Bầu cử tổng thống Mỹ : Xu hướng chống hiệp định tự do mậu dịch TPP và TTIP
- Thứ Ba, 03 tháng Năm năm 2016 22:06
- Tác Giả: Thanh Hà
Biểu tình chống Hiệp định Tự do Mậu dịch Xuyên Đại Tây Dương TTIP tại Đức, ngày 23/04/2016.© Reuters
Hai ứng cử viên của đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đang dẫn đầu cuộc chạy vận động tranh cử tổng thống Mỹ cùng chống đối các hiệp định tự do mậu dịch giữa Hoa Kỳ với Liên Hiệp Châu Âu (TTIP) và với các đối tác trong vành đai Châu Á Thái Bình Dương (TPP).
Yếu tố chính trị của các hiệp định tự do mậu dịch, một công cụ để chính quyền Obama lôi kéo đồng minh về phía Washington không còn được quan tâm.
Vòng đàm phán thứ 13 giữa Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ về Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) vừa khép lại tại New York.
Được khởi động từ năm 2013 dự án TTIP bị chỉ trích mạnh mẽ từ cả hai bờ Đại Tây Dương. Cựu ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton sau khi đã nhiệt tình ủng hộ hiệp định tự do mậu dịch giữa Hoa Kỳ với 11 thành viên trong vùng Châu Á Thái Bình Dương, trong cương vị ứng cử viên tổng thống đang đòi xét lại TPP.
Về phần ông vua địa ốc Donald Trump thì mạnh dạn gọi hiệp định đang đàm phán với Liên Hiệp Châu Âu là một thứ “mậu dịch ngu xuẩn”.
Nhìn rộng ra hơn, trong mọi cuộc vận động tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, các thế lực tài chính luôn có một tiếng nói quyết định.
Lần này, Wall Street đang nghiêng về phía bà Clinton. Bất mãn của công luận Mỹ về những thái độ “thỏa hiệp” của hai đảng truyền thống là Cộng Hòa và Dân Chủ đã dẫn tới những phản ứng cực đoan, điều đó đã phản ánh qua “hiện tượng Donald Trump”.
Từ California, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa phân tích về “những triệu chứng đáng ngại từ cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ”.
RFI : Lập trường của hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump về hai hiệp ước tự do mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương TPP và Xuyên Đại Tây Dương TTIP ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Trước hết về Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương TPP, sau khi 12 nước hoàn tất việc đàm phán vào tháng 10/2015 các nước đã ký kết hôm 04/02/2016 với hy vọng áp dụng từ mùng năm tháng 4/2018 nếu mọi việc đều trôi chảy.
Nhưng mọi việc khó trôi chảy, chẳng vì cuộc tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ mà vì tâm lý chung của Quốc Hội Mỹ thuộc khóa này và khóa tới, sẽ nhậm chức từ đầu năm 2017.
Phần mình, cựu ngoại trưởng Hillary Clinton đảo ngược lập trường từ nhiệt liệt ủng hộ sang nghi ngờ và đòi xét lại.
Bà bị áp lực rất mạnh từ cánh tả của đảng Dân Chủ nên hết coi Hiệp ước này là “khuôn vàng thước ngọc về tự do thương mại”.
Tỷ phú Donald Trump thì còn tệ hơn vì nhìn Hiệp định TPP từ lập trường cực tả với lý luận có tính chất “đại chúng”, là mị dân, rằng tự do mậu dịch khiến các nước đang phát triển cướp mất việc làm của công nhân Mỹ.
Về Hiệp Định Tự Do Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Liên Hiệp Châu Âu, tình hình còn khó gấp bội.
Theo dõi sự việc từ hai bờ Đại Tây Dương, tôi có cảm nghĩ như xem một bi hài kịch.
Tại Hội chợ Hannover hôm 23/04/2016 ở Đức, khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama kêu gọi hai khối Âu-Mỹ hoàn thành Hiệp định thì hơn hai vạn người Đức biểu tình đả phá.
Hai ngày sau (25/04/2016) vào phiên họp thứ 13 của các phái bộ Âu-Mỹ tại New York, dân Mỹ cũng đứng ngoài phản đối.
Các ứng cử viên tổng thống không thể ngược dòng dư luận nên bọc theo sự bất mãn chung và phản đối hiệp ước này.
Riêng Donald Trump thì tuyên bố rằng TTIP không là “mậu dịch tự do” mà là “mậu dịch ngu xuẩn”.
Nói chung, thế giới đã đổi thay mà có lẽ giới thương thuyết hai hiệp ước đó không thấy.
Các hiệp định này không chỉ nhắm vào việc hạ thấp quan thuế biểu hay hạn ngạch mà đòi hòi nhiều cải cách về cơ chế và luật lệ trong từng nước, với ảnh hưởng vượt khỏi lãnh vực ngoại thương.
Yếu tố chính trị của TPP là Trung Quốc hay của TTIP là Liên bang Nga không còn được chú ý nữa. Kết quả thì hai thành tích TPP và TTIP của Chính quyền Obama sẽ gây thất vọng lớn.
RFI : Đâu là lập trường hay thái độ của giới tài phiệt Wall Street với cuộc tranh cử năm nay ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Giới tài phiệt ở Wall Street kín tiếng theo kiểu “ngậm miệng ăn tiền”.
Họ tin rằng bà Hillary Clinton sẽ thắng dù bà vẫn phải lên tiếng đả kích bọn đại gia tài phiệt vì nhu cầu tranh cử.
Bà Clinton nhận được sự yểm trợ của họ qua dịch vụ diễn thuyết được trả tiền, có khi tới nửa triệu cho mỗi lần hội thảo, nên đang tránh nói về dịch vụ đó khi làm ngoại trưởng.
Ngược lại, tỷ phú Donald Trump, là tài phiệt đích thực vì có thể dùng tiền tác động vào chính trị, lại làm Wall Street bực bội hơn vì ông ta chẳng cần tiền của ai nên khó bảo và cũng nương theo sự bất mãn của thành phần ủng hộ mình mà đả kích nhà giầu và đề nghị tăng thuế.
Thật ra tình hình kinh tế quá bất thường của nước Mỹ từ mấy năm qua đã dẫn tới hiện tượng tập trung ảnh hưởng và tài sản vào các đại công ty cùng các đại gia giàu nhất trong khi đa số thành phần trung lưu lại thấy mức sống không tăng.
Phản ứng bất mãn ở dưới trút vào thiểu số giàu có ở trên và các ứng cử viên đều nương theo làn sóng đó mà lấy phiếu.
Y như với hồ sơ mậu dịch, người ta còn thấy một làn sóng đáy nguy hiểm là phong trào chống kinh tế thị trường và toàn cầu hóa vì giới tài phiệt được coi là hưởng lợi nhiều nhất.
Nghịch lý ở đây là Donald Trump lại giương cao ngọn cờ chống toàn cầu hóa qua bài diễn văn về đối ngoại hôm 27/04/2016.
RFI : Còn với sự kiện nhiều ngân hàng trung ương đã hạ lãi suất xuống số âm ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Các ứng cử viên tranh cử tổng thống lại Hoa Kỳ chưa chú ý hay đề cập tới hiện tượng quá chuyên môn là lãi suất âm, nhưng biết khai thác hậu quả của chuyện này.
Vì ách tắc chính trị tại Âu Châu rồi Nhật Bản, các quốc gia trong khu vực không thể kích thích tăng trưởng bằng các biện pháp ngân sách cổ điển nên Ngân hàng Trung ương Âu Châu cùng ba nước Âu Châu khác rồi Ngân hàng Trung ương Nhật phải hạ lãi suất tới sàn mà chẳng công hiệu nên mới áp dụng biện pháp bất thường là dìm lãi suất xuống dưới số không.
Nguyên do là từ năm 2008 tới nay số tổng cầu trên thế giới không tăng, các nước không thể xuất cảng lên cung trăng để nâng đà sản xuất nên phải cạnh tranh kịch liệt đâm ra nghi ngờ tự do mậu dịch rồi đả kích TPP hay TTIP.
Khi ấy các ngân hàng trung ương cố bơm tiền để nâng tiêu thụ như sức kéo cho bộ máy sản xuất. Họ dùng một khí cụ là lãi suất, hạ lãi suất là khiến tiền nhiều và rẻ thì có thể giúp tài hóa lưu thông.
Khốn nỗi biện pháp ấy chẳng nâng đầu tư, số đầu tư thực tế đã giảm, mà còn gây biến động và lệch lạc tài chánh.
Hậu quả kinh tế chính trị lại nguy hơn: giới tiết kiệm cò con bị trừng phạt, tiểu doanh thương khó vay tiền ngân hàng, giới đầu tư vào thị trường cổ phiếu lại giàu to làm thiên hạ phẫn nộ về bất công xã hội.
Hoa Kỳ chưa đến nỗi phải áp dụng biện pháp ấy, nhưng Ngân hàng Trung ương Mỹ không loại bỏ kịch bản là có thể đi tới chỗ đó sau nhiều lần quyết định không tăng lãi suất khỏi mức 0,25%.
RFI : Từ hiện tượng Donald Trump, anh giải thích thế nào về những phản ứng cực đoan quá khích đang có vẻ lan rộng ở nhiều nơi ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Khi chủ trương “Nước Mỹ Trên Hết - America First”, Donald Trump chỉ là bọt trắng trên đỉnh sóng.
Con sóng nguy hiểm ấy là chủ nghĩa quốc gia cực đoan đã xuất hiện tại nhiều nước Âu Châu.
Tôi thiển nghĩ là trật tự thế giới đã được các nước Tây phương xây dựng từ 70 năm qua sau Thế chiến II, trên nền tảng của kinh tế thị trường và hội nhập chính trị theo quy tắc dân chủ, đang bị thử thách và có thể tan rã.
Khi kinh tế sa sút, nhiều người Âu Châu cho là quyền dân chủ hay chủ quyền quốc gia của họ bị hy sinh cho cơ chế siêu quốc gia của Liên Âu và đòi ra khỏi Liên Âu vì thấy lợi bất cập hại.
Tại Hoa Kỳ, phản ứng tương tự là đả kích các chính khách chuyên nghiệp cứ thỏa hiệp với nhau bất kể tới quan điểm của quần chúng ở dưới.
Trong cuộc tranh cử tổng thống, đảng Cộng Hòa bị kết án là thỏa hiệp và dàn dựng, nên Donald Trump mới thắng thế với dáng vẻ phi chính trị, nằm ngoài hệ thống đảng, và cổ võ cho tinh thần quốc gia cực đoan nhuốm mùi bài ngoại và kỳ thị.
Hiện tượng Donald Trump chỉ là triệu chứng, vấn đề nó sâu xa và đáng sợ hơn nhiều.
Related news items:
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-05-2016 - 05/05/2016 23:34
- Trung Quốc phá hủy môi trường Biển Đông, giới khoa học kêu gọi cứu nguy - 05/05/2016 22:46
- Trưng cầu dân ý Hiến pháp : Thủ đoạn bám quyền của quân đội Thái Lan? - 05/05/2016 20:40
- Biển Đông : Trung Quốc tập trận quy mô, huy động cả lực lượng ở Hoàng Sa và Trường Sa - 05/05/2016 20:31
- Ông Kasich chấm dứt chiến dịch tranh cử tổng thống - 04/05/2016 20:25
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-05-2016 - 04/05/2016 19:00
- Bầu cử sơ bộ Mỹ : Donald Trump lại thắng lớn, Ted Cruz bỏ cuộc - 04/05/2016 18:30
- Trung Quốc dẫn đầu phong trào mua đất nông nghiệp tại các nước giầu - 04/05/2016 16:19
- Giám Mục Nguyễn Văn Long nói về vai trò tôn giáo với đất nước - 04/05/2016 01:00
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-05-2016 - 03/05/2016 23:46
Các tin khác
- Biển Đông: Trung Quốc tăng cường hiện diện, chính sách Mỹ bị hoài nghi - 03/05/2016 18:00
- Hợp đồng tàu ngầm Úc: Do đâu Nhật bị Pháp phổng tay trên - 02/05/2016 20:18
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-05-2016 - 02/05/2016 19:23
- Lần đầu tiên Hàn Quốc và Iran họp thượng đỉnh - 02/05/2016 17:21
- Thông báo về tình trạng cá chết bất thường tại Miền Trung Việt Nam - 02/05/2016 01:52
- Mỹ trang bị vũ khí cho tàu ngầm Úc mua của Pháp - 02/05/2016 01:45
- Quốc Tế Lao Động : Ngày công nhân gây sức ép - 01/05/2016 23:22
- Hàng ngàn người ở Việt Nam biểu tình vì cá chết - 01/05/2016 11:04
- Giáo hoàng thăm đảo Lesbos kêu gọi đoàn kết với người tị nạn - 01/05/2016 01:26
- Bầu cử Mỹ : Biểu tình bạo động chống Donald Trump - 01/05/2016 01:13