Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thế giới chờ đợi nước Mỹ dưới chính quyền Trump

Tongthong- hoaky 45

Tân Tổng Thống Donald Trump. (Hình: Drew Angerer/Getty Images)

Toàn thế giới đang chờ đợi chính quyền mới ở Mỹ, không phải lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 20 Tháng Giêng của tân Tổng Thống Donald Trump, mà là siêu cường quốc này sẽ có thể có những hành động ảnh hưởng thế nào đến tương lai của toàn nhân loại.

Tờ Le Monde ở Paris nói rằng, không thể mô tả ông Donald Trump là thế nào theo Pháp ngữ.

Có nên hiểu như là ông vẫn nói hay không, với những tuyên bố gây sốc, những Tweet vắn tắt, nhưng chứa chất đầy nguy hiểm, dù đó chỉ là thứ ngôn ngữ tiếng Anh ở trình độ lớp 6, nhưng rất khó cảm nhận đầy đủ ý nghĩa đối với các dân tộc khác.

Nhật báo The Guardian ở Anh tiếp tục dành nhiều bài về ông Trump và cho là ông nhậm chức trong sự mong chờ của ít người, nhưng lo ngại của nhiều người.

Tờ báo cũng nói đến ban tham mưu của ông Trump, trong đó dẫn lời nữ nghệ sĩ và bình luận viên truyền hình Canada/Mỹ Samantha Bee cho rằng, cố vấn cao cấp Kellyane Conway chỉ là “một con rối đầy thủ đoạn chính trị” chứ không hề có viễn kiến  về thế giới, vì vậy sẽ chỉ thấy những cái bất định nếu chờ mong ở chính quyền này bất cứ điều  gì.

Tân Hoa Xã chú ý đến sự kiện Tổng Thống Barack Obama chấm dứt hai nhiệm kỳ với mức tín nhiệm cao nhất kể từ năm 2009, để cho ông Donald Trump vào Tòa Bạch Ốc bằng mức tín nhiệm thấp nhất của mọi tân tổng thống Mỹ trong gần nửa thế kỷ qua.

Thông tấn xã chính thức của nhà nước Trung Quốc cũng đồng thời tán tụng đường lối toàn cầu hóa, cho rằng thế giới cần phát triển toàn cầu hóa hơn nữa chứ không phải giảm thiểu.
 Người ta hiểu rằng, trước kia, Mỹ đã là một trong những nước đề xuất và cổ vũ toàn cầu hóa, nhưng bây giờ nếu như ông Trump thi hành chủ trương tập trung mọi quan tâm về quốc nội thì Trung Quốc nghiễm nhiên trở thành cường quốc dẫn đạo.

Tân Hoa Xã dẫn lời Chủ Tịch Tập Cận Bình ở hội nghị quốc tế Davos, Thụy Sĩ, trong tuần này: “Một số người chê trách toàn cầu hóa kinh tế gây nên nhiều rối loạn trên thế giới. Toàn cầu hóa là kho tàng Alibaba khám phá trong chuyện thần thoại Ngàn Lẻ Một Đêm, bây giờ trở thành chiếc hộp Pandora trong con mắt của những người đó.”

Theo thần thoại Hy Lạp, Pandora’s Box là chiếc hộp kỳ bí chứa đựng những điều thú vị hấp dẫn cho nhân gian và không ai được phép mở, nhưng nàng Pandora không cưỡng được sự tò mò đã mở ra và hậu quả là thế giới phải chịu mọi nỗi bất hạnh và tai họa.

Ông Tập Cận Bình nói: “Thích hay không thích, kinh tế toàn cầu là một đại dương. Bất cứ ý định nào muốn cắt đứt lưu thông của các nguồn tư bản, kỹ thuật, sản phẩm công nghệ, để dẫn nước đại dương về những hồ, và sông suối nhỏ, là điều không thể làm được.”
Ông cũng hứa hẹn sẽ tiếp tục hình thành một khu vực tự do mậu dịch ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và thương lượng tiến tới mạng lưới tự do mậu dịch toàn cầu.

Sau đó, phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm Thứ Tư, ông Tập lên tiếng kêu gọi tiến đến một thế giới không có vũ khí nguyên tử.
 Trung Quốc rõ ràng đang chờ đợi thái độ của chính quyền mới ở Mỹ để sẵn sàng xúc tiến những tham vọng trở thành siêu cường hàng đầu thế giới.

Cùng lúc với những lo lắng ở các nước Âu Châu về đường lối tương lai của nước Mỹ, một khu vực nóng trên thế giới chắc chắn sẽ đối diện với nhiều biến chuyển, đó là Trung Đông.

Không đặt nhân quyền làm nguyên tắc căn bản của chính sách ngoại giao, chính quyền Donald Trump có thể làm đảo lộn trật tự ở khu vực Trung Đông, thế giới Ả Rập, và Israel.

Chính quyền Donald Trump không thể tránh khỏi một loạt những thách thức ở cuộc nội chiến Syria, khủng bố ISIS, tương lai quốc gia Palestine, chương trình phát triển nguyên tử Iran,…  

Căn cứ trên một số lời tuyên bố của ông Trump lúc tranh cử, cùng với việc chọn một người gốc Do Thái cực đoan làm tân đại sứ và ý định chuyển tòa Đại Sứ Mỹ về Jerusalem, là những yếu tố khiến người ta phải lo ngại.

Nếu thi hành chính sách thiên về Israel, khác với đường lối của các chính quyền tiền nhiệm, tân Tổng Thống Donald Trump sẽ có thể làm bùng nổ cuộc xung đột Israel-Palestine với nguy cơ chiến tranh mở rộng đến những nước Hồi Giáo trong khu vực.

Thêm vào đó, sự  cải thiện quan hệ Mỹ-Nga như ông Trump hứa hẹn, có thể đưa đến một tình hình phức tạp hơn, trên căn bản là hai nước có những lợi ích chung, đồng thời với những quyền lợi riêng ở khu vực này.

Như thế, sau ngày 21 Tháng Giêng, đối ngoại sẽ là một thời kỳ không dễ dàng cho nước Mỹ và đầy bất trắc trên thế giới.

Switch mode views: