Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Pháp sẽ ngừng nhập 7 loại hàng để chống nạn phá rừng

foret indonesie-2

Đốt rừng để lấy đất trồng cọ tại Indonesia. Ảnh chụp tại tỉnh Rieu, ngày 1/2/2018.WAHYUDI / AFP

Pháp công bố chiến lược ngưng nhập khẩu 7 loại hàng hóa để ngừng tiếp tay cho nạn phá rừng ;
Trung Quốc gia tăng áp lực buộc các mạng xã hội siết chặt tự kiểm duyệt ;
tổng thống Mỹ ủng hộ một dự án cải cách tư pháp của lưỡng đảng trong Quốc Hội - quyết định được đánh giá là bước ngoặt lớn ;
một cuốn tiểu thuyết phơi bầy đời sống khó khăn của thanh niên miền đông nước Pháp đoạt giải văn học Goncourt.

Trên đây là các chủ đề chính của tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Không phải nạn phá rừng bất hợp pháp, mà nạn phá rừng vốn được coi là hợp pháp là đối tượng tuyên chiến của chính phủ Pháp.
Theo chiến lược được công bố hôm 14/11/2018, nước Pháp từ đây đến năm 2030 sẽ ngừng nhập khẩu hoàn toàn các sản phẩm nông nghiệp hay lâm sản, có nguyên liệu do phá rừng mà có (nạn « déforestation importée »).

Bảy mặt hàng đầu tiên bao gồm đậu tương, dầu cọ, thịt bò - da, cacao, mủ cao su, gỗ, bột giấy.
Kể từ năm 2020, sẽ mở rộng danh sách đối với các mặt hàng khác như cà phê, bông, đường mía, ngô, khoáng sản các loại… (mời xem thêm : «Indonesia : Bảo vệ rừng hay công nghiệp dầu cọ?»).

Quốc gia đầu tiên trên thế giới

Trong thập niên vừa qua, bất chấp nhiều nỗ lực quốc tế, diện tích rừng bị mất hàng năm vẫn lên đến dăm bảy triệu hecta (1).
Không thể chấm dứt việc diện tích rừng bị thu hẹp, nếu không nhắm vào tận gốc vấn đề : Thói quen tiêu thụ tại các nước phát triển.

Theo một số liệu của FAO, người tiêu thụ châu Âu chịu trách nhiệm về 43 triệu hecta rừng bị phá tại châu Mỹ Latinh, châu Á, châu Phi từ 1990 đến 2005, tương đương 1/3 tổng lượng rừng bị phá hủy trong thời gian này (tổng cộng 129 triệu hecta).

Các nghiên cứu ngày càng đầy đủ hơn cho thấy lối tiêu thụ tại các nước phát triển là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhiều thảm họa môi trường ở những nơi khác trên thế giới. Thực tế này đặt Liên Âu trước trách nhiệm của mình (2).

    Đọc thêm : Trái đất chỉ còn hơn 20% diện tích đất hoang sơ (phần thứ 5 trong bài)

Ngừng nhập khẩu hàng hóa với nguyên liệu có được do phá rừng vừa giúp bảo vệ được các hệ sinh thái đang trên đà hủy diệt nhanh chóng, vừa là một biện pháp căn bản hãm lại đà Trái đất bị hâm nóng do hiệu ứng nhà kính (chấm dứt được nạn phá rừng, sẽ có khoảng từ 4,5 đến 8,8 tỉ tấn khí thải CO2 giảm bớt hàng năm, tương đương với lượng phát thải của nước Mỹ).

Liệu có đủ phương tiện để thực thi ?

Lộ trình của chính phủ Pháp được tổng giám đốc Quỹ bảo vệ thiên nhiên WWF-France, Pascal Canfin, đặc biệt hoan nghênh bởi đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới (3) có được một chiến lược đầy đủ như vậy về chủ đề này (chiến lược do nguyên bộ trưởng Môi trường Nicolas Hulot khởi thảo).
Tuy nhiên, ngừng nhập khẩu hàng hóa để chống nạn phá rừng một cách triệt để là một vấn đề mới mẻ về mặt pháp lý và tế nhị về mặt ngoại giao (4).

Trả lời RFI, ông Arnaud Gauffier – phụ trách mảng nông nghiệp bền vững của WWF-France - chỉ rõ sự thiếu vắng các phương tiện để thực hiện các mục tiêu nói trên trong kế hoạch của chính phủ :

« Làm thế nào để trợ giúp cho lĩnh vực tư nhân ?
 Làm thế nào có thể bảo đảm được là mục tiêu ‘‘hoàn toàn không nhập khẩu các hàng hóa, mà nguyên liệu có được do phá rừng’’trong dự kiến mua hàng của Nhà nước vào năm 2022, sẽ được tôn trọng ?
Nhà nước và các cơ sở địa phương sẽ sử dụng các phương tiện nào cho mục tiêu này ?...

Làm thế nào mà chúng ta có thể giúp các quốc gia sản xuất chuyển hướng sang không sản xuất hàng hóa dựa trên việc phá rừng, thông qua các trợ giúp Nhà nước cho phát triển ?
Theo kế hoạch, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) sẽ dành một khoản tiền 60 triệu euro trong vòng 5 năm cho mục tiêu này. Số tiền 60 triệu euro không là gì cả so với ngân sách của AFD ».

Hy vọng người tiêu dùng, các doanh nghiệp phối hợp

Trả lời AFP, quốc vụ khanh bên cạnh bộ Môi trường Pháp, bà Emmanuelle Wargon, thừa nhận Pháp là quốc gia đầu tiên đối mặt với vấn đề này.

Bà cho biết sẽ « tìm giải pháp cùng với các quốc gia xuất khẩu », đồng thời đặt niềm tin là người tiêu thụ sẽ đồng hành với chính phủ. Chính phủ cũng có nhiều biện pháp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hiệp hội trong nước phối hợp tham gia.

Lộ trình của chính phủ Pháp là đề nghị các doanh nghiệp đang nhập khẩu những sản phẩm liên quan, kể từ đầu năm 2019, tham gia vào một diễn đàn cùng với các tổ chức phi chính phủ, để thảo ra một nhãn hiệu hàng hóa « zéro rừng bị xâm hại », giúp người tiêu thụ nhận diện được các mặt hàng cần ưu tiên.

Đối với các nhà sản xuất trong nước, đặc biệt là ngành chăn nuôi sử dụng nhiều đậu tương, chính phủ dự kiến sẽ khuyến khích các giải pháp thay thế, với mục tiêu đến 2030, độc lập hoàn toàn về đạm (protein) cho chăn nuôi.

Về phần chính sách tiêu thụ, hiện tại không hề có biện pháp nào mang tính cưỡng chế, mà chỉ là khuyến khích.
Ngay từ năm tới, chính quyền sẽ định hướng các đơn hàng của Nhà nước thông qua một « cẩm nang hướng dẫn cách làm đúng ».

    Đọc thêm : Alternatiba tròn 5 tuổi : ''Một thế hệ vì khí hậu'' đang hình thành

Thay đổi cách tiêu thụ để ngưng nhập khẩu hàng hóa gây phá rừng không chỉ để bảo vệ được rừng, mà còn mở ra viễn cảnh thúc đẩy nghiên cứu và sản xuất nội địa tại Pháp.

Bắc Kinh buộc các mạng Internet gia tăng tự kiểm duyệt

Chính quyền Trung Quốc vừa có thêm một đợt trấn áp mới nhắm vào thế giới mạng hôm 12/11/2018.
Hai mạng xã hội đông người sử dụng nhất, WeChat và Weibo, bị buộc tội « gây hỗn loạn » trên mạng, do không kiểm soát chặt các thông tin được công bố.
Hai mạng này buộc phải xóa bỏ 10.000 tài khoản, mà chính quyền cho là xâm hại đến hình ảnh quốc gia.

Thông tín viên Angélique Forget tường trình từ Thượng Hải :

« Cơ quan quản lý mạng của chính quyền Trung Quốc (CAC) cảnh cáo hai tập đoàn internet. Wechat, với khoảng một tỉ người sử dụng, và Vi Bác (Weibo), với 400 triệu người dùng.
Hai tập đoàn này bị buộc lỗi đã để cho phổ biến trên mạng các nội dung ‘‘có hại cho chính trị, hoặc cố tình bóp méo lịch sử’’.
Đối tượng của cơ quan quản lý cao nhất về tin học quốc gia là các tài khoản của cá nhân chuyên phổ biến các thông tin thời sự trên mạng.

Trong những năm gần đây, loại tài khoản kiểu này nở rộ trên mạng xã hội khiến kiểm duyệt Trung Quốc không khống chế nổi.
 Chính quyền Trung Quốc phải yêu cầu chính các mạng xã hội tự mình làm công việc kiểm duyệt.

Kể từ năm 2014, Bắc Kinh tiến hành một chiến dịch rộng lớn, được gọi là ‘‘thanh lọc Internet’’, nhằm loại khỏi mạng các nội dung bị cho là bất hợp pháp hay tục tĩu.
Hồi tháng trước, một thiếu nữ 21 tuổi đã phải trả giá. Cô bị tạm giam 5 ngày, vì mở quốc ca Trung Quốc trước webcam, đầu đội một chiếc mũ điệu đàng, đồng thời bắt chước các động tác của một nhạc trưởng ».

Hôm qua, 16/11, cơ quan kiểm duyệt mạng Trung Quốc có thêm một biện pháp mới : Tăng gấp đôi số tiền thưởng cho người tố cáo các nội dung trên mạng, bị chính quyền cho là bất hợp pháp (tối đa là 600.000 nhân dân tệ - tương đương 86.000 euro).

Vì sao lại nhắm vào giới trẻ ?

Trong cuốn sách mới « Demain la Chine : démocratie ou dictature ?/ Tương lai sắp tới của Trung Quốc : Dân chủ hay độc tài ? », nhà chính trị học Pháp Jean-Pierre Cabestan (giảng dạy tại Hồng Kông) tỏ ra không tin tưởng vào việc quốc gia này sẽ dân chủ hóa trong 30 năm nữa, cho dù kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng và xã hội biến đổi mạnh về nhiều mặt.

Theo ông, do bị giáo dục nhồi sọ và đe dọa trấn áp, giới trẻ Trung Quốc hiện nay rất thờ ơ với chính trị.
Điều quan tâm chủ yếu của họ là một đời sống dễ chịu, yên ổn, hưởng thụ. Tuy nhiên, một đặc điểm khác mà nhà Trung Quốc học lưu ý là thế hệ trẻ hiện nay tại Trung Quốc có « một hụt hẫng » trong quan hệ với thế hệ trước, có thể là một nhân tố cho các biến đổi chính trị.

demain-la-chine

«Demain la Chine : Démocratie ou dictature ?», trang bìa cuốn sách mới của nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan.
©Gallimard

 

Phải chăng chính vì vậy mà Bắc Kinh đang tìm cách dập tắt mọi biểu hiện khác thường của giới trẻ, ngăn chặn họ tìm kiếm những gì ngoài khuôn khổ được phép, nếm trải hương vị của tự do?

Tổng thống Trump ủng hộ dự luật đầu tiên của lưỡng đảng

Đối với nhiều nhà bảo vệ nhân quyền, sắp tới hệ thống tư pháp Hoa Kỳ có thể sẽ bớt hà khắc hơn với người Mỹ gốc Phi, nếu như dự luật First Step Act được thông qua. Dự luật – được chuẩn bị dưới thời tổng thống Obama - sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc Hội mới, sau khi được tổng thống Donald Trump chính thức ủng hộ hôm 15/11/2018.

 Đây là cuộc cải cách do lưỡng đảng Cộng Hòa và Dân Chủ ủng hộ (5). Quyết định của tổng thống Mỹ được đưa ra, sau khi đảng đối lập Dân Chủ giành lại được Hạ Viện trong cuộc bỏ phiếu giữa kỳ ngày 6/11.
Nhà nghiên cứu Jean-Eric Branaa, của viện IRIS, hy vọng điều này có thể là sự khởi đầu cho một chính sách mới của Donald Trump. Trả lời RFI, ông cho biết :

« Chúng ta sẽ chuyển qua một hệ thống mới, một nền tư pháp hướng về con người, thông cảm với những hoàn cảnh của họ, thông cảm với những khó khăn họ gặp phải, góp phần sửa chữa những điều kiện không may trong xã hội khiến họ phải trở lại nhà tù, đặc biệt là ở tại miền Bắc nước Mỹ, nơi tỉ lệ người Mỹ da đen bị giam giữ là cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ trung bình ở các nhóm dân cư khác.

Trước hết có một sự giới hạn đối với quy định thường được gọi là ‘‘Luật ba đòn’’ (“three strikes”) (luật do tổng thống Bill Clinton thông qua năm 1994.
Năm 2015, ông Clinton thừa nhận luật này khiến tình hình nghiêm trọng hơn - theo Le Monde). Có nghĩa là khi một người bị trừng phạt ba lần về bất cứ tội gì, thì người đó sẽ phải ngồi tù cả đời.

Điểm thứ hai liên quan đến việc sở hữu và tiêu thụ ma túy. Trước đây, chỉ đơn giản sở hữu ma túy đã khiến đương sự phải ngồi tù lâu năm. Mà đây vốn là những người đã hội nhập tốt trong xã hội. Điều khoản này cũng bị hủy bỏ.
Như vậy, đã có một nỗ lực điều chỉnh với bộ luật này. Điều này cho phép đổi mới tư pháp Mỹ ».

"Leurs enfants après eux" : Một giải Goncourt mang ý nghĩa chính trị

Giải Goncourt, thường được coi là giải thưởng nổi tiếng nhất của văn học Pháp ngữ, năm nay đã được trao cho tiểu thuyết gia Nicolas Mathieu, hôm thứ Tư 7/11 vừa qua, với tác phẩm « Leurs enfants après eux » (Nxb Actes Sud).

Cuốn tiểu thuyết hơn 400 trang này được coi là một bức tranh hoành tráng mang tính xã hội và chính trị, một cuốn tiểu thuyết để hiểu về lứa tuổi thiếu niên tại một vùng thuộc miền đông nước Pháp, khu vực lâm vào khủng hoảng kinh tế cách nay hơn hai thập niên.

Nhà văn Sébastien Lapaque bình luận về tác phẩm vừa được giải Goncourt, trên phụ trương Văn học báo Le Figaro :
« Mùa thu này, không phải một nhà xã hội học hay một nhà kinh tế học nói rõ nhất với chúng ta về về vùng ngoại vi nước Pháp, về những người bị quên lãng trong công cuộc tích lũy tư bản vô cùng tận.

Đó là một nhà tiểu thuyết – người đã thoát khỏi bãi lầy của lối tự truyện hư cấu (autofiction), của vũng bùn tiểu thuyết không chủ đề - để nói về thế giới của chúng ta như nó đang diễn ra, và nhất là những gì không ổn trong đó, với những hình ảnh, đối thoại và tình huống đầy uy lực.

Hiếm khi văn học Pháp đương đại lại cuốn hút ta như vậy. Bởi cái môi trường xã hội mà Nicolas Mathieu mô tả, nhìn chung, nằm ngoài tầm phủ sóng (của truyền thông hay văn chương chủ lưu – người viết) (…)
Không phải là những người nghèo khổ nhìn từ các khu phố giầu có, hay qua con mắt của giới thị dân cánh tả. Mà đây là sự bần cùng về kinh tế, trí thức, đạo lý và tâm linh, được kể từ bên trong (…) ».

Trong một bài viết khác, cũng trên Le Figaro, nhà văn Sébastian Lapaque cho biết thêm :
« Trên cái nền của những tai biến xã hội và biến đổi phong tục, căng thẳng xuyên suốt cuốn tiểu thuyết ‘‘Leurs enfants après eux’’ là câu chuyện về một tình yêu mơ ước, nhưng vô vọng của nhân vật chính Anthony trong tiểu thuyết, với cuộc đời thực của con người bất hạnh này.

 Mở đầu cuốn tiểu thuyết về tuổi trưởng thành (bildungsroman), nhân vật chính quyết liệt, cứng đầu và hoang dã Anthony mới 14 tuổi.
Kết thúc cuốn sách, anh 20 tuổi. Ôm ấp nhiều hoài bão về xứ sở … rốt cuộc Anthony trở lại với Lorraine khi quê hương rơi vào (…) bi kịch và tan nát. Còn anh vĩnh viễn là kẻ chiến bại ».

france-prize


Nhà văn Mathieu Nicolas sau lễ nhận giải Goncourt cho tiểu thuyết "Leurs enfants apres eux", Paris, France, 7/11/2018.
. REUTERS/Gonzalo Fuentes

Nói về cuốn tiểu thuyết này, nhà văn Nicolas Mathieu tâm sự :
« Tôi muốn kể lại về chính thế giới nơi tôi xuất thân. Ngay từ khi mà ta nói về con người, về cách họ sống, về cách họ yêu, đã là một hành động chính trị.

Chắc chắn có một phần con người tôi trong thế giới ấy. Cố gắng của tôi là khôi phục lại thời gian, hiểu được những cuộc đời ấy diễn biến ra sao, với rất nhiều chi tiết, cắm rễ tối đa trong hiện thực. Hiện thực : Đó là ám ảnh của tôi ».

Ghi chú

1. « Quốc tế nỗ lực bảo tồn và phát triển rừng nhiệt đới », 22/6/2011.

2. Nghiên cứu của WWF-France « Déforestation importée. Arrêtons de scier la branche! » và « Déforestation : chaque Français détruit l’équivalent de 352m² de forêts », nghiên cứu của Hiệp hội bảo vệ rừng Envol Vert.

3. Mục tiêu chấm dứt hoàn toàn việc phá rừng « zéro-déforestation » được đặt ra tại hội nghị lần thứ 9 của Công ước đa dạng sinh học năm 2008. Theo lời kêu gọi của WWF, 67 quốc gia cam kết thực hiện mục tiêu này ngay từ năm 2020. Năm 2014 cộng đồng quốc tế có Tuyên bố New York khuyến cáo loại bỏ các sản phẩm làm từ nguyên liệu do phá rừng. Năm 2015, Thỏa thuận Khí hậu Paris thừa nhận vai trò to lớn của rừng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Cũng năm này, nhóm 7 nước châu Âu (Pháp, Đan Mạch, Anh, Đức, Hà Lan, Na Uy, Ý) ra Tuyên bố Amsterdam (« Towards Eliminating Deforestation from Agricultural Commodity Chains with European Countries »). Ngày 1/11/2018, nhóm Tuyên bố Amsterdam hối thúc Liên Hiệp Châu Âu khẩn trương có biện pháp hành động mới trước cuối năm nay.

4. WWF-France hoan nghênh ý tưởng của Pháp đưa chủ đề này vào chương trình của khối G7 Môi trường mà Pháp sẽ là chủ tịch năm tới, cũng như ở cấp Liên Âu trước khi nhiệm kỳ Ủy Ban Châu Âu kết thúc. Đây là các hoạt động tạo đà cho một Hiệp ước quốc tế bảo vệ thiên nhiên, dự kiến sẽ được thông qua vào năm 2020, tại Hội nghị thế giới về đa dạng sinh học, tại Bắc Kinh, năm 2020.

5. Với hơn hai triệu tù nhân, Hoa Kỳ là một trong các quốc gia có tỉ lệ người bị giam giữ cao nhất thế giới (trung bình 716 người/100.000 dân, và 870 người đối với người da đen). Để duy trì hệ thống nhà tù, chính quyền Mỹ phải chi khoảng 80 tỉ đô la/năm, một phần lớn do các tiểu bang gánh vác. Đây là một lý do khiến nhiều nghị sĩ Cộng Hòa thuộc các bang có truyền thống bảo thủ ủng hộ dự luật cải cách.

Switch mode views: