Thổ Nhĩ Kỳ và Achentina châm ngòi cho khủng hoảng tài chính thế giới ?
- Thứ Ba, 04 tháng Chín năm 2018 15:58
- Tác Giả: Thanh Hà
Đồng bảng Thổ Nhĩ Kỳ khốn đốn vì đô la Mỹ.Reuters
20 năm sau khủng hoảng tài chính Á Châu, 10 năm sau vụ ngân hàng Mỹ Lehman Brothers sụp đổ, những tín hiệu xấu từ Thổ Nhĩ Kỳ và Achentina liệu có là những mối đe dọa tiềm tàng kéo các nền kinh tế đang trỗi dậy vào bão tố ?
Châu Á liệu có được bình an ?
Tính đến cuối tháng 8/2018, đồng peso của Achentina mất giá 40 % trong tám tháng đầu năm.
Sau khi nâng lãi suất chỉ đạo lên tới 60 % để giữ giá đồng tiền, chính quyền Buenos Aires cầu viện Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cho vay gấp 50 tỷ đô la để đối mặt với hiện tượng "lạm phát ngựa phi" dự trù vượt quá ngưỡng 35 % trong năm nay.
Nền kinh tế thứ ba của châu Mỹ La Tinh bị chao đảo khi đồng đô la Mỹ trở nên khan hiếm và Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Nguyên nhân khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ
Cách Buenos Aires 12 ngàn cây số, tại Ankara, tình hình không sáng sủa hơn : Lạm phát trong tháng 6/2018 vượt quá 15 %.
Chính quyền của tổng thống Erdogan trong 12 tháng sắp tới phải thanh toán 230 tỷ đô la nợ đáo hạn- tương đương với 25 % GDP, cho các chủ nợ nước ngoài trong bối cảnh đồng bảng Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng trượt giá so với đô la.
Trung tuần tháng 7/2018, đồng bảng Thổ Nhĩ Kỳ mất ¾ trị giá so với cùng thời kỳ một năm trước.
Tháng 7/2011, 1 đồng tiền của Thổ Nhĩ Kỳ tương đương với 1 đô la Mỹ. Tháng 7 vừa qua, 1 đồng bảng chỉ còn bằng 0,16 đô la.
Trả lời trên đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia kinh tế và chính trị, Ahmet Insel, tác giả cuốn La Nouvelle Turquie d'Erdogan - NXB Découverte, giải thích về hiện tượng đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ bị phá giá :
"Từ lâu nay, đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ trượt giá. Nhìn chung, trong vòng một năm, mất khoảng 80 % so với đồng đô la và euro.
Hiện tượng mất giá này càng tăng tốc kể từ sau khi ông Erdogan tái đắc cử (...) Giới đầu tư thất vọng nhiều về chính sách kinh tế của tổng thống Erdogan.
Cụ thể hơn, họ lo ngại về hai điểm : Một là Ankara nhất quyết không điều chỉnh lãi suất ngân hàng để giữ giá đồng tiền.
Thứ hai là từ khi tái đắc cử hôm 2/06/2018, Erdogan bổ nhiệm con rể nắm trọn các hoạt động kinh tế của đất nước, kiểm soát từ bộ Kinh Tế, Tài Chính, Ngân Sách đến Thương Mại. Quốc tế không hề biết gì nhiều về thực lực, về uy tín của nhân vật này.
Chính việc Erdogan và gia đình thâu tóm kinh tế càng làm suy yếu thêm đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí là toàn bộ hệ thống ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị ảnh hưởng. Nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cơ bản.
Thổ Nhĩ Kỳ cần vốn đầu tư nước ngoài để phát triển và bảo đảm tăng trưởng.
Cán cânthương mại trong tình trạng nhập siêu triền miên. Thí dụ như hiện tại, Ankara đang cần 50 tỷ đô la để trang trải các khoản chi tiêu, nhưng bị kẹt vì giới đầu tư – cả trong nước lẫn nước ngoài- cùng không còn tin tưởng vào Tayyip Erdogan.
Nhiều dự án đầu tư bị hủy bỏ, doanh nghiệp rút khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Số này bán đồng bảng Thổ Nhĩ Kỳ để mua đô la. Đồng tiền của Thổ càng mất giá mạnh".
Achentina đánh mất niềm tin
Nhìn sang Achentina, quốc gia châu Mỹ La Tinh này gặp khó khăn trong lúc đang giữ chức chủ tịch luân phiên nhóm G20.
Các biện pháp cải tổ do tổng thống cánh trung hữu, Mauricio Macri tiến hành giúp cho Achentina quay trở lại với tăng trưởng.
GDP nước này năm ngoái tăng 2,8 % thay vì tăng trưởng ở số âm một năm trước đó.
Những nỗ lực của Buenos Aires gặp nhiều trở ngại. Thứ nhất, Achentina là một trong những nạn nhân trực tiếp của chính sách tiền tệ tại Hoa Kỳ.
Ngân Hàng Trung Ương Mỹ tăng lãi suất khiến giới tư bản ồ ạt bán peso, mua đô la, đầu tư vào Mỹ.
Thêm vào đó, tại Achentina cũng như nhiều nước ở châu Mỹ La Tinh, doanh nghiệp và tư nhân tin tưởng vào đồng đô la Mỹ hơn là vào đơn vị tiền tệ của nước mình. Hiện tượng bán đổ bán tháo peso lại càng được thổi phồng thêm.
Thách thức thứ hai là lạm phát. Vật giá leo thang được dự trù giao động từ 30 đến 35 % trong năm nay, đây thực sự là một cơn ác mộng đối với người dân Achentina.
Lạm phát vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của hiện tượng đồng tiền bị phá giá. Điều này lại càng nguy hại cho Achentina, nơi mức tiêu thụ của các hộ gia đình là động lực chính cho tăng trưởng.
Thổ Nhĩ Kỳ và Achentina : nạn nhân của Mỹ ?
Mẫu số chung giữa hai cuộc khủng hoảng tiền tệ tại Achentina và Thổ Nhĩ Kỳ là cả hai cùng lệ thuộc vào đồng đô la Mỹ, vào chính sách của Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ.
Từ 2008, chính sách tiền rẻ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, đứng đầu là Fed của Mỹ đã khiến giới tư bản lơ là với các thị trường Âu Mỹ, đổ vốn vào các nền kinh tế đang trỗi dậy để kiếm lời.
Vào lúc lãi suất ngân hàng ở Hoa Kỳ, châu Âu hay Nhật Bản rơi xuống số không, thì đầu tư vào các nền kinh tế đang trỗi dậy cho phép thu về từ 3 đến 4 % tiền lãi.
Đó là trường hợp của những nước từ Ấn Độ tới Brazil, từ Nam Phi tới Achentina, Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara và Buenos Aires trong một chục năm qua đã dễ dàng thu hút đầu tư để phát triển, đi vay nợ bằng đồng đô la để tài trợ cho tăng trưởng.
GDP của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2017 đạt 7,4 %, cao hơn so với thành tích của Trung Quốc.
Ông Tayyip Erdogan lên cầm quyền từ năm 2003 đã dễ dàng tài trợ các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nhờ đô la Mỹ.
Hậu quả trực tiếp là nợ công và của khu vực tư nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ tăng nhanh.
Nhưng từ năm 2015 kinh tế Hoa Kỳ khởi sắc trở lại. Ngân Hàng Trung Ương Fed từng bước tăng lãi suất, khép lại thời kỳ "tiền rẻ". Đô la tăng giá.
Đầu tư tại các nền kinh tế đang trỗi dậy không còn hấp dẫn như thời kỳ 2008-2014.
Giới tư bản đổi chiến lược, đầu tư trở lại ở Mỹ. Hiện tượng mua vào đô la và đem vốn đầu tư trở về Mỹ lại càng được tăng tốc kể từ khi Donald Trump lên cầm quyền vào tháng Giêng 2017.
Chính sách ưu đãi thuế khóa – tax cut, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Hoa Kỳ, tạo công ăn việc làm cho dân Mỹ là một động lực mới để mua vào đô la, đẩy giá đồng tiền Mỹ lên cao.
Những quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ hay Achentina đi vay bằng đồng đô la, hay mua hàng của thế giới bằng đô la phải trả giá đắt hơn.
Trong trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng tiền bị mất giá gây khó khăn cho hệ thống ngân hàng nước này lại làm dấy lên nguy cơ nổ ra một cuộc khủng hoảng tiền tệ cho thế giới.
Tác giả cuốn Nước Thổ Nhĩ Kỳ Mới của Erdogan, chuyên gia kinh tế và chính trị Insel nhấn mạnh đến mối liên hệ trực tiếp với các hệ thống tài chính, ngân hàng của châu Âu :
"Trước hết, do có nhiều ngân hàng châu Âu, như là BNP Paribas của Pháp, Unicredit của Ý hay BBVA của Tây Ban Nha ... đang là những cổ đông quan trọng, nắm giữ nhiều vốn của các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện tượng đổ giàn là có thực. Theo chỗ tôi được biết thì cổ phiếu của ba ngân hàng châu Âu vừa nêu, đã mất giá trong những ngày qua vì khó khăn xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Điểm thứ hai gây lo ngại cho phương Tây là hiện nay, châu Âu đang nắm giữ khoảng 130 tỷ euro tín dụng đã cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu như các ngân hàng Thổ mất khả năng thanh toán, nhiều doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ bị vỡ nợ, chắc chắn là châu Âu bị vạ lây.
Đành rằng 130 tỷ euro là một giọt nước so với cỗ máy kinh tế đồ sộ của Liên Âu, nhưng nếu Thổ Nhĩ Kỳ lâm nguy thì cũng rất là kẹt cho châu Âu vào lúc mà khối này đang phải đương đầu với cuộc chiến thương mại do Donald Trump khai mào, với chính sách cấm vận Iran của Washington và kể cả cuộc đọ sức thương mại Mỹ-Trung".
Bộ trưởng Tài Chính Đức, Olaf Scholz, không che giấu lo ngại nền kinh tế số 1 của Liên Hiệp Châu Âu lao đao vì khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ, khi biết rằng, Đức là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ nhì trên quê hương của ông Erdogan.
Kịch bản giới chuyên gia lo ngại hơn cả là khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ lan rộng tới các nước đang phát triển khác.
Nhật báo tài chính Financial Times của Anh cho rằng, Achentina là nạn nhân đầu tiên từ những khó khăn kinh tế tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Bởi vì, tương tự như Thổ Nhĩ Kỳ hay Achentina, Ấn Độ, Brazil hay Nam Phi cũng đang trong tình trạng nhập siêu kinh niên.
Các nước này lệ thuộc không kém Ankara hay Buenos Aires vào đồng đô la Mỹ. Trong khi đó thì ở Washington, Fed đang khóa van tín dụng, đô la trở nên khan hiếm hơn.
Tại Nga, bài toán của Vladimir Putin càng thêm nan giải khi biết rằng Matxcơva là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Ankara, bảo đảm trên 10 % khí đốt và dầu hỏa tiêu thụ trên thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối với những nền kinh tế đang trỗi dậy khác là Nam Phi hay Brazil, cuối tháng 8/2018 đồng rand của Nam Phi, real của Brazil liên tục trượt giá.
Một số nhà phân tích bi quan nhất nói đến "hiệu ứng đô-mi-nô" : đơn vị tiền tệ bị mất giá, lạm phát tăng nhanh, khan hiếm đô la để tài trợ cho cỗ xe kinh tế, tăng trưởng bị chựng lại và thêm vào đó là bất ổn chính trị tại một số nơi như Brazil hay Achentina.
Tại Washington, chính quyền Trump không có dấu hiệu hạ nhiệt cuộc chiến thương mại với thế giới. Ngân Hàng Trung Ương Mỹ báo trước sẽ tiếp tục tăng lãi suất chỉ đạo từ nay tới cuối năm.
Giai đoạn "tiền rẻ" đang khép lại, các nền kinh tế đang trỗi dậy đang mất đi một lá chủ bài để tài trợ cho đà tăng trưởng. Trong tương lai gần, đối với các quốc gia này là rủi ro thiếu tiền mặt và nợ đi vay bằng đô la tăng nhanh.
Hai yếu tố đó càng làm suy yếu đồng tiền tại các nước đang phát triển. Hiềm nỗi, một đơn vị tiền tệ bị mất giá không là yếu tố thuyết phục giới đầu tư.
Châu Á vẫn bình an
Về câu hỏi Thổ Nhĩ Kỳ và Achentina liệu có đẩy các nền kinh tế đang trỗi dậy vào giông tố, trước mắt, nhiều chuyên gia hy vọng là không.
Báo cáo của ngân hàng Pháp BNP Paribas ngày 29/08/2018 nhận định : nhìn chung khu vực châu Á Thái Bình Dương có thể vững tâm. Ấn Độ, Indonesia tuy cùng lệ thuộc vào đô la, cùng trong tình trạng thâm hụt thương mại và ngân sách, nhưng nợ nước ngoài thấp hơn nhiều so với Thổ Nhĩ Kỳ (20 % GDP tại Ấn Độ ; 35 % tại Indonesia và 53 % GDP trong trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ).
Malaysia mắc nợ cao nhưng bù lại, quốc gia này trong tình trạng xuất siêu. Các doanh nghiêp châu Á cũng ít dấn thân vào Thổ Nhĩ Kỳ, đe dọa lây lan do đó cũng được thu hẹp.
Philippe Waechter, thuộc ngân hàng Natixis của Pháp cũng cho rằng tăng trưởng trong vùng châu Á Thái Bình Dương khá ổn định.
Không có dấu hiệu báo trước các quốc gia trong vùng rơi vào vòng xoáy của khủng hoảng.
Dù vậy kinh nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ và Achentina càng cho thấy các nền kinh tế đang trỗi dậy rất dễ bị động.
Nợ nần chồng chất bằng ngoại tệ, nhập siêu, thâm hụt ngân sách và lấy đầu tư ngoại quốc là động lực phát triển là những tính toán đầy mạo hiểm.
Related news items:
Tin mới
- Bắc Kinh viết lại lịch sử để đánh bóng « Bác Tập kính yêu » - 06/09/2018 22:16
- Venezuela : Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng siêu lạm phát - 06/09/2018 15:54
- Những món quà của Trung Quốc: Phúc hay họa cho Cam Bốt ? - 06/09/2018 04:29
- Nhật Bản : Cơn bão Jebi tàn phá Osaka - 05/09/2018 23:20
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-09-2018 - 05/09/2018 16:10
- Những điều ít biết về đường hầm qua biển Manche - 05/09/2018 15:56
- Trung Quốc phủ nhận là chủ nợ hàng đầu của châu Phi - 05/09/2018 12:43
- RIMPAC 2018: Trung Quốc nổi bật thành đối tượng cần triệt hạ - 04/09/2018 20:34
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-09-2018 - 04/09/2018 20:14
- Philippines thảo luận rút khỏi Tòa Hình Sự Quốc Tế - 04/09/2018 16:46
Các tin khác
- Pascal Lamy : ''WTO cần tiếp tục tồn tại, cho dù không có Donald Trump'' - 03/09/2018 18:05
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-09-2018 - 03/09/2018 15:19
- Việt - Nhật gia tăng hợp tác quốc phòng đối phó Trung Quốc ở Biển Đông - 03/09/2018 14:38
- Hơn 50 nước châu Phi tham dự Diễn đàn hợp tác Trung-Phi - 03/09/2018 14:24
- Miến Điện : hai nhà báo Reuters bị kết án 7 năm tù - 03/09/2018 14:08
- Trung Quốc đang dùng Linkedln cho hoạt động tình báo - 02/09/2018 20:46
- Á vận hội 2018 kết thúc thành công, thể thao Việt Nam vượt chỉ tiêu vàng - 02/09/2018 20:10
- Mỹ hủy 300 triệu đôla viện trợ quân sự cho Pakistan - 02/09/2018 19:52
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-09-2018 - 01/09/2018 21:28
- John McCain, Aretha Franklin, những nhân vật của tháng Tám - 01/09/2018 15:01