Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tang lễ cựu hoàng Sihanouk bắt đầu tại Cam Bốt

 sihanouk hoatang

 

 

Linh cữu Cựu vương Cam Bốt Norodom Sihanouk rời Hoàng cung đến nơi hỏa táng tại Phnom Penh ngày 01/02/ 2013.
REUTERS/Damir Sagolj

 

 

Hôm nay, 01/02/2013, Cam Bốt bắt đầu tang lễ cựu hoàng Norodom Sihanouk, qua đời vào tháng 10 năm ngoái tại Bắc Kinh. Chính quyền Phnom Penh dự trù sẽ có hơn 1 triệu người dự các buổi lễ kéo dài đến ngày thứ hai, 04/02, khi thi hài của cựu hoàng được hỏa táng.

Từ Phnom Penh, thông tín viên Phạm Phan tường trình.

1/Bầu không khí ngày bắt đầu tang lễ 

Sau 3 tháng làm lễ trong nội cung với nhiều cuộc viếng thăm tiễn biệt của cả trăm phái đoàn từ khắp các tỉnh thành trong nước, sáng nay đúng 8 giờ, linh cữu cựu Hoàng được di chuyển ra khỏi Hoàng Cung dưới sự chứng kiến của hàng trăm ngàn người dân ở khắp nơi tụ về.

Được chuẩn bị thật chu đáo, vì là tang lễ một vị Vua Cha của toàn dân tộc, nên mọi người dân Cam Bốt đều trông mong được chứng kiến chiếc xe tang chở quan tài của ông. Những người không đi được đến tận cổng Hoàng Cung hay đứng dọc những con đường chính tại Phnom Penh mà chiếc xe tang di chuyển qua một cách chậm chạp thì đón coi trực tiếp trên truyền hình.

Không khí trang nghiêm thành kính dù đám đông tập họp khổng lồ, mọi người đều mặc tang phục, các hoàng thân thì mặc đồ trắng, mang một mảnh vải tang màu đen bên tay trái, riêng những người bên nam giới thuộc dòng con và anh em ruột của cựu Hoàng thì đều cạo đầu theo phong tục. Công nhân viên chức thì mặc áo trắng quần đen, tay quấn khăn tang màu đen.

Những người dân trong nước thì biết hôm nay là quốc tang nên họ đều mang một miếng vải đen nhỏ bên ngực trái, thể như tâm của họ đang hướng đến sự ra đi mãi mãi của vị Quốc Vương danh tiếng trong lịch sử nước nhà.

Đường phố từ sáng sớm đã yên tịnh, tất cả tập trung cho lễ tang. Những con đường gần Hoàng Cung được canh giữ nghiêm ngặt, chỉ dành cho những người tham dự lễ tang, xe cộ không được lưu thông bình thường, công sở được nghỉ và hầu hết nhân viên, thầy cô giáo, học trò …đều tham dự lễ đưa cựu Hoàng du hành một vòng chót quanh các địa điểm lịch sử của Phnom Penh ghi dấu sự hiện diện của cựu Hoàng khi ông mới lên ngôi Vua và sau đó như là nguyên thủ quốc gia, trước khi làm lễ hỏa thiêu ông.

2 / Chương trình tang lễ

Theo chương trình thì sáng hôm nay, linh cữu cựu Hoàng di chuyển từ nội cung theo cổng phụ ra đến bờ sông Bassac cách Hoàng Cung khoảng 100 mét, tại đây, linh cữu có hình dáng của ngôi đền cổ Khmer được một thang máy tự động nâng lên trên chiếc xe tang lớn hơn có mái che bên trên giống như mái đền trong Hoàng Cung.

Hoàng Thái Hậu Monique, Quốc Vương Sihamoni, Hoàng Tử Ranaridh lần lượt đi theo xe tang. Các giới chức cấp cao của chính quyền như Thủ Tướng Hun Sen và nhiều bộ trưởng cũng tháp tùng theo. Sau đó họ lên một đoàn xe di chuyển chậm.

Các vị quốc sư thì ngồi trên một chiếc xe có hình con chim khổng lồ trong truyền thuyết cổ của dân Cam Bốt.

Và kế đến đoàn xe tang di chuyển dọc bờ sông Bassac với đoàn người dài mấy cây số đi theo sau. Con sông Bassac này, mùa mưa thì chảy ngược về Biển Hồ, mùa nắng thì chảy về Việt Nam.

Biển Hồ vừa là một địa điểm nổi tiếng của xứ Chùa Tháp, vừa là một nguồn cung cấp thực phẩm lâu đời cho dân tộc Cam Bốt, và điều quan trọng hơn nữa, đó là một di tích lịch sử, nơi mà Hoàng Gia Norodom từng chọn làm nơi dung thân cách đây hơn 200 trăm năm, khi đang trên đường xuôi về hướng Đông để tránh người Thái tiêu diệt mà lúc đó họ đã xâm chiếm đế đô Angkor.

Sau khi đi hết đoạn đường chạy dọc theo con sông Bassac, đoàn xe tang rẽ trái về hướng trung tâm Phnom Penh, đi vòng qua ngôi chùa nổi tiếng nhất được xây cất trên ngọn đồi được gọi là Chùa Núi (Wat Phnom).

Rồi đoàn xe tang dài với hàng trăm phái đoàn theo sau gồm quân nhân, hướng đạo sinh các dân tộc thiểu số như người Khmer Islam, các tổ chức xã hội,…đi theo đại lộ thẳng đến Đài Độc Lập, nơi ghi dấu công trạng của cựu Hoàng đã nỗ lực tranh đấu để người Pháp trao trả nền độc lập về cho dân tộc Cam Bốt vào năm 1953.

Sau gần 4 giờ di chuyển, lúc gần 12 giờ trưa, đoàn xe tang lại về đến trước cổng chính Hoàng Cung, sau đó linh cữu được thang máy hạ xuống để theo cổng phụ thứ hai đi vào một ngôi đền nhỏ bên trong Hoàng Cung.

14 khẩu pháo được đặt dọc bờ sông Bassac, cách cổng chính Hoàng Cung độ hơn 100 mét đã bắn hàng loạt đạn vào phút này như để kính tiễn lần sau cùng vị lãnh đạo quốc gia khi linh cữu ông được nâng lên một giàn cao đặt trong ngôi đền. Tại đây đến ngày thứ Hai đầu tuần sau sẽ làm lễ hỏa táng với sự tham dự của nhiều vị nguyên thủ các quốc gia thân hữu như Thủ Tướng Pháp, Thủ Tướng Việt Nam, Thái, Lào, và Hoàng Thân Nhật.

3/ Công việc chuẩn bị 

Suốt 3 tháng qua, kể từ ngày cựu Hoàng Sihanouk qua đời, chỉ riêng trong Hoàng Cung đã rất bận rộn vì phải túc trực thường xuyên bên quan tài, cũng như đón tiếp rất nhiều đoàn khách viếng thăm, cả trong và ngoài nước.

Vào những ngày sắp hỏa thiêu ông, thủ đô Phnom Penh lại bước vào những hoạt động chuẩn bị ráo riết. An ninh được tăng cường ở mọi ngã đường, tại khu vực gần Hoàng Cung, các đoàn xe cứu thương phải chuẩn bị trong khả năng hạn chế của họ đối với các tình huống có thể xảy ra khi đoàn người tham dự lễ tang quá đông, nhất là phải đi bộ hơn 5 cây số trong khí trời nắng gắt.

Riêng những quân nhân được giao nhiệm vụ bắn đạn trọng pháo tiễn đưa cựu Hoàng thì phải tập dợt trước, và khu vực mà đạn pháo rơi xuống thì nằm ở bên kia bờ sông Bassac, cho nên phải cẩn thận, vì đó là khu vực miền quê có dân sinh sống.

Đội ngũ báo chí trong và ngoài nước cũng được dành cho cơ hội để lấy tin, thu hình, viết bài, và những đoàn làm phim truyền hình nhà nước phải đến trước vài ngày để xin đặt máy ở những địa điểm thuận tiện hầu có thể thu các hình ảnh tốt nhất từ cổng Hoàng Cung đến địa điểm tập họp của dân chúng và dọc theo con đường mà đoàn xe tang đi qua.

4/ Chi phí của tang lễ

Tất nhiên một tang lễ quá lâu và hi hữu nên rất tốn kém, ngân sách Hoàng Gia và nhà nước phải chi trả. Đây chỉ là một biệt lệ chưa từng có và sau này chắc cũng không có, vì cựu Hoàng Sihanouk là một nhân vật lịch sử có công khai phá nền độc lập cho Cam Bốt, và lại là một vị Vua đáng kính đối với thần dân trong nước ở thời điểm quá khứ kéo dài cho đến hiện nay.

Chưa thấy con số chính thức của Hoàng Gia công bố về toàn bộ chi phí lễ tang, nhưng có thể trên triệu Mỹ Kim.

Đối với một đất nước còn khó khăn như Cam Bốt, đây là số tiền không nhỏ. Tuy thế, quốc gia này cố gắng vượt qua để kính tiễn một nhà lãnh đạo hiếm có của họ trong thế kỷ 20.

Sau cùng điểm phải nói là người dân Cam Bốt đã biểu hiện tình cảm chân thật của riêng họ đối với vị lãnh đạo quốc gia quá cố.

Trên gương mặt từng người thể hiện nét u buồn, trầm ngâm, có người khóc lén, có người im lặng, có người cúi đầu suy tư, có người khóc lớn tiếng giữa đám đông nhưng tất cả là sự thật không giả tạo. Điều này rất khác với cảnh khóc giả dối, đập đầu, đập tay xuống đất gào thét theo lịnh truyền như đã diễn ra tại Bắc Triều Tiên, khi nhà lãnh đạo độc tài Cộng Sản qua đời.

Switch mode views: