Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Pháp phổ cập giảng dạy chống biến đổi khí hậu

AEFE

Ảnh minh họa.
Nguồn: AEFE

Hành động vì môi trường trong chương trình giảng dậy của các trường quốc tế Pháp ở hải ngoại.

RFI phỏng vấn bà Florence Vũ Văn, phụ trách truyền thông báo chí, chủ nhiệm chương trình Giáo dục vì Phát triển Bền vững trực thuộc Cơ quan Giáo dục của Pháp tại Nước ngoài AEFE.

Thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu COP21 tổ chức tại Paris là cơ hội để 14 trường quốc tế Pháp mở rộng giao lưu với các trường trung học tại Paris và vùng phụ cận –Ile de France.

Học sinh ở mọi lứa tuổi tại các trường quốc tế Pháp ở nước ngoài đã có nhiều dự án sáng tạo.
Hai trường quốc tế Pháp tại Hà Nội và Sài Gòn không trực tiếp tham gia vào các hoạt động trong khuôn khổ COP21 nhưng theo lời người phụ trách về truyền thông báo chí của AEFE, Cơ quan Giáo dục của Pháp tại Nước ngoài, bà Florence Vũ Văn, học sinh Việt Nam không đợi đến năm 2015 để « hành động vì môi trường ».

Trả lời ban Việt ngữ đài RFI, bà Florence Vũ Văn, đại diện cho Cơ quan AEFE trước hết nhắc qua vai trò điều phối gần 500 trường giảng dậy theo chương trình Pháp trên thế giới mà trong đó chương trình Giáo dục vì Phát triển Bền vững chiếm một vị trí quan trọng :

Bà Florence Vũ Văn:« Chương trình giáo dục vì phát triển bền vững là một trong những yếu tố quan trọng của chương trình giảng dậy tại các trường quốc tế Pháp.

 Cơ quan AEFE thực ra không đợi đến sự kiện nước Pháp tổ chức Hội nghị khí hậu COP21 để huy động học sinh trên các hồ sơ từ môi trường đến khí hậu …
Thế nhưng năm nay, thì chúng tôi đã đặc biệt dành một vị trí quan trọng hơn cho các chương trình vì môi trường, vì Trái đất.

Trong khuôn khổ COP21 nhiều trường Pháp tại hải ngoại đã có những dự án khá đặc biệt.
Chẳng hạn như học sinh ở Hồng Kông đã có hẳn một chương trình mang tên là ‘ Plastic Free School’.
Mục đích của các em ở mọi lứa tuổi, là giới hạn tối đa việc dùng bao nylon, hay các mặt hàng có chất nhựa.

Vẫn tại Hồng Kông, học sinh lớp 10 năm nay tổ chức một buổi trình diễn thời trang, mà tất cả các y phục và đồ trang sức đều được tái chế.

Một sáng kiến khác đã ra đời trong năm 2015 là học sinh của nhiều trường quốc tế Pháp đã tập hợp lại và các em « tập chơi trò đàm phán ». Có nghĩa là mỗi êkip đại diện cho một trường tại một quốc gia nêu lên những vấn đề của khu mình đang sinh sống do biến đổi khí hậu gây nên.

 Thế rồi các em học sinh phải tìm cách trình bầy những vấn đề đó với các đội bạn, đến từ những quốc gia khác và phải thuyết phục được các « đối tác » cùng chung sức với mình vì quyền lợi chung của nhân loại, tìm ra những giải pháp để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Học sinh của trường quốc tế Pháp tại Bangkok-Thái Lan thì chọn dự án thực hiện một đoạn phim ngắn nói về những giải pháp mà thành phố Bangkok đã áp dụng để bảo vệ môi trường.

Tôi nghĩ là việc giáo dục con em của chúng ta về những vấn đề thiết thân với môi trường, với khí hậu là hết sức quan trọng, bởi vì các em là những người trong tương lai sẽ định đoạt về số phận của hành tinh chúng ta ».

Tại Úc trường Pháp ở Canberra đã mời 70 học sinh đến từ 14 trường trung học khác nhau của thành phố, để cùng trao đổi với các nhà ngoại giao, với các chuyên gia quốc tế - gồm các chuyên gia Pháp, của Trung Quốc, Úc, Mỹ … về một vấn đề thiết thân của toàn nhân loại.

Các trường trung học Pháp tại New York, Luân Đôn hay Yaoundé cũng đã đưa ra nhiều dự án thú vị.

Nhưng quan trọng hơn cả đối với người phụ trách truyền thông báo chí của AEFE, bà Florence Vũ Văn, là đào tạo cả một thế hệ tương lai ý thức được rằng, ai cũng có thế cứu lấy hành tinh :

Bà Florence Vũ Văn: « Chủ yếu là để học sinh ý thức được tầm mức quan trọng của thách thức môi trường. Và thực sự chúng tôi nhận thấy là học sinh ở các trường Pháp nhận thức rất nhanh về vấn đề này.
 Hơn nữa các em không chỉ đóng một vai trò thụ động mà còn đưa ra nhiều sáng kiến rất thú vị.
Chính nhờ dự án Plastic Free School của học sinh ở Hồng Kông mà nhà trường đã dùng ít hẳn đi bao nylon, bìa bọc sách bằng nhựa …

Tất cả những cử chỉ đó rất khiêm tốn, nhưng sẽ là vết dầu loang.
Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, học sinh khi về nhà, có ảnh hưởng lớn đối với cha mẹ, bạn bè và những người chung quanh.

Rồi từng bước sẽ có nhiều người thay đổi chẳng hạn như là không vất rác bừa bãi, không thả bao nhựa trên biển, hay tiết kiệm điện nước …

Xin đơn cử một thí dụ ở Việt Nam : Đối với học sinh cấp 1 hay ở lớp 6, lớp 7, các thầy cô giáo tổ chức đưa các em đi tham quan rừng, để hiểu thế nào là sống cùng với thiên nhiên, là đa dạng sinh học …. Thế rồi các em ý thức được rằng là có những cử chỉ rất tầm thường thôi, nhưng có thể tránh để một loại sinh hay thực vật nào đó bị tuyệt chủng ».

Học sinh hai trường quốc tế Pháp ở Hà Nội và Sài Gòn không tham gia vào các dự án bảo khí hậu trong khuôn khổ chương trình COP21 vì các dự án của trường Marguerite Duras và Alexandre Yersin đã không được các trường trung học ở vùng Ile de France tuyển chọn.
Tuy nhiên, học sinh của hai trường này dường như đã có nhiều dự án thú vị.

Bà Florence Vũ Văn: «Rất hay khi chúng ta đề cập đến hai trường quốc tế Pháp tại Việt Nam bởi cả hai đã rất quan tâm đến khí hậu và môi trường.

Tôi muốn nói là cả trong chương trình học lẫn dự án xây dựng trường Marguerite Duras. Đây là một công trình tuân thủ một số đòi hỏi về khí hậu và các nhà thiết kế đã một mực tôn trong môi trường sống chung quanh.

Lấy sức gió để điều hòa nhiệt độ cho cả ngôi trường. Ở mỗi khâu như vậy chúng tôi đều đã lợi dụng cơ hội này để giảng dậy cho các em học sinh một số những kiến thức cơ bản.

Thế rồi trong chương trình và sách giáo khoa, ở mỗi bộ môn, trường đều đề cập đến hồ sơ biến đổi khí hậu, đến thế nào là sử dụng vật liệu tái chế, là đa dạng sinh học … Tất cả những yếu tố đó nằm trong chương trình giáo dục của Pháp».

Switch mode views: