Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-12-2019
- Thứ Hai, 23 tháng Mười Hai năm 2019 17:36
- Tác Giả: Anh Vũ
Tập Cận Bình mở chiến dịch "Trung Quốc hóa" kinh Thánh
Ảnh trích từ một đoạn vidéo không ghi ngày cho thấy vụ phá một nhà thờ Tin Lành ở Lâm Phần (Linfen), miền bắc Trung Quốc. China Aid Association / AFP
Gần ngày Noel, nhiều tờ báo Pháp đề cập đến chủ đề đạo Thiên Chúa. Nhật báo Le Figaro đưa độc giả đến Trung Quốc qua bài viết có hàng tựa gây sự tò mò :« Tập Cận Bình muốn viết lại Kinh Thánh theo đường lối của Đảng ».
Le Figaro cho hay, « từ giờ trở đi kinh Thánh sẽ phải tuân thủ theo kinh Mác-Lê pha trộn « màu sắc Trung Quốc » và các câu chuyện của Chúa Giê-su sẽ phải ở trong đường lối của đảng Cộng Sản ».
Bắc Kinh vừa mở cuộc tấn công mới nhằm « Trung Quốc hóa » tôn giáo.
Lần này họ nhằm vào các giáo lý, không chỉ của Thiên Chúa Giáo mà cả kinh Coran của Hồi Giáo cho đến những lời răn của Phật.
Theo Le Figaro, trong một hội nghị về tôn giáo hôm 6/11, chính quyền Bắc Kinh yêu cầu đại diện của các tôn giáo chính ở Trung Quốc phải sửa đổi các bản dịch dẫn chiếu kinh sách sao cho phù hợp với « đòi hỏi của thời kỳ mới ».
Có thể hiểu cái « thời kỳ mới » ở đây chính là « kỷ nguyên của Tập Cận Bình » với tư tưởng đã được đưa vào Hiến Pháp hồi năm 2018, tờ báo nhận xét.
Hội nghị nói trên, do ông Uông Dương, ủy viên thường trực Bộ Chính Trị, chủ tịch Ủy Ban Toàn Quốc Hội nghị Hiệp Thương Chính Trị Nhân Dân Trung Quốc, chủ trì.
Le Figaro trích dẫn báo cáo của hội nghị có đoạn : « Cần phải đánh giá lại toàn bộ các bản dịch hiện nay của các tôn giáo truyền thống. Những nội dung không phù hợp, cần phải sửa đổi và phải dịch lại các văn bản ».
Le Figaro cho biết thêm : Đại diện của các tôn giáo chính tại Trung Quốc đã được triệu tập để nghe truyền đạt thực thi các quyết định của Hội Nghị Trung Ương 4 của đảng Cộng Sản họp hồi cuối tháng 10, theo đó khẳng định vai trò tuyệt đối của hệ tư tưởng Cộng Sản đối với xã hội.
Trước các chức sắc tôn giáo ở Trung Quốc, ông Uông Dương nhấn mạnh « tầm quan trọng căn bản việc diễn giải các giáo lý và quy tắc tôn giáo là nhằm mục đích dần dần hình thành một hệ thống tư tưởng mang đặc sắc Trung Quốc ».
Tờ báo bình luận: Từ khi thành lập, nước Cộng Hòa Nhân Dân này đã giám sát chặt các tôn giáo, đưa họ vào khuôn khổ của các tổ chức « ái quốc », nhưng lệnh thay đổi thuyết giáo lần này đánh dấu một ngưỡng mới trong quyết tâm của Tập Cận Bình muốn bóp nghẹt mọi quan điểm đối lập với Đảng.
Tổ chức phi chính phủ đấu tranh về tự do tôn giáo trên thế giới Better Winter cho biết :
Chính quyền Trung Quốc căng khẩu hiệu tuyên truyền trên các nhà thời Hồi Giáo như trong vùng tự trị Ninh Hạ.
Gần đây, chân dung của Tập Cận Bình còn thay chỗ ảnh của Đức Mẹ Maria và trong một trường Công Giáo ở tỉnh Giang Tây.
Le Figaro cũng không quên nhắc đến tỉnh Tân Cương, nơi có hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang bị truy bức bằng đủ mọi hình thức.
Nhà sử học độc lập ở Bắc Kinh, Chương Lập Phàm, bản thân ông cũng bị chính quyền theo dõi, nhận định :
« Chế độ Cộng Sản là một giáo phái và họ nhìn Phật Giáo Tây Tạng, Công Giáo, Hồi Giáo như là những tư tưởng đối địch.
Gia tăng kiểm soát tôn giáo, trên thực tế đã bộc lộ nỗi lo sợ xã hội thoát khỏi tầm kiểm soát của họ ».Tuy nhiên một số nhà quan sát cảnh báo nguy cơ « gậy ông đập lưng ông đối với đảng Cộng Sản khi muốn mở rộng uy quyền sang địa hạt tín ngưỡng ».
Chuyên gia về tôn giáo Trung Quốc Nhậm Diên Lê (Ren Yanli) được Le Figaro trích dẫn nhận xét :
« Việc thắt chặt kiểm soát tôn giáo sẽ phản tác dụng như đã thấy trong nhiều thập kỷ qua. Chính quyền có nhiệm vụ lãnh đạo đất nước, kinh tế, xã hội chứ không phải lãnh đạo niềm tin. Một số lãnh đạo dường như không hiểu điều đó ».
Úc : Mùa hè rực lửa
Chuyển qua báo Libération. Tờ báo dành kín trang nhất cho bức ảnh đám cháy rừng rực lửa ở Úc trước một người lính cứu hỏa đang bất lực trước thảm họa.
Nước Úc đang bắt đầu mùa hè cực nóng và thiếu mưa vì thế mới xảy ra các vụ cháy rừng quy mô rộng lớn chưa từng thấy.
Báo Pháp nhìn tai họa đổ xuống Úc xa hơn nhiều một trận thiên tai địa phương.
Xã luận của Libération gọi đó là « thảm họa quốc tế ».
Tờ báo bình luận « Tương lai của chúng ta có sẽ như Úc không ? Những gì mà Úc đang phải hứng chịu liệu có là định mệnh chung ?
Trong khi người ta vẫn cố tìm những dấu vết của cuộc khủng hoảng khí hậu ở miền cực bắc địa cầu thì hậu quả của nó đang diễn ra nhãn tiền ở miền nam bán cầu.
« Nước Úc đang là tầm gương phóng to tương lai môi sinh cũng như chính sách về môi trường. Cũng giống như ở Brazil và Mỹ hay Nga, chính phủ Úc được lãnh đạo bởi một người thờ ơ với những mối nguy cơ của khí hậu, tồi tệ hơn đó còn là người phủ nhận những tác động của biến đổi khí hậu ».
Xã luận tờ báo viết tiếp: « Úc có số dân ít hơn Pháp ba lần nhưng lại phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều hơn.
Úc sử dụng năng lượng từ than đá là chính và chính phủ Úc không có ý định thay đổi căn bản tình trạng này.
Theo đầu người, Úc ở vị trí thứ 2 thế giới về phát thải ô nhiễm… vì thế mà nước này là một trong những nạn nhân chính » của biến đổi khí hậu.
Xã luận Libération kết luận: « Chính người lãnh đạo mù quáng, ngạo mạn với tư duy hoài nghi về khí hậu đang đặt nhân loại trong nguy hiểm ».
Pháp : Đình công biểu tình, xe đạp lên ngôi
Chuyển qua với thời sự Pháp. Sát đến kỳ nghỉ lễ, các cuộc tranh luận xung quanh dự án cải cách hưu bổng vẫn lác đác nhắc đến trên các mặt báo, trong khi mà các cuộc đình công đã giảm nhiệt.
Báo le Figaro đề cập đến một khía cạnh mới sau phong trào đình ở rộng khắp nước Pháp.
Tờ báo ghi nhận qua hàng tựa chính trang nhất : « Với đình công, xe đạp ngự trị trong thành phố ».
Do các giao thông công cộng bị tê liệt, không có phương tiện đi lại, trong các thành phố lớn giờ đây xe đạp giờ là phương tiện được mọi người ưa chuộng và dần trở thành xu hướng di chuyển trong các thành phố.
Từ là giải pháp để đối phó với đình công, xe đạp bắt đầu thuyết phục và hấp dẫn người dân đô thị Pháp.
Tờ báo ghi nhận như vậy là « một cuộc cách mạng nho nhỏ đã để lại dấu ấn » ít nhiều mang tính tích cực.
Riêng tại Paris, nhu cầu xử dụng thuê xe đạp Velib tăng 50%. Số lượng người dùng xe đạp tăng 250%.
Xu hướng sử dụng xe đạp sẽ còn tiếp tục kéo dài trong nhiều tuần trong giao thông đô thị Pháp.
Ở Paris giờ đây người ta thấy những dòng xe đạp ngược xuôi, mang dáng dấp của các thành phố như Amsterdam hay Copenhagen, những thủ đô xanh do ít phương tiện gây ô nhiễm nhờ xe đạp.
Noel Paris không nhà thờ Đức Bà
Vẫn về nước Pháp dịp Noel. Nhật báo le Parisien nói về Noel đầu tiên thủ đô Pháp không có nhà thờ Đức Bà.
Đây là hoàn cảnh chưa từng có từ 2 thế kỷ nay.
Những tín đồ, du khách từ khắp nơi trên thế giới đến Paris dịp Noel này sẽ không còn được được dự buổi thánh lễ nửa đêm 24/12 tại Nhà thờ Notre-Dame như mọi năm.
Tám tháng sau vụ hỏa hoạn thiêu rụi công trình lịch sử tôn giáo hàng đầu của Pháp, nhân dịp này tờ báo dành lời cho những người mà tờ báo gọi là những kẻ mồi côi Đức Bà.
Tất cả đều có chung một ước nguyện được sớm thấy lại Đức Bà.
Trong một bài báo khác, Le Parisien điểm lại câu chuyện tái thiết công trình xây dựng Nhà thờ này đầy căng thẳng, gây không ít tranh cãi, trong khi mà các nguồn tiền tài trợ tiếp tục ùn ùn đổ về cho đến tận kỳ Noel này.
Còn Libération thì cho biết, công trình phục dựng nhà thờ Đức Bà Paris sẽ chỉ có thể bắt đầu vào năm 2021, sau khi tháo gỡ hết hệ thống giàn giáo bảo vệ an toàn công trình.
Ngay cả công đoạn này cũng diễn ra hết sức phúc tạp và nhiều rủi ro.
Tuy nhiên tờ báo cho biết du khách khắp nơi, dù không thể đông như vốn thấy, vẫn đổ đến thăm Nhà Thờ Đức Bà trong dịp lễ năm nay.
Tuần trước bên ngoài tường chắn bảo vệ công trình, thành phố cho trưng bày những bức ảnh ghi lại những công đoạn phục dựng nhà thờ từ khi xảy ra vụ hỏa hoạn.
Tin mới
- Hồng Kông, Trung Đông, Bắc Phi và Nam Mỹ : Những thùng thuốc nổ năm 2019 - 26/12/2019 22:16
- Bình Nhưỡng chỉ trích Mỹ triển khai máy bay do thám đến bán đảo Triều Tiên - 26/12/2019 21:04
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-12-2019 - 26/12/2019 03:02
- Tuyệt vọng của người Kitô giáo ở Trung Đông, hố sâu chia cách về tôn giáo ngày càng lớn - 26/12/2019 01:02
- Hàng ngàn người dự Thánh lễ tại Bethlehem - 25/12/2019 19:05
- Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi bảo đảm an ninh cho vùng Trung Đông - 25/12/2019 18:52
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24-12-2019 - 25/12/2019 00:51
- Không khí Noel ở Paris có gì lạ - 24/12/2019 19:10
- Hồng Kông : Tọa kháng "Đêm im lặng" trong lễ Giáng Sinh - 24/12/2019 17:06
- Rumani tưởng niệm nạn nhân cuộc cách mạng lật đổ chế độ cộng sản 1989 - 24/12/2019 00:45
Các tin khác
- Châu Âu bất lực nhìn Mỹ và Trung Quốc chia nhau thế giới công nghệ - 23/12/2019 16:45
- Hồng Kông biểu tình lớn trong dịp Noël và Tết dương lịch - 23/12/2019 16:31
- Bắc Triều Tiên: Kim Jong Un họp Quân Ủy Trung Ương - 22/12/2019 19:45
- Bầu cử tổng thống Đài Loan: Thái Anh Văn dẫn đầu các cuộc thăm dò - 22/12/2019 19:15
- TT Trump ký luật trừng phạt công ty tham gia dự án Nord Stream 2 của Nga - 22/12/2019 02:49
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21-12-2019 - 22/12/2019 02:15
- Giao thông công cộng Pháp đình công mùa Noel : Kẻ khóc, Người cười - 22/12/2019 00:38
- Hải Quân Philippines cảnh báo về đề án sân bay có Trung Quốc tham gia - 22/12/2019 00:23
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-12-2019 - 20/12/2019 19:54
- Hồng Kông 6 tháng tranh đấu: Dân không lùi, chính quyền lộ rõ điểm yếu - 20/12/2019 17:37