Trả đũa kinh tế : Con dao hai lưỡi đối với Bắc Kinh
- Thứ Tư, 22 tháng Giêng năm 2014 19:00
- Tác Giả: Đức Tâm
Trung Quốc hạn chế nhập khẩu cá hồi để trả đũa việc Na Uy trao giải Nobel cho ông Lưu Hiểu Ba - REUTERS /Heiko Junge
Là cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới, Trung Quốc tìm cách đánh bóng hình ảnh, tạo dựng uy tín như là một « cường quốc có trách nhiệm » trên sân khấu chính trị quốc tế và củng cố ảnh hưởng của mình trong lĩnh vực văn hóa thông qua mạng lưới rộng lớn các viện Khổng Tử được đặt tại nhiều quốc gia.
Thế nhưng, theo nhận định của giới chuyên gia, chiến lược này có nguy cơ thất bại do các biện pháp trả đũa kinh tế, thể hiện sự hẹp hòi, ti tiện của Bắc Kinh, nhắm vào các nước nhỏ bé có lập trường trái ngược hoặc gây khó chịu cho Trung Quốc.
Từ ba năm qua, Na Uy là nạn nhân của sự bực tức của Trung Quốc, sau khi giải Nobel Hòa bình được trao cho nhà ly khai Lưu Hiểu Ba, hiện vẫn ở trong tù, trong khi đó, quyết định trao giải thưởng hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Oslo.
Bắc Kinh không cần quan tâm đến điều này và đã thẳng tay trả đũa qua việc quyết định ngăn chặn các nhập khẩu cá hồi từ Na Uy. Trước đây, cá hồi Na Uy chiếm 92% thị phần Trung Quốc. Năm ngoái, tỷ lệ này tụt giảm xuống còn 29%.
Mặt khác, Trung Quốc còn hủy bỏ chuyến lưu diễn của một đoàn ca nhạc kịch Na Uy trong đó có ca sĩ trẻ Alexander Rybak, người đoạt giải thưởng ca nhạc truyền hình châu Âu Eurovision năm 2009. Đồng thời, công dân Na Uy không được cấp giấy phép quá cảnh 72 giờ vào Trung Quốc.
AFP dẫn lời bình luận của ông Phil Mead, một doanh nhân Anh tư vấn cho các doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn tại Châu Âu : « Các thủ đoạn dọa nạt này là đặc trưng của cách hành xử thụ động-hung hăng », làm cho Bắc Kinh « có vẻ đê tiện và thâm độc ».
Philippines, nước đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc, cũng là nạn nhân của thủ đoạn này.
Sau trận bão Haiyan khủng khiếp tàn phá Philippines, hồi tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc lúc đầu thông báo trợ giúp 100 000 đô la, một con số quá nhỏ đến mức không thể tưởng tượng nổi, đối với một cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới.
Do bị chỉ trích mạnh mẽ, thậm chí từ công luận trong nước, Bắc Kinh nâng mức trợ giúp lên 1,8 triệu đô la. Tuy vậy, con số này vẫn quá thấp so với mức viện trợ hàng chục triệu đô la đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Trước đó một năm, căng thẳng do tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Bắc Kinh và Manila đã dẫn đến việc Trung Quốc áp đặt một loạt các biện pháp hạn chế nhập khẩu chuối của Philippines, viện cớ là tìm thấy dấu vết các hóa chất diệt cỏ độc hại trong một số lô hàng. Ước tính thiệt hại của Philippines trong vụ này lên tới 23 triệu đô la.
Theo giới quan sát, ngoài vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo, lãnh thổ, những « lằn ranh đỏ » mà Bắc Kinh đề ra để trả đũa kinh tế, còn liên quan đến một số chủ đề « nhậy cảm » như quy chế của Đài Loan, vùng tự trị Tân Cương, nơi có đông dân Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc, hoặc tất cả những gì liên quan đến lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, đang sống lưu vong.
Giáo sư James Reilly, chuyên gia về chính trị khu vực Bắc Á, tại Đại học Sydney, Úc, nhấn mạnh là Trung Quốc rất quan tâm đến hoạt động của Giải Nobel Hòa bình, Đức Đạt Lai Lạt Ma, đặc biệt là các chuyến công du của Ngài.
Thậm chí, các nhà nghiên cứu Đức trong năm 2010, còn tính được cả « hiệu ứng Đạt Lai Lạt Ma » : Đối với những nước mà giới lãnh đạo tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma, thì xuất khẩu của họ sang Trung Quốc bị giảm trung bình là 12,5% trong hai năm sau đó.
Năm 2009, cộng hòa Palau, một quần đảo trên Thái Bình Dương, đã chấp nhận đón 6 người Duy Ngô Nhĩ, vốn bị giam giữ ở Guantanamo, được Hoa Kỳ trả tự do. Bắc Kinh có phản ứng tức thời : Dự án xây dựng khu nghỉ mát trên 100 phòng với sự tham gia của nhà đầu tư Trung Quốc, đã bị đình hoãn vô thời hạn.
Ngay cả báo chí Trung Quốc cũng phải thừa nhận là cách hành xử nhỏ nhen như vậy đã làm xấu đi hình ảnh quốc gia. Theo một cuộc thăm dò, hỏi ý kiến 14 400 người tại 14 nước được Hoàn Cầu Thời Báo đăng tải, thì có 29% cho rằng Trung Quốc có thái độ « hiếu chiến » trong các các vấn đề quốc tế.
Giáo sư Joseph Nye, đại học Havard Hoa Kỳ, cho rằng Bắc Kinh không có được một tầm nhìn rõ ràng về tác hại của những hành động mà họ tiến hành : Trung Quốc có xu hướng giới hạn quyền lực mềm trong lĩnh vực văn hóa thay vì tính tới việc mở rộng quyền lực này trên các địa hạt khác.
Related news items:
Tin mới
- Vừa khai mạc, hòa đàm Genève về Syria có nguy cơ thất bại - 24/01/2014 23:15
- Ai Cập bị một loạt khủng bố một ngày trước kỷ niệm cách mạng dân chủ - 24/01/2014 21:06
- Tòa án Bảo hiến Thái không thay đổi ngày bầu cử - 24/01/2014 17:15
- Trung Quốc “xuất khẩu” không khí ô nhiễm sang Mỹ - 24/01/2014 17:10
- Target cắt 475 việc làm ở tổng hành dinh - 23/01/2014 21:54
- Chuẩn bị Genève 2 : Đặc sứ LHQ họp kín với đại diện Syria - 23/01/2014 21:47
- Iran sẵn sàng đảm bảo năng lượng cho thế giới - 23/01/2014 21:41
- Abe cảnh cáo trước nguy cơ châu Á leo thang trong cuộc chạy đua quân sự - 23/01/2014 21:28
- Hàn Quốc theo dõi sát các động thái quân sự Bắc Triều Tiên - 23/01/2014 17:24
- Hạm đội Thái Bình Dương quan ngại về Bắc Triều Tiên - 22/01/2014 19:43
Các tin khác
- Bất chấp tình trạng khẩn cấp, biểu tình tiếp diễn ở Bangkok - 22/01/2014 18:49
- Luật gia Lê Hiếu Đằng từ trần - 22/01/2014 18:41
- Tập Cận Bình không gặp Shinzo Abe tại Sotchi - 21/01/2014 22:49
- Mỹ muốn cử đặc sứ đến Bình Nhưỡng thương lượng trả tự do cho công dân Mỹ - 21/01/2014 22:43
- Tình trạng khẩn cấp được ban hành tại Bangkok - 21/01/2014 22:39
- Chủ Hồng Kông ngược đãi người giúp việc nhà Indonesia - 21/01/2014 22:33
- Ban Ki Moon rút lại lời mời Iran dự hội nghị Genève 2 - 21/01/2014 22:14
- Jakarta bắt 2 nghi phạm âm mưu khủng bố - 21/01/2014 21:56
- Viện bào chế Mỹ thu hồi thuốc nhỏ mắt Rohto làm tại Việt Nam - 21/01/2014 17:44
- Phái viên LHQ lo ngại về lời lẽ chống VN - 20/01/2014 19:28