'Giàn khoan 981 là cơ hội để thoát khỏi Trung Cộng'
- Chúa Nhật, 25 tháng Năm năm 2014 08:10
- Tác Giả: Hà Giang/Người Việt
Phỏng vấn Giám Mục Nguyễn Thái Hợp
LTS - Việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu Haiyang 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Ðông khiến người Việt ở khắp nơi ưu tư về chủ quyền đất nước. Ðức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, giám mục giáo phận Vinh, chủ nhiệm câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, và là chủ biên cuốn“Công Lý và Hòa Bình trên Biển Ðông,” chia xẻ nhận định của ông về tình hình Việt Nam, qua cuộc phỏng vấn với phóng viên Hà Giang, tại tòa soạn nhật báo Người Việt chiều 23 Tháng Năm.
Giám Mục Nguyễn Thái Hợp trong cuộc phỏng vấn tại tòa soạn nhật báo Người Việt hôm 23 Tháng Năm, 2014. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Hà Giang (NV): Kính chào Ðức Giám Mục, xin ông vui lòng giới thiệu mục đích và những sinh hoạt tiêu biểu của câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình?
Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Câu lạc bộ của chúng tôi là một câu lạc bộ nhỏ, quy tụ một số anh em trí thức công giáo, để hoạt động về vấn đề văn hóa, xã hội, kinh tế, giáo dục những gì liên quan đến cuộc sống của đất nước hôm nay. Qua những năm dài hoạt động, chúng tôi có tương giao rất nhiều với giới trí thức bên ngoài cũng như Công Giáo. Chúng tôi đề cập đến nhiều vấn đề nóng bỏng, được gọi là “nhạy cảm” ở Việt Nam, chẳng hạn vấn đề Biển Ðông, là vấn đề mà chúng tôi đề cập qua hai cuộc tọa đàm, và hiện giờ cũng đang chuẩn bị có một cuốn sách khác về Biển Ðông.
NV: Giám Mục có thể nói qua về nội dung cuốn sách “Công Lý và Hòa Bình trên Biển Ðông?”
Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: “Công Lý và Hòa Bình trên Biển Ðông” là cuốn sách thứ hai chúng tôi nghiên cứu về vấn đề Biển Ðông. Cuốn sách này quy tụ một số tác giả trong và ngoài câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, một số người là người công giáo, một vài người là đảng viên cộng sản, chẳng hạn như Tiến Sĩ Ðinh Hoàng Thắng, nguyên đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, rồi có Thạc Sĩ Hoàng Việt hiện thời là giảng viên tại đại học luật và nhà nghiên cứu độc lập Phạm Hoàng Quân. Sở dĩ cuốn sách mang tựa đề “Công Lý và Hòa Bình trên Biển Ðông” là vì “Công Lý và Hòa Bình” là danh hiệu của một ủy ban trực thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, mà tôi hân hạnh là chủ nhiệm đầu tiên của ủy ban đó. Sách là tập hợp của nhiều nghiên cứu với mục đích đòi công lý cho Biển Ðông bằng giải pháp hòa bình, có nhiều lãnh vực từ lịch sử đến địa lý đến pháp lý quốc tế.
NV: Theo giám mục, tại sao Trung Quốc lại mang giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam vào thời điểm này, và họ làm thế vì có âm mưu gì?
Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Theo tôi nghĩ thì Trung Quốc đã dự đính từ lâu, và chọn một thời điểm rất thích hợp để kéo giàn khoan vào đó. Bởi vì theo biến cố Ukraine, khi mà Âu Châu đang phải đối phó với Nga, và khi mà Nga cũng phải dựa vào Trung Cộng để có thể có một vị thế tương đối khá trước Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, và khi mà Mỹ cũng đang vướng ở Ukraine, và Mỹ cũng ở một giai đoạn nợ nần khắp nơi, và chính sách ngoại giao đang trong tình trạng bị suy giảm, hơn nữa ở trong nước thì Việt Nam đang mừng lễ 60 năm chiến thắng Ðiện Biên (Phủ) rồi mừng ngày 30 Tháng Tư, thì chính lúc đó là thời điểm thuận lợi để Trung Quốc kéo giàn khoan đến vào trong lãnh hải Việt Nam. Và tại sao kéo một giàn khoan mà không đưa một tàu chiến đến? Ðưa một tàu chiến đến thì nó mang tính cách tấn công một cách lộ liễu. Còn nếu giàn khoan mà đóng ở đó thì cũng là sự hiện diện của Trung Quốc ở đó rồi, thành thử ra người ta vẫn nói là người Tàu rất thâm, trong vấn đề này ta thấy người Tàu đã chuẩn bị để thực hiện kế hoạch đại Hán của họ từng bước nhỏ theo chiến thuật “tằm ăn dâu.”
NV: Rất nhiều người Việt ở hải ngoại, và ở trong nước nữa, ngạc nhiên với phản ứng của nhà cầm quyền Hà Nội trước việc Trung Quốc mang giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chẳng hạn như là việc cho người dân đi biểu tình, ngay cả để cho tình trạng bạo loạn xảy ra, và những lời phản đối rất gay gắt. Theo giám mục thì đây có là một sự kiện đánh dấu một thay đổi nào đó?
Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Có rất nhiều điều mà người ta vẫn suy nghĩ và tỏ thái độ không bằng lòng hay là phản kháng về chính sách của nhà cầm quyền đối với Biển Ðông. Có lẽ từ trước đến nay giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Trung Quốc vẫn kết nghĩa như là anh em và quá tin ở “4 tốt và 16 chữ vàng.” Chính vì vậy vẫn tin tưởng nơi “người anh” láng giềng phương Bắc, nhưng mà bây giờ cháy nhà mới ra mặt chuột, vụ giàn khoan này mới giúp nhà cầm quyền nhận rõ hơn đâu là cái thực tâm, đâu là cái tham vọng của Trung Quốc để thực hiện chương trình đại Hán của họ. Và người ta cũng bất mãn về vấn đề là trước nay khi mà có biểu tình về Biển Ðông thì những người yêu nước đó bị đàn áp dã man, mà lại quá hòa hoãn với Trung Quốc. Bây giờ trong một vài lần thì lại cho phép biểu tình, nhưng mà sau đó lại cấm. Chính sách đó vẫn chưa tìm thấy cái nhất quán. Hy vọng rằng với lời tuyên bố của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng về thái độ cương quyết đối với Trung Quốc, đó là một bước đặc biệt để Việt Nam ra khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc chăng.
Sách “Công Lý và Hòa Bình trên Biển Ðông” do câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2013. (Hình: Nhân Phạm/Người Việt)
NV: Trước nhiều đe dọa của chính quyền cũng như báo chí Trung Quốc hô hào phải đánh Việt Nam, phải dạy cho Việt Nam một bài học, ông Nguyễn Tấn Dũng nói rằng Việt Nam vẫn cương quyết bằng mọi cách bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam, suy diễn theo kiểu bình dân thì là muốn đánh thì cứ đánh đi, chúng tôi cũng chẳng sợ. Giám mục nhận định gì về câu nói này?
Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Trước nay thì Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có một số phát biểu về Biển Ðông mà một số người rất đắc ý. Chính chúng tôi cũng đã trích dẫn hai ba lần những lời phát biểu khác nhau về Biển Ðông của ông. Nhưng rồi sau đó lại thấy là hành động trên thực tế đi ngược với những lời phát biểu đó. Tôi hy vọng và tôi ước mong rằng nhân vụ giàn khoan này thì những lời phát biểu của ông, mà được rất nhiều người tán đồng, sẽ trở thành một định hướng để hành động, và ước mong rằng chính phủ của Việt Nam sẽ có những kế hoạch để thực hiện những lời phát biểu đó. Nếu được như vậy cũng là điều may cho dân tộc.
NV: Tuy nhiên, thưa giám mục, ông Nguyễn Tấn Dũng là người duy nhất có những lời phát biểu rất mạnh mẽ về quan điểm của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền, còn những người còn lại trong bộ chính trị, chẳng hạn như ông Nguyễn Phú Trọng thì nhất định không nói gì cả. Ðiều đó cho chúng ta thấy gì?
Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Tiền nhân ta vẫn có câu “nhất ừ, nhì làm thinh,” thì làm thinh cũng có một ý nghĩa nào đó. Cái làm thinh này trong một giai đoạn rất là quan trọng của đất nước, phải chăng đó cũng là một dấu chỉ có sự khác biệt về quan điểm, có sự bất đồng ý kiến, và bất đồng ý kiến về những vấn đề rất quan trọng, là vấn đề sống còn của đất nước, tôi cũng thấy một số người nói như vậy.
NV: Sự kiện Trung Quốc mang giàn khoan vào lãnh hải Việt Nam được đánh giá khác nhau. Có người thì lo rằng mất nước đến nơi rồi, người khác lại cho rằng đây là một biến cố có lợi cho Việt Nam, trước tiên là đốt tan 16 chữ vàng, và nếu Trung Quốc đánh Việt Nam thì dư luận quốc tế với Trung Quốc rất bất lợi, giám mục nghĩ sao?
Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Tích cực hay tiêu cực thì cũng do cái nhìn, cũng do bối cảnh. Tôi không phải là một thầy bói, mà cũng không phải là một nhà tiên tri. Tôi chỉ thấy rằng giàn khoan 981 là một cái tát tai vào dân tộc Việt Nam. Ðó là một sự kiện rất đau thương, nhưng mà rất có thể đó cũng là một điểm đặc biệt tạo ra cái đổi mới, cái khởi đầu nào đó cho Việt Nam. Nhiều người hy vọng rằng, biết đâu nhờ biến cố đặc biệt đó mà Việt Nam lấy lại cái thế chủ quyền độc lập của mình, thoát khỏi vòng tay Trung Cộng.
NV: Cảm ơn Giám Mục đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn này.
Related news items:
Tin mới
- Người Buôn Gió, từ giang hồ đến cải cách xã hội - 03/06/2014 16:48
- Cuộc biểu tình trước hai sứ quán Trung Quốc và Việt Nam tại Washington - 03/06/2014 12:29
- 12 người Việt chết trong tai nạn giao thông ở Thái Lan - 02/06/2014 20:43
- Cựu SVSQ Khóa 6/68 Thủ Ðức và Ðồng Ðế hội ngộ lần 2 - 01/06/2014 10:42
- Chuyến đi Mỹ của Đức cha Nguyễn Thái Hợp - 31/05/2014 09:28
- Người Việt Nam biểu tình trước LSQ Trung Quốc ở Los Angeles - 28/05/2014 22:26
- 120,000 người Việt ký tên đòi Tòa Bạch Ốc trừng phạt Bắc Kinh - 28/05/2014 22:21
- Việt - Trung lên án nhau vì vụ tàu chìm - 27/05/2014 08:48
- Lễ tưởng niệm Phật tử Lê thị Tuyết Mai tại Houston - 26/05/2014 20:18
- Cựu nữ quân nhân QLVNCH hội ngộ lần thứ 5 tại Little Saigon - 26/05/2014 10:27
Các tin khác
- Đời sống công nhân các công ty Trung Quốc ở Bình Dương - 24/05/2014 09:33
- Bị đánh đập đe dọa khi biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc - 22/05/2014 18:56
- Phản ứng của người Việt gốc Hoa về vụ bạo loạn Bình Dương - 22/05/2014 09:53
- Houston 18 tháng 5: Hàng ngàn người biểu tình phản đối Trung Quốc - 19/05/2014 20:16
- Nghệ An: Hàng nghìn người tuần hành phản đối Trung Quốc - 19/05/2014 11:35
- Tuổi trẻ Việt biểu tình chống Trung Quốc ở Los Angeles - 17/05/2014 20:54
- Đài Loan không theo Bắc Kinh chống Việt Nam - 17/05/2014 11:14
- Người dân Philippines - Việt Nam đoàn kết biểu tình trước ĐSQ Trung Quốc tại Manila - 16/05/2014 22:33
- Vì sao gây bạo động ở Bình Dương? - 14/05/2014 18:56
- Đến Bình Dương sau ngày công nhân biểu tình - 14/05/2014 18:23