Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chuyên gia Mỹ : Cả Obama và Trump đều khiến đồng minh không còn tin cậy vào Mỹ

 3 usa trump



Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Florida, ngày 07/12/2019.
REUTERS/Loren Elliott



Khi khởi động và tăng cường việc rút lui khỏi khu vực Cận Đông, các tổng thống Mỹ Barack Obama và Donald Trump làm Mỹ mất đi đòn bẩy để can dự vào các cuộc khủng hoảng đang diễn ra và làm mất đi lòng tin của các đồng minh.

Trên đây là nhận định của chuyên gia Mỹ về Cận Đông, Dennis Ross, trong bài phỏng vấn của báo Le Monde.

Bài viết đăng ngày 16/12/2019. Dennis Ross từng là đặc sứ Mỹ ở Cận Đông dưới thời các tổng thống George Bush cha, Bill Clinton và Barack Obama và hiện giờ ông là cố vấn của Washington Institute for Near East Policy.

Tại sao chính quyền Mỹ đương nhiệm rút lui khỏi Cận Đông ?

Donald Trump là hiện thân của chủ nghĩa biệt lập và đơn phương, những xu hướng này thường tái diễn trong lịch sử Mỹ.
Sau Đệ Nhất Thế Chiến, Mỹ đã thu mình lại với những hệ quả nặng nề.

 

Sau chiến tranh Việt Nam, Washington cũng chỉ tập trung vào công việc nội bộ.
« Hội chứng Việt Nam » kéo dài cho đến chiến tranh vùng Vịnh hồi năm 1991.

 

Lần này Mỹ rút lui khỏi Cận Đông sau khi đã can thiệp quân sự vào Afghanistan [2001] và Irak [2003]. Hệ quả của hai cuộc chiến này rất sâu đậm và ngày càng được xác thực.

Chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa đơn phương là những khái niệm gần gũi nhưng không hoàn toàn giống nhau.
Biệt lập khi lên đến mức độ cực đoan là có tư tưởng chủ hòa, từ chối mọi hành động can thiệp quân sự.
Đơn phương lại có nghĩa là từ chối liên minh và phủ định những điều ràng buộc mà các liên minh tạo ra, thay vào đó chỉ ưu tiên cho lợi ích ngắn hạn của mình.

Donald Trump đang theo cả hai chủ nghĩa biệt lập và đơn phương ?

Đúng như vậy. Donald Trump nhấn mạnh là Mỹ không cần hiện diện ở Cận Đông.
Theo chủ nhân Nhà Trắng, Hoa Kỳ đã phải chi tới 7.000 tỉ đô la vào khu vực này. Nhưng điều mà ông ấy khẳng định là thái quá : chi phí thực tế chỉ khoảng 2.000 tỉ đô la và như thế cũng đã là một khoản tiền rất lớn.

Theo thế giới quan của Trump, nếu Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ muốn xâm lược Syria thì cứ để họ làm vậy. Ông ấy đã nói thẳng điều này.
Sau những vụ tấn công các tàu dầu ở eo biển Oman (hồi tháng 06), Donald Trump đã viết trên Twitter :
 « Chúng ta không phụ thuộc vào dầu lửa từ Cận Đông, hãy để họ tự giải quyết vấn đề này ».

Đó cũng là ý kiến của đa phần dân chúng Hoa Kỳ, vốn đã chán ngấy việc Washington can thiệp vào Cận Đông với cái giá phải trả rất cao, cả về tiền bạc và con người, mà cũng không tạo ra những thay đổi tích cực.

Hậu quả của việc Mỹ rút lui là gì ?

Hậu quả nghiêm trọng nhất là sự trống vắng mà Mỹ gây ra. Thường thì sự trống trải này được lấp đầy bởi các lực lượng thù địch vốn là một mối đe dọa trực tiếp cho lợi ích của Mỹ và cho các đồng minh của Washington.
Điều này đồng nghĩa với việc cuối cùng Mỹ sẽ phải can thiệp trở lại trong một khoảng thời gian dài hơn, trong những điều kiện khó khăn và tốn kém hơn.

Sự rút lui của Mỹ sẽ phải làm cho cả châu Âu thức tỉnh.
Các nước châu Âu không thể nghĩ rằng Mỹ sẽ tham gia chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề như trước đây. Ả Rập Xê Út, Jordani, Ai Cập, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đang phải kín đáo tự giải quyết vấn đề với Israel.

Điều này chưa từng xảy ra trong quá khứ. Các nước này đánh giá là Nhà Nước Do Thái Israel là một yếu tố nền tảng trong cuộc chiến chống Hồi Giáo hệ Shia và chống ảnh hưởng của Iran, cũng như trong cuộc chiến chống Hồi Giáo cực đoan hệ phái Suni …
Các nước châu Âu cần theo kinh nghiệm của các nước nói trên.

Ông chỉ trích Mỹ thiếu chiến lược đối phó với Iran. Tại sao ông lại nói như vậy ?

Trump có xu hướng nhầm lẫn các biện pháp, đó là gây áp lực tối đa đối với Teheran thông qua trừng phạt hà khắc hơn, với các mục tiêu và các mục tiêu này lại không rõ ràng.
Chính quyền Mỹ có lý khi khẳng định Iran phải thay đổi thái độ về chương trình phát triển hạt nhân cũng như về chính sách trong khu vực và sẽ không có một thỏa thuận hạt nhân nào chừng nào Iran vẫn tiếp tục chính sách gây bất ổn.

Nhưng nếu mục tiêu là đạt được một thỏa thuận tốt hơn, thì đổi lại Téhéran sẽ được hưởng những gì ?
Không gì hết. Chính điều này đã khiến công luận có cảm giác là chính sách đó không phải nhằm thay đổi cách hành xử của Iran mà là thay đổi chế độ.

Không chỉ vậy, ngay trong nội bộ chính quyền Donald Trump cũng có nhiều quan điểm khác nhau.
Donald Trump, khác với nhiều cố vấn của ông, tìm cách để đạt một thỏa thuận mới, mà theo ông là tốt hơn thỏa thuận của người tiền nhiệm Barack Obama hồi năm 2015.

Đó cũng là suy nghĩ của các nước châu Âu tham gia thỏa thuận 2015, và là điều mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn đạt được, cho dù quan điểm về cách thức tiến hành của ông khác đồng nhiệm Mỹ …
Chính quyền Trump cho rằng thỏa thuận hạt nhân đáng tin cậy phải bao gồm cả nội dung về tên lửa đạn đạo và an ninh trong khu vực.

Tổng thống Pháp cố gắng kết hợp các chủ đề này thông qua đề xuất tái lập chế độ miễn trừ trừng phạt các nước nhập khẩu dầu thô chính của Iran, Téhéran tham gia trở lại thỏa thuận Vienna, thảo luận về tình hình trong khu vực và về một thỏa thuận hạt nhân dài hạn.

Tôi hiểu logic của Emmanuel Macron, ông ấy biết Trump muốn có một thỏa thuận còn Teheran thì cần thỏa thuận.
Tuy nhiên, cần phải rất rõ ràng, cụ thể với các nhà lãnh đạo Iran về những gì người ta mong chờ ở họ và phải thể hiện thái độ cứng rắn.

Cũng cần cho chính quyền Teheran thấy là chính sách trong khu vực của họ bị phản đối ở cả Liban, Irak cũng như ngay tại chính Iran.
Phải chăng sự rút lui của Hoa Kỳ không khiến Washington yếu thế hơn so với Téhéran trong việc tìm kiếm một thỏa thuận mới ?

Sự rút lui này khiến Iran cảm thấy mạnh mẽ hơn. Teheran biết rằng Donald Trump không muốn chiến tranh và « áp lực lớn nhất » mà Washington tạo ra trước hết là về kinh tế.
Mỹ không có những phản ứng mạnh sau vụ các cơ sở lọc dầu của Ả Rập Xê Út bị tên lửa Iran không kích hồi giữa tháng 09.

Ở miền đông bắc Syria, chính quyền Trump đã nhượng bộ các đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ và rút binh lính Mỹ khỏi khu vực biên giới hai nước Syria và Thổ trước khi Ankara cho tiến hành chiến dịch tấn công vùng này.
Chính quyền Cộng Hòa Hồi Giáo Iran tin rằng họ có thể gây áp lực để đạt được thêm nhiều điều và cuối cùng chính Mỹ sẽ muốn tiến tới đàm phán.

Việc Mỹ rút khỏi Cận Đông có phải là một bước ngoặt cơ bản ?

Vào năm 2021, có thể Trump sẽ không còn là chủ nhân Nhà Trắng. Điều đó không có nghĩa là chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ thay đổi hoàn toàn và Washington sẽ ngưng ý định rút lui khỏi Cận Đông.
Chúng ta không nên quên là chính Barack Obama đã bắt đầu tiến trình này.

Các chương trình tranh cử của những ứng viên phe Dân Chủ có liên quan đến chính sách đối nội thì rất phong phú, nhưng lại không rõ ràng về vấn đề này.
Nếu một trong những ứng viên thiên tả nhất thắng vòng sơ bộ, rồi đắc cử tổng thống, thì chính sách đối ngoại của họ cũng sẽ gần như chính sách của Donald Trump, chỉ với cách nói khác.
Nếu đó là một trong những ứng viên cánh trung như Joe Biden thắng cử, thì nền ngoại giao Mỹ sẽ trở lại với những quy tắc cơ bản.

Washington sẽ nhấn mạnh đến việc cần thiết phải giảm gánh nặng tài chính cho công tác phòng thủ của phương Tây, nhưng không chỉ trên phương diện tài chính.

Về quan điểm này, việc phản bội lực lượng Kurdistan vừa hèn hạ, đáng ghê tởm, vừa ngu ngốc, bởi vì không thể thắng Daech chỉ bằng các cuộc không kích mà cần có lực lượng ở thực địa.
Lực lượng Kurdistan đã chiến đấu và mất tới hơn 11.000 người, còn Mỹ mất 6 quân nhân.
Người Mỹ đã biết là điều quân ồ ạt tới Cận Đông như  Washington từng làm ở Irak là một sai lầm vô cùng lớn.

Bây giờ các nước đồng minh đều dè chừng đối Mỹ ?

Điều này là không thể tránh khỏi.
Sự tin cậy của các nước đồng minh đối với Mỹ đang giảm sút và sẽ kéo dài.
Không phải ngẫu nhiên Ả Rập Xê Út và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đều thiết lập kênh đối thoại trực tiếp với Iran.
Điều này không có nghĩa là họ cắt kênh liên lạc với Mỹ, các nước này vẫn hy vọng Mỹ sẽ luôn hiện diện.

Đối với Ả Rập Xê Út và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, họ tiếp tục dựa vào Mỹ nhưng họ cũng biết là không thể tin cậy vào Mỹ nữa.
Mỹ không còn được tin cậy để làm trung gian hòa giải trong các cuộc khủng hoảng tại các khu vực ?

Quả thực, Mỹ không còn giữ vai trò của người bảo lãnh, cũng như không còn là một đối tác công minh, chính trực nữa.
Không thể là một nhà trung gian hòa giải công minh nếu lợi ích của các bên không được tính đến và nếu kỳ vọng của họ không đạt được phần nào.

Không thể có một thỏa thuận nghiêm túc và bền vững giữa một bên được thỏa mãn tới 85 % còn bên kia chỉ được 15 %.
Các bên đều có thể tự nhủ là họ đã nhượng bộ một số điểm nào đó nhưng lại đạt được một số điểm khác.

Chúng ta cứ thử hình dung, chẳng hạn kế hoạch của chính quyền Trump về hòa bình giữa Israel và Palestine, « bản thỏa thuận thế kỷ » mà Nhà Trắng muốn đạt được, tốt hơn là thế giới mong đợi : cơ hội thành công của kế hoạch này hiện giờ rất thấp so với tình hình cách nay một năm, trước khi Mỹ rút quân khỏi miền đông bắc Syria.

Các bên liên quan muốn biết Mỹ sẽ đảm bảo những điều gì, nhưng những đảm bảo của Mỹ nay cũng không còn đáng tin cậy nữa, ít nhất là về phương diện an ninh.

Phải chăng việc Mỹ không còn được tin cậy đã bắt đầu từ thời Obama ?

Trump và Obama đều như nhau. Barack Obama đã không tôn trọng « lằn ranh đỏ » mà chính ông ấy đã vạch ra.

Tổng thống Syria Bachar Al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường [2013].
Né tránh điều đó, Obama như đã nói với tất cả mọi người là đừng có tin vào những gì nước Mỹ nói.

Khi Donald Trump bỏ rơi người Kurdistan, ông ấy đã đưa ra một thông điệp tương tự.
Sự khác nhau nằm ở chỗ trong trường hợp của Trump, lực lượng Kurdistan là những người đã chiến đấu đứng về phía Mỹ.

Chính quyền Obama trước đây khẳng định rằng nhờ có thỏa thuận với chế độ Damas dưới sự bảo trợ của Nga và Liên Hiệp Quốc, 90 % vũ khí hóa học của Syria cuối cùng đã bị phá bỏ.

 Đúng là như vậy. Nhưng điều cần thiết trong thế giới hiện nay, đó là cách nhìn nhận mọi chuyện.
Thông điệp còn đọng lại là mọi người không thể tin tưởng vào những lời hứa của Obama để có thể cam kết bất cứ điều gì.

Còn về Donald Trump, cảm giác nói chung là ông ấy sẵn sàng bỏ rơi và phản bội các đồng minh.
Cảm giác này chắc chắn sẽ không thay đổi trong « một sớm một chiều ».

 

Switch mode views: