Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Giới đầu tư ngoại quốc chê ngân hàng Việt Nam

 

HÀ NỘI (NV) - Nhà cầm quyền Việt Nam đang chèo kéo giới đầu tư ngoại quốc bơm tiền vào hệ thống ngân hàng thương mại nhưng không mấy ai mặn mòi hưởng ứng để giúp chế độ đối phó với một gánh nặng đang không có lối thoát.

ACB bank

 

 

Ngân Hàng Thương Mại Á Châu (ACB), một trong những ngân hàng đầy tai tiếng mà cả chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị và tổng giám đốc đều bị truy tố hồi năm ngoái. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)

 

 

Hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam hiện đang bị trì kéo bởi những khối nợ khó đòi khổng lồ có thể mất luôn trong khi sự điều hành quản trị kinh doanh thì nhiều mờ ám.

Một bài viết của báo tài chính Wall Street Journal hôm Thứ Tư viết rằng nhà cầm quyền CSVN có thể cho giới đầu tư ngoại quốc mua tới 49% cổ phần các ngân hàng quốc doanh, có thể trở thành chủ nhân chính nhưng với điều kiện sau đó bán lại cổ phần.

Bán cổ phần các ngân hàng này có thể giúp nhà nước lôi kéo được đầu tư ngoại quốc vào lúc họ rất đang cần tài trợ và cả kiến thức chuyên môn, theo nhận xét của ông Ivan Tan, một giám đốc của công ty tư vấn đầu tư tài chính Standard & Poor's.

Hiện nay, các nhà đầu tư ngoại quốc được phép làm chủ 20% cổ phần các ngân hàng ở Việt Nam trong tư cách nhà đầu tư cá nhân, hay được mua 30% cổ phần nếu có thêm đối tác nữa.

Nhà cầm quyền nắm giữ phần lớn cổ phần tại 5 ngân hàng quốc doanh, một số thì nắm luôn 100%.

Vài năm trước, một số ngân hàng ngoại quốc có thể hăm hở. Như ngân hàng HSBC Holdings PLC, Société Général SA, Australia & New Zealand Banking Group Ltd., (ANZ) từng mua cổ phần trong một số ngân hàng thương mại tại Việt Nam trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng hồi năm ngoái.

Ðầu năm ngoái ANZ bỏ chạy, lấy cớ tập trung vào một số hoạt động.

Trong những năm đầu thập niên 1990, kinh tế ViệtNam tăng trưởng trên dưới 7% nhưng năm ngoái tụt xuống còn 5%.

Thị trường địa ốc thì dở sống dở chết. Những đại gia phần lớn là quốc doanh và các công ty “sở hữu chéo” vay tiền ngang dọc đổ vào địa ốc nay đang kẹt cứng. Hơn 70,000 đơn vị vừa biệt thự vừa chung cư cao cấp xây dở dang rồi để cho cỏ dại mọc. Cả các đại gia đầu tư địa ốc cũng như các ngân hàng đều chết kẹt với nhau.

Theo Standard & Poor's, tín dụng được bơm tới tấp hơn 20% những năm từ 2006 đến 2010, năm ngoái chỉ còn 8.9%.

Hiện nay, không ai biết hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam đang ôm cái núi nợ xấu là bao nhiêu.

Ông thống đốc ngân hàng nhà nước thì chỉ nhận có 8.82% hồi tháng 9, 2012, lên từ 6% của cuối năm 2011.

Tổ chức tư vấn đầu tư Fitch Ratings Co., thì tin rằng con số này khoảng 15% nhưng một số nhà phân tích thì tin rằng phải trên 20%.

Năm ngoái, Hà Nội vội vã cải chính một bản tin nói họ có ý vay tiền của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) để giải quyết cái núi nợ xấu đó.

Trước tình trạng tiến thoái lưỡng nan của hệ thống ngân hàng, tháng 3, 2012, ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận một đề nghị kéo dài 3 năm giải quyết các khó khăn của hệ thống ngân hàng, gồm cả việc cho sáp nhập một số ngân hàng nhỏ và có nguy cơ gục ngã cũng như thành lập một tổ chức mua lại các món nợ xấu.

Gần một năm qua, vẫn không thấy gì nhúc nhích.

Mấy năm gần đây, giới ngân hàng Nhật Bản bước chân vào hệ thống ngân hàng thương mại ở Việt Nam. Một phần là nhắm đường xa, một phần khác là tài trợ cho các dự án đầu tư của Nhật tại Việt Nam.

Mitsubishi UFJ Financial Group Inc. mua 20% cổ phần của Vietinbank (Ngân Hàng Kỹ Thương) với $741 triệu USD cuối năm ngoái, trong khi Mizuho Financial Group Inc. mua 15% cổ phần của Ngân Hàng Ngoại Thương (Vietnam Bank for Foreign Trade) với số tiền 560 triệu USD hồi tháng 9, 2011.

Từ năm 2007, Sumitomo Mitsui Financial Group Inc. đã mua 15% cổ phần của Ngân Hàng Xuất Nhập Khẩu với số tiền 225 triệu USD, nay gọi là Sacombank.

Giới đầu tư ngoại quốc chẳng được lợi lộc gì thêm khi bơm thêm tiền vào hệ thống ngân hàng ở Việt Nam, theo nhận định của tổ chức tư vấn đầu tư Moody's. Một phần là số lượng vốn đầu tư của họ cũng đã gần với giới hạn cho phép, một phần khác theo sự quy định của luật lệ ngân hàng quốc tế gọi tắt là Basel III, người ta không còn hứng thú làm ông chủ thứ yếu.

Giá trị của những ngân hàng đang đầy ngập nợ xấu lại là cái rào cản đáng nói khác.

Theo Standard & Poor's, một số lời chào mời lại có giá cao hơn 2.5 đến ba lần giá trị tài sản của chúng.

Cái giá chẳng có rẻ gì ấy không biện minh gì được trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm chạp hiện nay. Chẳng mấy ai muốn đầu tư trong hoàn cảnh như thế. (TN)

Switch mode views: