Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác kinh tế với châu Phi để tạo liên minh chính trị

chine afrique2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) bắt tay tổng thống Niger Mahamadou Issoufou, tại Diễn đàn Trung - Phi, Bắc Kinh, ngày 3/9/2018.
Andy Wong/POOL Via REUTERS

Chưa có lúc nào đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi nhiều như lúc này. Sự hiện diện của Trung Quốc tại châu Phi trong lĩnh vực kinh tế cũng như là quốc phòng ngày càng lớn.

Dấu hiệu cho thấy có sự chuyển hướng trong chiến lược đối ngoại của Bắc Kinh đối với châu lục, đi từ hợp tác kinh tế sang thành đối tác chính trị, ngoại giao.

Quan hệ Trung Quốc và châu Phi đã có từ hơn nửa thế kỷ qua, kể từ sau hội nghị Phong trào các nước không liên kết Bandung năm 1955 tại Indonesia, và chỉ giới hạn trong khuôn khổ đối tác thương mại và kinh tế.

Trong nhiều thập niên liền, châu Phi được xem như là nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chính quyền Bắc Kinh gia tăng nhiều khoản đầu tư lớn lên đến hàng tỉ đô la vào châu Phi, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Các số liệu nghiên cứu khẳng định nợ của châu Phi vay Trung Quốc đã lên đến mức 125 tỷ đô la trong giai đoạn 2000-2016.

 Những khoản nợ giờ đang làm dấy lên nhiều quan ngại.

Vì sao Trung Quốc lại hào phóng với châu Phi như vậy?
Theo giới phân tích, ẩn sau những cử chỉ hào phóng của Bắc Kinh còn có những mưu toan chính trị.

Châu Phi giầu tài nguyên khoáng sản này, kinh tế còn chậm phát triển, đó là một “phương tiện” để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng chính trị và ngoại giao dễ dàng nhất.
Nhờ vào mối quan hệ bang giao có từ xưa và các khoản đầu tư lớn, Trung Quốc hiện có đến 52 phái đoàn ngoại giao tại nhiều thủ đô châu Phi, so với con số 49 của Hoa Kỳ.

Trung Quốc là thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Và định chế quốc tế này có một lực lượng lính Mũ Nồi Xanh đông đảo tại châu lục.
 Hơn 2.000 binh sĩ được triển khai tại Congo, Liberia, Mali, Sudan và Nam Sudan.

Và Trung Quốc hiện nay đang trong quá trình khẳng định vị thế cường quốc, với mục tiêu trở thành siêu cường năm 2049, châu Phi quả thật là một trong những đồng minh mà Trung Quốc cần có bên cạnh.

Bởi vì 54 quốc gia châu Phi có thể luôn luôn ứng cứu Trung Quốc, như một trường hợp đã từng xẩy ra, liên quan đến việc Trung Quốc được quyền trở lại tham dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 25/10/1971.

Với việc mở rộng trao đổi thương mại, hợp tác đầu tư, tăng cường nhập khẩu nguyên nhiên liệu, Trung Quốc cần có một chính sách đối ngoại bảo đảm an ninh cho các lợi ích của mình ở bên ngoài.
Nếu như trước đây, vấn đề bảo đảm an ninh chưa bao giờ được chú trọng thì nay đã có những biến đổi, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo.

Do vậy, Trung Quốc bắt đầu tham gia nhiều vào các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, mở căn cứ quân sự như tại Djibouti chẳng hạn, nhằm bảo đảm an toàn cho nguồn cung nguyên nhiên liệu và các Hoa kiều đang sinh sống tại châu Phi.

Câu hỏi đặt ra: Sau châu Á, phải chăng châu Phi giờ cũng đang trở thành một sân sau khác, làm bàn đạp cho một nước Trung Hoa đang khao khát trở thành một đại cường?

Switch mode views: