Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-07-2016

Số phận long đong của người Việt từ Nga sang Litva
litva


Vị trí địa lý của Litva.
wikipedia

Tạp chí Courrier International tuần này có bản dịch một bài báo của tờ Veidas xuất bản tại Vilnius mang tựa đề « Theo dấu vết những người nhập cư Việt Nam ».

Bài báo cho biết, từ giữa năm 2014, luồng người Việt di cư từ Nga sang không ngừng tăng lên. Chạy trốn khủng hoảng, trong tay không có giấy tờ gì, họ lang thang giữa Litva, Latvia, Ba Lan và Belarus.

Ông R.Pozela, người đứng đầu cơ quan biên phòng Litva giải thích : « Tình hình kinh tế Việt Nam rất xấu : 40% dân số sống dưới ngưỡng nghèo khó. Đất nước này duy trì quan hệ lịch sử với Nga, nhiều người Việt vẫn đang sống và làm việc ở đó.

 Nhưng tại Nga, tình hình cũng thay đổi. Chính sách nhập cư trở nên khắt khe hơn, kinh tế sa sút. Thế nên người Việt buộc lòng phải di cư sang phương Tây, đi ngang qua lãnh thổ chúng tôi ».

Năm 2014, có 195 người Việt đã vượt qua biên giới Litva trái phép. Năm ngoái, con số này là 116 người. Còn năm nay, do tăng cường giám sát biên giới với Belarus, không có vụ nhập cư bất hợp pháp nào của người Việt được ghi nhận.

 Nhưng lúc sau này, lộ trình của họ đã chuyển sang Latvia, sau đó những di dân Việt dễ dàng đi vào Litva để rồi sang Ba Lan. Họ bị lính biên phòng của ba nước chận lại : có 301 vụ bắt giữ năm 2014, đến 2015 là 382 vụ, và từ đầu năm đến nay đã có 45 vụ.

Số công dân Latvia làm dịch vụ đưa người vượt biên cũng tăng lên : có 23 người đã bị bắt trong năm ngoái. Cho đến nay, những trung gian giúp vượt qua biên giới giữa Litva và Belarus là người Tchechenya.

E.Gudzinskaite, thuộc bộ phận tư pháp và hợp tác quốc tế của cơ quan nhập cư Litva giải thích : « Thường thì những người Việt bị bắt có visa nhập cảnh Nga một lần. Tuy vậy họ không đi thẳng từ Nga đến Litva, như vậy thủ tục xuất nhập cảnh vào Nga có lỗ hổng, và chúng tôi phải gởi trả họ về Việt Nam ».

Lượng người không có giấy tờ nhập vào là vấn đề lớn nhất. Tiến trình xác minh danh tính thường rất lâu, và đã có những trường hợp không thể xác định được nhân thân. Và như vậy, những người đã ở trung tâm tạm cư Pabradé của Litva tối đa 18 tháng sẽ được trả tự do, mà không có một tờ giấy lận lưng.

Hà Nội không hăng hái trong việc nhận lại người Việt nhập cư

Ông E.Gudzinskaite nhận định : « Một giáo xứ ở Vilnius được giao phụ trách vấn đề người nhập cư. Chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với chính quyền Việt Nam, liên quan đến các công dân Việt. Những người này sống bất hợp pháp tại Litva, và không thể trục xuất được.
Họ không được phép làm việc, không có được thu nhập hợp pháp. Đó là một ngõ cụt ».

Aleksandras Kislovas, người quản lý trung tâm tạm cư cho biết thêm : « Năm ngoái, chúng tôi có một trường hợp như vậy và năm nay thì hơn một chục ca.
Chúng tôi phải tôn trọng các thủ tục ngoại giao, không thể đòi hỏi tới tấp được.

Sau khi gởi đi một hồ sơ, chúng tôi phải chờ ba tháng mới đưa tiếp một hồ sơ mới ».
Nhà chính trị học Konstantinas Andrijauskas giải thích : « Ngày nay Việt Nam vấp phải tình trạng đặc thù của những nước đang phát triển một cách nhanh chóng.

Các ngành kỹ nghệ ở đô thị vốn ưa chuộng công nghệ mới phát triển nhanh, những cải cách kinh tế diễn ra theo hướng khuyến khích xuất khẩu, đứng chân được trên thị trường thế giới.
Nhưng những cải cách này chỉ liên quan đến một bộ phận của xã hội Việt Nam. Bất bình đẳng xã hội bị đào sâu. Bên cạnh đó còn có vấn đề dân số gia tăng nhanh chóng, có thể vượt qua ngưỡng 100 triệu dân ».

Sự thiếu hợp tác của chính quyền Việt Nam trong vấn đề này, và trước số phận các công dân Việt vượt biên đi tìm thiên đàng mộng tưởng, không làm ngạc nhiên Konstantinas Andrijauskas.

Nhà nghiên cứu nói : « Một số người khẳng định một cách hầu như chính thức, là chính quyền Việt Nam nhắm mắt làm ngơ trước hiện tượng di cư, vì nó giúp giảm áp lực dân số, thậm chí về chính trị, trước thử thách của chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam.
Việc Hà Nội không hợp tác với Litva hoàn toàn có thể hiểu được ».

Tờ báo đặt câu hỏi, tình hình kinh tế Nga và lượng người nhập cư từ Trung Á hiện diện đông đảo ở nước này, liệu sẽ gây ra hậu quả nguy hiểm cho Litva hay không ?
 Hiện thời, các khó khăn kinh tế của Nga và của quê hương mình là yếu tố quyết định, trong sự chọn lựa của những người Việt nhập cư bất hợp pháp.
Nhưng theo tờ Veidas, đôi khi họ « tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa », và rơi vào tình cảnh còn tệ hại hơn ở Litva.

Biển cả, khát vọng mới của Trung Quốc và Ấn Độ

Hồ sơ về đại dương và các quyền trên biển của tạp chí thuộc tổ chức Ân xá Quốc tế số tháng 7&8/2016 trong bài phỏng vấn Corinne Lepage, cựu bộ trưởng Môi trường có đưa ra nhận định « Ấn Độ và Trung Quốc bỗng muốn hướng ra biển ».
Theo bà Lepage, hai nước này vốn từ chối biển cả, đặc biệt là Ấn Độ, vì truyền thống Ấn giáo cho rằng biển là biểu tượng cho tà quyền.

Trung Quốc và Nhật Bản trong quá khứ cũng co cụm lại trong đất liền, không chú ý đến biển. Nhưng ngày nay những nước này bỗng có hứng thú vươn ra đại dương.
Điều hiển nhiên là Trung Quốc không ngừng bành trướng, chiếm lấy những đảo nhỏ xung quanh, bất chấp phải xung đột với Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam hay Philippines. Đường lưỡi bò của Bắc Kinh bao trùm lên Biển Đông, thậm chí còn vươn đến cả đảo Natuna của Indonesia.

Cựu bộ trưởng Pháp nhận xét, tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc là vô biên. Bắc Kinh xây nên những phi đạo vô cùng lớn, hải cảng nhân tạo ở Trường Sa, biến các đảo thành những hàng không mẫu hạm thiên nhiên.
Nếu kiểm soát được tuyến đường hàng hải quan trọng này, Trung Quốc sẽ trở thành bá chủ thế giới.

Bolivia : Trên 130 năm sau vẫn nhớ biển

Cũng trong hồ sơ này, tạp chí nhắc đến trường hợp Bolivia kiện Chilê ra trước Tòa án Công lý Quốc tế ở La Haye, để đòi lại một phần bờ biển đã bị mất trong cuộc chiến tranh cách đây 133 năm.

Năm 1883, Bolivia thua trận chiến Thái Bình Dương trước Chilê, và đành chịu mất 400 km bờ biển.
Không còn biển, Bolivia không chỉ mất đi tất cả những nguồn lợi từ biển cả, mà còn bị trói tay khi 95% hàng xuất khẩu đi qua ngã Thái Bình Dương.
Cay đắng hơn nữa là sau khi thất trận, phần lãnh thổ bị mất được phát hiện có mỏ đồng với trữ lượng thuộc loại lớn nhất thế giới.

Hơn một thế kỷ sau, người Bolivia vẫn không để sự kiện rơi vào lãng quên.
Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Ba, « Ngày của biển » (El dia del Mar) La Paz lại dậy sóng, và việc quay về với biển còn được ghi trong Hiến pháp.

Cuối cùng đất nước nhỏ bé này đã kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế, chiếc phao cuối cùng để tìm lại phần nào thiên đàng đã mất – đòi lại một hành lang vài trăm kilomet so với 120.000 kilomet vuông đã lọt vào tay kẻ chiến thắng.

Họa sĩ gốc Việt Pierre Lê Tân : Đam mê hội họa và sưu tập

Trên lãnh vực văn hóa, M Magazine của Le Monde vẽ nên chân dung sắc nét của họa sĩ gốc Việt Pierre Lê Tân, mà người cha là danh họa Lê Phổ đã sang Pháp định cư từ năm 1937.

Năm nay 66 tuổi, họa sĩ Pierre Lê Tân không hề sở hữu máy vi tính của thời hiện đại. Ông nói : « Đây là một hành động phản kháng, một cách để giữ lại chút ít tự do ».
Những bức vẽ được đăng là do ông đích thân mang đến tận tòa soạn, chứ không phải là các tập tin dạng PDF hay JPG.

Thời thơ ấu của ông đắm chìm trong hội họa. Nhà nghệ sĩ tương lai thưởng thức những bức tranh giá trị, đi thăm các bảo tàng, say sưa đọc những cuốn sách cổ Trung Hoa và Nhật Bản.

 Pierre Lê Tân cho biết : « Chính nhờ tất cả những thứ ấy mà tôi đã tập vẽ, thấm đẫm vào các họa phẩm. Tôi nhận ra rất sớm là cuộc đời mình chỉ có hội họa và bộ sưu tập các vật phẩm nghệ thuật ».

Đó là hai niềm đam mê mà ông luôn trung thành. Từ những bức vẽ đầu tiên cho tờ New Yorker lúc mới 17 tuổi, đến nay ông đã thực hiện vô số minh họa cho nhiều tạp chí danh giá, vẽ bìa cho trên 100 cuốn sách của các tác giả Marcel Aymé, Mario Soldati, Patrick Modiano…

Bên cạnh đó là các tranh quảng cáo, áp-phích phim, đề-co điện ảnh, các họa phẩm, kể cả các họa tiết trên vải cho những chiếc túi xách của nhà tạo mốt Olympia, con gái ông.
Ông còn có 15 cuốn sách đã in, và bốn tác phẩm thực hiện cùng với hai tác giả khác, và hiện đang chuẩn bị hai cuộc triển lãm, xuất bản một cuốn sách về Paris.
Về bộ sưu tập nghệ thuật, trong căn hộ của ông chồng chất những món đồ sứ, tác phẩm sơn mài…nhưng vẫn không có một chiếc máy tính nào.

Phẫu thuật ung thư : May nhờ rủi chịu

Về mặt y tế, tuần san L’Express chạy tựa « Ung thư : Tiết lộ về xì-căng-đan Pháp ».
Một số bệnh ung thư như ung thư thực quản hay ung thư vú, cần phải được phẫu thuật tại những cơ sở chuyên khoa, nhưng nếu giao phó sinh mạng cho những nơi ít kinh nghiệm, bệnh nhân phải chịu đựng rủi ro rất cao.

Nghiên cứu của giáo sư Christophe Mariette trình bày tháng 10/2015 trước hội nghị ung thư châu Âu ở Copenhague đặt ra câu hỏi : liệu có quan hệ gì giữa số lượng bệnh nhân ung thư thực quản được giải phẫu trong một bệnh viện hay dưỡng đường, với tỉ lệ tử vong sau phẫu thuật ?
 Để tìm ra lời đáp, ông đã bỏ thì giờ so sánh cơ sở dữ liệu khổng lồ của các bệnh viện Pháp.

Kết quả khiến người ta phải lạnh lưng : « Từ 2010 đến 2012, có 11,9% bệnh nhân được giải phẫu tại một nơi mỗi năm tiến hành dưới 20 cuộc mổ, đã tử vong khoảng ba tháng sau đó. Còn tại những bệnh viện chuyên khoa, mổ trên 60 cuộc một năm, tỉ lệ này chỉ có 3,2% ».

Đối với ung thư bao tử, khoảng cách có ngắn hơn, nhưng tỉ lệ sống sót vẫn gấp đôi. Hầu hết bệnh nhân không biết được điều này.

Tầm vóc của vấn đề ở chỗ, đa số bệnh viện, dưỡng đường Pháp chỉ thực hiện khoảng một chục cuộc phẫu thuật một năm. Không chỉ hai loại ung thư trên, mà tương tự đối với ung thư buồng trứng, tụy tạng, gan, trực tràng, phổi - những cơ quan nội tạng quan trọng.
Như vậy điều cấp thiết là làm thế nào để bệnh nhân có được đầy đủ thông tin về chuyên môn của cơ sở y tế trước khi trao gởi sinh mệnh.

Les Bleus và tiền thưởng

Trên lãnh vực thể thao, ấn bản cuối tuần của Le Monde cho biết, sau thất vọng vì trận chung kết, Les Bleus vẫn có thể tự hài lòng với món tiền thưởng 250.000 euro cho mỗi cầu thủ.

Thật ra số tiền này là vừa phải chứ không lớn, so với lương tháng của các cầu thủ Pháp đang đá cho các câu lạc bộ khác nhau. Chẳng hạn Kingsley Coman mỗi tháng lãnh « chỉ » 160.000 euro từ Bayern Munich, nhưng Antoine Griezmann đá cho đội Atlético Madrid được trả 500.000 euro mỗi tháng, Olivier Giroud nhận 600.000 euro/tháng từ Arsenal.

Năm nay, thủ quân Hugo Lloris và Blaise Matuidi được toàn đội cử ra làm đại diện để thương lượng với Liên đoàn Bóng đá Pháp (FFF) về tiền thưởng.
Nếu đoạt cúp vô địch Euro 2016, mỗi cầu thủ được thưởng 300.000 euro, nhưng không có đồng nào nếu không vào được tứ kết.

Số tiền này chưa kể quyền về hình ảnh, được tính toán theo số lần xuất trận. Thủ môn Hugo Lloris có mặt trong tất cả các trận đấu của đội tuyển Pháp, tất nhiên là lãnh nhiều hơn Christophe Jallet luôn phải ngồi ghế dự bị. Cả 23 cầu thủ đội Pháp đều nhất trí dành 5% tiền thưởng cho tám cầu thủ đến tập huấn chung với họ.

Nhưng nhìn chung, tất cả đều có lợi qua Euro 2016. Les Bleus lại trở thành công cụ marketing tuyệt hảo, Antoine Griezmann nay có giá đến 100 triệu euro nếu chuyển nhượng, tổng thống François Hollande có thể được thêm vài điểm tín nhiệm.
Tăng trưởng của nước Pháp sau khi đoạt cúp vô địch bóng đá thế giới năm 1998 đã tăng lên 2,9%, và giải châu Âu lần này cũng mang lại tác động tích cực về kinh tế.

Tựa chính các tuần báo Pháp

Hồ sơ chính của hai tuần san lớn trong tuần này đều về y tế. Nếu L’Express quan tâm đến ung thư, thì L’Obs nói về bệnh Lyme, chứng bệnh được truyền qua loại ve hút máu thú nuôi. Le Point phân tích « Nghệ thuật mai mỉa của người Pháp ».

Euro 2016 đã kết thúc, Paris Match đăng ảnh cầu thủ trẻ Pháp Antoine Griezmann đang được huấn luyện viên Didier Deschamps ôm choàng lấy sau trận đấu với dòng tựa « Cảm ơn đã giúp chúng tôi ước mơ ».
Tuần báo Courrier International nhìn ra vũ trụ với câu hỏi « Làm thế nào nhận diện người ngoài hành tinh ? »

Switch mode views: