Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc ngày 15-12-2015

Libya, thành trì tương lai của tổ chức Nhà nước Hồi giáo?

Benghazi Libya
Sau trận đụng độ giữa quân chính phủ và nhóm Hồi giáo Ansar Al Sharia ở Benghazi, Libya ngày 15/12/2015.
. REUTERS/Esam Omran Al-Fetori

Trong bài bình luận mang tựa đề « Libya, thành trì tương lai của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ? »

Le Figaro cho rằng chính quyền Pháp có lý khi bắt đầu lo ngại thật sự về tình hình tại Libya. Hôm qua 14/12/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cảnh báo, IS vốn đã bám rễ tại vùng duyên hải nước này, nay bắt đầu tiến vào bên trong lãnh thổ Libya.

Vấn đề là ở chỗ trên mảnh đất rộng gấp ba lần nước Pháp, hiện nay không có một lực lượng có tổ chức nào tại địa phương có thể chặn được đà tiến của IS về phía các mỏ dầu, hầu hết nằm ở vùng vịnh Syrte.

Từ khi Kadhafi bị tiêu diệt vào năm 2011, chính quyền Libya chỉ là những mảnh vụn, và hai Quốc hội không thể nào ngồi lại với nhau. Quốc hội cũ được bầu hồi tháng 07/2012 vẫn luôn trụ lại Tripoli, Quốc hội mới bầu vào tháng 6/2014 thì ở Tobrouk, và cả hai đều có chính phủ riêng.

Các cường quốc, Liên Hiệp Quốc cùng với nước Algéri láng giềng đã nỗ lực thương lượng nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia, phối hợp cả hai. Hôm Chủ nhật 13/12/2015, tại Roma đã diễn ra một hội nghị về Libya, có sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Các nhà thương thuyết làm áp lực để cố đạt được một thỏa thuận vào ngày mai. Các đặc phái viên của hai Quốc hội có lẽ sẽ nghe theo, vì họ đại diện cho những phe phái tương đối ôn hòa, và cả hai bên đều là địch thủ chống đối IS mãnh liệt. Nhưng vấn đề là các thủ lãnh dân quân có chịu tuân thủ hay không.

Làm thế nào khoảng 3.000 quân thánh chiến IS tại Libya có thể trở thành mối đe dọa cho nước Pháp ?

Paris lo ngại chiến lược « bình thông nhau » về phía Libya. Liên minh bất đắc dĩ giữa phương Tây với Nga đã ngăn trở được IS mở rộng sang phía đông Syria và phía tây Irak, cuộc sống tại Raqqa đã trở thành địa ngục và Mossoul có nguy cơ bị vây hãm.

Từ khi Pháp có sáng kiến oanh kích các đoàn xe chở dầu, két tiền của IS đã vơi bớt. Theo lệnh của Hoa Kỳ, tình báo Thổ Nhĩ Kỳ và các nhà giàu Ả Rập Xê Út đã giảm tài trợ.

Trên bộ, IS còn phải đối đầu với các địch thủ đầy quyết tâm : người Kurdistan, người Yazidi, các chiến binh Shia người Liban của Hezbollah, quân đội Syria, Vệ binh cách mạng Iran và đôi khi cả lực lượng đặc biệt Mỹ. Quá nhiều kẻ thù !

Đối với quân thánh chiến quốc tế, Libya nay là « đất thánh » quyến rũ hơn cả Irak hay sa mạc Syria : rộng lớn hơn và giàu có hơn.

Vùng duyên hải rộng mênh mông phía Địa Trung Hải và vùng biên giới Sahara rất dễ xâm nhập cũng như đào thoát. Thành phố cổ Subratha có 100.000 dân nằm giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Tripoli đã bị IS chiếm tháng 12/2014, cũng là nơi huấn luyện những kẻ khủng bố đã tấn công Tunisia, bảo tàng Bardo và thành phố biển Sousse.

Các chính phủ Tripoli và Tobrouk liệu có thể hòa hoãn với nhau để phá hủy khối ung thư IS hiện đang bắt đầu bành trướng trên lãnh thổ Libya ? Le Figaro cho rằng nếu Libya yêu cầu hỗ trợ quân sự, thì phương Tây không nhiệt thành lắm.

Hôm 31/03/2011, NATO đã chọn cái tên « Người bảo vệ hợp nhất » cho chiến dịch quân sự chống Kadhafi, nhưng sự bảo vệ người dân Libya không kéo dài được bao lâu…

Tờ báo kết luận, khi Tổng thống Pháp lúc đó là Nicolas Sarkozy với sự ủng hộ của phe đối lập, quyết định tham chiến với quân Kadhafi, ông chỉ nghĩ rằng phải đánh bại một lãnh tụ độc tài, nhưng chẳng may, cả một Nhà nước đã sụp đổ theo.

Mà xây dựng nên một Nhà nước luôn khó khăn hơn rất nhiều so với phá hủy.

Mục tiêu của IS : Làm dấy lên nội chiến tại Pháp

Giáo sư Gilles Kepel, khi ráp nối lại những yếu tố đã giúp Hồi giáo cực đoan phát triển mạnh ở nước Pháp trong mười năm qua, trong bài trả lời phỏng vấn Le Figaro đã nhận định, mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo là làm dấy lên một cuộc nội chiến tại Pháp.

Nhà nghiên cứu cho biết, Hồi giáo cực đoan bành trướng trong khoảng 2005-2015 tại Pháp. Tháng Giêng năm 2005 đã xảy ra một sự kiện mang tính quyết định, mà hồi đó không được chú ý lắm.

Một kỹ sư Syria nhập tịch Tây Ban Nha, Abu Musab Al Suri, đưa lên mạng « lời kêu gọi kháng chiến của Hồi giáo toàn cầu ». Khoảng 1.600 trang tài liệu đã trở thành cuốn bách khoa tự điển cho thánh chiến hiện đại hậu Ben Laden.

Thông qua các mạng xã hội, « tác phẩm » này đã gợi hứng cho thế hệ thánh chiến hiện nay. Al Suri cho rằng các vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín rồi đến những vụ ở Madrid, Luân Đôn, không giúp huy động được tổng lực trong dân chúng.

Ông ta cổ vũ cho một hệ thống khủng bố « theo mạng lưới », xâm nhập từ phía đáy chứ không phải từ đỉnh của xã hội cần phá hoại.

Merah, Kouachi, Coulibaly rồi những tên khủng bố Paris ngày 13/11 – thế hệ thánh chiến thứ ba sau cuộc chiến Afghanistan, Bosnia, Algérie và Ben Laden đều theo đường hướng « Nizam, la tanzim » (một hệ thống chứ không phải một tổ chức).

Nói cách khác, không theo trật tự khối tháp, mà là các cá nhân hành động độc lập, rất khó bị tình báo phát hiện. Mục tiêu là kích động các cộng đồng chống lại nhau, gây ra một cuộc nội chiến làm xã hội Pháp phải tan rã.

Lưu niệm dành cho nạn nhân vụ khủng bố Paris

Cũng liên quan đến khủng bố, Le Monde cho biết một tháng sau các vụ tấn công đẫm máu ở Paris, Tòa Đô chính đã cho dọn dẹp rừng hoa và nến được người dân khắp nơi mang đến để tưởng niệm các nạn nhân tại hiện trường.

Tuy nhiên những tờ giấy mang các dòng chữ đầy xúc cảm, những hình vẽ, thú bông… dành cho những nạn nhân bị khủng bố được lưu giữ cẩn thận, khác với vụ hồi tháng Giêng ở tòa soạn Charlie Hebdo.

Các nhân viên cơ quan lưu trữ Paris thận trọng xếp những tờ giấy có nguy cơ bị hư hại vì mưa gió vào các hộp carton, chụp hình lại, để giữ gìn một mảng của lịch sử Paris – những gì đã xảy ra trong buối tối khủng khiếp 13 tháng 11 năm 2015, cướp đi 130 sinh mạng.

Họ cố nén xúc động trước những dòng chữ nguệch ngoạc của trẻ em gởi đến.

Tòa Đô chính Paris tỏ ý tiếc rằng khi xảy ra vụ khủng bố hồi tháng Giêng, chính quyền quá bất ngờ, không nghĩ đến việc lưu trữ lại các thông điệp phân ưu từ khắp bốn phương trời, kể cả của các nghệ sĩ, nhân vật nổi tiếng. Không phải là chuyện một sớm một chiều : sau vụ khủng bố ở Madrid năm 2004, công việc này kéo dài mất sáu năm.

Vì sao các nữ ca sĩ xinh đẹp của Kim Jong Un không diễn tại Bắc Kinh ?

Liên quan đến châu Á, Le Monde cho rằng hành động « ngoại giao âm nhạc » của Kim Jong Un khi gởi nhóm nhạc nữ Moranbong đến Trung Quốc rốt cuộc đã không đi đến đâu.

Nhóm nhạc pop nữ hiện đại Moranbong được thành lập năm 2012 lẽ ra sẽ trình diễn tại một trong những nhà hát đẹp nhất Bắc Kinh từ thứ Bảy 12/12/2015 đến thứ Hai 14/12, cùng với đoàn hợp xướng quân đội Bắc Triều Tiên. Báo chí Trung-Triều đều náo nức chờ đợi.

Sự hiện diện của nhóm nhạc nữ xinh đẹp lần đầu tiên đi lưu diễn nước ngoài, tượng trưng cho quan hệ tốt đẹp giữa hai đồng minh sau thời kỳ giá lạnh do tham vọng nguyên tử của Bình Nhưỡng.

Các cô gái mặc quân phục đến Bắc Kinh hôm thứ Tư, tuy ít nói nhưng luôn tươi cười, đã gây chú ý đặc biệt tại Trung Quốc lẫn các nước.

Nhưng trái với mọi chờ đợi, các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ của « quyền lực mềm » đến từ Bình Nhưỡng giá lạnh, gây ấn tượng mạnh với những chiếc váy ngắn và các bài hát cách mạng lẫn các nhạc phẩm phương Tây nổi tiếng như Rocky hay My Way, lại quay về Bắc Triều Tiên hôm thứ Bảy, khi chưa trình diễn buổi nào.

Các cô vẫn mặc quân phục nhưng vẻ mặt nghiêm nghị, không một lời giải thích. Trên Vi Bác và các trang mạng khác của Trung Quốc, từ « Moranbong » (tên gốc Hán là « Mẫu Đơn Phong ») bị kiểm duyệt.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho rằng đó là do Bắc Kinh chỉ gởi một viên chức cấp thấp đến dự khán, trong khi Bình Nhưỡng đòi hỏi sự hiện diện của Tập Cận Bình hay Lý Khắc Cường.

Phía Trung Quốc đã hứa một ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc sẽ có mặt, nhưng rốt cuộc chỉ là một viên chức hạng nhì. Yonhap dẫn một nguồn tin Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh không bằng lòng chút nào với tuyên bố mới đây của Kim Jong Un về việc sở hữu bom H.

Ba « hạt cát » suýt nữa khiến thỏa thuận COP21 bất thành

Về hội nghị khí hậu COP21 với thành công vang dội khi 195 nước đều đồng thuận, Le Monde cho biết thật ra đã có ba « hạt cát » suýt nữa đã ngăn trở cỗ máy, khiến thương lượng tưởng chừng đổ vỡ vào những phút chót.

Khi đọc lại lần cuối, đoàn Hoa Kỳ phát hiện ở điều 4 dùng chữ « shall » (phải), mang tính bắt buộc hơn là chữ « should », trong đó quy định « các nước phát triển phải ở hàng đầu để thực hiện kế hoạch quốc gia về giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ».

Nếu để nguyên, câu này buộc chính quyền Obama phải đưa văn bản ra Quốc hội biểu quyết. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius phải hứa sẽ sửa ngay lỗi dịch thuật.

Một số Nhà nước muốn ghi cụm từ « các nước Châu Phi » vào điều 9, trong đó nêu ra các vùng được tài trợ chống biến đổi khí hậu. Tranh cãi kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, khi Nigeria và Ai Cập đưa yêu cầu này ra trước nhóm châu Phi, rốt cuộc các đại diện nhóm G77 phải can thiệp.

Nicaragua thì nhất định đòi thành lập một quỹ bồi thường dựa trên trách nhiệm lịch sử của các quốc gia phương Bắc, và Trung Mỹ phải được liệt vào nhóm các nước dễ tổn thương.

Trưởng phái đoàn đã phải gọi nhiều cuộc điện thoại tới cấp cao nhất (như Raul Castro của Cuba hay Đức Giáo hoàng Phanxicô), nhưng khẳng định sẽ không phản đối thỏa thuận.

Trong phiên họp toàn thể, đại diện Nicaragua đòi phát biểu, nhưng chủ tịch Fabius không đồng ý vì như vậy sẽ phải ngưng cuộc họp thêm nhiều tiếng đồng hồ nữa.

« Hay không bằng hên »…

Một bài viết mang tựa đề « Hy vọng rằng may mắn sẽ đến với bạn »…đăng trên trang Ý kiến của nhật báo kinh tế Les Echos nhận định, trong chính trị cũng như trong cuộc sống riêng tư, sự may mắn đóng một vai trò quan trọng nhưng lâu nay ít được biết đến. Và bất bình đẳng này khó thể khắc phục được.

Theo tác giả Jean-Marc Vittori, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã lập công lớn khi dẫn dắt thành công hội nghị khí hậu quốc tế COP21. Nhưng ông Fabius cũng may mắn khi ông chủ Nhà Trắng mang tên Barack Obama chứ không phải là George hay Jeb Bush.

Ứng cử viên Valérie Pécresse đã cật lực để thắng cử tại đơn vị Paris và vùng phụ cận, nhưng bà có cái may là đối mặt với một đối thủ mờ nhạt của Mặt trận Quốc gia.

Ông François Hollande sẽ chẳng bao giờ trở thành Tổng thống nước Pháp nếu khuôn mặt nổi bật lúc đó là Dominique Strauss-Kahn không quan tâm đến cô hầu phòng ở New York…Trong chính trị, sự may mắn đóng vai trò rất lớn, và trong đời sống riêng cũng thế.

Hậu bầu cử : Tựa chính báo Pháp

Dư âm của cuộc bầu cử cấp vùng vừa qua chiếm trọn nhiều trang báo Pháp. Le Monde chạy tựa « Án treo của nền cộng hòa », nhắc nhở rằng việc cử tri tham gia bỏ phiếu đông đảo hơn trong vòng hai đã giúp chặn được bước tiến của đảng Mặt trận Quốc gia (FN), tuy nhiên đảng cực hữu này vẫn thu được số phiếu kỷ lục là 6,8 triệu.

La Croix cho rằng đây là « Lời cảnh cáo ». Theo tờ báo, bây giờ đã đến lúc phải hành động. Chỉ còn có 16 tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống, có nghĩa là không còn bao lâu nữa.

Libération đặt câu hỏi « Họ có muốn thay đổi thật sự hay không ? », khi Tổng thống François Hollande và Thủ tướng Manuel Valls vẫn kiên trì đường lối cũ, còn chủ tịch đảng cánh hữu Nicolas Sarkozy thì cách chức nhân vật số hai vì phát biểu chỉ trích chủ trương không thỏa hiệp với cánh tả trong cuộc bầu cử.

« Cánh hữu trong giờ phút tính sổ », tựa chính của nhật báo Le Figaro.

Tờ báo điểm qua : đường hướng chính trị, ban lãnh đạo, bầu cử sơ bộ, liên minh…đó là những vấn đề mà đảng « Những người Cộng hòa » (Les Républicains) phải bàn đến ngay sau kỳ bầu cử cấp vùng.

Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến việc « Thủ tướng Valls hứa hẹn sẽ có câu trả lời cho vấn đề việc làm » : chính phủ đang nghiên cứu các biện pháp mới sẽ được loan báo vào tháng Giêng.


Libya - Tổ chức Nhà nước Hồi giáo - Quân sự - Chính trị - Điểm báo

Switch mode views: