Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc lo ngại bị gạt ra ngoài đàm phán hạt nhân Bắc Triều Tiên

missiles-festival Korea

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (Phải) tiếp ông Tống Đào phụ trách đối ngoại đảng Cộng Sản Trung Quốc tại Bình Nhưỡng ngày 17/04/2018.
Ảnh : KCNA/ Reuters

Quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng càng nồng ấm, thượng đỉnh Donald Trump- Kim Jong Un càng cận kề, Trung Quốc càng tăng tốc các hoạt động ngoại giao để giữ vai trò trung tâm trên hồ sơ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Giới quan sát tại Bắc Kinh lo ngại trước khả năng Trung Quốc "bị loại" khỏi tiến trình hòa đàm trên bán đảo Triều Tiên.

Trong suốt thời gian từ 2003 đến 2009 Bắc Kinh đóng vai trò trọng yếu trong các vòng hòa đàm sáu bên về hạt nhân Bắc Triều Tiên, Trung Quốc không ngừng kêu gọi Hoa Kỳ đối thoại trực tiếp với chế độ Bình Nhưỡng.

Nhưng khi tổng thống Donald Trump thông báo sẽ họp thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un trong những tuần lễ sắp tới, và khi mà hai nguyên thủ Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên ra tuyên bố chung cam kết "sẽ kết thúc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên", dường như bài toán của Bắc Kinh trở nên phức tạp hơn.

Dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy là Trung Quốc đang tăng tốc các hoạt động ngoại giao để duy trì ảnh hưởng với Bình Nhưỡng.
Lo ngại đầu tiên của Bắc Kinh liên quan đến mối quan hệ trong tương lai giữa Seoul và Bình Nhưỡng.

Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trong ấn bản ngày 29/04/2018 trích dẫn một nguồn tin ngoại giao từ Seoul nêu lên khả năng Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đang có kế hoạch từng bước "pha loãng" ảnh hưởng của Trung Quốc.

Theo một nhà phân tích khác của Trung Quốc được báo chí Paris trích dẫn hồi tháng 3 năm nay, Bắc Kinh vẫn biết rằng chế độ Kim Jong Un không thể tồn tại nếu không có được một điểm tựa vững chắc là Trung Quốc.

Bằng chứng rõ rệt nhất là trước khi dự thượng đỉnh Liên Triều ở Bàn Môn Điếm, lãnh tụ Bắc Triều Tiên đã sang tận Bắc Kinh hội kiến với ông Tập Cận Bình.
Có điều, Trung Quốc dường như không còn tự tin về ảnh hưởng của mình với ê kíp lãnh đạo hiện thời ở Bình Nhưỡng.

Một tiếng nói khác là nhà nghiên cứu Trương Liên Quý (Zhang Liangui), thuộc Trường Đảng Bắc Kinh cũng e rằng Trung Quốc sẽ bị gạt ra ngoài tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, bởi vì theo nhà quan sát này, bộ Ngoại Giao Trung Quốc từng quan niệm rằng trên hồ sơ nóng bỏng này, Bình Nhưỡng và Washington cần mở kênh đối thoại trực tiếp.
 Giờ đây, khi kịch bản đó xảy ra Trung Quốc lại bị hụt hẫng.

Một nhà sử học nổi tiếng của Trung Quốc, giáo sư Thẩm Chí Hoa (Shen Zhihua) trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây trên đài phát thanh Hoa Kỳ, đã trực tiếp nêu lên kịch bản ảnh hưởng của Bắc Kinh bị thu hẹp nhất là một khi mà tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã trực tiếp đối thoại với nhau.

Đôi bên có thể đạt tới một thỏa thuận theo kiểu như là Washington công nhận Bắc Triều Tiên là một quốc gia có vũ khí nguyên tử nhưng đổi lại thì Bình Nhưỡng tử bỏ các chương trình tên lửa tầm trung và tầm xa, có thể đe dọa tới an ninh của bản thân Hoa Kỳ.

Trong khi đó, điều mà Trung Quốc muốn đạt được là bán đảo Triều Tiên không còn vũ khí hạt nhân, tức là Mỹ cũng sẽ rút ô dù hạt nhân đang được dùng để bảo vệ các đồng minh của Washington trong khu vực đông bắc Á.
Trước mắt, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Trump là ông John Bolton đã bác bỏ kịch bản này.

Do vậy, chuyên gia thuộc Viện Nghiên Cứu Khoa Học Xã Hội ở Liêu Ninh, ông Lục Siêu (Lu Chao) cho rằng, trong mọi trường hợp, Trung Quốc phải là một trong những tác nhân chính trong tiến trình đàm phán về Bắc Triều Tiên.

Switch mode views: