Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

CSVN chống tham nhũng kiểu đánh trống bỏ dùi

HÀ NỘI (NV) - Tổng Bí Thư Ðảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã bị nhiều “cử tri” chất vấn về tình trạng tham nhũng là “một bộ phận không nhỏ” từng được ông cảnh cáo trước đây, bây giờ đang “nằm ở đâu” nhưng không được ông trả lời.

VN-NguyenPhuTrong

 

Tổng bí thư đảng CSVN tiếp xúc với cử tri ở Hà Nội bị chất vấn về tham nhũng. (Hình: Tiền Phong)

 

Không những không trả lời cho biết “bộ phận không nhỏ” tham nhũng “nằm ở đâu,” ông còn cho hay đụng đến nó là “đụng lợi ích nhóm” và “đụng tới sự tồn vong của đảng” tức là nguy cơ sụp đổ chế độ độc tài đảng trị tại Hà Nội. Thay vì chỉ ra chúng ở đâu, ông lại nói gây “thù oán” và “làm rối nội bộ.”

Rất nhiều báo nhà nước tại Việt Nam tường thuật cuộc tiếp xúc của vị tổng bí thư đảng CSVN với cử tri ở đơn vị Hà Nội mà ông cũng là một đại biểu Quốc Hội diễn ra sáng Thứ Bảy. Thông thường, những người gọi là cử tri được chọn lọc trong số các cư dân địa phương là đảng viên nghỉ hưu hay nhiều tuổi đảng và từng có vai vế cao, không phải ai muốn đến dự cuộc tiếp xúc cũng đều tự do đến.

Hầu như các báo lớn đều tường thuật những lời chất vấn của hàng chục “cử tri” về tình trạng tham nhũng vô cùng nghiêm trọng tại Việt Nam. Ðây là vấn đề từng có lần được nhiều đại biểu gọi là “quốc nạn” qua nhiều triều đại tổng bí thư với những luật phòng chống tham nhũng, nghị quyết hay chỉ thị buộc quan chức kê khai tài sản theo những chiến dịch rất rầm rộ rồi vẫn chẳng đi đến đâu.

“Tôi xin hỏi, bộ phận không nhỏ chiếm bao nhiêu phần trăm? Bộ phận không nhỏ ấy nằm ở đâu?

Trung ương bảo như vậy nhưng về các tỉnh thành chúng tôi chẳng thấy bộ phận không nhỏ ấy nằm ở đâu cả,” cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ, Ba Ðình) chất vấn ông Trọng. “...Nếu (đám quan chức tham nhũng lại là đại biểu Quốc Hội) mang tư tưởng của 48%, 70% vào nghị trường mà bỏ phiếu thì kết quả đi đến đâu?”

Một “cử tri” khác, tên Trần Viết Hoàn, chỉ trích cán bộ tham nhũng hiện nay của chế độ, “Lớp người này lấy đồng tiền làm cứu cánh, làm cái đà cho danh vọng, làm cái lọng che thân, làm cái cân cho công lý, làm cái cần cho lý trí và tiền với họ là hết ý. Vì vậy, đó là những kẻ quá giàu có, giàu hơn cả thời địa chủ, tư bản. Ðảng, nhà nước, và nhân dân coi đây là giặc nội xâm, giặc quốc nạn.”

Trước những chất vấn, thúc giục, và đả kích chính sách chống tham nhũng kiểu “đầu to đít teo” hay “đánh trống bỏ dùi” của đảng và nhà nước CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng thanh minh cho kết quả chính sách chống tham nhũng “không kỷ luật được ai cả” là vì “kỷ luật mà không tính kỹ sẽ trở nên xấu, mai kia lại thù oán, đối phó, thành phe phái, làm rối nội bộ,” theo báo Tiền Phong tường thuật.

Ông Trọng nêu ra cái sự thật phũ phàng của chống tham nhũng, “Chả bao giờ mình (kẻ tham nhũng) thấy khuyết điểm của mình đâu, chỉ thích ca tụng, vuốt ve thôi, nó khó như thế. Ðụng đến lợi ích là phản ứng, nhất là một khi lợi ích nhóm móc ngoặc với nhau thành đường dây vô cùng phức tạp.”

Lời thú nhận của ông tổng bí thư đảng CSVN tố cáo chế độ Hà Nội có những phe cánh trong nội bộ mà ngay cả tổng bí thư hay chủ tịch nước cũng phai “gờm,” không dám đụng chạm.

Ngày 16 tháng 1, 2012 ông Nguyễn Phú Trọng ký bản nghị quyết có tên là “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay,” trong đó nêu ra các giải pháp chống tham nhũng như là những võ khí chống “giặc nội xâm.”

“Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với đảng.”

“Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.”

“Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng.”

Bản nghị quyết của Hội Nghị Trung Ương 4 đảng CSVN mà ông Trọng ký, viết như vậy và còn minh định rõ, “Trong ba vấn đề trên, vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.”

Nay thì ông không những không thấy cái “bộ phận không nhỏ” đó ở đâu mà tỏ ra sợ cái “lợi ích nhóm,” sợ “rối nội bộ.”

Ông Nguyễn Phú Trọng cũng là một thành phần của “nội bộ” nên ông biết nó sẽ rối nên thoái thác chỉ ra “bộ phận không nhỏ” tham nhũng ở đâu mà nói nó “khó” và trừu tượng.”

Mới cách đây ít ngày, TTXVN tường thuật buổi “làm việc” của ông Nguyễn Phú Trọng với “cán bộ chủ chốt tỉnh Vĩnh Long” ngày Thứ Hai, 26 tháng 11, ông Trọng hô hào: “Cần phải có cơ chế phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chống lợi ích cá nhân, cục bộ, lợi ích nhóm.”

Ðến ngày Thứ Bảy, 1 tháng 12, tức chỉ sáu ngày sau, ông nói ngược lại.

Switch mode views: