Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Vui Tết âm lịch là trái đạo Hồi?

Indonesia hoakieu

 

Người Hoa tại Indonesia có cách đón năm mới kiểu đặc biệt

 

Trong lúc Indonesia và các nước có đông cộng đồng người Hoa đang đón chào năm mới Quý Tỵ thì một số lãnh đạo Hồi giáo ở nước này đòi cấm người Hồi giáo vui cùng Tết Nguyên đán, theo hãng tin AFP.

Sau hàng thập niên bị đàn áp dưới thời độc tài Suharto, người lên nắm quyền lực sau một cuộc nổi dậy đẫm máu của phe cộng sản và người Hoa hồi cuối thập niên 1960, người Indonesia gốc Hoa nay được coi là một nhóm xã hội chính thức trong đất nước có đa phần là người Hồi giáo sinh sống.

Tết Nguyên đán mà người Hoa gọi là 'Xuân Tiết' cũng được coi là ngày nghỉ lễ chính thức, có tên là "Imlek" ở Indonesia.

Nhưng một lãnh đạo địa phương thuộc hội đồng giáo sỹ Hồi giáo cao cấp đã nói Tết kiểu Trung Hoa là 'haram' (trái đạo Hồi), vì cho rằng lễ này có tập quán của Phật giáo, nhất là các hoạt động được diễn ra tại các đền chùa.

"Chúng ta không thể tách rời tôn giáo khỏi văn hóa, cho nên chúng ta phải cảnh giác," Zainal Arifin, người đứng đầu Hội đồng Ulema Indonesia tại thành phố Solo, nói với AFP.

"Và nếu như đó là một phần nghi lễ tôn giáo, thì chúng ta không được ăn mừng. Điều này áp dụng tương tự như với dịp lễ Giáng Sinh và các dịp lễ tôn giáo khác."

Mặt trận Bảo vệ Hồi giáo (FPI) theo đường lối cứng rắn nói rằng các giáo sỹ cần chuyển thông điệp này tới người Hồi giáo thông qua các loa phóng thanh đặt tại các đền thờ Hồi giáo, và cảnh báo người Indonesia gốc Hoa chớ có mời người Hồi giáo cùng ăn mừng dịp lễ năm mới âm lịch.

"Suy nghĩ lỗi thời"

    Tuy nhiên, các lãnh đạo cộng đồng người Hoa nói những lời bình luận như vậy về một dịp lễ hội truyền thống là không hợp lý và là một dấu hiệu cho thấy lối suy nghĩ lỗi thời trong một số tổ chức Hồi giáo.

"Lễ đón năm mới Âm lịch không phải là lễ hội tôn giáo và đặc biệt đó không phải là lễ hội của Phật giáo," Andrew Susanto, chủ tịch Hội Thanh niên Indonesia gốc Hoa nói.

Ông nói việc ăn mừng dịp năm mới âm lịch không khác gì với việc đón mừng năm mới của các nền văn hóa khác.

"Tôi không nghĩ rằng đó là điều hầu hết người dân Indonesia nghĩ," ông nói thêm rằng theo thời gian các lễ hội này đã trở thành một nét truyền thống ở Indonesia.

jakarta chua

 

Hàng trăm người đã tới chùa Jin De Yuan, ngôi chùa cổ nhất tại Jakarta, có từ năm 1650, trong dịp năm mới Âm lịch

 

 

Bất chấp những nhận xét của vị giáo sỹ Hồi giáo, một lễ đón năm mới Âm lịch theo cách của người Java đã được tổ chức tại Solo hồi tuần trước, với hàng ngàn người tham dự lễ rước giống như trong các dịp lễ Hồi giáo.

Các nhà sư địa phương đã thả 888 chú chim và cá - số 8 được coi là con số may mắn theo quan niệm của người Hoa - và chia bánh cho đám đông vui nhộm.

Người Indonesia gốc Hoa chiếm chừng 9 triệu người trong tổng số 240 triệu dân của Indonesia, hầu hết theo Thiên chúa giáo, Phật giáo hoặc Khổng giáo.

Suharto, người từng cầm quyền tại Indonesia với nắm đấm sắt trong suốt hơn ba thập niên, cho tới tận 1998, đã cầm dùng ngôn ngữ và biểu tượng Trung Hoa, và buộc người Indonesia gốc Hoa phải đổi tên.

Ông lên nắm quyền sau khi phong trào chống Cộng trỗi dậy hồi 1965-1966, là phong trào với ít nhất 500.000 người bị coi là cộng sản hoặc có cảm tình với cộng sản, mà đa phần là người Hoa, đã bị giết chết hoặc bị tra tấn. Các nhà hoạt động nhân quyền nói có hai triệu người đã chết.

Abdurrahman Wahid, nhà lãnh đạo Hồi giáo và cũng là một chính trị gia, người đã trở thành tổng thống được bầu đầu tiên sau khi Suharto ra đi, đã gỡ bỏ lệnh cấm văn hóa Trung Hoa hồi 2000, theo đó cho phép người thuộc các sắc dân gốc Hoa được công khai đón mừng năm mới Âm lịch.

Tại Glodok, tức khu phố Tàu tại Jakarta, nơi vốn đã bị thành đống đổ nát trong các cuộc bạo loạn hồi 1998 lúc thời trị vì của ông Suharto đi vào hồi kết, hai người phụ nữ Hồi giáo đội khăn choàng đầu đi lẫn trong bầu không khí chung, khi những người bán lẻ bán phong bao đựng tiền lì xì và dầu rắn hổ mang để đón mừng năm Tỵ.

"Tôi là người Hồi giáo, cho nên bản thân tôi không ăn mừng dịp lễ này," bà Widi Astudi, 37 tuổi, nói khi vào thăm một ngồi chùa hôm thứ Sáu.

"Nhưng Indonesia là một quốc gia dễ dung hòa, và người Hoa ở đây cũng là người Indonesia, cho nên đi thăm chùa chiền và tôn trọng việc mọi người ăn mừng dịp này thì cũng chả hại gì."

Switch mode views: