Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Các hãng Việt nhắc nhau ‘thận trọng khi làm ăn ở Trung Quốc’

VIỆT NAM (NV) -“Chính sách của họ thay đổi ‘xoành xoạch,’ nay vầy mai khác, nếu không cẩn thận và không khéo, các hãng Việt làm ăn ở Trung Quốc phá sản như chơi,” đó là nhận định tổng quát của hầu hết các thương gia Việt nhân dịp chuẩn bị đón Năm Mới 2013.

VN-thuonghieu

 

Thương hiệu thật và “nhái” vừa thua kiện. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)

 

Báo mạng VNEconomy dẫn lời của ông Trần Văn Bắc, tổng giám đốc công ty thương mại Sài Gòn nhiều lần nhắc lại rằng “cần hết sức thận trọng khi làm ăn với hãng Trung Quốc”.

Theo ông, thương buôn Trung Quốc thường ngã giá và “ngọt ngào” lúc đầu. Ðến giai đoạn nhận hàng, sau khi đã ký kết hợp đồng, họ dùng chiêu ép giá, khiến công ty Việt không kịp trở tay, liền sập bẫy của họ.

Ông Bắc cũng nhắc lại thực tế không ít nông dân Việt “khóc hận” vì sập bẫy “lừa” của thương buôn Trung Quốc. Những người này đến tận các vùng biển Việt Nam “trả giá cao các loại thủy hải sản” nhưng chỉ trả tiền đầy đủ lúc đầu. Sau đó, họ gom hết hàng rồi “cao chạy xa bay”.

Theo VNEconomy, bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Cộng Sản Việt Nam Cao Ðức Phát cũng nhìn nhận rằng nhiều vụ thương buôn Trung Quốc mua hàng, ghi nợ rồi trốn luôn thời gian qua.

Một nhà sản xuất Việt ở Sài Gòn còn tâm sự về việc phải đối phó với chính quyền địa phương ở Trung Quốc. Ông này nói: “Chúng tôi phải nộp thuế nhập cảng tới 35% cho chính quyền địa phương, rồi còn phải trả 10 nhân dân tệ trên mỗi sản phẩm để được cấp giấy chứng nhận hợp quy.”

VN-xuatcangTQ

 

Gạo cập cảng Trung Quốc mới bị ép giá. (Hình: Internet)

 

Theo ông, chính quyền địa phương Trung Quốc “lột sạch” lợi nhuận của các công ty sản xuất - thương mại Việt Nam, chứ không như chính quyền Việt Nam hầu như buông lỏng thị trường để hàng Trung Quốc “làm mưa làm gió” ở thị trường nội địa.

Ông này còn cho biết đã mở nhà máy trị giá $4.2 triệu để sản xuất khoảng 200,000 thiết bị đo lường mỗi năm tại tỉnh Quảng Tây.

Thế nhưng khi sản phẩm được bày bán thì xuất hiện bên cạnh vô số “đại lý” bán hàng “nhái” hàng của mình y như thật. Ông chép miệng than: “Nếu vác đơn đi kiện thì không xuể, nên thôi đành chấp nhận... sống chung với lũ vậy.”

Một thương gia Việt Nam khác cũng cho rằng đầu tư vào Trung Quốc còn rủi ro bởi chính sách của họ “thay đổi xoành xoạch, nay vầy mai khác”.

Trong khi đó, theo báo Tuổi Trẻ, vụ lần đầu tiên công ty Việt Nam thắng vụ kiện bị “nhái” thương hiệu tại Trung Quốc được coi là sự kiện “mới mẻ” cuối năm 2012 của giới sản xuất Việt Nam.

Tổng giám đốc Vinamit - Nguyễn Lâm Viên, kể cho biết đã bị chính nhà phân phối sản phẩm Vinamit “nhái” thương hiệu Ðức Thành của mình, vì ông không đăng ký thương hiệu tiếng Hoa. Nhà phân phối này tung ra thị trường sản phẩm tương tự mang tên Ðức Thành bằng tiếng Hoa, buộc ông Viên phải chuyển sang thương hiệu Vinamit. Theo ông, điều đó đã làm Vinamit mất thế cạnh tranh vì người tiêu thụ Trung Quốc chỉ quen thuộc với nhãn hiệu Ðức Thành.

Ông Nguyễn Lâm Viên cũng cho rằng, nhiều công ty Việt Nam bị tổn thất nặng nề vì vừa bán hàng cho Trung Quốc thì lập tức bị đối tác của mình ăn cắp mẫu mã, đăng ký sở hữu rồi làm sản phẩm giả bán ra với giá rẻ mạt.

Ông nói: “Xây dựng một thương hiệu riêng bằng tiếng Trung Quốc và đăng ký sở hữu ngay tức thì cũng chưa chắc có ăn. Những hàng hóa Việt bị làm giả, mà chúng ta không đủ tiềm lực theo đuổi vụ kiện, và không giành lại thị phần được thì kể như không còn đất sống ở Trung Quốc.” (P.L.)

 

Switch mode views: