Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh xử lý nhiều trang blog

Theo cổng thông tin của chính phủ Việt Nam thì văn phòng chính phủ đã phổ biến văn bản, qua đó, Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, phản ứng mạnh mẽ trước tình trạng ngày càng có nhiều trang mạng, blogs đăng tải nội dung bị cho là “chống đảng và nhà nước”.

Lý do?

Hôm thứ Tư 12 tháng 9 này, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý việc đăng tải thông tin có nội dung mà văn bản cho là “chống Đảng và Nhà nước”, cáo giác về tình trạng một số trang thông tin điện tử như: “Dân làm báo”, “Quan làm báo”,”Biển Đông”… cùng một số trang mạng khác đã đăng tải thông tin gọi là “vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật” nhằm “bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội”.

Văn bản này còn cho đây là “thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch”. Từ Hà Nội, blogger Nguyễn Hữu Vinh có nhận xét về những cáo giác này:

“Tôi nghĩ rằng văn bản thông báo có những trang này trang khác phổ biến những thông tin bịa đặt, xuyên tạc nhằm mục đích này, mục đích kia thì nói như thế là không phù hợp.

Bởi vì vấn đề là các trang mạng đó nếu đưa lên những nội dung không chính xác, thì hẳn độc giả người ta biết những cái gì đúng và những gì sai.

Điều nói rằng trang blog này trang mạng kia nói đúng hay là không đúng thì tôi nghĩ độc giả Việt Nam sẽ có nhận xét tốt hơn và chính những người đó sẽ đánh giá chính xác.

Điều thứ hai là nói rằng những trang đó đưa lên những vấn đề bịa đặt, xuyên tạc, do các nhóm thù địch này khác, thì tôi nghĩ điều đó phía chính quyền phải có trách nhiệm, có trách nhiệm ở chỗ là tại sao những thông tin gọi là thù nghịch, những thông tin gọi là bịa đặt như vậy thì được mọi người xem?

Nếu Việt Nam thực sự có tự do hoàn toàn, có được tự do báo chí, truyền thông để người dân nắm bắt những thông tin trung thực thì rõ ràng những trang kia không có chỗ đứng, bởi vì hơn 700 tờ báo nhà nước đã đáp ứng được nhu cầu thông tin của người dân.

quanlambao091212-305
Trang blog Quan Làm Báo

Nhưng ngược lại, nếu nhà nước không đáp ứng được thông tin của người dân thì là vấn đề khác.

Nói cụ thể, nếu văn phòng thủ tướng chính phủ đã đưa văn bản như vậy thì chính họ phải chứng minh được chỗ nào đúng, chỗ nào sai, sự thật ở chỗ nào, là như thế nào, thì điều đó hầu như người dân không nghe đến. Mà khi người dân không được nghe thì người ta phải tìm đến một con đường khác thôi.”

Đâu là sự thật

Theo văn bản vừa nói thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao cho Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Câu hỏi có lẽ cần được nêu lên là liệu lời đe doạ “điều tra, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm” – mà thực chất là họ chỉ nói lên sự thật – có thể ảnh hưởng tới các bloggers ra sao ? Blogger Nguyễn Hữu Vinh nhận xét:

“Tôi nghĩ bất cứ hành động nào ngăn chận việc nói lên sự thật thì đó là việc không thể làm được vào bất cứ lúc nào. Trước đây, giới cầm quyền bằng súng đạn, bằng nhiều cách khác nhau mà còn không làm được thì bây giờ lại càng không làm được.

Điều thứ hai, nói là để xử lý vấn đề này, vấn đề kia, thì tôi nghĩ rằng nếu là một nhà nước pháp quyền, có pháp luật, thì anh cứ thực thi đúng theo pháp luật, mọi vấn đề sẽ được giải quyết.

Nhưng từ chỗ anh không làm đúng pháp luật, thông tin không được minh bạch, không rõ ràng thì người dân sẽ tự tìm cách khác - không cách này thì cũng cách kia.

Người ta sẽ làm những điều đó. Tôi nghĩ các bloggers đã lên tiếng, đã nói lên sự thật thì có nghĩa là người ta chấp nhận sẵn sàng trả giá cho sự thật ấy”.

Qua văn bản này, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng ra lệnh Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan cung cấp thông tin mà theo ông Nguyễn Tấn Dũng là “khách quan, đúng sự thật về tình hình các mặt của đất nước ”.

Liệu những thông tin gọi là “khách quan, đúng sự thật” đó có thật sự “khách quan, đúng sự thật” không ? Blogger Nguyễn Hữu Vinh có ý kiến:

“Điều mà họ có đưa được những thông tin đúng sự thật hay không thì phải còn chờ. Nhưng từ trước đến nay thì tôi chưa thấy điều đó. Những tờ báo nhà nước mà đưa được sự thật thì có lẽ người dân cũng không phải vất vả vượt qua tường lửa để đi tìm sự thật.

Tôi nghĩ rằng vấn đề chỉ là nói, là chỉ đạo, chỉ thị; chứ còn  từ xưa tới nay vấn đề giới cầm quyền nói và làm là khoảng cách rất dài, không bao giờ ngắn lại và “nói và làm” đó không bao giờ gặp nhau.

Vì chúng tôi đã có kinh nghiệm như vậy, cho nên nghị quyết thì cứ nghị quyết, nghị định thì nghị định, công văn thì cứ công văn, nhưng việc làm là một khoảng cách dài”.

Ngăn cấm cán bộ đọc, nghe, xem…

Ông Nguyễn Tấn Dũng còn chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương lãnh đạo cán bộ, công chức, viên chức không xem, không sử dụng, không loan truyền và phổ biến các thông tin đăng tải trên các mạng mà ông cho là “phản động”.

Liệu chỉ đạo như vậy có tác dụng ra sao? Blogger Nguyễn Hữu Vinh nhận xét:

“Tôi thấy điều này khá hài hước. Hài hước tức là chỉ đạo người ta không xem, không tuyền truyền này khác thì tôi nghĩ rằng điều đó hơi lạ. Làm gì có chuyện anh có thể ngăn chặn những người có tư cách công dân của họ, họ có quyền cần thông tin, cần tự do ngôn luận, tự do này khác của họ.

Vậy thì vấn đề là anh phải làm sao đó để người ta nhận thức được rằng những thông tin mà anh chỉ trích là không đúng sự thật, còn thông tin của anh là đúng sự thật. Chứ không thể nói chuyện ngăn chận thông tin như thế được. Bởi vì cái não trạng của anh cách nào đó là của thế kỷ thứ 19 chứ không phải của thế kỷ 20 hay 21 như bây giờ.

Điều đó tôi cảm thấy rất lạ. Sao lại có chuyện cấm người ta tiếp cận thông tin? Họ phải có quyền tiếp cận thông tin, nhưng nếu thông tin nào không đúng thì người ta sẽ loại bỏ. Chứ làm gì có chuyện chỉ đạo người nọ, người kia không xem, không này khác thì tôi cho đó chỉ là chuyện hài hước thôi.”

Văn bản chỉ đạo của ông Nguyễn Tấn Dũng được đưa ra giữa lúc giới cầm quyền Việt Nam tiếp tục siết chặt báo chí, tăng cường kiểm soát Internet, gia tăng theo dõi các bloggers, khiến, trong thời gian qua, nhiều phóng viên và bloggers phổ biến quan điểm của họ, nhất là liên quan quốc nạn tham nhũng hay mối quan hệ Việt-Trung, đều bị Hà Nội sách nhiễu, bỏ tù

Switch mode views: