Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

ÐỂ TƯỞNG NHỚ ÔNG NGUYỄN-TRUNG-TRỰC

 

ÐỂ TƯỞNG NHỚ ÔNG NGUYỄN-TRUNG-TRỰC
(1838-1868) ANH HÙNG CHỐNG GIặC PHÁP

Hàn Lâm NGUYỄN PHÚ THỨ
(Trích dẫn tác phẩm Tìm Hiểu Danh Nhân của Gs Nguyễn-Phú Thứ)
Sau khi thăm viếng lăng mộ Ông Thoại-Ngọc-Hầu tại núi Sam, Châu-Ðốc xong, du khách muốn đi Rạch Giá, chúng ta có thể đi qua quận Hà-Tiên, thuộc tỉnh Kiên-Giang, rồi từ đó đến Rạch-Giá hoặc là từ Châu-Ðốc đi trở ngược lại Long-Xuyên, bắc Vàm Cống và đi tiếp đến ngả ba lộ tẽ, rẽ phía bên mặt để đi vào thành phố Rạch Giá (Kiên-Giang) để thăm viếng đình thần và trường trung-học Nguyễn-Trung-Trực. Ðó là hai cách đi về Rạch-Giá, tùy ý du khách lựa chọn cách nào thuận tiện nhứt.

Ðể biết tìm hiểu thêm sơ lược tiểu-sử và thân-thế sự-nghiệp Ông Nguyễn-Trung-Trực, xin trích dẫn như sau : Ông Nguyễn-Trung-Trực, tên thật Nguyễn-Văn-Lịch? hay Nguyễn-Văn-Chơn? sanh khoảng năm 1838, tại làng Vĩnh Hội, Quận Phù Cát, Tỉnh Bình Ðịnh. Nhưng có tập sách lại viết Ông sanh năm 1835 ? tại làng Bình-Nhật, huyện Cửu-An, phủ Tân-An (nay thuộc Xã Bình-Ðức, Huyện Bến Lức, Tỉnh Long-An ?). Con của ông Nguyễn Trung Thăng hay Nguyễn Văn Phụng? và Bà (không rỏ tên) là con trưởng trong gia-đình. Sau này Ông theo cha mẹ dời về làng Tân-Thuận, tổng An-Xuyên (nay thuộc Xã Tân Tiến, Huyện Ðầm Dơi, Tỉnh Minh Hải). Ông sanh sống bằng nghề chài lưới và làm ruộng.

 Cho RG_1
Tượng Ông Nguyễn-Trung-Trực đặt tại
đầu nhà lồng Chợ Rạch Giá trước kia

(Ðó là sơ lược về lý lịch của Ông Nguyễn-Trung-Trực không đầy đủ chi tiết hoàn toàn như nơi sanh, năm sanh, con của ai? kính xin quý vị cao minh hiểu biết bổ túc trung thực đầy đủ hơn, kính xin đa tạ nhiều).

Ông Nguyễn-Trung-Trực khi bước vào tuổi trưởng thành, nhằm lúc đất nước bị giặc Pháp xâm lăng. Bắt đầu năm Canh Thân 1860, Ông cầm đầu nghĩa quân ở vùng Tân-An, Rạch Giá. Ngày 25-2-1861 khi đồn Chí Hòa thất thủ, Ông được giữ chức Sung Quản binh đạo ở vùng Long-An, đến tháng 6 cùng năm Ông kiểm soát vùng ba biên là: Tây Ninh, Bến Lức, Gò Công.
Ngày 10 tháng 12 năm 1861, Ông Nguyễn-Trung-Trực cùng nghĩa quân lập nên một chiến công vang lừng trong lịch sử kháng Pháp là đốt phá được chiếc tàu Espérance (Hy-Vọng) tại vàm Nhựt-Tảo (Tân-An), làm thiệt mạng 17 tên giặc. Trong trận này có nhiều truyền thuyết, xin trích dẫn như sau : Ðược biết, chiếc tàu này do tên trung-úy hải quân Parfait, được trang bị một khẩu đại bác với 25 quân đầy đủ vũ khí (cho nên có thể gọi pháo thuyền Hỵ-Vọng). Ngoài ra, trên bờ còn có khoảng 20 lính mã tà đóng quân gần đó để yểm trợ cho tàu. Tàu này có bổn phận tuần tra trên vàm rạch Nhật-Tảo. Lúc bấy giờ Ông Nguyễn-Trung-Trực đang chỉ huy nghĩa quân chiến đấu ở vùng Tân-An, Bến Lức dọc theo sông vàm cỏ Ðông và muốn đánh tàu này Ông phải chia nghĩa-quân làm ba bộ phận:
1- Nhóm thứ nhứt Ông Nguyễn-Văn-Sang và Ông Hoàng-Khắc-Nhượng trực tiếp chỉ huy khoảng 89 nghĩa quân dùng thuyền đánh mõ để phân tán mỏng giặc.
2- Nhóm thứ hai khoảng 30 nghĩa quân phục kích để tấn công vào toán lính mã tà.
3- Nhóm thứ ba khoảng 59 người giả làm những người buôn trên ghe
để áp sát tàu địch.
Nghĩa quân tương kế tựu kế đánh mõ nghi binh để lực lượng giặc vào
bị phân tán mỏng, một chiếc ca nô nhỏ trên tàu đưa xuống để cùng 10 tên lính mã tà đi về hướng nghĩa quân đánh mõ truy lùng, nhưng nghĩa quân đánh mõ càng lúc càng xa chiếc tàu, lúc ấy phía ngọn rạch Nhật-Tảo xuất hiện năm chiếc ghe mui lá thả xuôi dòng, bọn giặc Pháp trên tàu tưởng ghe buôn của dân địa phương chở hàng lên Chợ Lớn nên đoàn ghe cứ ung dung tiến sát vào thành tàu, tên phó chỉ huy nghiêng mình xét giấy phép từ các ghe đưa lên, nhanh như cắt thay vì đưa giấy phép thì nghĩa quân nhanh chóng đâm ngang hông hắn. Hắn hét lên một tiếng rồi té nhào xuống sông. Lúc đó các nghĩa quân đồng loạt hò reo nhảy lên tàu dưới sự điều khiển của Ông Nguyễn-Trung-Trực, bọn giặc hốt hoảng trở tay không kịp, 17 tên lần lượt đền tội và phong hoả đốt tàu. Riêng toán nghĩa quân trên bờ cũng nhanh chóng tiêu diệt bọn lính mã tà. (Nếu du khách có dịp đến thăm đình thần Ông Nguyễn-Trung-Trực Rạch-Giá, sẽ thấy quang cảnh chiếc tàu Espérance bị tấn công được Ông Nguyễn-Quốc-Văn thực-hiện phù điêu rất đẹp).

Có truyền thuyết nói rằng: Ông Nguyễn-Trung-Trực tập hợp một số nghĩa-quân gan dạ, ăn mặc giả làm gia-đình nông dân đi cưới vợ cho con, gồm 3 chiếc ghe có treo cờ đủ màu sắc rực rỡ, các người trên ghe ăn mặc áo dài, khăn đống, che dù và có nhiều mâm phủ vải đỏ để trang bị giống như đám cưới thiệt. Ba chiếc ghe đi gần chiếc tàu Pháp. Bọn lính Pháp tưởng đám cưới của nông dân nên không đề phòng, phần bị cơn nóng giữa trưa của Việt-Nam, nên đứa nào đứa nấy ở trần với quần đùi (cụt) nằm ngủ gà ngủ gật dưới mui vải. Khi ba chiếc ghe nhẹ nhàng chèo ngang cạnh chiếc tàu vừa đúng tầm tay để leo lên tàu, mọi người quấn áo dài lại cho gọn, rồi đồng hè nhảy lên. Khi giới là mả tấu sáng ngời dấu sẵn trong mấy mâm vải đỏ được rút ra chém chết hết những thằng lính Pháp đang ngái ngủ mơ màng để chúng không kịp hoan hoán lên và nghĩa quân đã chận cửa hầm tàu lên xuống, đồng thời phóng hỏa đốt tàu, làm cho phần gỗ trên tàu cháy thật nhanh, bởi vì nghiã quân đã tiên liệu trước chuyện phóng hỏa đốt tàu, nên đem theo nhiều chất dẫn hỏa. Sau khi thanh toán xong, trong chớp mắt các nghĩa quân vội vàng nhảy xuống ba chiếc ghe để chèo mau xa ra tàu giặc... Một tiếng nổ kinh hồn do thuốc pháo trong tàu, làm cho tan xác đám lính và chiếc tàu Espérance từ từ chìm trong vùng lửa sáng rực tại vàm Nhật-Tảo. Với chiến thắng “Hỏa hồng Nhật Tảo Oanh Thiên Ðịa” này làm cho lòng dân khắp nơi Miền lục tỉnh phấn khởi, cùng mở đầu cho công cuộc đánh các đồn lũy Pháp, vì lần đầu tiên nghĩa quân chúng ta tấn công và giành thắng lợi trong trận thủy chiến với giặc Pháp. Chiến thắng này đã làm cho kẻ thù khiếp sợ, riêng quân giặc Pháp tìm cách trả thù bằng cách đốt sạch làng Nhật Tảo và Ông Paulin Vial đã xác nhận rằng: “Một sự kiện đau đớn làm cho người An Nam phấn chấn và gay xúc động sâu sắc trong lòng người Pháp “
Sau chiến công này vua Tự-Ðức hạ chiếu cho Ông Nguyễn-Trung-Trực thăng chức Quản Cơ, còn các Ông : Nguyễn-Văn-Sang và Hoàng-Khắc-Nhượng thăng chức Phó Quản Binh cùng 20 người làm chức cai đội đều được tưởng tiền. Riêng binh lính tham gia được thưởng chung 1000 quan tiền. Ngoài ra, có 4 người bị chết đều được cấp tiền tử tuất và chẩn cấp cho những nhà trong làng Nhật Tảo bị giặc Pháp đốt.

Chính giữa cổng ở trên cao có đề : Ðình Thần Nguyễn-Trung-Trực
hai bên có câu:
Hỏa Hồng Nhật Tảo Oanh Thiên Ðịa
Kiếm Bạt Kiên-Giang Khấp Quỉ Thần

Cho RG_2
Tháng 6 năm 1867, Ông Nguyễn-Trung-Trực được vua Tự Ðức phong làm Thành Thụ Úy trấn nhậm Hà-Tiên, đến khi ba tỉnh Miền Tây lọt hẵn vào tay giặc Pháp, Ông rút quân về Hòn Chông lập căn cứ chống Pháp. Ðể rồi, Ông Nguyễn-Trung-Trực chỉ huy đánh đồn Rạch-Giá vào năm 1868 diễn tiến như sau :

Ðể chuẩn bị tấn công đồn Rạch-Giá, nghĩa quân tập trung ở Tà-Niên trước đó 2 ngày, đến đúng 4 giờ khuya rạng ngày 16 tháng 8 năm 1868, Ông Nguyễn-Trung-Trực cùng các nghĩa quân vượt sông Cái Lớn rồi đổ bộ gần đồn để chuẩn bị tấn công. Giờ này trời cũng còn tối, lại có một cơn mưa trút xuống như ủng hộ sự đánh đồn của Ông. Ông dẫn đầu, dùng mã tấu giết chết hai tên lính gác rồi cho lệnh tiến quân, các nghĩa quân xung phong tiến vào dùng mã tấu chém giết giặc Pháp, làm cho số tử thương chết trên giường ngủ, vì giặc Pháp bị tấn công bất ngờ, lại chống trả yếu ớt vì đang ngáy ngủ. Các lính mã tà gần như im hơi lặng tiếng do được nghĩa quân móc nối trước, tên chủ tỉnh Chánh Phèn, trung úy Sauterne, thiếu úy Gamard cùng 15 tên giặc khác bị giết ngay tại trận. Riêng có cai ngục Duplessix ngủ ngoài đồn nên chạy thoát. Kết quả tiêu diệt được: 5 sĩ quan Pháp, 67 lính, tịch thu trên 100 khẩu súng và một số đạn dược quan trọng. Trại lính mã tà bị bốc cháy hoàn toàn. Ông Nguyễn-Trung-Trực và các nghĩa quân làm chủ hoàn toàn tỉnh lỵ. (Nếu du khách có dịp đến thăm đình thần Ông Nguyễn-Trung-Trực Rạch-Giá, sẽ thấy quang cảnh đồn Rạch-Giá của Pháp thuộc tỉnh lỵ đầu tiên bị Ông Nguyễn-Trung-Trực cùng các nghĩa-quân tấn công đánh chiếm được Ông Nguyễn-Quốc-Văn thực-hiện phù điêu rất đẹp).

Khi nghe tin quân Pháp kéo đại quân sắp tới, Ông cho chở hết võ khí cùng lương thực về giữ Núi Trầu ở Hà-Tiên và cuối cùng kéo qua đảo Phú Quốc lập chiến khu tại Cửa Cạn. Bởi vì, lực lượng Pháp đến giải-cứu đồn quá đông, nên lực lượng của Ông không cân xứng để đủ sức làm chủ đồn này lâu hơn 6 ngày, tuy nhiên giặc Pháp đã thừa nhận trận đánh đồn này làm cho tổn thương uy tín của chúng. Ðể tiêu diệt Ông Nguyễn-Trung-Trực và các nghĩa quân, giặc Pháp phải huy động toàn lực lượng để tấn công Dương Ðông (Phú-Quốc) nhiều lần, làm cho lực lượng nghĩa quân càng ngày càng yếu dần, chỉ còn khoảng 30 nghĩa quân. Hơn nữa, vì thiếu đạn dược, thực phẩm cũng cạn dần. Ngoài ra, Bà Nguyễn-Trung-Trực lại sanh nở ngay lúc chạy giặc trong đêm mưa gió, nên bị thiệt mạng cả mẹ lẫn con. Hai tên Việt gian là: Huỳnh-Công-Tấn và Ðỗ-Hữu-Phương dùng mưu, bằng cách chỉ cho giặc Pháp bắt cóc mẹ Ông và một số đồng bào trong vùng để làm con tin, rồi cho Ông Nguyễn-Trung-Trực biết tin, nếu không chịu đầu hàng, thì sẽ xuống lịnh chặt đầu mẹ Ông và những người kia. Ông Nguyễn-Trung-Trực biết không thể nào tiếp tục chiến đấu được nữa, nên Ông tụ họp nghĩa quân lại, nói :“Giặc không giết được chúng ta, nhưng cạn lượng-thực, thiếu súng đạn chúng ta bị chết hết. Nếu chúng ta nói : Thà chết lúc này thì cũng chẳng ích lợi gì cho mai sau! Giặc bắt được tôi thì họ mừng lắm, sẽ không làm hại anh em. Anh em hãy cố gắng sống mà tiếp tục báo quốc. Tôi biết anh em tham sống sợ chết, nhưng phải can đảm để liệu cách xuất xử” và Ông quyết định tuyển chọn một số nghĩa quân thân cận tài ba theo Ông để đánh một trận cuối cùng, số nghĩa quân còn lại trở về quê quán làm ăn, trước khi ra trận Ông hủy bỏ toàn bộ ghe thuyền và gọi riêng Ông Ngô-Văn-Soạn là cận vệ thân nhứt để giao ấn kiếm bảo quản sau này. Cuộc chiến diễn ra rất ác liệt tại vùng căn cứ, kéo dài qua cánh đồng tràm đến bãi ông Lang. Trên đường rút lui, Ông cố tình chạy về hướng Dương Ðông để xa dần căn cứ. Qua trận đánh này, Ông bị thương và cuối cùng Ông bị giặc Pháp bắt được, (Có tài liệu nói, sau khi Ông tụ họp nghĩa quân Ông nói mấy lời như đã thấy ở trước, rồi Ông tự trói mình ra gặp tên Huỳnh-Công-Tấn để cứu mẹ và dân chúng? Không biết hư thực như thế nào? Xin các bậc cao minh bổ túc cho) bọn chúng vội vàng đưa Ông về Dương Ðông, rồi chuyển về Rạch Giá và sau cùng đưa Ông lên Sài-Gòn bằng tàu Hải-Âu, trong thời gian này Ông được đối xử rất tử tế, được tên Việt gian Huỳnh-Công-Tấn tận tình khuyến dụ Ông, nếu theo giặc Pháp thì được hưởng chức Phó Soái cùng lợi lộc và sẽ thả mẹ Ông cùng tất cả đồng bào bị bắt trước kia. Ông gác bỏ ngoài tai những lời đường mật đó và khẳng khái nói : “Tụi bây hãy kiếm cho tao chức gì mà có quyền chặt đầu tất cả bọn Tây, chứ chức Phó Soái tao không màng”. Khi đến Sài-Gòn, Ông bị giam tại khám lớn, tên giặc Pháp Paul Vial trực tiếp hỏi cung Ông cũng phải công nhận: “Ông Trực đã tỏ rõ tinh thần dũng cảm, chỉ huy linh hoạt và mưu trí hơn người, chống nhau với ta ngót mười năm trời. Ðó là, con người rất tự trọng có tư cách đáng quí và cương nghị”. Sau cuộc hỏi cung, thấy không thể dụ hàng được Ông, viên Chánh Soái muốn nhìn mặt Ông cho biết và nói với Ông rằng: “Ông Lịch nè! dầu Ông sống hay chết binh lực Pháp cũng sẽ tận diệt hết quân phiến loạn xứ này”.Ông ung dung mỉm cười, đưa tay chỉ ra sân cỏ xanh ôn tồn đáp: “Thưa Pháp Soái, chúng tôi chắc rằng chừng nào Ngài trừ cho hết cỏ trên mặt đất này, thì chừng đó Ngài mới mong trừ diệt được những người ái quốc mà ngài giận dữ coi là quân phiến loạn” Câu nói này sau được coi như chân lý : “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ Nam mới hết người Nam đánh Tây”. Ðô đốc Nam Kỳ bấy giờ là Ohie thấy chẳng tài nào thuyết phục được Ông theo Pháp, nên đã tuyên án xử tử Ông Nguyễn-Trung-Trực cùng một số nghiã quân khác và cho đưa Ông về Rạch giá để ra pháp trường (nay là Bưu Ðiện Rạch-Giá) để thi hành bản án vào ngày 27 tháng 10 năm 1868, dân chúng hay hung tin vẫn đổ ra pháp trường, bất chấp sự ngăn cấm của giặc Pháp để nhìn mặt Ông lần cuối, khi Ông bị hành huyết dân chúng cảm thương vô cùng, lúc bấy giờ Ông mới 30 tuổi còn trẻ, nhưng mọi người đều tôn xưng gọi là Ông Nguyễn, kiêng cữ gọi tên húy của Ông, bởi vì Ông là con người rất anh hùng, lại gan dạ phi thường dám đứng lên chống giặc Pháp, đáng được kính trọng vượt qua ngoài vòng tuổi tác và tục lệ thông thường.
Sau khi Ông Nguyễn-Trung-Trực bị xử trảm, có nhiều giả thuyết khác nhau về phần mộ Ông như sau :
Có người nói là đêm đến nghĩa quân lén mang xác Ông đi đến chôn một nơi nào đó, có thể ở Tà Niên nơi Ông xuất quân đánh đồn Rạch Giá?
Có người lại nói là giặc Pháp lén đem chôn thi hài của Ông gần Tòa Bố cách đồn chừng 50 thước về hướng Tây?
Có người lại nói là giặc Pháp cho chôn mình Ông sau dinh Tỉnh Trưởng, còn cái đầu đem bêu trước chợ Rạch Giá, tối đến nghĩa quân đến đem đầu đi đâu không rõ?
Có một giả thuyết nữa được mọi người cho là đúng : Sau khi xử trảm Ông, giặc Pháp đã khám tử thi và cho tẩn-liệm tử-tế rồi đem chôn sau dinh Tỉnh -Trưởng
và trồng một cây đa lên, nhiều người cho rằng trong khu vực cây đa này đêm đêm, Ông hiện về kéo binh khua trống hét vang trời, cho nên giặc Pháp sợ quá đã dùng dây lòi tói xiềng quanh mộ Ông, nhưng sáng ra bao nhiêu dây đó cũng bị đứt.
Sau này, Ông Nguyễn-Trung-Trực được vua Tự Ðức sắc phong Quan Thượng Ðẳng Ðại Thần và làm bài thơ truy điệu với ngự bút, xin trích dẫn Ðuốc Từ Bi, Bộ mới số 54, ngày 01-09-1997, trang 99 do Gs. Nguyễn-Thành-Long viết về Thân Thế và Sự Nghiệp của anh hùng Nguyễn-Trung-Trực như sau :

Úy bi ngư nhân,
Hùng tài quốc sĩ,
Hỏa Nhật Tảo thuyên,
Ðồ Kiên Giang lũy,
Ðinh khái đồng cừu,
Thân tiêm tự thỉ,
Huyết thực thiên thu,
Chương ngã trung nghĩa.

Năm 1986, sau nhiều lần tìm kiếm mới đưa hài cốt Ông Nguyễn-Trung-Trực về an táng tại khuôn viên trong đình thần Ông ở thị xã Rạch Giá.

Ðược biết, phần mộ của Ông Nguyễn-Trung-Trực nằm phía Tây đền thờ, mộ xây hình chữ nhựt, có bề dài 2 thước 10 và có bề rộng 85 tấc được đặt xuôi theo đền thờ. Phía sau mộ là bức tường hình chữ nhựt có bề cao 2 thước, có bề ngang 1 thước 20, trên đó là một tấm bia khắc : Anh hùng Nguyễn-Trung-Trực (1838-1868), phía trước mộ được đặt mộ lư hương và xung quanh mộ có cây lá, bông hoa tươi tốt bốn mùa rất đẹp.

Trở lại việc Ông Nguyễn-Trung-Trực sau khi bị xử trảm, Ông Huỳnh-Mẫn-Ðạt (*) đã viết bài điếu văn để ca ngợi những chiến công hiển hách và oanh liệt bằng chữ Hán, xin trích dẫn như bên đây:

Ðiếu Ông Nguyễn-Trung-Trực

Thắng phụ nhung lường bất lúc luân,
Ðồi ba đê trụ ức ngư dân,
Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa,
Kiếm bạt Kiên Giang khắp quỉ thần,
Nhất đán phi thường tiêu tiết nghĩa,
Lưỡng toàn vô úy báo quân thân,
Anh hùng cường cảnh phương danh thọ,
Tu sát đê đầu vị tử nhân.


(*) Ðược biết, Ông Huỳnh - Mẫn - Ðạt (1807-1833) đã đậu cử nhân và làm quan dưới triều vua Tự-Ðức, từng làm Án Sát ở Ðịnh -Tường và Hà-Tiên. Sau khi Hà -Tiên thất thủ, Ông trở về cuộc sống thanh bần không tham gia với giặc Pháp.

Bài điếu văn này, được Ông Ca-Văn-Thỉnh chuyển dịch như sau:

Thắng bại chỉ bàn việc tướng quân,
Người chài trụ đá khúc gian truân,
Lửa bừng Nhật-Tảo râm trời đất,
Kiếm tuốt Kiên-Giang rợn quỉ thần,
Một sớm nhẹ mình nêu tiết nghĩa,
Ðôi đường trọn chữ báo quân thân,
Anh hùng cứng cổ danh thơm mãi,
Lũ sống khom lưng chết thẹn dần.

Ðối cái chết bằng cách xử trảm do giặc Pháp thực hiện, bởi vì Ông Nguyễn-Trung-Trực không muốn hợp tác với Pháp và chống giặc ngoại xâm đến cướp nước Việt-Nam, để rồi Ông bị chặt đầu. Viết đến đây, tôi nhớ lại cái chết của Ông Lê-Quang-Vinh tức Tướng Ba Cụt, một tín đồ Phật-Giáo Hòa-Hảo đã bị Ông Ngô-Ðình-Diệm đưa đến cái chết bằng cách xử trảm, bởi vì Ông Lê-Quang-Vinh không muốn hợp tác với Ông Ngô-Ðình-Diệm, không chấp nhận theo đạo Thiên Chúa Giáo và giữ gìn đạo PGHH của Ông, để rồi Ông bị chặt đầu. Ðó là hai trường hợp đưa đến cái chết giống nhau, đáng cho chúng ta suy-ngẩm về cuộc đời, đất nước và dân-tộc sau này.
Ðể quý bà con biết thêm việc đi thăm viếng Ðình Thần và Trường Trung Học Nguyễn-Trung-Trực, trước hết đến bến xe Rạch-Giá, rồi dùng các xe như: xe bus hay xe lôi có gắn máy hoặc xe honda ôm ... để vô thị xã Rạch-Giá, bởi vì bến xe hiện nay đã xa thành phố, còn muốn đến Ðình Thần Ông Nguyễn-Trung-Trực, trên đường đi chúng ta sẽ thấy tượng Ông Nguyễn-Trung-Trực rất lớn, được đặt trên một công viên theo lộ trình và sau cùng sẽ qua cầu, rồi quẹo trái tức thì gặp đường Nguyễn-Công-Trứ, đến đây hỏi ai cũng biết vị trí đình thần, bởi vì nó nằm ở phía Tây của trung tâm thị-xã Rạch-Giá, mặt tiền quay ra cửa biển và cách biển khoảng 100 thước.

Khi bước vào cổng chánh, thì gặp cái lư hương và tượng Ông Nguyễn-Trung-Trực như sau đây :

Ðược biết, ngôi đình thần này cũng trải qua thăng trầm, nơi đây trước chỉ là ngôi nhà nhỏ bằng cây, mái lợp lá do các dân chài dựng lên để thờ thần Nam Hải tức Cá Voi. Kể từ Ông Nguyễn-Trung-Trực bị xử trảm và bắt đầu năm 1869, cứ đến ngày 27-28 và 29 tháng 8 âl hằng năm, đồng bào các nơi tụ tập về đây để tổ chức cúng cơm cho Ông. Mãi đến năm 1964, ngôi đình này mới được đại tu bổ và nơi rộng ra, khởi công ngày 20 tháng 12 năm 1964, hoàn thành vào ngày 24 tháng 2 năm 1970, do kiến trúc sư Nguyễn-Văn-Lợi thiết kế, theo kiểu chữ tam, gồm có : Chánh Ðiện, Ðông Lang và Tây Lang. Cột kèo bằng bê-tông, mái lợp ngói. Cổng có ba cửa ( hình dạng cổng tam quan). Trước cửa chánh có đặt một lư hương bằng đá, trên nóc có trang trí cảnh lưỡng long chân châu, các góc mái có đắp hình lá cúc cách điệu và hình rồng. Tất cả các mảng phù điêu được làm bằng xi măng cẩn những mảnh gốm nhiều màu rất đẹp, cửa đình có hai cột đắp nổi hình rồng uốn lượn từ dưới lên trên quấn quanh cột, biểu tượng cho uy quyền và sức mạnh. Trong đền có 10 cột bằng bê tông, mỗi cột có chân đế hình bát giác, phía trên hình bát giác có đắp nối hai lớp cánh sen. Phần bày trí thờ trong chánh điện có rất nhiều bài vị thờ như : Phía ngoài bước vào chúng ta thấy bài vị Chánh Soái Ðại Càn, di ảnh Ông Nguyễn-Trung-Trực, các chư vị hội đồng trăm quan cựu thần, thờ tiền hiền, đồng bào nghĩa quân... kế đến phía trong chúng ta thấy có ba ngai thờ chánh của đền, ở chánh giữa là ngai thờ của Ông Nguyễn-Trung-Trực mà chúng ta thấy như sau : đứng sát đất trước ngai thờ Ông Nguyễn-Trung-Trực là tượng hai con Hạc cỡi Rùa, mỗi con cao khoảng 2 thước 50, miệng ngậm chuỗi hạt, trên ngai thờ có bức hoành phi ghi 4 chữ “Anh khí như Rồng”, có nghĩa là khí tiết của người anh hùng rực rỡ như cầu vồng bảy sắc. Còn phía bên trái là ngai thờ Ông Phó Cơ Nguyễn-Hiền Ðiều và Ông phó lãnh binh Lâm-Quang-Ky (hai vị này ngày xưa cũng được lấy tên để đặt đường và trường học trong thị xả Rạch Giá) và phía bên phải là ngai thờ thần Nam Hải Ðại Tướng-Quân. Công trình xây dựng này do chủ thầu là Ông Nguyễn-Văn-Vui thực hiện và chi phí toàn bộ do đồng bào trong tỉnh và khắp nơi tùy hỉ đóng góp. Từ đó, ngôi đình thần này mang tên Ðình Thần Ông Nguyễn-Trung-Trực.
Hằng trăm năm nay đã trở thành nếp quen thuộc của đồng bào trong tỉnh Kiên-Giang và các tỉnh tụ tập về đây để cúng thần Nguyễn-Trung-Trực vào các ngày 27, 28 và 29 tháng 8 âl rất đông đảo, có năm các tỉnh xa xôi như Bình Ðịnh, Bình-Thuận, Ninh Thuận cũng đến, bởi vì các đồng bào này thuộc dòng họ với Ông Nguyển-Trung-Trực trước kia? hoặc là các đồng bào ở vàm Nhật-Tảo cũng về tham dự, để nhớ ơn Ông đánh tàu Pháp ở nơi này.
Ðược biết, Ông Nguyễn-Trung-Trực là anh hùng ái quốc, đã theo Ðạo Phật-Giáo Bửu-Sơn Kỳ Hương của Ðức Phật-Thầy Tây An (1807-1856), đã được vua Tự Ðức sắc phong là Thượng Ðẳng Ðại Thần Nguyễn-Trung-Trực, cho nên sau khi Ông bị xử trảm, các tín đồ Phật-Giáo Hòa-Hảo cũng lập đình thần để thờ Ông ở các tỉnh Miền Tây : Tà Niên, Tân Ðiền, Mỹ Lâm, Mong Thọ, Sóc Soài, Tri Tôn, Hòn Chông, Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên-Giang - ở Long Giang (Chợ Mới), Vĩnh Trạch ... thuộc tỉnh An-Giang cũng như các tỉnh : Cần-Thơ, Sa-Ðéc, Vĩnh Long ... Ngoài ra, ở : Bình Ðức, Bình Nhựt, Long Phú, Thạnh Phú, Phước Tỉnh, Long Hiệp, Tân Bửu, Mỹ Yên ... thuộc Tỉnh Long-An và còn có huyện Phù Cát thuộc Tỉnh Bình Ðịnh ... Khi ra hải ngoại, tại Hội-Quán PGHH cũng cúng giỗ Quan Thượng Ðẳng Ðại Thần Nguyễn-Trung-Trực vào ngày 28-8 âl và vía Ðức Phật Thầy Tây An vào ngày 12-8 âl hằng năm. Bởi vì, đồng bào rất tin tưởng và kính trọng Ông Nguyễn-Trung-Trực, cho nên có những gia-đình còn thờ riêng trong nhà như thờ Ông Bà Cha Mẹ vậy.
Thông thường vào các lễ cúng đình thần Ông Nguyễn-Trung-Trực ở Rạch-Giá, mọi người chen nhau đến thắp nhang để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc thật đôngđảo có năm lên đến trên 200.000 người. Người ta mang tiền, trái cây, gạo, rau cải ... Nói tóm lại cái gì có thì mang đến cúng cũng được, rồi cùng nhau tay trong tay góp phần cho ngày giỗ trọng đại này. Trong ngày lễ chánh cúng đình không nhứt thiết ở Rạch Giá mà cùng khắp mọi nơi thường được các bô lão mặc áo dài khăn đóng để cúng lạy thần như dưới đây :

Ảnh thân phụ của tác giả mặc áo dài khăn đóng

để cúng đình thần hằng năm

Cho RG_3


Hơn nữa, trong dịp cúng đình thần hằng năm ban tổ chức thường mời gánh hát bộ để hát cúng thần và để cho dân chúng xem, có nơi còn dùng xe hoa để biểu diễn hoặc đón rước ấn linh thần như dưới đây :

Ðược biết, tại đình thần Ông Nguyễn-Trung-Trực, hằng năm có tổ- chức ngoài giỗ lễ chánh vào ngày 28 tháng 8, còn có các ngày giỗ hay vía khác không kém phần quan trọng, xin trích dẫn như sau: Ông Phó Cơ Nguyễn-Hiền-Ðiều vào ngày 14 tháng Giêng - Vía Thần Nam Hải Ðại Tướng Quân vào ngày mùng 5 tháng 5 - Ông Phó Lãnh Binh Lâm-Quang-Ky vào ngày 12 tháng 5 - Lễ lập miếu và giỗ thân mẫu Ông Nguyễn-Trung-Trực vào ngày 16 tháng Chạp ...

Sau khi thăm viếng đình thần cũng là lăng mộ của Ông Nguyễn-Trung-Trực xong, nếu du khách trước kia là học sinh hay giáo-sư trường trung-học Nguyễn-Trung-Trực hay Nguyễn-Ðình-Chiểu, bởi vì hai trường này ở gần nhau, thì chúng ta có thể đi xe honda ôm để đến thăm ngôi trường cũ năm nào, vì nó không xa mấy. Hơn nữa, trước cổng đình thần có nhiều xe đang chờ để đưa chúng ta đi. Riêng cá nhân tôi, sau khi đến thăm trường Nguyễn-Trung-Trực này, tôi hoàn toàn xa lạ và buồn nhiều hơn vui, bởi vì nơi đây trước kia mấy chục năm tôi có dịp dạy, nay chỉ còn kỷ-niệm, các bạn đồng nghiệp, các học trò cũ của tôi không tìm được một ai cả, xem như tôi đến nơi này “ta với ta” thật xa lạ, khác nào tôi có dịp đi du-lịch đến một thành phố ở xứ người nào đó. Ðể lưu-niệm với ngôi trường này, tôi chỉ chụp một tấm ảnh như dưới đây:

Cho RG_4


Ảnh tác giả đứng trước cổng trường trung-học
Nguyễn-Trung-Trực vào Hè 2001để lưu niệm

Hoàn cảnh tôi trở về thăm trường Trung-Học Nguyễn-Trung-Trực cũ lần này, giống như Ông Hạ-Tri-Chương ngày xưa đã xa quê hương từ lúc còn ấu thơ và khi Ông trở về thăm lại cố hương thì tóc đã bạc phơ, tuy giọng nói cùng quê hương, nhưng lũ trẻ gặp lại Ông thì rất lạnh lùng xem như người xa lạ và chúng hỏi Ông từ đâu tới? mặc dù Ông là người xưa trở về thăm lại cố hương.
Ðó là tâm sự của Ông Hạ-Tri-Chương đã viết lại bài thơ, xin trích dẫn như sau :

Hồi Hương Ngẫu Thi
Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi,
Hương âm vô cải mấm mao thôi.
Nhi đồng tương kiến bất tương thức,
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai.

Trở về quê cũ ngẫu hứng làm thơ
Thuở nhỏ xa quê già trở lại,
Giọng nói còn đó tóc đã thay.
Trẻ thơ không biết nay xa lạ,
Cười hỏi ta như khách phuơng xa?


Nhân đây, để quý bà con đồng hương tìm hiểu thêm về tỉnh Kiên Giang, xin trích dẫn sơ lược như sau: Tỉnh Kiên Giang này, có Thị Xã Rạch Giá cách Sàigòn 297 km, có diện tích trên 5000 cây số vuông, phía Bắc giáp với Châu-Ðốc (An–Giang), phía Ðông giáp với Cần-Thơ, phía Nam giáp với Cà-Mau và phía Tây giáp với bờ biển thuộc Vịnh Thái Lai, bờ biển Kiên-Giang chạy dài từ Lục-Sơn (giáp ranh với nước Cao-Miên) đến tận gần mũi Cà-Mau (nằm cạnh cửa sông Ông Ðốc), có rất nhiều hòn và đảo như sau : Ðảo Phú Quốc là đảo lớn nhứt có diện tích 566 cây số vuông, có chiều dài khoảng 50km, chiều ngang chổ rộng khoảng gần 30 km, trên đảo Phú Quốc cũng có các núi như : Tà Lơn, Hàm Rồng, Chúa, Mắt Qủi ... nơi đây là một trong những trung tâm làm nước mắm danh tiếng để cung cấp trong nước và xuất cảng ra ngoại quốc. Ngoài đảo Phú-Quốc, chúng ta còn thấy đảo Thổ Châu là đảo nằm xa đất liền và gần hải phận quốc-tế, nơi đây có suối ngự, bến ngự (bởi vì, đảo này đã tiếp đón Chúa nhà Nguyễn trên đường lánh nạn, nên có địa danh mang tên ngự) và ở xung quanh đảo Thổ Châu, có nhiều hòn, đặc-biệt có hòn Nhạn đáng kể, bởi vì hòn này có vô số con chim Nhạn về làm tổ, rồi đẻ trứng và cung cấp phân cho nhà nông ở đất liền trồng trọt rất tốt. Hơn nữa, đảo này có vị trí rất tốt để thực hiện trung tâm du lịch vì có bãi biển đẹp và nơi đánh cá lý-tưởng, vì chưa khai thác hết cái tinh hoa của nó. Hơn nữa, dưới hòn đảo này còn có thể khai thác mỏ dầu nữa...
Bờ biển Kiên Giang còn có rất nhiều quần đảo như : Nam Du, Bà Lụa, Hải Tặc... và các hòn : Thơm, Nghệ, Mấu, Dọc, Ngang, Vang, Sử, Trọc, Sơn Rái, Roi, Heo, Tre, Phụ Tử... và dưới lòng biển còn có dãy đá ngầm, làm bờ biển giảm bớt sức sóng đánh vào, tạo nên lý tưởng cho các loại hải sản đến ẩn náo cùng sanh sản, nhờ vậy giúp cho ngành ngư nghiệp ở đây đánh được các loại cá như : Thu, Thiều, Mòi, Cơm ... Tôm Thẻ, Mực Trai, Hải Sâm, Bào Ngư ....
Tỉnh Kiên-Giang còn trồng được những cây trái danh tiếng như : Khóm ở Tắc Cậu, Mãn Cầu Dai ở hòn Tre, Tiêu ở Dương Ðông, Mít ở hòn Nghệ ... Ðặc biệt, ở Hà Tiên thuộc quận Kiên-Giang là nơi có rất nhiều thắng cảnh đẹp thiên nhiên, vì có sông, có núi và lại có hòn Phụ-Tử là nơi lý-tưởng cho khách du lịch đến du ngoạn, cho nên được Ông Mạc-Thiên-Tích làm tập thơ nói lên Mười Cảnh Ðẹp của Hà Tiên như sau : 1- Ðông Hồ Ấn Nguyệt 2.- Nam Phố Trừng Bạ 3.- Giang Thành Dạ Cổ 4.- Tiêu Tự Thần Chung 5.- Lư Khê Nhàn Ðiếu 6.- Lộc Trĩ Thôn Cự 7.- Bình Sơn Ðiệp Thúy 8.- Thạch Ðộng Thôn-Vân 9.- Kim Dự Lan Ðào và 10.- Châu Nham Lạc Nhạn (được biết trước kia Ông tên là Mạc-Thiên-Tứ sau đổi tên Mạc-Thiên-Tích tự Sĩ Lân, gốc người Trung Hoa, sanh năm Bính Tuất 1706, có nơi nói 1710?, con của Ông tổng binh Mạc-Cửu. Khi Ông Mạc-Cửu mất năm 1736, chúa Nguyễn-Phước-Trú, phong chức Ðô-Ðốc cho Ông để nối cơ-nghiệp Cha, nhờ vậy chúa Nguyễn mới lần lượt có thêm được phủ Tâm Bôn, phủ Lôi-Lạp (do vua Chân Lạp là Nặc Nguyên dâng) rồi đất Tâm-Phong-Long và 5 phủ : Hương Ứ¬c, Cần Bột, Trực Sâm, Sài Mạt, Linh Quỳnh (do vua Chân Lạp là Nặc Tôn dâng. Ngoài ra, Ông có hợp các văn nhân lập thành Chiêu-Anh-Các để cùng nhau xướng họa, vì thế mới có tập thơ Hà Tiên Thập Vịnh do Ông sáng tác, Ông mất năm Canh Tý 1780). Ở Hà Tiên còn có mai con Ðồi Mồi để chế tạo các món đồ trang sức cho phái nữ rất đẹp và có núi đá vôi và đất sét để chế biến ra xi-măng, cho nên nhà máy xi-măng Hà-Tiên được thành lập để cung cấp cho toàn quốc lúc bấy giờ .v.v.
Viết về Tỉnh Kiên-Giang còn nhiều lắm, không thể viết dài thêm nữa, xin tạm ngưng ở đây và trích dẫn hình ảnh của Hội thân hữu Kiên Giang (Rạch-Giá) ở Santa Ana Nam California đã tổ chức tưởng niệm anh hùng dân-tộc Nguyễn-Trung-Trực, được đăng vào đặc-san Xuân Nhâm Ngọ 2002 tặng tác-giả. Chúng ta đã đi thăm viếng các lăng mộ, đình và trường học bắt đầu từ Gia-Ðịnh đi Mỹ-Tho, nhân tiện ghé Bến-Tre và Gò-Công... về Cần-Thơ, đến Long-Xuyên, lên Châu-Ðốc, qua Rạch-Giá thuộc Nam Kỳ lục tỉnh, có di tích lịch-sử mang tên các danh nhân chống giặc Pháp trong hậu bán thế kỷ XIX, không khỏi bùi ngùi cho dân-tộc và quê-hương chúng ta lúc bấy giờ. (Sở dĩ, tác-giả khởi hành từ Gia-Ðịnh là để nhớ lại bài học thuộc lòng trước kia 21 tỉnh có những chữ đầu như: Gia (Gia-Ðịnh), Châu (Châu-Ðốc), Hà (Hà-Tiên), Rạch (Rạch-Giá), Trà (Trà-Vinh), Sa (Sa-Ðéc), Bến (Bến-Tre),Long(Long-Xuyên), Tân (Tân-An), Sóc (Sóc-Trăng), Thủ (Thủ Dầu Một), Tây (Tây-Ninh), Biên (Biên-Hòa), Mỹ (Mỹ-Tho), Bà (Bà-Rịa), Chợ (Chợ-Lớn), Vĩnh (Vĩnh-Long), Gò (Gò- Công), Cần (Cần-Thơ), Bạc (Bạc-Liêu) , Cấp (Vũng Tàu).

Switch mode views: