Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Vatican - Việt Nam hướng tới thiết lập bang giao

Hunghoa-sontay


Đại diện không thường trú của Vatican Leopoldo Girelli tham gia cử hành thánh lễ tại Hưng Hóa, Sơn Tây ngày 25/11/ 2011.Reuters


Sau cuộc họp vòng 5 của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam-Tòa Thánh trong hai ngày 10 và 11/09/2014, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố bản thông cáo chung, nhắc lại là Vatican vẫn nỗ lực tiến tới mục tiêu thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam , và cùng với Giáo hội Công giáo Việt Nam, Tòa Thánh muốn “góp phần tích cực hơn nữa” vào việc phát triển trong các lĩnh vực mà Giáo hội Công giáo có những điểm mạnh, như y tế, giáo dục, từ thiện và các hoạt động nhân đạo.

Trong thông cáo chung nói trên, Tòa Thánh cũng cho biết là Đức Giáo hoàng Phanxicô “quan tâm theo dõi” những tiến triển gần đây trong quan hệ giữa Vatican và Việt Nam.

Bản thông cáo mô tả không khí của cuộc gặp gỡ vừa qua tại Hà Nội là “thẳng thắn, chân thành và tôn trọng lẫn nhau”. Hai bên cũng đồng ý sẽ tổ chức cuộc gặp gỡ thứ 6 của Nhóm Công tác Hỗn hợp Tòa Thánh - Việt Nam tại Vatican. Thời điểm sẽ được ấn định sau.

Bang giao Hà Nội-Vatican đã bị gián đoạn vào năm 1975 khi miền Bắc Cộng sản chiến thắng miền Nam. Nhưng từ đó cho đến nay, hàng chục phái đoàn Tòa Thánh đã viếng thăm Việt Nam và đến năm 2007, hai bên đã bắt đầu thảo luận về việc tái lập quan hệ ngoại giao và nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican đã được thiết lập từ năm 2009.

Từ đó cho đến nay, nhóm công tác này thường xuyên họp luân phiên ở Hà Nội và Vatican.
 Trước cuộc gặp gỡ tại Hà Nội vừa qua, phái đoàn hai bên đã gặp nhau vào tháng 6 năm nay tại Tòa Thánh.

Đúng là trong chiều hướng phát triển Giáo hội Công giáo ở lục địa Châu Á, ngoài Trung Quốc, Giáo hoàng Phanxicô rất chú trọng đến Việt Nam, nơi có một cộng đồng Công giáo khá đông đảo ( 7% dân số ) và rất nhiệt thành.

Khi đi thăm Hàn Quốc vừa qua, Ngài đã đề nghị thiết lập một đối thoại “ trong tình huynh đệ” với Việt Nam, cũng như với Trung Quốc.
Bản thân Đức Giáo hoàng Phanxicô vào tháng 3 vừa qua đã có dịp tiếp chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng tại Vatican.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi lên nhậm chức, Đức Giáo hoàng gặpmột lãnh đạo chế độ Hà Nội và đây cũng là lần đầu tiên một chủ tịch Quốc hội Việt Nam đến thăm Tòa Thánh.
Trong cuộc gặp gỡ với ông Nguyễn Sinh Hùng, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã có dịp đề cập đến tình hình của người Công giáo ở Việt Nam.

Trước ông Nguyễn Sinh Hùng, các lãnh đạo khác của Việt Nam cũng đã từng đến thăm Vatican như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và0 năm 2007 và Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng vào đầu năm 2013.

Quan hệ giữa Vatican và Việt Nam đã tiến một bước quan trọng vào tháng 03/2011, khi Đức Giáo hoàng Benedicto 16 bổ nhiệm Ðức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli làm Ðại diện Tòa Thánh không thường trú đầu tiên tại Việt Nam.

Kể từ khi được bổ nhiệm cho đến nay, Đức cha Girelli đã đi thăm rất nhiều giáo phận, giáo xứ, dòng tu ở Việt Nam, cũng như tham gia cử hành nhiều thánh lễ.

Trong những lần đi thăm đầu tiên, đại diện không thường trú của Tòa thánh đã gặp ít nhiều khó khăn, cản trở, nhưng trong bản thông cáo chung sau cuộc gặp gỡ tại Hà Nội vừa qua, Tòa Thánh nay nhìn nhận rằng Nhà Nước Việt Nam “đã tạo điều kiện dễ dàng” cho các cuộc viếng thăm công tác của Đức Tổng giám mục Girelli.

Nhưng nếu như quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam có vẻ như đang trong chiều hướng cải thiện, thì quan hệ giữa Giáo hội Công giáo Việt Nam với chính quyền vẫn còn gặp nhiều trắc trở, nhất là với các chính quyền địa phương.

Ví dụ gần đây nhất là việc tổ chức ngày lễ Hành hương Đức Mẹ Măng Đen ở Kon Tum giữa tháng 9 vừa qua.

 Theo tin của Truyền Thông Chúa Cứu Thế, Sở Nội Vụ tỉnh Kon Tum đã gây khó khăn cho việc tổ chức ngày lễ Hành hương này qua việc ra một công văn rất cận ngày, với nội dung mang tính lạm quyền, đặc biệt là không cho phép tòa Tổng giám mục Kon Tum dùng chữ “Hành hương” và không cho đặt hòm công đức để thu tiền quyên góp.

Nói chung, trong quan hệ với Nhà nước, Giáo hội Việt Nam tuy vẫn có tinh thần cộng tác, nhưng muốn có một chỗ đứng riêng, để có thể đóng góp một cách hiệu quả cho việc phát triển đất nước.

Thế nhưng, hiện nay, Giáo hội vẫn chưa được tạo điều kiện tham gia vào những lĩnh vực như giáo dục hay y tế và chính vì vậy mà trong bản thông cáo chung sau cuộc gặp gỡ vừa qua với phái đoàn Việt Nam tại Hà Nội, phái đoàn Tòa Thánh đã nhắc lại mong muốn này của giáo hội Việt Nam.


Switch mode views: