Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chứng khoán Trung Quốc : Dấu hiệu một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới ?

CHINA-MARKETS
Một nhà đầu tư chứng khoán lo âu theo dõi biến động tại thị trường Thượng Hải ngày 10/07/2015.
REUTERS/Aly Song

Hai chủ đề chính được báo chí Pháp hôm nay quan tâm là làn sóng người nhập cư ồ ạt vượt vào Liên Hiệp Châu Âu và khủng hoảng chứng khoán Trung Quốc.

Một điểm chung mà các tờ báo nói về cuộc khủng hoảng chứng khoán Trung Quốc là hình ảnh những khuôn mặt hoảng loạn hay tuyệt vọng không rời màn hình.

Với Le Figaro, « khủng hoảng chứng khoán Trung Quốc khiến các sàn chứng khoán thế giới hốt hoảng », còn Libération nhận định trên trang nhất « Sụp đổ thị trường chứng khoán Trung Quốc là mối đe dọa lớn », hay nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng : « Thị trường chứng khoán sụp đổ » và « Trung Quốc thổi làn gió lo sợ tới các thị trường tài chính ».

Vậy, khủng hoảng chứng khoán Trung Quốc liệu có phải là dấu hiệu báo trước một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới ?

Tại sao khủng hoảng Trung Quốc khiến mọi người lo ngại ?

Câu hỏi này được Libération đặt ra trong bài phân tích « Hiệu ứng bông tuyết ».
Theo tờ báo, hiện tượng sụt giảm mạnh hiện nay đã được dự báo trước từ nhiều năm nay và phản ánh rõ nét sự tăng trưởng bất cân bằng.

Một nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng và Thông tin quốc tế (CEPII) nhận định rằng từ giai đoạn phát triển dễ dàng nhờ các quỹ đầu tư lớn và công nghiệp hóa được thúc đẩy mạnh, Trung Quốc hiện đang rơi vào giai đoạn phức tạp hơn.

 Và nền kinh tế thứ hai của thế giới khó lòng mà duy trì được tốc độ tăng trưởng trước đây.
Từ những năm 2000, đầu tư là động cơ phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Thế nhưng, nguồn đầu tư này đang giảm dần, buộc Bắc Kinh phải tập trung vào phát triển tiêu thụ nội địa, song cũng từ đó, quốc gia này lại tích tụ thêm nhiều « bong bóng » mới.

Trước hết là « bong bóng » bất động sản, chiếm tới 15% GDP. Nếu bong bóng này vỡ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với vỡ bóng bóng bất động sản tại Tây Ban Nha, chiếm 13% GDP của nước này.

Tiếp theo là bong bóng chứng khoán. Tại sàn chứng khoán Thượng Hải lớn nhất Trung Quốc, tích lũy vốn tại đây tăng từ 500 tỉ đô la (432 tỉ euro) lên 6.500 tỉ đô la vốn từ tháng 06/2014 đến 06/2015.

 Để tránh việc vốn đầu tư tăng thêm, tháng Sáu vừa qua, Bắc Kinh đã siết chặt điều kiện giao dịch, trước khi nới lỏng trở lại vào ba tuần sau đó, sau khi 3.000 tỉ đô la vốn bốc hơi.

 Từ đó, chính phủ đã ba lần liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ. Điều này chứng tỏ sự thất bại của chính sách tăng trưởng dựa trên nhu cầu và phân phối tín dụng tràn lan.
Chính sách này không chỉ gây lo ngại trong nội bộ Trung Quốc, mà còn kéo theo cả thị trường thế giới.

Về mặt xã hội, một giáo sư kinh tế tại đại học Lille nhận xét rằng cuộc khủng hoảng này cũng là phép thử về khả năng của một tầng lớp lãnh đạo siêu năng, đồng thời đặt lại câu hỏi về khế ước xã hội tại đất nước này. 200 triệu người dân Trung Quốc ở tầng lớp trung lưu chấp nhận rằng nếu « Các ngài tham ô, độc tài nhưng có khả năng mang lại thịnh vượng cho người dân và đất nước» thì vẫn còn hơn là « Các ngài tham ô, độc đoán nhưng lại bất tài ».

Nếu không được như vậy, tầng lớp trung lưu sẽ phản ứng ra sao khi đã đầu tư mọi khoản tiền tiết kiệm mà không được hưởng chút lợi nào ?

Mức độ lây lan tới đâu ?

Sẽ có hai lĩnh vực bị lan nhiễm trong quá trình toàn cầu hóa là thương mại và tài chính. Về mặt thương mại, dễ dàng nhận thấy rằng nếu nền kinh tế Trung Quốc chững lại thì sẽ gây ảnh hưởng mạnh tới giá nguyên vật liệu và tới các nước xuất khẩu chúng, trong đó có các nước Canada, Úc, Brazil, Nga, nhưng cũng phải tính tới những nước xuất khẩu năng lượng như các quốc gia vùng Vịnh hay Nigeria và Algeria.

Chỉ riêng Ấn Độ có thể thoát được vì có nền kinh tế dịch vụ và cũng là một nước nhập khẩu năng lượng.

Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 8% từ đầu năm nay. Về mặt tài chính, các thị trường cổ phiếu sụp đổ và sẽ còn làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ và đầu tư, khiến các nhà đầu tư không dám chuốc lấy rủi ro.

Các nhà kinh tế học lo ngại chính tâm lý lo sợ của chính quyền Trung Quốc, sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp để ngăn việc tăng trưởng chững lại.
Nhưng theo họ, Bắc Kinh có thể gây ra một cuộc khủng hoảng, song lại chỉ ảnh hưởng gián tiếp tới nước này, mà các nền kinh tế đang phát triển khác tại châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaisia, mới là những nước bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề.

Liệu có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng năm 2008 ?
Theo nhận định của một chuyên gia, giữa một Châu Âu không tăng trưởng và một Trung Quốc đang có dấu hiệu xuống dốc, mọi điều kiện báo động một sự suy sụp mới đều đã hội tụ.

Dù khó có thể dự đoán được quy mô về cuộc khủng hoảng sắp tới, nhưng nó cũng sẽ nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng xảy ra vào năm 2008, vì các nước đã dốc hết sức lực để vực dậy từ sau sự kiện này.
Mọi người đều nghĩ là bong bóng sẽ nổ ra ở nơi khác mà không gây hậu quả liên đới.

Cho tới hiện nay, cuộc khủng hoảng mới chỉ bắt đầu trên thị trường chứng khoán, nhưng hoàn toàn có thể nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng tín dụng như hồi năm 2008, vì mất lòng tin nên không ai hay tổ chức nào muốn cho vay tiền.

Như vậy, nó sẽ lập lại vết của cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008 và những nước đang phát triển sẽ là những nạn nhân đầu tiên.
Cách đây 7 năm, cuộc khủng hoảng xảy ra tại trung tâm của chủ nghĩa tư bản là Hoa Kỳ, giờ nó tác động tới một trong những lá phổi là Trung Quốc.

Vụ khủng bố hụt tầu Thalys : Tình báo châu Âu thiếu hiệu quả ?

Sự kiện một âm mưu khủng bố được dân thường phá vỡ lại gây xôn xao với câu hỏi lực lượng tình báo các nước châu Âu còn có hiệu quả hay không ?

Sau khi nghi phạm khủng bố Ayoub El-Khazzani bị bắt, tình báo Bỉ, Pháp và Tây Ban Nha luôn đưa ra những thông tin trái ngược về nhân vật này, qua đó cho thấy sự hợp tác thiếu đồng bộ giữa các nước.

Tờ Le Monde phác họa chân dung của Ayoub El-Khazzani, từ một tên lưu manh buôn bán ma túy trở thành một phần tử Hồi giáo cực đoan từ năm 23 tuổi.
Từ cuối năm 2012, tên của nghi phạm khủng bố chính thức nằm trong danh sách các phần tử «tiềm ẩn nguy hiểm » lưu trong dữ liệu chung cho cảnh sát các nước thuộc khối Schengen.

Khi được Ayoub El-Khazzani công ty Lycamobile của Anh cử sang Pháp để bán sim điện thoại tại tỉnh Seine Saint Denis ở phía bắc Paris, nơi có đông đảo cộng đồng người Phi và Ả Rập sinh sống, cảnh sát Tây Ban Nha thông báo cho đồng nghiệp Pháp rằng anh ta sẽ tới lãnh thổ Pháp.

Thế nhưng, cảnh sát Pháp khẳng định không nhận được thông tin nào về việc Khazzani sẽ lưu lại Pháp.

Tối Chủ nhật vừa qua, một bản thông cáo của Bộ Nội vụ Tây Ban Nha khẳng định đã không chuyển cho phía Pháp thông tin trên, vì vào thời điểm đó, chính họ cũng không biết gì.
Anh ta đã chính thức thoát khỏi vòng kiểm soát từ ngày 10/05, khi đang ở Berlin (Đức) để bay sang Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Hiện giờ, cảnh sát ba nước Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha đang phối hợp để cùng phác họa hành trình của nghi phạm khủng bố trên tầu Thalys, cũng như việc liệu anh ta có đồng phạm hay không.

 Phía Pháp điều tra xem trong quá trình lưu lại Thổ Nhĩ Kỳ, Khazzani có đi sang Syria và liệu hắn có liên hệ với các thành phần Hồi giáo cực đoan tại Syria hay không ?

Còn các nhà điều tra Bỉ sẽ tìm hiểu quá trình và hoạt động của Khazzani trên lãnh thổ nước này trong những tháng gần đây.

 Theo thông tin của đài RTBF, kẻ xả súng trên tầu Thalys không liên quan tới một mạng lưới bị phá vỡ hồi tháng Giêng tại Verviers (gần thành phố Liège, Bỉ).
Mạng lưới này gồm những kẻ thánh chiến người Bỉ đã chiến đấu tại Syria trong hàng ngũ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo và đang chuẩn bị một cuộc tấn công khủng bố.

Nhiều cơ quan truyền thông của Bỉ không tin rằng Khazzani hành động đơn lẻ và quan tâm tới những kẻ đồng mưu.

 Vì trước đó, ngày 20/08, một nhà ngiên cứu chuyên về thánh chiến người Bỉ-Palestine, Montasser Al-de’emeh, đã nhận được những lời đe dọa về một cuộc khủng bố trên lãnh thổ vương quốc Bỉ từ một kẻ thánh chiến gốc Anvers, từng tham chiến với tổ chức Nhà nước Hồi giáo vào năm 2013.

Các nhà điều tra cho rằng có thể có mối liên hệ giữa đoạn video đe dọa với hành động khủng bố của Khazzani.
Các nhà điều tra Bỉ cho rằng hắn đã lấy vũ khí tại Bỉ nhờ những kẻ đồng lõa.

Hơn nữa, Bỉ nổi tiếng là điểm trung chuyển buôn lậu vũ khí, vì chỉ cách Nam Tư cũ một đêm đi xe hơi.

Sau các vụ khủng bố do anh em nhà Kouachi và Coulibaly thực hiện hồi tháng Giêng năm 2015, tại Pháp, truyền thông Bỉ khẳng định một phần vũ khí của những kẻ khủng bố sử dụng được mua ở Bỉ.
Coulibaly đã nhiều lần tới nhà một người buôn bán vũ khí tại Charleroi (giáp biên giới Pháp) và người này cũng đã kết án tù vì tội buôn bán vũ khí.

Châu Âu bất lực trước làn sóng nhập cư

Tình trạng người nhập cư tìm mọi cách tràn vào lãnh thổ châu Âu cũng là một chủ đề trọng tâm của các báo Pháp.

Từ cuối tuần qua, người nhập cư ồ ạt tiến vào bằng hai ngả : từ Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua Hy Lạp, rồi Macedonia để chờ sang Bulgari hay Serbia và ngả khác là dùng tầu phao vượt Địa Trung Hải để chờ tầu cứu hộ của tuần duyên Ý hay Hy Lạp.

Tờ Le Monde đưa tin : « Macedonia ‘tràn bờ’ nên mở đường biên giới ».
Từ đầu tháng Sáu này, 42.000 người đã vượt biên giới Hy Lạp-Macedonia. Số lượng người nhập cư ồ ạt khiến nhiều người Macedonia tìm thấy cơ hội kinh doanh.

 Một người dân cho biết chưa bao giờ điểm biên giới này phải chịu làn sóng ồ ạt như vậy, ai cũng căng thẳng, kể cả người nhập cư lẫn dân địa phương, và sau khi họ bỏ đi, quang cảnh hoàn toàn bị thay đổi. Gần hàng rào thép gai là hàng đống giầy dép, túi và xe đẩy trẻ em bị bỏ lại.

 Các khách sạn và nhà hàng xung quanh giờ được ghi cả bằng tiếng Ả Rập và tiếng Ba Tư, vì phần đông khách của họ là người Syria.

Từ hơn một tháng nay, ngày nào cũng diễn ra cảnh hàng nghìn người ùn kéo đến chờ kiểm soát.
Và rất nhiều người địa phương lợi dụng tình hình để thu lợi. Họ bán đồ ăn, hoa quả cho những người mới đến, nhưng luôn đứng xa biên giới, vì ở đó các tổ chức phi chính phủ đang phát không thức ăn cho người nhập cư.

Con đường từ Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua Hy Lạp, rồi Macedonia để chờ sang Bulgari hay Serbia dường như được nhiều người Syria tìm đến, vì nhiều người trong số họ tự tổ chức vượt biên mà không cần qua tay những kẻ buôn người.

Thế nhưng với họ, không phải những rủi ro và nguy hiểm trên đường làm họ nhụt chí mà chính là cách họ bị đối xử.
Một người nhập cư, trước là một kĩ sư có thu nhập cao, cho biết chưa bao giờ ông cảm thấy nhân phẩm bị xúc phạm nặng nề như vậy.

Khi mới đặt chân tới các trại tập trung, việc đầu tiên chính quyền yêu cầu là dọn sạch rác của những nhóm trước để lại. Họ bị đuổi khỏi các cửa hàng và chính phủ vô cớ trút tức giận lên đầu họ.

Thế nhưng, dường như với họ, con đường này còn an toàn hơn đường biển. Họ đã nghe nói tới những kẻ dẫn đường bỏ mặc người tị nạn ngoài khơi, phải trả tiền nhiều hơn để được ngồi trên boong tầu và mặc số phận họ cho tuần duyên Ý hoặc Hy Lạp.

 Chưa bao giờ hải quân Ý phải đối mặt với số lượng thuyền nhân nhiều đến như vậy chỉ trong vòng một ngày : chỉ trong ngày thứ Bẩy tuần trước, họ cứu vớt tổng cộng 4.400 người, hơn 200 người so với ngày 30/05.

Như vậy, có hơn 108.000 người đã tới Ý bằng đường biển từ đầu năm tới nay.

Những hướng để đối phó với khủng hoảng di dân

Báo công giáo La Croix giành bốn trang để đưa ra các giải pháp đón tiếp người nhập cư luôn bị người châu Âu nhìn với con mắt thiếu thiện cảm.

Bên cạnh Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp François Hollande phát biểu tại Berlin hôm qua rằng : « Chúng ta phải tiến hành một hệ thống đồng bộ về quyền tị nạn », trước số đơn xin tị nạn tăng hơn 44% so với năm 2014.

Lãnh đạo của 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đang buộc phải cũng xem xét cải thiện hệ thống tiếp đón, trong đó có những hướng như sau : Buộc các nước trong Liên Hiệp Châu Âu cùng nhau tiếp nhận người xin tị nạn ; Lập danh sách các trường hợp ưu tiên trong số những người xin tị nạn ; Cải thiện một cách hiệu quả việc tiếp nhận tại các nước tuyến đầu (như Ý hay Hy Lạp) ; và thay đổi cách nhìn về người nhập cư, thường bị coi là « gánh nặng » cho nền kinh tế Châu Âu.

Di tích Palmyra tan hoang dưới tay quân thánh chiến

Cả Le Monde và La Croix quan tâm tới sự việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã phá hủy một trong những ngôi đền nổi tiếng nhất của khu di tích cổ đại Palmyra vào tháng trước.

Được xây vào năm 17, ngôi đền thờ Baalshamin được mở rộng trùng tu vào năm 130.
Báo Le Monde nhận định các cuộc tấn công phá hủy khu thành cổ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo nhằm mục đích chính trị.

 Chúng muốn cho thấy rõ rằng liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu đã bất lực trong việc đẩy lùi quân thánh chiến khỏi khu vực này bằng những trận không kích từ hơn năm nay.

Trước thách thức của tổ chức nhà nước Hồi giáo và những trận oanh kích nhắm vào dân thường của quân chính phủ Damas, ngày 17/08 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã nhất trí tìm ra một giải pháp chính trị tại Syria.

La Croix cho biết dự án sẽ được thực hiện vào tháng 9 tới với việc thành lập 4 nhóm làm việc về an ninh và bảo vệ, về chống khủng bố, về các vấn đề chính trị và luật pháp và cuối cùng là về việc tái thiết.

Liên Hiệp Quốc kêu gọi chấm dứt chiến tranh, thế nhưng từ trước tới nay, mọi kế hoạch hòa bình của tổ chức này đều gặp thất bại tại Syria.
Dù vậy, thỏa thuận mới đạt được giữa tháng 8/2015 vừa qua, lần đầu tiên có sự chấp thuận của Nga và Trung Quốc, có thể sẽ là một hy vọng mới cho hòa bình tại đây.

Switch mode views: