Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-08-2016

Colombia : Hòa bình với phe cộng sản, nông dân trở lại ruộng đồng

cuba - lahavane


Thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ Colombia và lực lượng Farc. Trong ảnh, lãnh đạo Farc Ivan Marquez (trái) và đại diện chính quyền Humberto de la Calle (phải), La Havane, ngày 24/08/2016.
REUTERS/Alexandre Meneghini

Hòa bình với lực lượng nổi dậy FARC tại Colombia là đề tài được hầu hết các báo Pháp quan tâm, sau thỏa thuận được đánh là « lịch sử » ký kết tại Genève hôm thứ Tư 24/08/2016, cho phép chấm dứt xung đột kéo dài 52 năm.

Báo Le Figaro chạy tựa : ''Tại Colombia, người nông dân mong trở lại với ruộng đồng''.

Bài « Colombia đạt được thỏa thuận hòa bình » của báo La Croix tóm tắt lịch sử nhiều nỗ lực đàm phán không thành công giữa chính quyền Colombia và « quân nổi dậy Farctheo chủ nghĩa Mác » (Quân đội Cách mạng Colombia), kéo dài từ thập niên 1980 đến nay.
Lực lượng vũ trang Farc có thời hạn sáu tháng để nộp vũ khí, dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc, để trở thành một đảng phái chính trị.

Trong hai nhiệm kỳ tới, đảng chính trị Farc tương lai sẽ tự động có 5 ghế tại Hạ Viện và 5 ghế tại Thượng Viện. Văn bản thỏa thuận sẽ phải được đưa ra cuộc trưng cầu dân ý toàn dân ngày 02/10 tới.
Theo các điều tra dư luận, khả năng cử tri chấp thuận là rất cao.

Thỏa thuận hòa bình với Farc cho phép chấm dứt cuộc xung đột, từng khiến 260.000 người chết 45.000 người mất tích và gần 7 triệu người phải bỏ nhà ra đi.
Tuy nhiên, báo Le Monde cũng lưu ý điều này không có nghĩa hòa bình trở lại hoàn toàn với Colombia, bởi còn một lực lượng cực tả khác hiện vẫn không chấp nhận từ bỏ vũ khí. Tuy nhiên, nhóm vũ trang Quân đội Giải phóng Dân tộc cũng đang có các đàm phán với chính quyền.

Colombia : Đòi được đất không dễ

Bài phóng sự « Tại Colombia, người nông dân mong trở lại với ruộng đồng » của Le Figaro nhấn mạnh là một điều quan trọng của thỏa thuận nói trên là cho phép sáu triệu người Colombia trở lại mảnh đất quê hương mà họ đã buộc phải rời bỏ, do chiến tranh.

 Theo ông Ricardo Savogal, người phụ trách cơ quan hoàn trả đất, nhờ ở một bộ luật ra đời năm 2012, người nông dân có thể đòi lại đất.
Cho đến nay, đã có khoảng 200.000 hecta đất được trả lại cho hơn 20.000 nông dân, trong đó gần một nửa đất bị lực lượng bán quân sự thân chính quyền chiếm đoạt, gần một nửa bị du kích lấy.

Tuy nhiên, Le Figaro dự kiến quá trình này chắc chắn « kéo dài và phức tạp », bởi nhiều người nông dân không có giấy tờ.
Một nguyên nhân khác là đất đai nhiều nơi bị biến đổi đến mức không còn sử dụng được.

Lãnh đạo cơ quan quốc gia hoàn trả đất cho nông dân nhấn mạnh đến ý nghĩa to lớn của việc này. Đó là sự khẳng định của nhà nước pháp quyền trong một lĩnh vực, cho đến nay vẫn thuộc quyền của các chỉ huy quân sự, hoặc thuộc phe du kích, hoặc thuộc phe bán vũ trang.

Một tờ báo Colombia cũng tố cáo hiện có một thế lực đang chống lại tiến trình này. Thành phần của thế lực này là nhiều chủ đất lớn, lợi dụng xung đột để chiếm đoạt được hàng chục nghìn hecta.

Philippines : Một cuộc chiến du kích khác cũng sắp kết thúc

Ở nửa bên kia bán cầu, « Tại Philippines, một cuộc chiến du kích khác cũng sắp kết thúc ». Đây là tựa đề của báo La Croix.

Tờ báo Công Giáo nhấn mạnh đến nhiều nỗ lực chưa từng có của tổng thống Philippines nhằm chấm dứt xung đột với phe nổi dậy cộng sản, với kết quả là đàm phán hòa bình được mở ra tại Oslo đầu tuần này.

Theo nhiều nhà quan sát, giai đoạn đặc biệt khó khăn là việc « giải giáp lực lượng vũ trang Quân đội Nhân Dân Mới » (NPA), với khoảng 4.000 chiến binh. NPA vốn nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố, theo Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ.

Người phụ trách một tổ chức nhân quyền – đang đấu tranh cho việc giải phóng hơn 500 tù chính trị - cho rằng : Dù ông Duterte tỏ ra thiện chí, nhưng nhiều tù nhân chính trị vẫn tiếp tục có nguy cơ bị khép tội hình sự.

Việt Nam : Người Công Giáo đấu tranh vì môi trường

Về Việt Nam, báo La Croix dẫn bài viết của Eglise d’Asia về cuộc biểu tình của cả chục ngàn người dân Công Giáo giáo phận Vinh phản đối biển nhiễm độc, mà thủ phạm là công ty Formosa, Hà Tĩnh.

Những người tranh đấu yêu cầu đóng cửa nhà máy Formosa, sau khi công ty đền bù các thiệt hại và phục hồi lại môi trường biển bị tàn phá.

Lần đầu tiên LHQ có bằng chứng Damas sử dụng vũ khí hóa học

Về thời sự quốc tế, báo Libération đặc biệt chú ý đến báo cáo của Liên Hiệp Quốc về thủ phạm của các vụ tấn công bằng hóa chất nhắm vào thường dân Syria.
Ngày thứ Ba tuần tới, Hội Đồng Bảo An sẽ họp và quyết định. Theo các nhà quan sát, rất có khả năng Nga và Trung Quốc sẽ bỏ phiếu ngăn cản một nghị quyết trừng phạt Damas.

Tuy nhiên, theo một nhà ngoại giao Pháp, « hiện còn quá sớm để nói về các tác động có thể có của báo cáo ».
Ông cũng nhấn mạnh đây là « lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc có được các bằng chứng rõ ràng và hiển nhiên về việc chính quyền Damas sử dụng vũ khí hóa học để chống lại người dân nước mình. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, dù chỉ mang tính biểu tượng ».

Bức ảnh bí mật Putin gặp Porochenko

Trong lúc, quân đội Nga hôm nay bắt đầu cuộc tập trận lớn cùng lúc tại nhiều khu vực, trong đó có bán đảo Crimée và các vùng giáp biên giới với Ukraina, Le Monde giới thiệu một sự kiện lịch sử qua bài « Ngày Putin gặp Porochenko », với bức ảnh chụp chung bốn lãnh đạo Nga – Đức – Pháp – Ukraina đầy ý nghĩa, ngày 06/06/2014. Bức ảnh nói trên đã được giữ bí mật suốt hai năm trời.

Bức ảnh cho thấy tổng thống Nga Putin và tổng thống Ukraina Porochenko, cả hai đều trong tư thế rất căng thẳng, như sẵn sàng đọ sức. Đứng ở giữa hai tổng thống Nga và Ukraina  là hai lãnh đạo Pháp – Đức.

Bài viết thuật lại diễn biến xung quanh cuộc hội kiến lâu đài Bénouville, vùng Normandie, nước Pháp.
Tường thuật của Le Monde cho thấy Pháp và Đức đã nỗ lực như thế nào để giải tỏa nguy cơ xung đột Nga – Ukraina bùng phát thành một cuộc chiến tranh quy mô thế giới.

Cuộc hội kiến này kết thúc với một thay đổi quan trọng là tổng thống Nga thừa nhận tân lãnh đạo Ukraina.

Bầu cử Mỹ : Điểm chung giữa hai đối thủ Clinton – Trump

Nhìn sang nước Mỹ, cuộc tranh đua giữa hai ứng cử viên tổng thống là một tiêu điểm thời sự khác.
 Le Figaro chạy tựa : « Gặp khó, Trump nỗ lực điều chỉnh chương trình tranh cử theo hướng trung dung ».

Theo Le Figaro, trong bối cảnh thăm dò dư luận cho thấy bị cử tri ngày càng ít ủng hộ, ứng viên đảng Cộng Hòa Trump tỏ ra « kiềm chế hơn, ít phát biểu ngẫu hứng hơn và tập trung mũi nhọn tấn công đối thủ Hillary Clinton ».

 Báo Le Figaro bình luận : để thu hút được sự ủng hộ của cử tri, ông Trump còn phải làm cho công chúng quên đi giai đoạn tranh cử 73 ngày với các phát biểu gây sốc của ông.
Bên cạnh đó, một khó khăn khác là ê-kíp tranh cử của ông Trump hiện chỉ có 94 người, so với 753 người của bà Hillary Clinton.

Về cuộc đối đầu Trump – Clinton, báo Le Monde có bài phân tích đáng chú ý « Clinton-Trump : phải chăng cùng một cuộc chiến ?».
Theo Le Monde, cho dù hoàn toàn khác biệt về tâm lý, tính cách, phong cách, hiểu biết về chính trị, nhưng hai đối thủ lại chia sẻ « một điểm chung duy nhất ». Đó là cả hai cùng chống lại « giai đoạn mới của quá trình toàn cầu hóa tự do » hiện nay.

Cả hai cùng cổ vũ cho một chương trình thúc đẩy đầu tư công mới, mà Hoa Kỳ chưa từng biết đến kể từ năm 1945.
 Về điểm này, Donald Trump hoàn toàn « không bị ám ảnh bởi (tín điều) chống nhà nước của đảng Cộng Hòa ».

Theo Le Monde, kể từ khủng hoảng kinh tế 2008 đến nay, thu nhập của đa số người Mỹ không tăng.
 "Một bộ phận lớn người Mỹ da trắng, có bằng cấp thấp, tự thấy mình là nạn nhân của quá trình phi công nghiệp hóa".
Đây chính là bộ phận cử tri mà ông Donald Trump muốn chinh phục, và bà Hillary Clinton cũng không muốn để mặc cho đối thủ độc quyền này.

Kinh tế Mỹ : Sự hồi phục khác thường

Cũng về kinh tế Mỹ, báo Le Monde có bài « Ngân hàng trung ương Mỹ đối diện với một cuộc phục hồi kinh tế khác thường ».
Bài viết được thực hiện nhân dịp một hội nghị thường niên của các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới, họp tại tiểu bang Wyoming, Mỹ, trong ba ngày cuối tuần (thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy).

Theo phân tích của Le Monde, cho dù tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ một lần nữa đạt mức thấp kỷ lục (4,9%), số lượng việc làm bán phần cao hơn trước khủng hoảng, thế nhưng số lượng cư dân có một việc làm hay đang tìm một việc làm lại « hết sức đáng thất vọng », 62,7% vào tháng 7 so với 67,3% vào năm 2000.
Điều này có nghĩa là « số lượng người thất nghiệp ẩn » là một hiện tượng là không thể coi thường.

Bên cạnh đó, tỉ lệ tăng năng suất rất thấp, 0,5%/năm kể từ 2010 đến nay so với 1,5%/năm từ 1975-1995, hay 3% trong hơn hai thập niên 1947-1973.
 Giải Nobel kinh tế Edmund Phelps nhấn mạnh : "Sự sụp đổ của tiến trình tăng năng suất nói trên sẽ có những tác động rất tiêu cực đến toàn thể nền kinh tế Mỹ".

Các chuyên gia tìm nhiều cách để lý giải hiện tượng trì trệ có khả năng kéo dài của nền kinh tế Mỹ.
Một số người đề xuất các giải pháp như hạ thấp lãi suất để kích thích đầu tư... Tuy nhiên, theo Le Monde, tình trạng hiện nay đang cho thấy các giới hạn của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, cũng như các định chế tiền tệ nói chung, và chắc chắn các lãnh đạo ngân hàng sẽ phải một lần nữa nhấn mạnh : "họ không phải là các nhà ảo thuật".

Tranh cãi về áo tắm Hồi Giáo tại Pháp

Về thời sự nước Pháp, chủ đề lệnh cấm áo tắm Hồi Giáo burkini tại một số bãi biển được nhiều tờ báo quan tâm.
Chiều nay, Tham Chính Viện Pháp sẽ ra quyết định về việc lệnh cấm này của chính quyền địa phương có hợp pháp hay không (Tham Chính Viện đã ra quyết định bác bỏ lệnh cấm burkini - người viết).

Cuộc tranh luận về khăn trùm Hồi Giáo có được chấp nhận trong không gian công cộng hay không là chủ đề thu hút rất nhiều ý kiến đối lập trong công luận Pháp lâu nay.

Lần này, trong chính nội bộ chính phủ Pháp, khác biệt là hết sức lớn.
Phát biểu ủng hộ lệnh cấm của thủ tướng Valls bị nhiều bộ trưởng đảng Xã Hội chỉ trích trở lại.

Bài xã luận báo La Croix bình luận : « Liệu đây có phải là chủ đề khẩn cấp nhất trong cuộc chiến chống lại ảnh hưởng đang lên của xu hướng cực đoan trong cộng đồng những người Hồi Giáo? ».
Tờ báo Công Giáo nhấn mạnh, cuộc thảo luận về áo trùm Hồi Giáo "làm mất quá nhiều thời gian đáng lẽ được dành cho cuộc chiến chống chủ nghĩa tôn giáo cực đoan".

Pháp : Festival bất chấp khủng bố

Liên quan đến nguy cơ khủng bố, trang nhất báo La Croix chạy tựa « Festival – Hãy tập hợp nhau lại, bất luận thế nào », với nhận định : « Trong mùa hè này, nhiều cuộc festival thu hút đông đảo người tham dự, cho thấy khát vọng sống, khát vọng mở rộng hiểu biết và tổ chức vui chơi bất chấp lo ngại khủng bố ».

Cùng về vui chơi, báo Libération dành nhiều trang đầu cho chủ đề bắt Pokemon, trò chơi mới hiện đang thu hút rất nhiều người trẻ Pháp.
Bài xã luận Libération với tựa đề « Vô hại » giải thích một số điểm hoàn toàn mới của trò chơi điện tử này so với các trò chơi điện tử trước đây.

Một ý nghĩa đặc biệt của trò Pokemon mà Libération ghi nhận là cuốn hút người chơi thoát khỏi không gian khép kín thông thường, để khám phá cuộc sống muôn mặt bên ngoài.

Giá điện mặt trời thấp kỷ lục thế giới

Trong lĩnh vực môi trường, báo kinh tế Les Echos đặc biệt chú ý đến thành tích của ngành điện nước Nam Mỹ Chili, khi giá thành năng lượng mặt trời được hạ thấp đến mức kỷ lục. Công ty Tây Ban Nha Solarpark vừa thắng được một hợp đồng cung cấp điện với giá 29,10 đô la cho một megawatt/giờ, kể từ năm 2021 (tương đương với khoảng 1/5 giá điện hiện bán tại Việt Nam).

Tại Chili, giá điện gió cũng giảm mạnh, với mức thấp nhất là 38,10 đô la/megawatt/giờ.
Trong cuộc cạnh tranh nhằm giành được các đơn đặt hàng (chiếm 20% thị phần điện của nước này), trong phiên đấu thầu giữa tháng 8/2016, điện mặt trời và gió đã dành được hai phần ba tổng lượng điện đặt hàng.

Tổng cộng 84 doanh nghiệp, với tổng sản lượng điện gấp 7 lần đơn đặt hàng, đã tham gia vào cuộc đấu thầu.

Switch mode views: