Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-02-2016

Trung Quốc « leo thang quân sự » khi đưa tên lửa tới Hoàng Sa

PhuLamvetinh 2

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ảnh chụp từ vệ tinh.
hoangsa.org


Việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa phòng không hiện đại trên quần đảo Hoàng Sa được báo La Croix và Les Echos đánh giá là « một bước tiến tới âm mưu quân sự hóa khu vực Biển Đông ».

Nhật báo kinh tế Les Echos nhấn mạnh hành động trên là « một sự leo thang », trái ngược với lời tuyên bố của ngoại trưởng Trung Quốc là « hoàn toàn mang tính phòng vệ » nhằm bảo vệ nhân viên sống trên đảo Phú Lâm (Woody), thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Tờ báo kinh tế cho rằng « cuộc khủng hoảng tên lửa » là bước mới trong chiến lược « cấm qua lại » trong khu vực của Bắc Kinh.

 Sau khi tiến hành nhiều công trình bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng đường băng, các cảng nước sâu, hải đăng và nhiều công trình khác, « Trung Quốc không còn trong quá trình chiếm đóng, mà thực sự đã làm xong việc này », theo như lời nhận định của ông Jean-Vincent Brisset, giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IRIS -Pháp.

Việc triển khai hai hệ thống gồm 8 tên lửa địa đối không chỉ là bước tiếp theo. Song khó mà tin được rằng chúng chỉ nhằm mục đích bảo vệ các vùng lãnh hải trong phạm vi 12 hải lý (22 km).
 Vì với tầm bắn tới 200 km, các tên lửa Hồng Kỳ HQ-9 do Trung Quốc sản xuất có thể trở thành vũ khí tấn công.
 Ngoài ra, hệ thống radar của các tên lửa này còn có khả năng phát hiện mục tiêu, như máy bay chẳng hạn.

Nhà nghiên cứu Neil Ashdown, chuyên gia về châu Á tại Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng IHS Jane’s Defense, đánh giá :
« Lần đầu tiên một hệ thống có quy mô như vậy được triển khai tại Biển Đông. Đây rõ ràng là hành động quân sự hóa khu vực ».

Thực vậy, việc triển khai một hệ thống tên lửa hiện đại tại ngã tư chiến lược đối với hoạt động giao thương hàng hải khó có thể tránh khỏi làm tăng thêm căng thẳng mà bắt đầu là từ các nước láng giềng.

 Tại Việt Nam, các nhà lãnh đạo hiện nay đang bị chia rẽ chưa biết phải phản ứng như thế nào trước hành động thách thức của Bắc Kinh. Hoa Kỳ cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Cả Les Echos và La Croix đều cho rằng chỉ một ngày sau hội nghị thượng đỉnh giữa khối ASEAN và Mỹ, tổng thống Barack Obama có cơ hội lý tưởng để tái khẳng định sự phản đối của mình trước chiến lược bành trướng của Trung Quốc.

Ngoài lời kêu gọi những giải pháp hữu hiệu để làm giảm căng thẳng trong khu vực, ông còn nhấn mạnh « không thể để giao thương hợp pháp bị cản trở.
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay trên không phận và thực thi quyền đi lại khắp nơi trên thế giới được luật pháp quốc tế cho phép. Mỹ sẽ ủng hộ các nước khác cùng làm như vậy ».

Syria : Lợi ích đối lập của các bên tham chiến

Tại hội nghị an ninh quốc tế vào tuần trước tại Munich-Đức, các bên liên quan trực tiếp tới cuộc chiến tại Syria đã muốn tiến hành kế hoạch « chấm dứt mọi thù địch ».
Thế nhưng, cụm từ « đình chiến », được hiểu theo nghĩa « chấm dứt hẳn cuộc xung đột » đã không được đưa ra, khi tình hình tại thực địa vẫn còn căng thẳng vì những mục đích khác nhau của các bên tham chiến trong khu vực.

Nhật báo công giáo La Croix phân tích các nhân tố này : thứ nhất là Thổ Nhĩ Kỳ với mục đích chính là không để người Kurdistan thành lập một khu vực tự trị tại Syria, như trường hợp đã xảy ra tại Irak.
Tham vọng trên của người Kurdistan được nhen nhóm ngay từ đầu cuộc xung đột tại Syria vào năm 2011.

Chính vì vậy, từ ngày 13/02/2016, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục oanh kích các căn cứ của người Kurdistan tại ba khu vực tự trị Afrin, Kobané và Djeziré, đồng thời kêu gọi liên quân quốc tế can thiệp trên bộ, nhằm ngăn chặn đường tiến của người Kurdistan trong việc chiếm thành phố Azaz.
Vị trí chiến lược này dẫn tới trạm biên phòng Oncupinar bên phía Thổ Nhĩ Kỳ và mở đường tiếp tế cho phe đối lập Syria.

Trong khi đó, Ả Rập Xê Út tham chiến nhằm mục đích kiềm chế sức ảnh hưởng của Iran. Tháng 12/2015, quốc gia Hồi giáo này đã thành lập một nhóm đối lập có tên « Riyad » ngay tại Ủy ban đàm phán (HCN).

Riyad muốn chế độ Damas sụp đổ vì chính quyền Bachar Al Assad được Iran hậu thuẫn. Hiện đang đứng đầu liên quân gồm khoảng 30 quốc gia Hồi Giáo, Ả Rập Xê Út đã cho chiến đấu cơ tới Thổ Nhĩ Kỳ cùng tham gia các trận không kích tại Syria.

Nước thứ ba muốn bảo vệ lợi ích trong khu vực là Nga.
Matxcơva muốn khôi phục ảnh hưởng tại Trung Đông. Vào tháng 09/2015, đúng lúc Damas đang thất thế trên mọi mặt trận, việc Nga hỗ trợ chế độ của tổng thống Syria đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện của cuộc chiến và đã giúp Damas chiếm lại được nhiều vùng đất nằm trong tầm kiểm soát của các nhóm đối lập.

Theo quan sát của nhiều nhà nghiên cứu, Matxcơva sẽ không dừng ở việc chiếm lại một phần lãnh thổ Syria.
Người Nga sẽ giúp chế độ Damas đứng vững, sau đó sẽ giúp lấy lại toàn bộ lãnh thổ đất nước và từ đó biến Syria thành bàn đạp của Nga trong khu vực.

Cộng hòa Hồi Giáo Iran là nước thứ tư có lợi trong cuộc chiến Syria.
Teheran cũng là đồng minh lâu đời của Damas

 Ngoài việc hỗ trợ quân sự thông qua tổ chức Hezbollah Liban theo hệ phái Shia, Iran còn cử nhiều cố vấn quân sự cho chế độ Bachar Al Assad.
Trên thực địa, quân nhân Iran chiến đấu cùng với lực lượng Hezbollah Liban, chiến binh Irak và Afghanistan theo hệ phái Shia.
Can thiệp vào tình hình Syria, Teheran muốn khẳng định tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực cũng như vị thế không thay thế được trong việc giải quyết khủng hoảng Syria.

Cuối cùng là các nước phương Tây, với một mục đích chính là chống lại tổ chức khủng bố Daech.
Thay vì khăng khăng yêu cầu tổng thống Bachar Al Assad phải ra đi, các nước phương Tây đã thay đổi chiến lược : từ giờ tập trung vào hai mục đích chính là loại trừ Daech và ngăn chặn làn sóng người tị nạn Syria đổ vào châu Âu.

Được hình thành từ mùa hè năm 2014, liên quân quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo do Hoa Kỳ đứng đầu đã quy tụ được 59 nước. Tuy nhiên, liên quân chỉ tập trung oanh kích Daech tại Syria và Irak.

« Brexit or not Brexit ? »

Hội Đồng Châu Âu họp thượng đỉnh tại Bruxelles trong hai ngày, 18-19/02/2016. Ngoài hồ sơ tị nạn đang chia rẽ nội bộ Liên Hiệp Châu Âu, khối 28 nước sẽ đàm phán về vấn đề « Brexit ».
Đây là chủ đề chính được đăng trên trang nhất các báo Pháp trong số ra ngày hôm nay.

Theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến được đăng trên tờ Le Monde, 49% người Anh muốn vương quốc ở lại Liên Hiệp Châu Âu, trong khi đó 41% có ý kiến ngược lại và 10% vẫn lưỡng lự.

Tại Bruxelles, thủ tướng David Cameron hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận về một số cải cách đối với nước Anh mà nội các của ông đề xuất lên Liên Hiệp Châu Âu nhằm vận động người dân Anh bỏ phiếu « Ở lại » trong cuộc chưng cầu dân ý diễn ra vào tháng 06/2016.

Cả hai nhật báo Le Figaro và Les Echos nhận định đây là « thượng đỉnh châu Âu mang tính quyết định đối với David Cameron » để tránh việc nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

 Còn theo Le Monde, « Bruxelles ủng hộ thủ tướng Anh Cameron song không giấu sự tức giận trước cuộc khủng hoảng vô ích ».
Đây cũng là ý kiến của một nghị sĩ châu Âu được Les Echos trích dẫn : « Liên Hiệp Châu Âu mất thời gian vì tình hình chính trị nội bộ nước Anh ».
 Riêng La Croix đặt một câu hỏi lớn, thay vì hoạt động như một khối thống nhất, liệu « châu Âu đang trở thành một khối theo đơn yêu cầu ? »

Dưới dòng tựa : « Đi tìm một bản thỏa hiệp tại Bruxelles », tờ Libération mở đầu bài báo với « trăn trở » của 27 đối tác của Luân Đôn trong trong Liên Hiệp Châu Âu :
Làm thế nào mà thủ tướng Anh lại tự mắc bẫy như vậy ?
Vì dù ông thắng ở cuộc trưng cầu dân ý sắp tới, vấn đề châu Âu sẽ không khép lại trong nội bộ đảng bảo thủ.
Nếu ông thất bại, ông sẽ phải từ chức và đặt đất nước vào hoàn cảnh bấp bênh và khiến Liên Hiệp Châu Âu rơi vào một cuộc khủng hoảng mới, khó lòng phục hồi được.

Bài xã luận trên tờ Les Echos và La Croix đều cho rằng chưa bao giờ Liên Hiệp Châu Âu lại phải trả qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng đến như vậy từ khi được thành lập.

Sau khi suýt để Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro, châu Âu đang phải đối mặt với làn sóng nhập cư ồ ạt từ Syria và một số nước khác đang có chiến tranh.
 Quyền tự do đi lại trong khối Schengen đang bị đe dọa. Và hiện giờ là nguy cơ « Brexit ».

Pháp muốn cải cách luật lao động

Thời sự nước Pháp chiếm phần lớn các bài viết trên các mặt báo Pháp ra ngày hôm nay. Trước hết là việc chính phủ muốn kéo dài thời gian làm việc với sự đồng ý của các doanh nghiệp.

Quy định nổi tiếng « 35 giờ/tuần » sẽ vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, theo thỏa thuận giữa người lao động và chủ doanh nghiệp, thời gian làm việc có thể kéo dài tới 12 giờ/ngày và có thể lên tới 40-42 giờ/tuần.
Đổi lại từ giờ thứ 36 trở đi, ngoài mức lương cố định, người lao động sẽ được trả thêm ít nhất là 10%.

Một chủ đề thời sự khác cũng được các nhật báo Pháp phản ánh là việc cựu tổng thống Pháp Nicolas Sazkozy bị điều tra về các khoản tài trợ được cho là bất hợp pháp trong cuộc vận động tranh cử tổng thống của ông năm 2012.

Nhật báo Le Figaro khẳng định : « Sarkozy vẫn tự tin dù bị điều tra ». Trong khi đó, Le Monde lại cho rằng « hồ sơ tranh cử (tại nội bộ đảng Những người Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới) của Sarkozy bị suy yếu vì ngành tư pháp ».

Còn theo Libération, « Sarkozy đang gặp khó khăn, thế nhưng phe của cựu tổng thống lại cố làm nhẹ tình hình ».

Paris chính thức nộp đơn xin đăng cai Thế vận hội mùa hè 2024

Ngày 17/02/2016, thành phố Paris chính thức nộp đơn xin đăng cai Thế Vận Hội mùa hè 2024. Trong hồ sơ, Paris nhấn mạnh tới cơ sở hạ tầng mà thành phố hiện có, được đánh giá là đáp ứng tới 70% cơ sở cần thiết để tổ chức Thế vận hội.

Nhật báo Les Echos phân tích những lợi thế của Paris trên bình diện địa lý với hơn 80% các khu vực phục vụ thi đấu nằm trong vòng bán kính 10 km quanh làng Thế vận hội và Paralympic ; 85% số lượng vận động viên sẽ ở trong các khu vực cách các khu thi đấu chưa đầy 30 phút đi lại.

Les Echos điểm một số khu vực đã sẵn sàng phục vụ cho Thế vận hội : sân vận động Stade de France (ngoại ô Paris) sẽ được dùng cho lễ khai mạc và bế mạc và các cuộc thi điền kinh, AccorHotels Arena de Paris-Bercy (bóng rổ, judo, đấu vật), sân Roland-Garros (tennis), sân vận động Parc des Princes (bóng đá), sân vận động Jean-Bouin (rugby)…

Ngoài ra, Paris sẽ sử dụng những địa điểm nổi tiếng của thủ đô như tháp Eiffel để làm điểm xuất phát cho cuộc đua ba môn (chạy, nhảy, ném lao), hay đại lộ Champs-Elysée cho môn đua xe đạp, điện Invalides cho môn bắn cung, Đại Điện Grand-Palais cho môn đấu kiếm và taekwondo và quảng trường Champ-de-Mars (sau tháp Eiffel) cho môn bóng chuyền trên cát…

Hiện nay, dự án của Paris được thẩm định là 6,2 tỉ euro, trong đó 3,2 tỉ euro có được từ các hoạt động của ban tổ chức (phần đóng góp của Ủy ban tổ chức Thế vận hội, tiền bán vé…).
Ba tỉ euro còn lại sẽ do khu vực công và tư cung cấp, chủ yếu tập trung trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng.

Switch mode views: