18:20
- Biển Đông: Sách lược cầm chân Trung Quốc của Việt Nam - 19/09/2016 16:30
- Ấn Độ : Căn cứ quân sự tại Cachemire bị tấn công, 17 quân nhân thiệt mạng - 18/09/2016 18:07
- Syria: Liên Quân Quốc Tế công nhận oanh kích lầm vào quân đội Damas - 18/09/2016 13:43
- Mỹ: Bom nổ ở New York, nhưng « không chắc là do khủng bố » - 18/09/2016 13:37
- Mỹ: Đã hạ sát Dr Wa’il của ISIS - 17/09/2016 18:14
- Đã đến lúc phải kiểm soát Facebook - 17/09/2016 17:43
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-09-2016 - 17/09/2016 17:30
- Việt Nam phát lệnh truy nã quốc tế ông Trịnh Xuân Thanh - 17/09/2016 14:24