Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nguy cơ nhóm BRICS tan rã

BRICS

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và đồng nhiệm Brazil Dilma Rousseff hồi tháng 07/2015 tại thượng đỉnh nhóm BRICS.AFP PHOTO / ALEXANDER NEMENOV

   Brazil và Nam Phi hai thành viên trong khối BRICS đang trực diện với khủng hoảng chính trị và kinh tế : tổng thống hai nước này cùng bị đe dọa truất phế.

Nga vẫn lúng túng vì dầu hỏa mất giá. Tiến trình chuyển đổi của mô hình kinh tế Trung Quốc vẫn còn là một ẩn số.

 Chỉ có Ấn Độ được coi là vùng an toàn. BRICS có còn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư hay không ?

Năm 2001 lần đầu tiên trong báo cáo của ngân hàng Mỹ Goldman Sachs kinh tế gia Jim O’Neil đề cập đến nhóm BRIC bao gồm 4 nền kinh tế đang trên đà trở thành những « ông khổng lồ » của thế giới là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
Sau này Nam Phi được nhập cuộc để BRIC trở thành BRICS.

Cách nay 15 năm, bốn nền kinh tế đầy triển vọng này chỉ chiếm trọng lượng tương đương với 8 % tổng sản lượng toàn cầu nhưng hàng tỷ đô la đầu tư đã đổ về bốn nền kinh tế đầy tiềm năng đó.
Đến tháng 11/2015 cũng Goldman Sachs đã âm thầm khóa sổ quỹ đầu tư dành cho khối BRICS, bởi vì trong vỏn vẹn 5 năm, 88 % quỹ này đã tan thành mây khói.

Giới đầu tư không còn kỳ vọng vào nhóm BRICS cho dù, là ngày nay, chỉ một mình Trung Quốc đã đủ sức tạo ra 13,3 % GDP toàn cầu và có trọng lượng lớn gấp đôi so với khả năng của Ấn Độ, Brazil và Nga cộng lại.

Thêm vào đó chỉ riêng những khó khăn của kinh tế Trung Quốc cũng đủ làm khuynh đảo BRICS, một nhóm gồm 5 quốc gia được xem là có triển vọng làm thay đổi trật tự kinh tế của thế giới từ nay đến năm 2050.

Gà cùng một mẹ xâu xé lẫn nhau

Trong một bài phân tích được đăng trên nhật báo kinh tế Pháp, La Tribune tháng 11/2015, chuyên gia tài chính và ngân hàng, Michel Santi, giám đốc điều hành cơ quan tư vấn Thụy Sĩ Art Trading&Finance nêu lên nhiều lý do giải thích vì sao khối BRIC hay BRICS không vững bền.

Trong mắt kinh tế gia Santi, BRICS xuất phát từ một sự liên kết gượng ép giữa những nền kinh tế có mức độ phát triển, công nghiệp, văn hóa, ý thức chính trị quá khác nhau.

Thứ hai là các thành viên chỉ tỏ thái độ đoàn kết bề ngoài, nhưng về mặt thương mại, các nền kinh tế đang lên này lại là những đối thủ cạnh tranh đáng gờm của lẫn nhau.

Thậm chí theo nhóm nghiên cứu Global Trade Alliance, từ Brazil đến Trung Quốc, nước nào cũng chỉ hô hào tự do hóa mậu dịch.
Trên thực tế, tất cả đều chủ trương bảo hộ mậu dịch và áp đặt hạn ngạch nhập khẩu.

Tệ hơn thế, vẫn Global Trade Alliance còn cho rằng có đến 1/3 các quyết định của BRICS bất lợi cho bốn thành viên còn lại trong nhóm và trong « trò chơi » tai hại này, Trung Quốc thường xuyên là mục tiêu tấn công của các anh chị em cùng một nhà.

BRICS đã mất sức lôi cuốn

15 năm trước khi nhóm BRICS được hình thành, Trung Quốc là đầu tàu với tỷ lệ tăng trưởng trên 10 % một năm. Đây cũng là nơi các khu nhà chọc trời và hệ thống đường cao tốc mọc lên như nấm.

Lại cũng “cơ xưởng sản xuất của thế giới” có phép lạ như một thỏi nam châm hút giầu thô, than đá, thép của thế giới. Đầu tư công cộng và nước ngoài ồ ạt đổ vào thị trường đông dân nhất toàn cầu.

Năm 2015, GDP của Trung Quốc tăng chậm hơn so với Ấn Độ, và các dự báo đều cho rằng, đối với quốc gia này, thời kỳ tăng trưởng của “thần kỳ” đã đi qua.

Trong lúc ông khổng lồ đông bắc Á phải đối mặt với nhiều thách thức thì tại nam Á, Ấn Độ đang thực sự vươn lên. 2015 là một cột mốc quan trọng : New Delhi không khỏi tự hào với tỷ lệ tăng trưởng 7,5 % và được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế coi là “cột trụ” của khối các quốc gia đang phát triển.

Phải nhập khẩu đến 80 % dẩu hỏa để thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ của hơn 1 tỷ dân, Ấn Độ trong năm 2015 đã tiết kiệm được hóa đơn năng lượng khi giá dầu chỉ còn trên dưới 30 đô la một thùng.

Trái ngược với trường hợp của một quốc gia nhập dầu hỏa như Ấn Độ, Nga, nguồn sản xuất và xuất khẩu vàng đen thế giới trong năm 2015 điêu đứng : GDP năm 2015 sụt giảm 3,8 % so với tài khóa 2014.

Tất cả các bộ phải cắt giảm ngân sách ít nhất 10 % do xuất khẩu năng lượng là nguồn thu nhập bảo đảm đến 50 % ngân sách của cả nước và chiếm 40 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga.

Hai thành viên sau cùng của nhóm BRICS là Brazil và Nam Phi thì cùng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kép.
 Bên cạnh những khó khăn nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, tổng thống Brazil Dilma Rousseff và đồng nhiệm Nam Phi Jacob Zuma cùng bị đe dọa truất phế vì tai tiếng tham nhũng.

Nữ tổng thống đầu tiên của Brazil không thể chủ trì lễ khai mạc Thế vận hội Olympique vào đầu tháng 8/2016.
 Thượng Viện Brazil biểu quyết về số phận chính trị của bà trong những ngày cuối tháng Tư, đầu tháng Năm.

Còn tại Nam Phi, nền kinh tế số 1 châu Phi, tổng thống Jacob Zuma tạm thời thoát hiểm sau 5 lần bị đối lập đòi truất phế vì đã trích công quỹ để trùng tu ngôi biệt thự riêng.

Trả lời đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia kinh tế Thierry Apoteker, nguyên giám đốc ngân hàng Indosuez trở lại với nạn tham nhũng triền miên tại Brazil và Nam Phi :
" Cả hai quốc gia này cùng phải đối mặt với tham nhũng. Cả hai cùng gặp phải một trở ngại là bên tư pháp không được độc lập với hành pháp và tựu chung thể chế chính trị của Brazil và Nam Phi đều cần phải xét lại.

Trong cả hai trường hợp, phải đến khi một sự kiện nổi bật như là tai tiếng của tập đoàn dầu khí Brazil, Petrobras hay trong vụ nhập nhằng công quỹ liên quan đến bản thân tổng thống Nam Phi, Jacob Zuma, vấn đề tham nhũng mới được phơi bày ra ánh sáng và mọi người mới nhắm tới thủ tục đòi truất phế tổng thống ".

Vậy tham nhũng gây thiệt hại tới mức độ nào cho đà phát triển của Brazil và Nam Phi ?

Cựu giám đốc ngân hàng Indosuez, chuyên gia kinh tế Thierry Apotiker trả lời :
"Theo tôi, chúng ta cần tách biệt ra hai vấn đề : thứ nhất là các hành vi hối lộ, những vụ chạy trọt thường ngày, để công việc được trôi chảy.

Điều đó khác hẳn với các vụ tham nhũng quy mô liên quan trực tiếp đến chính sách kinh tế và phát triển của một quốc gia.
Trong trường hợp cụ thể của đảng Lao Động Brazil và đảng ANC Nam Phi là cả hai cùng mới nổi lên và vừa nắm được chính quyền.

Cả hai đảng này cùng tập trung vào việc thâu tóm quyền lực, kiểm soát các nguồn tài chính để củng cố vị thế trên bàn cờ chính trị, để giữ được quyền lực lâu dài.
Ban đầu là để tìm nguồn tài trợ cho đảng, thế rồi từng bước, từ chỗ tiền đổ vào cho đảng tràn qua luôn cả cho một số cá nhân ".
Nhưng thực chất của vấn đề đối với cả Brazil lẫn Nam Phi không chỉ là tham nhũng, Thierry Apotiker, cựu giám đốc ngân hàng Indosuez :

" Về mặt cơ bản tham nhũng đè nặng lên tiềm năng phát triển của một nền kinh tế. Nhưng xét cho cùng, cả đối với Brazil lẫn Nam Phi, khủng hoảng hiện tại xuất phát từ chỗ, cả hai quốc gia này cùng chủ yếu trông cậy vào các nguồn tài nguyên để xuất khẩu.

Khách hàng quan trọng nhất của họ lại là Trung Quốc. Khi kinh tế Trung Quốc chựng lại, nước này ít nhập dầu hỏa, hay nguyên nhiên liệu, vàng, đồng, sắt thép … lúa mì, ngũ cốc … của các nhà sản xuất Brazil hay Nam Phi thì đương nhiên 2 nền kinh tế đó bị vạ lây.

Hơn nữa, trong chu kỳ thịnh vượng, thì các nước chuyên xuất khẩu nguyên, nhiên liệu, ở đây chúng ta nói tới trường hợp của Brazil và Nam Phi, nhưng nước Nga cũng trong hoàn cảnh tương tự, thì các nền kinh tế đó lại ỷ lại, và đã không đem lợi nhuận để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vào các phương tiện sản xuất.

Những quốc gia đó đã hài lòng khi thấy đồng tiền dễ dàng chui vào công quỹ mà không hề lo đề phòng khi mất mùa, hay thị trường nguyên nhiên liệu bị đóng băng …

Chính khó khăn của các nền kinh tế trong nhóm BRICS là ở chỗ đó. Đương nhiên là khi dễ kiếm ra đồng tiền, nhờ khai thác tài nguyên, thì kèm theo đó là các vụ tham ô, nhưng tôi nhắc lại, tham nhũng không là mối đe dọa duy nhất đối với những quốc gia trong nhóm BRICS ".

BRIC rồi BRICS đã hình thành từ sự liên kết giữa các quốc gia muốn thoát khỏi thế kềm kẹp của bộ ba Âu, Mỹ, Nhật.
Trong ngôi nhà chung đó thì mỗi thành viên đều tự tìm cho mình một hướng đi.

Nếu như Trung Quốc lấy xuất khẩu làm chủ đạo, thì Nga lại chủ trương dựa vào các nguồn khai thác tài nguyên.
Từ năm 2008 khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ, BRICS với tỷ lệ tăng trửơng cao và là những nền kinh tế năng động, bỗng dưng trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng các nhà tư bản toàn cầu.

Những tính toán đó bắt đầu thay đổi khi châu Âu và nhất là Mỹ đang từng bước phục hồi, trong lúc nhóm BRICS phải đương đầu với quá nhiều thách thức : thứ nhất là các thành viên tỏng khối chưa khắc phục được những nhược điểm trong mô hình phát triển mà tham nhũng là một trong số những trở ngại đầu tiên.

Thứ hai là những khác biệt về mức độ phát triển giữa Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Nga và Nam Phi lại ngày càng rõ nét và sau cùng, mỗi thành viên trong khối BRICS lại là những mối cạnh tranh trực tiếp của lẫn nhau.

Switch mode views: