Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tổng thống Rohani, nhân vật bung xung trong cuộc đấu đá chính trị nội bộ Iran

tt Iran Rohani

Tổng thống Iran Rohani lúc trả lời phỏng vấn đài truyền hình ở Teheran, ngày 6/08/2018.
IRANIAN PRESIDENCY / AFP

Mỹ tái áp dụng trừng phạt, kinh tế Iran điêu đứng, người dân bất bình.
Do vậy, cần phải tìm ra kẻ bung xung, hứng chịu trách nhiệm về tình trạng này.

Tổng thống Hassan Rohani là đối tượng « hoàn hảo » trong cuộc đấu đá nội bộ trên chính trường Iran hiện nay. Và kịch bản này đang từng bước được thực hiện.

Ngày 26/08/2018, Nghị Viện Iran quyết định bãi chức bộ trưởng Kinh Tế - Tài Chính, Massoud Karbassian.
Đầu tháng Tám, bộ trưởng Lao động cũng đã bị Nghị Viện bãi nhiệm.

Như vậy, chỉ trong vòng có vài tuần, ông Rohani đã bị mất đi hai nhân vật thân cận là bộ trưởng Kinh Tế - Tài chính và bộ trưởng Lao Động.
Một người thân cận khác là bộ trưởng Công nghiệp - Giao thông có nguy cơ chịu chung số phận như hai đồng nhiệm trước.

Chưa có lúc nào vị thế của tổng thống Iran lại bị lung lay mạnh như lúc này.
Sự kiện chưa từng thấy, hôm nay 28/8, ông Rohani phải ra điều trần trước Nghị Viện.

 Nguyên thủ Iran bị chỉ trích quản lý kinh tế yếu kém : đồng tiền bị mất giá thê thảm, nạn thất nghiệp, tham nhũng…
Ngoài xã hội, người dân xuống đường rầm rộ, phản đối tổng thống thất hứa, không cởi mở xã hội dân sự và đời sống kinh tế ngày càng khó khăn.

Tổng thống Rohani giờ như trong tình thế « tứ bề thọ địch ».
Trên đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI, chuyên gia Vincent Eiffling, Trung tâm Nghiên cứu Khủng hoảng và Xung đột Quốc tế, trường đại học Công giáo Louvain, tại Bỉ, cho rằng chính quyết định của tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái lập các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran đã đẩy ông Rohani vào tình thế khó khăn như hiện nay.

« Cuộc đọ sức luôn luôn diễn ra giữa một bên là phe cải tổ, hay đúng hơn là phe ôn hòa, với biểu tượng là tổng thống Rohani và bên kia là phe bảo thủ trong chế độ, nhất là về vấn đề hạt nhân Iran.
Cụ thể là Cộng Hòa Hồi Giáo Iran cần phải có chính sách ra sao ?
Tổng thống Rohani thiên về việc bình thường hóa quan hệ với phương Tây.

Ngược lại, phe bảo thủ đã lo ngại và vẫn luôn luôn lo ngại là việc bình thường hóa này sẽ đe dọa chế độ, thậm chí đe dọa sự sống còn của Cộng Hòa Hồi Giáo Iran.
Donald Trump đã tạo cớ cho phe bảo thủ Iran củng cố lập luận của mình.
Do vậy, ông Rohani rơi vào tình thế bị kìm kẹp, trên đe dưới búa, giữa một bên là Donald Trump, được coi là biểu tượng của búa và bên kia là phe bảo thủ, có thể coi là đe. »

Giờ đây, nền kinh tế bị suy sụp. Những chính khách cấp tiến và một bộ phận dân chúng, những người đã từng đưa ông Rohani lên nắm quyền vào năm 2013, bắt đầu mất dần hy vọng.
Trong bối cảnh đó, các phe phái tại Iran tập trung chĩa mũi dùi vào tổng thống Rohani.

 Chuyên gia Vincent Eiffling giải thích :
« Thực ra, Hassan Rohani bị coi là một nhân vật bung xung hoàn hảo.
 Ông chủ trương một đuờng lối mới trên chính trường Iran nhưng chủ trương này không thành vì chính sách đối nội và đối ngoại của Iran gắn bó chặt chẽ với nhau.

Vả lại, có nhiều lý do khác giải thích sự thất bại của chủ trương này. Cần phải có giải thích, cần phải tìm ra một người để quy trách nhiệm và hứng chịu các chỉ trích, phê phán của người dân, của giới tinh hoa, của giới chính trị gia, tôn giáo và quân sự trong vụ này. Do vậy, Hassan Rohani trở thành kẻ bung xung.

Ngoài ra, tại Quốc Hội Iran, trong những tháng gần đây, đã có hiện tượng trở cờ.
Một số dân biểu đã đắc cử dưới danh nghĩa chính trị gia ôn hòa. Giờ đây, họ lại đứng về phe bảo thủ trong các cuộc bỏ phiếu chống lại Hassan Rohani và phe cánh của ông. »

Theo như nhận định của nhà báo phân tích chính trị Fereshteh Sadeghi, làm việc tại Teheran, được AFP trích dẫn :
 « Ông (Rohani) không thể làm được gì. Ông bị trói tay rồi. Giờ đây, tất cả các phe phái tập trung vào thời điểm 2021 ». Đó là năm Iran bầu cử tổng thống.

Switch mode views: