Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Triều đại « Lệnh Hòa » và những thách thức cho tân vương Naruhito

japan emperor 5

Nhật hoàng Naruhito và hoàng hậu Masako ngay sau lễ đăng quang tại hoàng cung ở Tokyo.
Kyodo/via Reuters

 

Ngày 01/05/2019, Nhật Bản chính thức bước vào một triều đại mới « Lệnh Hòa ».
Kể từ nửa đêm (theo giờ Nhật Bản), nhật hoàng Akihito, sau 30 năm trị vì, chính thức thoái vị. Hoàng thái tử Naruhito, con trai trưởng, trở thành tân vương Nhật Bản.

Naruhito sẽ là hiện thân cho « biểu tượng Quốc Gia và Đoàn Kết dân tộc ».

 Nhưng ông là ai, là một người như thế nào ? Những thách thức nào đang chờ đón vị tân vương ? Nhiều câu hỏi đã được đặt ra vì người ta biết rất ít về Naruhito.

Ở tuổi 59, Naruhito được trao thanh gươm và châu báu – những « báu vật thiêng », và chính thức lên ngôi hoàng đế Nhật Bản, đời thứ 126.
Triều đại Bình Thành (Heisei) như vậy đã khép lại, khai mở một triều đại mới Lệnh Hòa (Reiwa), nghĩa là « Hài hòa » và « Tươi đẹp ».

« Cha nào, con nấy », liệu rằng câu nói này có thể đúng đối với tân vương hay không ?
Từ vóc dáng cho đến cả tính cách và cách điều hành việc nước ?
 

Là một người kín đáo, liệu tân vương có được tầm vóc như cha mình để hiện đại hóa thể chế có nghìn năm tuổi đó ?
 Naruhito từng cam kết mang lại cho hoàng triều một tầm mức quốc tế, khi nhắc lại rằng vợ và bản thân ông từng đi học ở nước ngoài.

Trả lời câu hỏi nhà báo Heike Schmidt ban tiếng Pháp đài RFI, Philippe Mesmer, phóng viên thường trú của báo Le Monde tại Tokyo chuyên về đời sống chính trị Nhật Bản, nhận xét :
« Đó là một người được cho là thông minh, tinh nhanh, nhưng ông là người Nhật Bản, nên được nuôi dưỡng trong khuôn khổ nghiêm ngặt của hoàng gia.
 Do vậy, tôi nghĩ là nếu Naruhito muốn thúc đẩy, tạo ra những thay đổi trong phương cách vận hành thể chế hoàng gia, thì điều đó sẽ được thực hiện theo cách của người Nhật, nghĩa là từng bước nhỏ một, dần dần như cách làm của cha ông ».

Yêu thích môn quần vợt, đi bộ và chơi đàn alto, Naruhito, sinh ngày 23/02/1960, là vị hoàng tử đầu tiên có đặc quyền được nuôi dưỡng và lớn lên dưới cùng mái nhà với cha mẹ, chứ không như cha của ông, Nhật hoàng thoái vị Akihito bị giao cho người quản gia và gia sư dưỡng dục khi còn nhỏ.

Naruhito cũng là vị hoàng tử đầu tiên được đi du học ở nước ngoài.
Ông từng có hai năm đào tạo tại đại học Oxford và viết một luận án về dòng sông Thames thế kỷ XVIII.
Sông Thames, là vì ông yêu thích nước, các dòng sông và những con đường thủy.
Đó cũng là cách để ông thoát khỏi những sự gò bó của hoàng gia.
Rồi khi về nước, ông tham gia nhiều vào những hội nghị quốc tế về việc cấp nước cho tất cả mọi người.

Phê phán chủ nghĩa quân phiệt

Nhưng bên cạnh đó, Naruhito còn có một niềm đam mê khác : đó là lịch sử.
Cũng giống như cha, Naruhito chủ trương hiếu hòa và điều này đã được ông khẳng định nhân sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày chấm dứt Đệ Nhị Thế Chiến.

Guibourg Delamotte, giảng viên ngành khoa học chính trị chuyên nghiên cứu về Nhật Bản trường INALCO cho rằng chủ trương này vẫn sẽ được Naruhito tiếp nối :
« Nhân dịp sinh nhật lần thứ 55, Nhật hoàng đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải duy trì ký ức lịch sử, nhìn thẳng vào lịch sử với thái độ khiêm tốn.
Tư tưởng chủ hòa này làm hài lòng rất nhiều người dân Nhật Bản, theo đó, toàn nước Nhật thừa nhận lịch sử, thừa nhận nỗi đau khổ của người dân Nhật cũng như trách nhiệm đối với lịch sử bao gồm cả thời kỳ quân phiệt. Do vậy, tân hoàng đế Naruhito phải đi theo hướng này. »

Câu hỏi đặt ra : Naruhito có đủ khôn khéo để tiếp tục đi theo con đường này của cha hay không ? Một con đường ghập ghềnh khó đi, mà chính bản thân hoàng đế thoái vị cũng phải rất khéo léo trong cách thể hiện quan điểm của mình trước những người bảo thủ mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc, mà chính phủ thủ tướng Shinzo Abe là một ví dụ điển hình.

Nhà báo Philippe Mesmer đánh giá đây sẽ là một nhiệm vụ khá tế nhị cho tân vương :
« Phạm vi hoạt động của ông rất là hạn hẹp. Bình thường ra, ông không thể xen vào các cuộc tranh luận chung, do vậy cha của ông đã chọn cách nhấn mạnh đến vấn đề hòa bình như đến thăm các địa điểm xung đột, cầu nguyện cho các nạn nhân của xung đột, cầu nguyện cho các nạn nhân, đồng thời kêu gọi hòa bình một cách có hệ thống.

Đó chính là cách thức để ông truyền đi thông điệp hiếu hòa. Nếu ông muốn đưa ra một thông điệp chính trị, ông sẽ làm nhưng theo một cách rất là khôn khéo ».

Gần gũi dân : Cách làm chính trị của Nhật hoàng

Năm 2004, Naruhito đã có một cuộc cách mạng nhỏ trong hoàng cung.
Ông chỉ trích các nghi thức hoàng gia đã bóp nghẹt cá tính của Masako, vợ ông – một nhà cựu ngoại giao xuất sắc.
Áp lực phải có con trai để nối dõi ngai vàng đã khiến thái tử phi rơi vào trầm cảm.
Dù vậy, ông cũng lên tiếng trấn an mọi người rằng Masako sẽ dần hoàn thiện được vai trò của một hoàng hậu.

Liệu rằng cặp đôi tân vương này có thể chiếm lĩnh được tình cảm của người dân Nhật Bản như cha và mẹ ông đã làm được hay không ?
Trong lễ đăng quang, Naruhito cam kết chia sẻ « nỗi khổ » và « niềm vui » với người dân Nhật Bản.
Đây cũng là những gì cựu hoàng Akihito và bà Michiko từng làm khi đến thăm nạn nhân của vụ thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011.

Theo như quan điểm của ông Mickael Prazan, tác giả nhiều tập sách về Nhật Bản, đây cũng chính là những thách thức dành cho Naruhito và Masako :
« Hoàng đế thoái vị, tức cha của tân vương Naruhito, thường hay có mặt khi cần thiết và có những phát biểu công khai trước ống kính truyền hình, do vậy ông rất được lòng dân.

 Sự gần gũi với dân là một trong những chức năng hay nói đúng hơn là chức năng chính của hoàng đế Nhật Bản.
Hoàng đế ngày nay không còn là hoàng đế của nước Nhật nữa, mà là hoàng đế của tất cả người dân Nhật, giống như vào thời kỳ Cách Mạng Pháp, vua nước Pháp trở thành vua của tất cả người dân Pháp ».

Switch mode views: