Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cuộc đời Thiếu Úy CSQG Lê Thị Xuân


Tôi, người chị cả trong gia đình có 8 người em, bố là Hạ sĩ quan Nhảy dù, mẹ tảo tần. Như những gia đình khác, cuộc sống bình thường, chúng tôi cũng được đến trường. Nhưng biến cố Tết Mậu thân, ba tôi phải giải ngũ vì bị thương nặng. Biến cố nầy lôi tôi ra khỏi học đường. Tôi gia nhập vào Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa phục vụ tại “Ban Thăng Thưởng và Thuyên Chuyển” thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa (BTL/CSQG/VNCH). Tuy thế, các em tôi vẫn được tiếp tục đến trường.


Đầu năm 1973, tôi gặp một Sĩ quan mới tốt nghiệp và được BTL/CSQ VNCH chọn về phục vụ tại BT/CSQG. Qua giao thiệp, anh cho biết đã làm đơn xin ra đơn vị. Theo hệ thống hành chánh, đơn của anh nằm trong hồ sơ xin trình ký của tôi. Đơn anh viết”Tình nguyện phục vụ trên toàn lãnh thổ VNCH”, gây trong tôi vài ý nghĩ. Tôi giúp anh ra khỏi BTL/CSQG.Thời gian sau, anh gởi thư cám ơn, nhờ vậy, tôi biết anh phục vụ tại một buôn trên cao nguyên, đó là vùng chướng khí, hầu hết là người Thượng, an ninh khá nguy hiểm. Tuy thế, anh vui lòng và không hối hận. Tin qua thư lại, cuối cùng chúng tôi là của nhau.


Đám cưới chúng tôi, anh về trước một ngày, hôm sau chúng tôi hưởng “Tuần trăng mật” nơi anh trú đóng, nhưng không có “tuần trăng mật “ vì đêm ấy, trận đánh diễn ra ngay nơi thị trấn nhỏ bé và heo hút nầy. Sáng sớm hôm sau, tôi gấp rút về lại Sài gòn. Đó là những ngày đầu tháng 12/1974. Từ đó, tôi sống trong lo âu hồi hộp, tin tức loan đi, thất lợi nghiêng về phía chúng ta.


Khoảng đầu tháng 3/1975 lâu lâu lại có dăm ba người tìm tôi với mấy dòng chữ của anh giới thiệu họ là những chiến hữu thuộc cấp, họ cần sự giúp đỡ của tôi. Còn anh, chưa thể về như những người lính nầy. Yêu nhau gần hai năm, đám cưới trong vội vàng, thời gian sống bên nhau được tính bằng phút, bằng giờ, rồi biền biệt xa nhau. Giữa tháng 4/75 anh trở về với vẻ hốc hác phong sương, chiếc chiến y sờn rách bạc màu.


Sáng 30/4/1975, ông Dương văn Minh ra lịnh đầu hàng, tôi khóc cho vận nước. Còn anh bất động đôi mắt đỏ, giọt nước mắt của anh lặng lẻ rơi.


Sáng ngày phải đi trình diện, anh lấy mấy chiếc áo tôi mua sẳn để đón chào đứa con đầu lòng, chính tay anh thêu tên đứa con yêu sắp chào đời. Anh dặn tôi chuẩn bị cho anh ít vật dụng và khi nghe tiếng súng cướp tù thì đừng kiếm, anh quyết định tham gia vào cuộc kháng chiến mới. Biết tính anh, biết những ước mơ của anh, tôi chấp nhận định mệnh với bao khổ nhục đang chờ. Tiếng súng cướp tù không có, anh và đồng đội của anh sẽ phải gánh chịu những nghiệt ngã.


Đến trại Suối máu được khoảng tuần lễ, bên nữ chúng tôi bị đưa về Thành Ông Năm, Hóc Môn do Đoàn 500 cộng sản quản lý. Trại chia làm hai khu cho nữ Sĩ Quan Cảnh Sát và Quân đội. Chúng tôi bị chia thành nhiều nhóm, tương đương trung đội gọi là B. Chen chúc trong một diện tích quá nhỏ hẹp, phải nằm nghiêng, chẳng có mùng mền nên chúng tôi trở thành những con mồi béo bở, nơi cung cấp máu cho đàn muỗi tham lam, say máu.


Lúc nầy, tôi đang mang thai vào tháng thứ 7, thai nhi lớn dần cần dinh dưỡng để phát triển. Dinh dưỡng không có, cơ thể tôi mất dần sức đề kháng, Đã thế, môi trường sống lại quá dơ bẩn. Thiếu đói, dơ bẩn , muỗi rệp cùng tấn công, không đủ nhu cầu, con tôi hờn lẫy đạp tứ tung, Đau đớn, đói, muỗi rệp, và thù hận ti tiện từ kẻ thù làm tôi đuối sức.


Cuối tháng 8/1975, tình trạng sức khỏe của tôi sa sút trầm trọng. Sợ trách nhiệm nếu tôi chết, Ban quản lý trại giam của cộng sản tạm tha với lý do ghi trong giấy: ” có thai sắp đẻ”.


Gia đình tôi phải dọn đi khỏi thành phố Sài Gòn để chấp hành lệnh “hồi hương lập nghiệp”. Gia đình thím tôi dọn lại về căn nhà nầy, chú tôi còn thất lạc. Quá yếu, tôi đành phải nán lại chờ ngày sinh đẻ. Đầu tháng 9/1975 đau chuyển bụng, tôi đến Bảo sanh viện Từ Dũ. Cháu bé đầu lòng của chúng tôi cất tiếng chào đời. Tủi mừng,hân hoan và oán hận trộn lẫn trong giòng suy nghĩ. Ráng gượng nhìn, biết cháu là gái, hao hao giống bố, rồi tôi bị băng huyết… ngất xỉu. Tỉnh dậy, máu ướt đẫm cả quần áo.Tôi bị đuổi khỏi bảo sanh viện ngay khi bị phát hiện lý lịch, dù trong tình trạng hiểm nghèo. 10 ngày sau, tôi tìm đường về với gia đình.

*

* *


Nơi gia đình tôi tá túc là mái lá xơ xác, dấu vết chiến tranh lưu lại, những hố bom, đạn, lựu đạn và mìn. Vì sự sống, người ta phải làm bạn với tử thần.Sức còn yếu, tôi lo cơm nước và chăm sóc các em để ba mẹ tôi có thời gian khai phá thêm đất canh tác. Cứ mỗi lần nghe tiếng nỗ, lòng tôi lại se thắt lo sợ. Tôi không thể làm gì hơn ngoài cầu xin các đấng thần linh che chở.


Một tháng sau, đang cho con bú; tôi nghe tiếng xuồng máy hướng về phía nhà chúng tôi cư ngụ, rồi tiếng la hét, tiếng chân chạy, nhà tôi bị bao vây. Tiếng lách cách lên đạn, tiếp đến là tiếng quát ra lịnh:


-Chị Lê thị Xuân, chấp hành mệnh lệnh sẽ được khoan hồng.


Chưa kịp kéo vạt áo xuống thì hai mũi súng đen đã áp sát. Tôi ghi vội mấy chữ cho gia đình biết, quơ theo vài vật dụng như tả lót, và ít áo quần. Tay bế con, vai tòn ten bị lát, hai mẹ con tôi đi giữa hàng súng lăm lăm. Chiếc tác ráng xé nước lao đi.


Tôi bị chở đến trại giam Đám Lát. Vì là người đàn bà duy nhất có con dại, nên tôi được nằm dưới nhà bếp. Những người bạn tù cho tôi mượn mấy tấm bao bố đựng gạo, tôi trải thêm cái khăn lông tắm còn đậm mùi mồ hôi của bố cho con nằm.


Chuyện vệ sinh của tù được giải quyết tại một đìa nước nhỏ. Khi nào thủy triều lên cao mới mong có chút nước từ sông cái tràn vào, vì vậy nước trong đìa là nước tù có nhiều phèn. Như bao nhiêu người tù khác, tôi đói vật vã, đói triền miên, lúc nào cũng thèm ăn, thèm từng hạt cơm rơi, từng chót mẩu khoai hà. Dinh dưỡng không có, môi trường sống dơ bẩn; tâm trạng luôn lo sợ, thương nhớ, và mong ước, tất cả tạo thành áp lực đè lên mạng sống, sức khỏe tôi sa sút theo từng ngày. Nhìn đứa con gái yêu quý, thoi thóp thở. Cháu bị nóng sốt gần như triền miên. Nụ cười trẻ thơ đã mất từ lâu trên môi mắt thơ dại, chỉ có tiếng khóc xé lòng vì đau đớn và đói sữa. Hệ lụy của dói vì thiếu sữa là toàn thân cháu bị những nốt đỏ như muỗi chích. Chiếc mùng lúc mang theo nay đã mục rách, những con muỗi tai ác vào được, hút máu trên những những hình hài èo uột và mong manh. Tôi không phân biệt được là vết muỗi chích hay dấu hiệu của tai ương. Đầu cháu sài lỡ, những nốt đỏ phồng to hơn và khi bị vỡ thì nước nhầy màu hồng nhạt chảy và cứ thế gần như trên thân cháu không còn nơi nào là không ghẻ lỡ. Móng tay móng chân cháu bị thối, và sứt lìa. Tôi chẳng làm gì được cho con ngoài những dòng nước mắt. Nhìn con, nhìn mình, toàn là tủi nhục. Tôi bất lực nhìn tử thần đang tiến sát với con. Dù biết hèn, nhưng phải tìm cách cứu con, tôi chịu nhục, hạ mình xin thuốc cho con. Đáp lại là nụ cười khẩy, ánh mắt thỏa mãn trả thù ti tiện, họ bịt mũi và xua đuổi mẹ con tôi ra xa. Có lẻ giọt lệ đã cạn hẳn, tôi nuốt uất hận và tình người vào sâu trong tiềm thức. Héo hắc, ôm con vào lòng, thương nhớ chồng vô hạn, tôi thầm hứa sẽ không bao giờ xa con. Tôi sẽ vĩnh viễn giả từ cuộc đời nầy với con nếu con tôi không còn đủ sức chống chọi với nghiệt ngã, âu đó cũng là phương cách để chúng tôi được bên nhau. Lưỡi hái tử thần vẫn thường đến thăm, cái chết đối với chúng tôi chỉ còn là vấn đề thời gian.


Bất ngờ, tuần lễ trước ngày cộng sản gọi quốc khánh. Một toán người đi ngang chỗ mẹ con tôi. Mùi hôi từ chúng tôi khiến họ khó chịu. Họ gọi tôi đến hỏi vài câu và mấy hôm sau, mẹ tôi được tha ra khỏi trại giam.

Me con


Tôi bồng con khấp khễnh trên con đường khấp khễnh đến tương lai. Một năm qua, kể từ ngày mẹ con tôi bị bắt lại, căn nhà như xiêu vẹo hơn. Ba Mẹ tôi vẫn phơi mình giữa cơn nắng gắt kiếm miếng ăn cho các con. Các em tôi chẳng biết đi đâu. Căn nhà vắng nhưng nồng ấm lạ thường.


Lấy lại được sức khỏe, tôi bế cháu về Sài gòn thăm bà mẹ chồng, và tìm cách bế con thăm chồng. Nhưng, mẹ chồng tôi đã về bên kia cõi sống. Thắp nén nhang, bế con trên tay vái lạy bà nội, nước mắt tôi thấm ướt vai áo con. Cháu bé ngây thơ nhoẽn miệng cười. Trở lại căn nhà ba mẹ tôi ngày xưa, thím tôi cho biết tin về chú, tôi nhận được mấy lá thư của chồng tôi mà thím nhận được đã khá lâu. Tôi đắn đo rồi viết thư báo anh biết tin buồn, người Me yêu kính của anh đã vĩnh viễn xa anh . Những giọt lệ thấm trên trang giấy.


Sau một năm chắc mót tiện tặn, tôi bế con ra thăm anh với ít quà. Gần một năm, không nhận được thư anh, ruột tôi như lửa đốt, tôi dắt con tìm ra trại cũ. Được biết anh đang bị cùm, kỷ luật, tôi lại khóc. Thức ăn thăm nuôi tôi nhờ các chị cũng thăm nuôi chồng chuyển lại cho những anh thiếu điều kiện.


Không gặp được chồng, tôi buồn lắm, nhưng tôi không là bất ngờ vi tôi hiểu anh, tôi không phiền trách anh, trái lại lòng tôi có chút ít nhè nhẹ của sự tự hào về tư cách của chồng . Nhìn con ngủ trong vòng tay, lại thêm nhớ thương.


Sau lần bị cùm, anh chuyển trại, và cùng chung trại giam với chú tôi. Chú tôi được tha về năm trước. Chú cho biết những chuyện trong tù và ngầm cho biết chồng tôi là một trong những người khó có ngày về.

*

* *


Đời tôi, trời dành cho nhiều bất ngờ. Một bưổi chiều, tôi nghe tiếng máy chiếc tàu đò cặp trước bến nhà. Tôi thấy chú tôi lên trước, đưa tay cho một người khác bước lên theo. Ôi, chồng tôi đó! chồng tôi đó sao?.Từ cõi chết, chồng tôi đã trở về!? Tôi chẳng còn thấy gì nữa. Không gian vần vũ rồi bất động. Không gian bất động hay chính tôi bất động?. Tôi muốn chạy đến ôm người chồng còm cõi, nhưng chân tay tôi không nhấc lên được. May quá cảm xúc điếng người ấy thoáng qua khi anh ôm lấy người tôi. Tôi nhìn anh, mắt anh vẫn khô ráo, nhưng dường như có một ngấn lệ lạc loài trong tận cùng của hốc mắt.


Ngày bố đi tù ,con còn trong bụng mẹ. Ngày bố về con đã lên tám. Cháu đã chịu ngồi trên chân bố. Nhìn hai cha con, tôi thấy bóng dáng hạnh phúc đang trở về.


Công an xã cho biết, chồng tôi phải lập sỗ trình diện và phải trình diện công an xã mỗi buổi sáng. Không được ra khỏi xã nếu không có giấy phép. Bất cứ lúc nào cũng phải có mặt nếu có lịnh gọi. Mỗi năm phải đóng 26 ngày công lao động xã hội chủ nghĩa, và phải tự túc mọi thứ từ cơm ăn thức uống thuốc men và cả dụng cụ lao động.


Ban ngày anh đi làm mướn, tối lén ra chợ Sa Đéc làm phu khuân vác. Sức khỏe của anh vơi dần theo tỷ lệ ngược với đồng tiền kiếm được, cuối cùng anh gục ngã vì bạo bịnh. Phổi bị khô nước, tim bị lệch, sạn thận, bao tử, sán lải ùa vào tấn công anh. Không còn tiền, tôi đành đau đớn nhìn anh và chờ đợi tai họa xảy đến. Nhưng lại thêm một bất ngờ, Người chị cả của anh thất lạc từ ngày anh lọt lòng mẹ. Biền biệt không tin tức. Trước đây anh có kể về chị, và anh có gặp được chị một lần khi lén công an xã ngược xuôi chèo mướn. Anh hẹn sẽ đem mẹ con tôi về thăm chị. Rồi anh bị bịnh, lời hứa kia chẳng làm sao thực hiện. Chờ lâu quá, chị tìm thăm chúng tôi. Gặp nhau trong cảnh ngộ có bóng tử thần lấp ló. Chị bao ghe và chở anh về nhà chị chạy chữa. Nhờ tận lực, chị đã giành được mạng sống của anh.


Đây là lần thứ hai, anh đứng dậy, xoay lưng với tử thần. Gia đình chúng tôi lấy lại sinh khí, tôi sinh cháu bé thứ hai và cũng là cuối cùng. Anh hết chèo ghe mướn, hết làm thuê, qua làm nghề thú y, chích dạo, làm thủ kho lò đường. Còn tôi, từ sạp bán đồ tạp hóa, thành cửa hàng bán vải, thuốc tây, dụng cụ học sinh, rồi nơi cung cấp hàng may sẳn. Đời sống sáng dần, chúng tôi trả lại nụ cười cho các con. Nhưng không may lại đến. Chính quyền xã không cho phép chồng tôi dạy Anh ngữ, tiệm thuốc tây phải dẹp, cửa hàng vải và may mặc bị trưng thu vào hợp tác xã. Họ buộc chồng tôi phải nhận những trách vụ họ giao như Kế toán tập đoàn, phó chủ nhiệm Hơp tác xã…, chồng tôi khôn khéo từ chối, không cộng tác. Chúng tôi dự tính về lại Sài gòn thì có tin hồ sơ xin tỵ nạn chính trị đã được chấp thuận và chúng tôi được gọi phỏng vấn.

*

* *


Bây giờ, đoạn trường cơ cực qua. Ngẫm lại những gì chúng tôi có được là nhờ NGƯỜI và do chính mình.


Chữ Người mà tôi muốn nói là chữ NGƯỜI viết hoa. Những con người đầy ắp tình Người. Những NGƯỜI đã chia nửa trái tim cho những phận người đang bị bàn tay sắt đẩm máu của cộng sản bóp nghẹt. Xin cám tạ những con NGƯỜI cao đẹp nầy. Chúng tôi sẽ học và theo chân quý vị, Xin được xem đó như là lời cám ơn của chúng tôi với quý vị.


Chữ NGƯỜI nầy cũng xin kính gởi những NGƯỜI lính chiến Quân Lực VNCH, những chiến sĩ CSQG/VNCH, những cán bộ bán võ trang…,đã bỏ cả thời thanh xuân, vào chốn tử sinh để bảo vệ quê hương, an bình cho xã hội, trong đó có chúng tôi. Vào tù, các anh vẫn khẳng khái và khí tiết, chúng tôi được hãnh diện là em của các anh, là vợ của một chiến hữu của các anh trong đại gia đình chiến sĩ Quốc Gia. Hãnh diện không phải vì cái tên trại tù A20 nơi giam nhốt chồng tôi, mà vì trại giam A20, trại trừng giới A20, trại kiên giam A20, thung lung tử thần A20, nơi cộng sản lập ra với mục đích đánh cướp nhân cách, hèn hóa các anh. Nhưng các anh đã giữ được nhân cách và tiết tháo. Xin nghiêng mình chúc mừng các anh đã chiến thắng! A20 nói riêng và những trại giam tù chính trị, giam những chiến sĩ Quốc Gia, những Sĩ Quan của Quân Lực VNCH và của CSQG…nghĩa là những người đoạt được vinh quang chiến thắng từ máu lệ lầm than khắc nghiệt. Các anh là những đứa con yêu, những đứa con hiếu hạnh với Mẹ Việt Nam, người chồng đáng cho chị em chúng tôi khâm phục, là người cha gương mẫu. Các anh đã tuyệt vời trong mọi cảnh ngộ.


Các anh, vốn được đào tạo trong nền giáo dục nghiêng về đạo đức, khí tiết. Cuộc đời của các anh, những chiến binh VNCH đã sống trọn vẹn cho DANH DỰ - TỔ QUỐC – TRÁCH NHIỆM. Những tôn chỉ thiêng liêng đó trở thành tâm điểm, là thước đo giá trị làm người của các anh. Nhờ ý thức về Danh Dự - Tổ Quốc – Trách Nhiệm, các anh đã chiến thắng trên chiến trường và chiến thắng trong ngục tù nghiêt ngã của bạo tàn cộng sản. Hôm nay dù mái tóc trắng màu sương tuyết, các anh vẫn mĩm cười và vẫn cứ như thế hiên ngang đi vào thế trận mới, vẫn quyết tâm tranh đấu cho quê hương, vẫn quyết tâm bảo vệ giống nòi.


Trân trọng kính chào và kính chúc hạnh phúc đến với gia đình các anh chị.

 


Lê thị Xuân


(Cựu nữ Thiếu Úy CSQG/VNCH)

TQ DD_TrachNhiem

Switch mode views: