Tổng thống Miến Điện công du Mỹ tìm kiếm ủng hộ cho cải cách
- Thứ Sáu, 17 tháng Năm năm 2013 20:25
- Tác Giả: Đức Tâm
Tổng thống Miến Điện Thein Sein tại hội nghị Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á – Thái Bình Dương ở Bangkok ngày 29/04/2013.
REUTERS/Chaiwat Subprasom
Hôm nay, 17/05/2013, Tổng thống Miến Điện Thein Sein lên đường công du Hoa Kỳ.
Sự kiện quan trọng nhất trong chuyến đi này là ông sẽ được Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp vào thứ Hai 20/05.
Theo chính quyền Naypyidow, cuộc gặp thượng đỉnh này chứng tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với cuộc cách mạng « Mùa Xuân Miến Điện », tức là tiến trình cải cách tại nước này.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn AFP vào tối hôm qua từ thủ đô Naypyidaw, ông Zaw Htay, vụ trưởng Văn phòng tổng thống đã khẳng định lại sự vững chắc của công cuộc cải cách được thực hiện kể từ tháng Ba năm 2011, khi Miến Điện có một chính phủ dân sự, cho dù trong thời gian gần đây, chính quyền nước này phải đối mặt với một số khó khăn.
Ông Zaw Htay nhận định: « Cuộc cách mạng Mùa Xuân Miến Điện của chúng tôi cụ thể hơn là làn sóng Mùa Xuân Ả Rập », hàm ý các cuộc khủng hoảng mà một số nước Ả Rập đang hứng chịu, kể từ sau các cuộc nổi dậy của người dân năm vào 2010.
Đại diện chính phủ Miến Điện nhấn mạnh: « Cuộc Cách mạng Mùa Xuân Miến Điện mang những giá trị mà Hoa Kỳ đang phổ biến trên toàn thế giới ».
Miến Điện đã thực hiện một quá trình chuyển giao quyền lực không hề đổ máu.
Chính Tổng thống Thein Sein, nguyên là tướng lãnh kiêm Thủ tướng dưới chế độ quân sự độc tài, là người đã thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cải cách, trả tự do cho hàng ngàn tù nhân chính trị, xóa bỏ chế độ kiểm duyệt và cho tổ chức bầu cử lập pháp bổ sung với kết quả là lãnh đạo đối lập, bà Aung San Suu Kyi, trở thành nghị sĩ.
Tổng thống Thein Sein sẽ là lãnh đạo chính trị Miến Điện đầu tiên tới thăm chính thức Washington, kể từ sau cuộc gặp giữa Tổng thống Ne Win và Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson, năm 1966.
Sau chuyến công du Miến Điện của Tổng thống Obama vào tháng 11 năm ngoái, Hoa Kỳ và châu Âu bãi bỏ cấm vận, ông Thein Sein tới Washington nhằm cụ thể hóa các bước tiến ngoạn mục trong quan hệ song phương.
Vụ trưởng Văn phòng tổng thống Miến Điện đánh giá: « Quan hệ giữa hai nước được cải thiện rất nhanh bởi vì có một sự tin tưởng lẫn nhau được hình thành trong một thời gian rất ngắn » và đó là một « bước ngoặt lịch sử » trong bang giao giữa hai nước. Ông Zaw Htay cho rằng chuyến công du của Tổng thống Miến Điện « làm cho thế giới thấy là Tổng thống Obama và Hoa Kỳ ủng hộ tiến trình cải cách » tại Miến Điện.
Tuy nhiên, cuộc viếng thăm Mỹ của ông Thein Sein có thể sẽ phức tạp, sau các vụ bạo động xẩy ra trong năm 2012 nhắm vào cộng đồng Hồi giáo thiểu số Rohingya, bị coi là vô tổ quốc, làm khoảng 200 người thiệt mạng.
Trong năm nay, khoảng 40 người đã thiệt mạng trong nhiều sự cố khác nhắm vào cộng đồng Hồi giáo ở miền trung Miến Điện.
Trước mối lo ngại của Hoa Kỳ về sự vững chắc của các thành quả đạt được trong tiến trình dân chủ hóa, đại diện chính quyền Miến Điện khẳng định: « Chính Tổng thống Thein Sein đã tuyên bố một cách mạnh mẽ rằng chúng tôi sẽ không bao giờ quay trở lại phía sau ».
Theo giới quan sát, chuyến đi Mỹ của Tổng thống Miến Điện không chỉ có tác động trên phương diện quốc tế, mà còn có ảnh hưởng đến nội tình chính trị nước này :
Thời kỳ Miến Điện bị quốc tế cô lập đã qua, ông Thein Sein khẳng định được vị trí, uy lực của mình, đủ sức khống chế được quân đội và các phần tử bảo thủ trong chính quyền.
Theo lời ông Zaw Htay, chuyến công du không chỉ thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với tiến trình cải cách, mà còn đối với cả bà Aung San Suu Kyi, các chủ tịch hai viện, các đảng phái chính trị, giới lãnh đạo các cộng đồng thiểu số, xã hội dân sự và nhân dân Miến Điện.
Nhờ vậy, Tổng thống Thein Sein có thể tiến xa và nhanh hơn trong công cuộc cải cách.
Trong chương trình chuyến thăm, ngoài việc gặp Tổng thống Obama, nguyên thủ Miến Điện sẽ có phát biểu tại Phòng thương mại Hoa Kỳ và ở đại học John Hopkins.
Phía Miến Điện hy vọng sẽ được Hoa Kỳ trợ giúp trong lĩnh vực an ninh, luật pháp, giáo dục, y tế, giảm đói nghèo.
Giới phân tích cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Thein Sein trong chuyến đi này là thuyết phục Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ chấp thuận bãi bỏ những biện pháp cấm vận cuối cùng, trong lúc chính quyền Naypyidaw vẫn chưa ký kết được thỏa thuận hòa bình với sắc tộc thiểu số Kachin ở phía bắc và giải quyết được các căng thẳng chống người Hồi giáo đang làm cho cộng đồng quốc tế lo ngại.
Tin mới
- Mùa Xuân hay Mùa Đông Ả Rập - 17/08/2013 21:40
- Đồng khai thác Biển Đông : Âm mưu độc chiếm của Trung Quốc - 12/08/2013 17:15
- Vì sao Mỹ hủy bỏ cuộc hội đàm thượng đỉnh với Nga? - 08/08/2013 21:55
- Bà Tổng Thống Hillary Clinton? - 03/08/2013 21:21
- Đi Mỹ về… tay không - 26/07/2013 20:14
- Anh Tư đã lỡ nước cờ - 26/07/2013 03:23
- Lãnh đạo Việt Nam cấp tốc sang Mỹ sau thất bại của chuyến công du Trung Quốc - 22/07/2013 16:42
- Dư luận thế giới : Trung Quốc vươn lên nhưng uy tín vẫn kém xa Hoa Kỳ - 19/07/2013 18:41
- Tự do báo chí kiểu Việt Nam - 18/07/2013 03:06
- Lối thoát cho cuộc khủng hoảng Ai Cập : Tiếp tục cuộc chơi dân chủ - 16/07/2013 17:49
Các tin khác
- Việt Nam A và Việt Nam B - 11/05/2013 00:36
- Biển Đông : Hải quân Trung Quốc tràn xuống phía nam - 02/05/2013 16:10
- Nếu Việt Nam Cộng Hòa chiến thắng? - 30/04/2013 04:39
- ‘Bất mãn chưa từng thấy’? - 24/04/2013 22:12
- Ai là "Việt Kiều"? - 22/04/2013 16:20
- Chiến lược xoay trục của Mỹ tiếp diễn, dù không ồn ào - 04/04/2013 20:04
- Báo Nhân Dân: Một tín hiệu cho “đối thoại nhân quyền”? - 01/04/2013 23:47
- Phải chăng chúng ta đang phí sức, mất thời gian vì “Đàn gảy tai trâu”? - 30/03/2013 17:49
- Bốn không hay không Bốn? - 23/03/2013 05:31
- Cộng sản, hiến pháp và dân tộc Việt Nam - 22/03/2013 23:21